Tối ngày 16 tháng 3, tại khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, phối hợp tỉnh Kon Tum tổ chức Khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Trường Sơn – Tây nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022, với chủ đề “ Trường Sơn - Tây Nguyên đoàn kết, bản sắc và phát triển”.
Bà Trịnh Thị Thúy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đọc diễn văn khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022.
Tham dự Liên hoan Diễn xướng có 850 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 20 tỉnh, thành phố trong cả nước đem đến trình diễn nhiều chương trình đặc sắc. Với mục đích bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên và đại diện một số dân tộc anh em trên toàn quốc. Đây là dịp để người dân các tỉnh phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, góp phần gìn giữ và tôn vinh các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh. Đồng thời, cũng là hoạt động quảng bá thiết thực, nhằm sớm đưa ngành Du lịch các tinh phục hồi và phát triển trong bối cảnh thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, người dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Các đại biểu ấn nút Khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022.
Bà Trịnh Thị Thúy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III đã vượt tầm cấp khu vực. Với hi vọng mở ra một đại cảnh muôn sắc màu văn hóa, khoáng đạt thinh không, kết nối quá khứ và hiện tại, góp phần khắc họa vùng đất Tây Nguyên ngập tràn nắng gió trọn vẹn một miền xuân cổ tích. Các đơn vị tỉnh, thành đại diện cho: Thổ Hà một cõi - Miền đá nở hoa - Mường trời tiên cảnh - Miền hoa tinh khiết tới Miệt vườn sông nước Cửu Long… Từ hai đầu Tổ quốc, đường xuân một lối, hội tụ về Măng Đen, giữa rừng già Trường Sơn hùng vĩ, trong vòng tay thiên nhiên để nghe tiếng thông reo quyện trong khói chiều lan tỏa. Tất cả cùng phấn khích với phong tục tập quán, tín ngưỡng kết nối với hội lễ dân gian bằng các hoạt động rước biểu tượng (totem), trình diễn nghi thức, các màn diễn xướng dân ca, dân vũ, trang phục lộng lẫy và rồi cùng nhau thể hiện sức mạnh trai tài, gái đảm. Các hoạt động diễn ra tại Liên hoan hàm chứa trong đó ý nghĩa của văn hóa, của nghệ thuật, của ăn mặc và thể chất tạo nên mối gắn kết cộng đồng, sự hưng phấn tột độ của cả người trình diễn lẫn người thưởng lãm. Có thể nói văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam chính là sức mạnh tinh thần, trải qua hàng ngàn năm gìn giữ bóng Việt. Vì vậy một đời tâm huyết thử hỏi: Ta không yêu quê hương, nghĩ về quê hương và cảm về quê hương sao được ?.
Đông đảo người dân, du khách tham dự Khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí VNHN, Ông Nguyễn Ngọc Sâm, phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Kon Tum nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, cùng với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng như Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen – huyện Kon Plông đã được định hướng trở thành Khu du lịch Quốc gia; Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận “Vườn Di sản ASEAN” về bảo Tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học. Đặc biệt, với lợi thế nằm ở ngã ba Đông Dương cùng với sự phát triển của cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Kon Tum là điểm kết nối, điểm trung chuyển quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông -Tây trong tiến trình phát triển thương mại, đầu tư du lịch; đồng thời, là địa phương có 43 dân tộc anh em, trong đó có 07 dân tộc thiểu số tại chỗ gồm Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, B’râu, Rơ Măm và H’Rê với truyền thống văn hóa các dân tộc đa dạng, đặc sắc;... Đây là tiềm năng lớn đã, đang và sẽ là địa chỉ, điểm đến "trải nghiệm văn hóa - khám phá thiên nhiên" không thể bỏ qua của du khách và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022.
Để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế hiện có, Tỉnh Kon Tum đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường liên kết phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, ... dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Kon Tum đã có hơn 223 di tích, trong đó, có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 04 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Bảo quản gần 2.000 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các dân tộc thiểu số; sưu tầm tái hiện, phục hồi nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu, khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc được chú trọng. Các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ Ét Đông của người Ba Na Di Lâng ở huyện Kon Rẫy mới được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia; Hát K’đò, Đọ Ka Panh, Cha Pơ Le của dân tộc Giẻ - Triêng, điệu Ting Ting, hát A Cheo của dân tộc Xơ Đăng; Gia Rai, Ba Na có điệu H’rí, H’Vơng, … được người dân và cộng đồng làng gìn giữ và trao truyền.
Để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế hiện có.
Đây là những kết quả đạt được từ sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum cũng như sự quan tâm, hướng dẫn giúp đỡ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành trung ương và sự hỗ trợ của các nhà khoa học, những người yêu mến và trân trọng các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tỉnh Kon Tum đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường liên kết phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Trường Sơn – Tây nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 3 năm 2022./.
Những tiết mục của các đoàn trong đêm khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022: