Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. Ảnh: VGP
Văn bản nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023 và văn bản số 513/TTg-TH ngày 05/6/2023 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
Đến ngày 01/7/2023, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan. Theo đó, trong tổng số 1.192 kiến nghị, đề xuất được phản ánh đã gửi đến các bộ, cơ quan, qua rà soát, số kiến nghị, đề xuất thực tế nhận được là 1.038 kiến nghị, đề xuất.
Đến nay, các bộ, cơ quan liên quan đã giải quyết 769/1.038 kiến nghị, đề xuất (đạt tỷ lệ 74%); còn 269/1.038 kiến nghị, đề xuất đang tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết (chiếm tỷ lệ 26%). Một số bộ, cơ quan đã giải quyết, trả lời 100% số kiến nghị, đề xuất nhận được, như: Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Một số bộ, cơ quan có số lượng kiến nghị, đề xuất nhận được lớn và có tỷ lệ giải quyết, trả lời cao, như: Kế hoạch và Đầu tư (161/177 đạt 91%), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (78/87 đạt 90%), Tài chính (148/200 đạt 74%). Các bộ, cơ quan cam kết sẽ khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời, hướng dẫn đối với những kiến nghị còn lại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao các bộ, cơ quan trong thời gian qua đã quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong rà soát, giải quyết, hướng dẫn, trả lời các kiến nghị, đề xuất được gửi đến; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành và cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác này dẫn đến còn các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan chưa giải quyết, trả lời kịp thời; còn tình trạng bỏ sót, bỏ quên các kiến nghị, đề xuất không được giải quyết.
Khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ, không xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan gửi đến
Thời gian tới, để phát huy kết quả tích cực đã đạt được, đề cao tinh thần, trách nhiệm của các bộ, cơ quan trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ, không xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan gửi đến; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương và Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023 về khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; theo dõi, chỉ đạo sát sao để xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan bảo đảm kịp thời, đúng hạn; không để chậm trễ, bỏ sót, không để ách tắc công việc tại bộ, cơ quan mình. Xác định việc giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời kịp thời, đúng hạn các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là tiêu chí quan trọng trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành nhưng đến nay chưa giải quyết xong, phải tập trung, khẩn trương giải quyết ngay hoặc nếu chưa giải quyết được thì phải trả lời, hướng dẫn rõ ràng cho địa phương, bộ, ngành trước ngày 15/7/2023; không để chậm trễ hơn nữa.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành:
- Phải có ngay văn bản chuyển cơ quan có thẩm quyền và thông báo cho địa phương, cơ quan có kiến nghị, đề xuất biết hoặc gửi trả lại văn bản và trả lời, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.
- Trường hợp thuộc chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhưng vượt thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan, phải khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định, không để chậm trễ, kéo dài; đồng thời thông báo cho địa phương, cơ quan có kiến nghị, đề xuất biết.
Phối hợp với địa phương, cơ quan liên quan rà soát các nội dung kiến nghị, đề xuất được địa phương, cơ quan phản ánh nhưng không nhận được văn bản; khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền và quy định đối với những kiến nghị, đề xuất này sau khi nhận được.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có kiến nghị, đề xuất chủ động, tích cực giải quyết các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định. Khi gửi kiến nghị, đề xuất phải nghiên cứu, rà soát kỹ để gửi đúng bộ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan theo quy định để bộ, cơ quan có đủ cơ sở xem xét, giải quyết.
Sau khi gửi kiến nghị, đề xuất phải chủ động phối hợp, trao đổi thường xuyên, tích cực đôn đốc các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết; trường hợp cần thiết, đề nghị làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất theo quy định.
Hằng tháng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan chưa được các bộ, ngành giải quyết kịp thời (nếu có).
Văn phòng Chính phủ chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị, đề xuất của các địa phương, cơ quan; trường hợp cần thiết, tổng hợp, báo cáo đề xuất Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách xem xét, có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành./.