Với tinh thần đó và căn cức thực tế hiện nay, ngày 10/4/2024 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Ngay sau đó, ngày 22/4/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; nhằm khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, phát triển ngành thủy sản và chống khai thác IUU thời gian qua, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản. Đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chống khai thác IUU và từ đó thay đổi hành động của các cấp, các ngành đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và các hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác chống khai thác IUU, khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU...
Thực trạng về việc chống khai thác hải sản IUU
Đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam cũng đã được cải thiện rất nhiều. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cũng tích cực hơn trong việc tham gia, cải thiện những khuyến nghị đã được cảnh báo lâu nay. Thực ra, tất cả những khuyến cáo của EC, những điều cấm trong khai thác IUU đều đã có trong Luật Thủy sản 2017. Những khuyến cáo đó đã được Việt Nam cấm từ trong luật, nhưng đáng tiếc là cấp độ thực thi lại chưa tốt.
Nói một cách cụ thể, chúng ta đã có tương đối đầy đủ các quy định về luật pháp để thực hiện chống khai thác hải sản IUU. Thực tế, việc chống khai thác IUU ở Việt Nam cũng đã và đang được tập trung thực hiện tích cực, Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng, vào cuộc mạnh mẽ. Hành lang pháp lý, thể chế liên quan chống đánh bắt hải sản IUU được hoàn thiện, củng cố. Quản lý phương tiện đánh bắt chặt chẽ hơn; kiểm soát đánh bắt ngoài khơi được tăng cường. Các vi phạm trong đánh bắt hải sản được cương quyết xử lý…Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong muốn, chưa đáp ứng quy chuẩn đề ra. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó là do ý thức của một số người dân còn chưa tốt; Chính quyền và ngành chức năng, nhất là ở cơ sở còn thiếu quyết liệt; Việc xử lý chưa đủ sức răn đe. Chuyển đổi sinh kế, phương thức sản xuất cho ngư dân còn chậm. Còn nhiều việc phải làm như: Thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU có lúc, có nơi chưa nghiêm; một số tàu cá, một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định IUU...
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, có 3 điểm khó khăn, tồn tại mà chúng ta cần phải tập trung để thực hiện các khuyến cáo của EC. Thứ nhất là tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba là Việt Nam còn những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác. Đây là 3 tồn tại dễ dẫn đến việc ngư dân không tuân thủ pháp luật… Hiện nay, các địa phương đang thực hiện đăng ký lại với những tàu cá “3 không” này. Về vấn đề tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, EC rất quan ngại vì họ cho rằng không có lý do gì mà Việt Nam không xử lý được. Chủ tàu viện cớ lỗi do thiết bị hay lỗi kết nối đều không thuyết phục. Vì nếu gặp các lỗi trên, chủ tàu phải báo về đất liền và đây là vấn đề mà EC đề nghị Việt Nam phải minh bạch. Thời gian vừa qua, khâu quản lý của ngành và các địa phương còn dễ dãi, chế tài chưa đủ sức răn đe… Nếu trong năm 2024 này chúng ta không gỡ được “Thẻ vàng” thì 2-3 năm tới sẽ càng khó khăn hơn. Chống khai thác hải sản trái phép là điều kiện cần phải vượt qua và để trong thời gian tới sản phẩm thủy sản Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu…
Những giải pháp cơ bản
1. Nhằm đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài, chúng ta đã có Chương trình với các nhiệm vụ, giải pháp gồm: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
2. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá địa phương khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện. Các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm được thực trạng tàu cá để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giảm sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt các tàu cá “3 không”; theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, đảm bảo thực hiện đúng quy định bật thiết bị VMS khi tham gia khai thác hải sản. Các địa phương chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan, đơn vị liên quan mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về VMS..., đảm bảo tăng số lượng các vụ việc xác minh, xử lý. Các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức thực hiện nghiêm quy định quản lý tàu cá, hoàn thành 100% đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
3. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài. Theo đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài, theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, có khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; phát triển ngành thuỷ sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hợp pháp ở ngoài vùng biển Việt Nam; đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các tranh chấp trên biển; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác trên biển; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Về dài hạn, nhiệm vụ, giải pháp để ra là khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế./.
Ths. Phạm Minh Hải