Để đặc trưng này trở thành giá trị trong thực tiễn, giải pháp lập pháp là rất quan trọng. Bài viết phân tích một số điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, góp phần bảo đảm tư pháp độc lập.
Trụ sở TAND tối cao. Ảnh: VNE
1. Mở đầu
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2024 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 24-6-2024, có hiệu lực ngày 01-01-2025.
Luật Tổ chức TAND năm 2024 có 9 chương, 15 điều. Về số lượng, so với Luật Tổ chức TAND năm 2014 (có 11 chương, 98 điều), giảm 2 chương, tăng 54 điều. Tuy nhiên, xét cụ thể về cấu trúc, so với Luật năm 2014, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung 2 chương mới (Chương III về Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia và Chương VII về Tổ chức xét xử) và 52 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.
Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã có một số thay đổi, thể hiện tư duy và kỹ thuật lập pháp hiện đại, theo hướng ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ và logic hơn so với Luật Tổ chức TAND năm 2014. Đặc biệt, việc sửa đổi 93 điều và quy định mới 52 điều là những giải pháp lập pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Đảng ta đã xác định trong các nghị quyết chuyên đề về cải cách tư pháp như: Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 2-01-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 27 - NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Những giải pháp lập pháp này đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần bảo đảm cho tư pháp độc lập (một trong ba trọng tâm của Nghị quyết số 27 - NQ/TW) và phù hợp với thông lệ quốc tế.
2. Nội hàm quyền tư pháp
Nội hàm quyền tư pháp đã được xác định lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013, ba nhánh quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được giao cho các chủ thể cụ thể tổ chức thực hiện: quyền lập pháp giao cho Quốc hội (Điều 69); quyền hành pháp giao cho Chính phủ (Điều 94); quyền tư pháp giao cho TAND. Khoản 1, Điều 102 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ vị trí, tính chất pháp lý của ba thiết chế chủ yếu tạo thành bộ máy nhà nước đó là Quốc hội, Chính phủ và TAND. Tuy nhiên, đó chỉ là những quy định mang tính nguyên tắc (tầm Hiến pháp - đạo luật gốc, đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất). Hiến pháp chỉ dừng ở việc quy định, quyền tư pháp do Tòa án thực hiện. Còn quyền tư pháp có nội dung gì, phạm vi đến đâu là nhiệm vụ của các luật có liên quan mà ở đây là Luật Tổ chức TAND.
Luật Tổ chức TAND năm 2014 được ban hành có nhiệm vụ cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, có những nội dung liên quan đến tư pháp đã được Hiến pháp năm 2013 quy định nhưng chưa được cụ thể và chi tiết, chẳng hạn nội hàm quyền tư pháp, hay nói cách khác, Luật 2014 chưa đưa ra được định nghĩa lập pháp về quyền tư pháp. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc xác định nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND trong hoạt động thực tiễn.
Để khắc phục thiếu sót này, TAND tối cao, cơ quan chủ trì dự thảo Luật 2014 (sửa đổi) đã xác định quyền tư pháp là một trong những nội dung chính tập trung lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học với hai ý: Có nên đưa nội hàm quyền tư pháp vào trong luật không? và nếu đưa thì nội dung quyền tư pháp là gì? Kết quả: khoản 1, Điều 3 Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định: “TAND thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Việc quy định rõ, cụ thể nội hàm quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bảo đảm thống nhất về nhận thức cũng như xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của TAND.
3. Điều chỉnh thẩm quyền của Tòa án nhân dân
Loại bỏ những thẩm quyền không thuộc chức năng xét xử của TAND
Chủ trương nhấn quán của Đảng ta trong công cuộc cải cách tư pháp, đó là: Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND (nhiệm vụ thứ hai, Nghị quyết số 49 - NQ/TW). Nghị quyết số 27 - NQ/TW tiếp tục khẳng định: “Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp... Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền Hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”.
Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, phù hợp với yêu cầu của tố tụng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, Luật năm 2024 đã bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 3 Luật Tổ chức TAND năm 2014: “khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”. Trong bất kỳ mô hình tố tụng hình sự nào cũng đều tồn tại các nhu cầu đặt ra cần phải giải quyết đó là: truy tố tội phạm và người phạm tội; bào chữa của bị can, bị cáo hoặc luật sư của bị can, bị cáo; xét xử của Tòa án. Từ đó sẽ hình thành 3 chức năng trong tố tụng, đó là: buộc tội, gỡ tội và xét xử. Mỗi chức năng phải xác định rõ chủ thể thực hiện với phạm vi thẩm quyền rõ ràng.
Theo lý luận về tố tụng hình sự, khởi tố vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của chủ thể thực hiện chức năng buộc tội (ở Việt Nam là cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân). Thế nhưng, pháp luật Việt Nam quy định thẩm quyền này cho cả TAND thực hiện. Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã khắc phục được hạn chế nêu trên.
Giới hạn thẩm quyền không thuộc chức năng xét xử của Tòa án
Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính là quyền của Tòa án được Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định. Cụ thể khoản 4, Điều 2 quy định: “Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng”.
Theo quy định này, Tòa án có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ khi thấy cần thiết, không phụ thuộc vào yêu cầu hỗ trợ từ các bên tham gia tranh chấp. Sở dĩ có quy định như vậy là vì pháp luật Việt Nam (luật tố tụng) quy định Tòa án là cơ quan chứng minh. Để chứng minh cho quan điểm của mình thì Tòa án phải thu thập tài liệu, chứng cứ làm cơ sở cho việc chứng minh.
Trong tố tụng dân sự theo nghĩa rộng có nguyên tắc chủ đạo, đó là nghĩa vụ chứng minh thuộc trách nhiệm của các đương sự tham gia tranh chấp. Tòa án thực hiện chức năng xét xử, không có nghĩa vụ chứng minh tranh chấp. Nếu Tòa án tiến hành chứng minh khó có thể bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan trong xét xử. Vì chứng cứ Tòa án thu thập có lợi cho bên A thì bên B sẽ nghi ngờ sự vô tư, khách quan của Tòa án và ngược lại. Tòa án phải “đứng thẳng”, không nghiêng về bất kỳ bên nào, có như vậy mới bảo đảm khách quan trong phán quyết.
Để trả lại đúng nhiệm vụ, quyền hạn cho các chủ thể thực hiện các chức năng trong tố tụng, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã không trao quyền chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nữa mà quyền này bị giới hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, khoản 3, Điều 15 quy định: “Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định pháp luật khi có yêu cầu của Tòa án”.
Theo quy định này, có thể hiểu Tòa án chỉ thực hiện quyền thu thập tài liệu, chứng cứ khi pháp luật cho phép và cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án trong những trường hợp pháp luật quy định. Trước khi Luật Tổ chức TAND năm 2024 có hiệu lực (ngày 01-01-2025), TAND tối cao có trách nhiệm ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2024, trong đó có nội dung trường hợp nào Tòa án có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ.
Về thẩm quyền trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân điều tra bổ sung của Tòa án vẫn tiếp tục được quy định trong Luật Tổ chức TAND năm 2024. Điểm i, khoản 2, Điều 23 quy định: “Trả hồ sơ yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra bổ sung”. Đa số các nước trên thế giới đều không quy định thẩm quyền này cho Tòa án sơ thẩm. Ở nước ta, khi xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức TAND năm 2024, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tố tụng hình sự đều cho rằng cần loại bỏ thẩm quyền này của Tòa án vì trong tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm và người phạm tội thuộc về Viện Kiểm sát nhân dân (chủ thể buộc tội). Nếu Viện Kiểm sát không đủ chứng cứ để chứng minh thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử và tuyên vô tội. Sự thật trong tố tụng hình sự là sự thật pháp lý, rất khó để đi đến sự thật khách quan (một người phạm tội thật nhưng không chứng minh được lỗi của họ thì phải tuyên họ vô tội). Bên cạnh đó, quy định thẩm quyền này cho Tòa án sẽ khó khăn hơn trong việc bảo đảm nguyên tắc xét xử kịp thời. Thực tiễn đã chứng minh công lý chậm trễ là công lý bất công, công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối.
Bổ sung mới một số thẩm quyền cho Tòa án
Điển hình là thẩm quyền giải thích pháp luật trong xét xử. Điểm đ, khoản 2, Điều 3 Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định: “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”. Đây là thẩm quyền mới, lần đầu tiên quy định cho TAND. Trong thời gian tới, TAND tối cao cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, giải thích rõ điểm đ, khoản 2, Điều 3 để có cách hiểu thống nhất, tránh nhầm lẫn với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định cho duy nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.
4. Thay đổi tổ chức bộ máy của Tòa án
Điều 3 - Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định hệ thống TAND gồm:
1. TAND tối cao;
2. TAND cấp cao;
3. TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
4. TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương;
5. Tòa án quân sự.
Nghị quyết số 49-NQ/TW khẳng định: “Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Tiếp tục chủ trương này, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định độc lập tư pháp là một trong tám đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và đây cũng là một trong ba trọng tâm Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có: “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Đảng, Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định về hệ thống bộ máy TAND phù hợp với quan điểm của Đảng và yêu cầu của đất nước trong tình hình mới. Cụ thể khoản 1, Điều 4 quy định: Tổ chức của TAND bao gồm:
a. TAND tối cao;
b. TAND cấp cao;
c. TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d. TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
đ. TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm chuyên biệt phá sản;
e. Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.
Như vậy, với Luật Tổ chức TAND năm 2024, tổ chức bộ máy của TAND có thêm một cấp Tòa án mới, đó là Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản. Điều này này là cần thiết, bởi xã hội càng phát triển, các tranh chấp trong đời sống xã hội cũng ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô và tính phức tạp. Một trong những số đó là các tranh chấp về hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản doanh nghiệp. Đây là những tranh chấp không mới ở những nước phát triển, nhưng với Việt Nam - nước đang phát triển, đó là những quan hệ tương đối mới mẻ và phức tạp.
Để giải quyết kịp thời, hiệu lực, hiệu quả các tranh chấp trong những lĩnh vực này cần phải xây dựng, tổ chức Tòa án chuyên biệt, với đội ngũ thẩm phán được đào tạo bài bản, có hệ thống, có kiến thức chuyên sâu về những lĩnh vực này mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đất nước trong tình hình mới. Quy định về tổ chức TAND trong Luật TAND năm 2024 chính là lời giải.
5. Quy định liên quan đến thẩm phán
Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định thẩm phán gồm 4 ngạch:
- Thẩm phán TAND tối cao;
- Thẩm phán cao cấp;
- Thẩm phán trung cấp;
- Thẩm phán sơ cấp.
Với 4 ngạch thẩm phán như trên đã gây không ít khó khăn trong công tác cán bộ của ngành toàn án: luân chuyển, điều động, biệt phái. Chẳng hạn, thẩm phán sơ cấp đang công tác ở TAND cấp huyện vì công tác cán bộ phải chuyển lên TAND tỉnh làm việc nhưng những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh phải là thẩm phán trung cấp giải quyết, thẩm phán sơ cấp không đủ thẩm quyền. Tương tự như vậy, khi tổ chức phân công thẩm phán trung cấp đang công tác tại TAND tỉnh chuyển lên TAND cấp cao, họ sẽ không muốn chuyển nếu không được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán tương ứng.
Khắc phục bất cập nêu trên, Luật Tổ chức TAND năm 2024 chỉ quy định hai ngạch thẩm phán. Khoản 1, Điều 90 quy định thẩm phán gồm các ngạch sau đây:
a. Thẩm phán TAND tối cao;
b. Thẩm phán TAND.
Một quy định khác liên quan đến thẩm phán được các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ trong ngành Tòa án nói chung, thẩm phán nói riêng đánh giá rất cao, phù hợp với đặc trưng của nhánh quyền lực thứ ba đó là “độc lập tư pháp” và phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán. Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: Nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm; nhiệm kỳ hai hoặc nâng ngạch là 10 năm. Tại Luật Tổ chức TAND năm 2024, thẩm phán được bổ nhiệm không kỳ hạn. Cụ thể Điều 100 quy định:
“1. Nhiệm kỳ của thẩm phán TAND tối cao được tính từ khi bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
2. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác”.
6. Tổ chức xét xử
Tổ chức xét xử được quy định tại Chương VII, với 7 điều: từ Điều 135 đến Điều 141. Đây là những quy định mới (cả tên chương và 7 điều), chưa được Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định. Các quy định mới trong Chương VII thể hiện tư duy lập pháp hiện đại, tiến bộ, góp phần bảo đảm nguyên tắc Hiến định. “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm” (Điều 135 - Lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm tham gia xét xử); phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Điều 136 - Phương thức tổ chức xét xử tại Tòa án gồm phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến); góp phần bảo đảm sự tôn nghiêm của văn hóa pháp đình (Điều 137 - Phòng xử án; Điều 138 - Phòng hòa giải, đối thoại; Điều 139 - Nội quy phiên tòa); góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả về hoạt động của Tòa án (Điều 140 - Bảo vệ Tòa án; Điều 141 - Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp).
7. Kết luận
Có thể khẳng định, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã kịp thời thể chế hóa các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Đảng ta đã đề ra về cải cách tư pháp trong tình hình mới; thể hiện kỹ thuật lập pháp ở trình độ cao và hiện đại. Bài viết không mong muốn phân tích tất cả các quy định mới mà chỉ khái quát những điểm mới trong Luật Tổ chức TAND năm 2024, những quy định mới này đã góp phần bảo đảm cho “tư pháp độc lập” - một trong tám đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định.
TS TRẦN VĂN QUÝ
Viện Nhà nước và pháp luật
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_________________
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tổ chức TAND năm 2014.
3. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
4. Luật Tổ chức TAND năm 2024.