Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang, hào hùng: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[1]. Truyền thống đó không chỉ mang đậm bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính dân tộc, mà còn thể hiện sâu sắc tính nhân dân - giá trị văn hóa đặc sắc của một đội quân từ nhân dân mà ra, luôn “sẵn sàng vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và niềm tin yêu của nhân dân”[2].
Tính nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam là giá trị kết tinh văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là sự hòa quyện giữa giá trị văn hóa dân tộc và thời đại; sự kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa, con người Việt Nam; là đặc trưng nổi trội về văn hóa quân sự của quân đội cách mạng, hội tụ những giá trị cao đẹp của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; không ngừng được giữ gìn, bồi đắp và phát huy, tỏa sáng với những giá trị cao đẹp.
Tuy nhiên, giá trị cao đẹp và hiển nhiên đó luôn bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, phủ nhận với những luận điệu, như: “Quân đội chịu sự lãnh đạo của Đảng, chỉ phục vụ Đảng cầm quyền, ngày càng xa rời nhân dân”; rằng “Quân đội phải trung lập”, không mang bản chất giai cấp nào, không chịu sự lãnh đạo của một đảng phái nào. Và họ “kiến nghị”, cần phải xây dựng Quân đội ta thành đội quân chiến đấu “chuyên nghiệp” theo mô hình của quân đội phương tây; việc thực hiện chức năng “đội quân công tác” và “đội quân lao động sản xuất” chỉ làm “yếu quân đội”, mất tính “chuyên nghiệp” của đội quân chiến đấu, v.v. Đây là những luận điệu không mới, nhưng rất nguy hiểm, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; kích động, chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa Quân đội với nhân dân; qua đó, làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù những kẻ cơ hội có trăm phương, nghìn kế chúng cũng không thể xuyên tạc, phủ nhận tính nhân dân - giá trị văn hóa đặc sắc, nét đẹp truyền thống, cội nguồn sức mạnh vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện bởi những luận điểm cơ bản sau không thể phủ nhận:
1. Tính nhân dân của Quân đội - thuộc tính thống nhất, không thể tách rời của Quân đội nhân dân
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ, trong bất cứ xã hội nào, với tính cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, một tổ chức của nhà nước, không có và không bao giờ có “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”. Quân đội luôn mang bản chất của một giai cấp - giai cấp thống trị chi phối quyền lực nhà nước và tổ chức, nuôi dưỡng sử dụng quân đội đó. Vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì nhân dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”[3] và “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”[4].
Tính nhân dân của Quân đội không tách rời, đối lập với tính giai cấp và tính dân tộc mà luôn thống nhất chặt chẽ với nhau. Tiền đề của sự thống nhất hữu cơ giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta là sự thống nhất giữa lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích dân tộc và lợi ích của nhân dân. Biểu hiện của sự thống nhất đó là: một mặt, tính nhân dân không làm phai nhạt tính chất giai cấp công nhân của Quân đội; mặt khác, tính chất giai cấp công nhân của Quân đội không mâu thuẫn với tính chất nhân dân, mà lại là điều kiện trước tiên, quyết định nhất để Quân đội trở thành một quân đội có tính nhân dân thực sự. Đặc biệt, tính nhân dân còn là một biểu hiện chủ yếu nhất về bản chất giai cấp công nhân của Quân đội ta. Điều đó khẳng định, tính nhân dân là thuộc tính không thể tách rời và không thể phủ nhận của Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam phản ánh tính nhân dân sâu sắc
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản, đồng thời cũng là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta. Ngay từ khi thành lập, Quân đội ta đã đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm nhận sứ mệnh lịch sử vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân hy sinh. Mục tiêu, lý tưởng đó đã kết tinh “ý Đảng, lòng dân”; đồng thời, biểu hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm chính trị, đạo đức của Quân đội đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt định hướng nhận thức, thái độ và hành động cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta được nhân dân yêu thương gọi một cách thân mật, trìu mến “Bộ đội Cụ Hồ”, thể hiện sâu sắc mối quan hệ gắn bó giữa Quân đội với nhân dân, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Và như vậy, không thể nói Quân đội ta không có tính nhân dân.
3. Tính nhân dân được thể hiện ở thành phần xuất thân của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta
Từ khi thành lập cho đến nay, về cơ bản, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội đều xuất thân từ con em các tầng lớp nhân dân. Sự trưởng thành, phát triển của Quân đội được đánh đổi bằng xương máu, trí tuệ và công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ là con em của nhân dân. Nhân dân luôn là người chở che, nuôi dưỡng và xây dựng Quân đội, cùng Quân đội chiến đấu và chiến thắng. Là “những người con của nhân dân”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn “vì nhân dân mà chiến đấu”, cùng với nhân dân đánh đổ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc; thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Thực tiễn đó đã khẳng định, Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ và đương nhiên sẽ mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc.
4. Tính nhân dân được minh chứng qua thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân
Với chức năng là đội quân chiến đấu, từ khi ra đời, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tiên phong lập nhiều chiến công hiển hách, cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất non sông, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, Quân đội ta tiếp tục là lực lượng nòng cốt, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[5].
Thực hiện chức năng đội quân công tác, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Quân đội ta luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân, đồng cam, cộng khổ, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, nhất là ở các địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, biên giới, biển, đảo. Đặc biệt, Quân đội ta luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Trong đại dịch Covid-19, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, sức khỏe của nhân dân là trên hết, toàn quân đã huy động gần 140.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia phòng, chống dịch; ủng hộ trên một nghìn tỉ đồng góp phần ổn định đời sống, an sinh của người dân. Trong ứng phó với thiên tai, thảm họa, gần đây nhất là cơn bão số 3 (Yagi, tháng 9 năm 2024), Quân đội đã huy động gần 458.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 10.100 phương tiện, không quản hiểm nguy, gian khổ và hy sinh để ngày đêm có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, bảo vệ tính mạng, tài sản, cùng nhân dân khắc phục hậu quả, v.v. Điều đó khẳng định: “Ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội” và tính nhân dân của Quân đội luôn được khẳng định, phát huy, tỏa sáng.
Thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất, Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tích cực, chủ động, tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Đặc biệt, những năm gần đây, các tổng công ty, tập đoàn, binh đoàn, các đoàn kinh tế - quốc phòng của Quân đội, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội; Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn,... cùng các đoàn kinh tế - quốc phòng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế lớn và tiên phong trong việc mang “sức sống mới” đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với các công trình trọng điểm không chỉ phục vụ dân sinh mà còn có ý nghĩa chiến lược quốc phòng, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc trên những địa bàn chiến lược, trọng điểm. Qua đó tiếp tục phát huy và lan tỏa hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, thể hiện sinh động tính nhân dân trong thực tiễn.
Những vấn đề lý luận và thực tiễn trên chưa phản ánh hết tất cả, song cũng đủ để khẳng định tính nhân dân là giá trị văn hóa đặc sắc, nét đẹp truyền thống, cội nguồn sức mạnh vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân và 78 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm 2021 - 2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy truyền thống Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng, đẩy mạnh xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại; đây vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị cần chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm. luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới./.
Trung tướng, TRẦN NGỌC QUYẾN
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng PK-KQ
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Quốc phòng, Viện lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng, Nxb QĐND, Hà Nội 2014.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, Hà Nội. 2011.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội. 2016.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội. 2021.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập, 6, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011tr.264
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.485.
7. Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb CTQGST, H. 2023, tr. 219.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr.435.
[2] Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb CTQGST, H. 2023, tr. 219.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr.264.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.485.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.156.