Hội thảo quốc tế “Tranh tụng trong giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế”

Sáng nay (6/8), tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Quốc tế: Tranh tụng trong giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Sự cần thiết tổ chức Hội thảo

Tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế (theo nghĩa rộng gồm cả tranh chấp kinh doanh, thương mại), được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia và pháp luật quốc tế.

Ở Việt Nam, nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử” lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 103) và các luật về tố tụng tư pháp. Tuy nhiên trên các diễn đàn khoa học pháp lý tranh tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng trọng tài ít được quan tâm so với tranh tụng trong tư pháp hình sự. Bên cạnh đó, nhu cầu luật sư có khả năng tranh tụng quốc tế của Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thấy rõ điều đó, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) khi mở Ngành đào tạo Luật kinh tế đã xác định mục tiêu đào tạo ra các cử nhân, sau những năm tháng được đào tạo, bồi dưỡng, trải nghiệm và cọ xát thực tiễn, sẽ trở các thành luật sư có khả năng tranh tụng quốc tế.

Vì vậy, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phối hợp Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế "Tranh tụng trong giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế ".

PGS,TS Nguyễn Tất Viễn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý điều hành Hội thảo

Hội thảo nhằm mục đích:

1) Thông qua trình bày của các nhà khoa học, các luật sư và các nhà hoạt động thực tiễn, thúc đẩy nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và khả năng tiếp cận của sinh viên SIU đối với giải quyết tranh chấp tại tòa án và trọng tài, nâng cao chất lượng đào tạo của SIU trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

2) Chia sẻ thông tin, phát triển mạng lưới học thuật, tăng cường hợp tác của SIU với các cơ quan, tổ chức, các cơ sở đào tạo luật trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

3) Kết quả Hội thảo, trong đó có nhiều kiến nghị của các tác giả sẽ được chuyển đến các cơ quan hoạch định và tổ chức thực thi chính sách trong lĩnh vực tư pháp và trọng tài.

Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài tham luận khoa học pháp lý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, luật sư trong và ngoài nước bao gồm 3 nhóm chuyên đề: 1) Nghiên cứu, trao đổi về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế và 2) Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại để tránh rủi ro và tranh chấp; 3) Kỹ năng, thực tiễn, kinh nghiệm của luật sư, trọng tài viên khi tham gia giải quyết tranh chấp.

Hội thảo kết hợp trực tiếp và trực tuyến

Các bài tham luận được trình bày tại Hội thảo không chỉ đưa ra các góc nhìn lý luận, thực tiễn để hoàn thiện pháp luật Việt Nam liên quan đến tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài (Như bài viết “Tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam, những quy định pháp luật tố tụng và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn” của Th.S Tống Anh Hào, Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) mà còn đóng góp rất chi tiết và cụ thể các kinh nghiệm thực tiễn và chia sẻ các kỹ năng của những luật sư Việt Nam khi tham gia giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế. Như bài viết “Kỹ năng tranh tụng của Luật sư trong các vụ tranh chấp có yếu tố quốc tế” của TS.LS Lưu Tiến Dũng - Thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; bài viết của GS.TS. Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM “Sự hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp ở Việt Nam”. Về phía diễn giả quốc tế, GS.Elizabeth Porter, Q. Hiệu trưởng Trường Luật, Đại học Whasington (Hoa Kỳ) trình bày tham luận “Tòa án tối cao với tư cách là Tòa án kinh doanh (với ý nghĩa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thương mại); GS. Xuân Thảo-Nguyễn - Giám đốc Trung tâm luật Châu Á, Trường Luật, Đại học Washington (Hoa Kỳ) trình bày tham luận “Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ở Hoa Kỳ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ và các đại biểu
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Minh Hồ

...
  • Tags: