“Không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Một năm đầy khó khăn thử thách đi qua. Đất nước đang thích nghi với dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới, kinh tế tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2022. Đây là cơ hội vàng để nước ta phục hồi kinh tế, bắt nhịp lại đà tăng trưởng bằng cách tập

Một năm đầy khó khăn thử thách đi qua. Đất nước đang thích nghi với dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới, kinh tế tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2022. Đây là cơ hội vàng để nước ta phục hồi kinh tế, bắt nhịp lại đà tăng trưởng bằng cách tập trung lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết.

“Vui xuân” là thói quen của mỗi người dân Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về. Tết là điều kiện thuận lợi để “ăn chơi” bởi thời gian nghỉ dài ngày, mỗi người đều có tâm lý xả hơi sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là thời gian người người, nhà nhà xum vầy, vui chơi, du xuân, đi lễ chùa, gặp gỡ, thăm viếng nhau, kết nối lại tình cảm. Nhiều người còn mong muốn có thêm thời gian rảnh rỗi để bù đắp những tháng ngày bận rộn công việc, đặc biệt với những người xa nhà…

Lễ ra quân trên một công trình trọng điểm tại thành phố Đà Nẵng - Ảnh minh họa: danang.gov.vn

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn trong suy nghĩ của không ít người dân, kể cả cán bộ, công chức. Chính vì đó, có những làng nghề nghỉ hết tháng Giêng vui chơi hội hè; có những công nhân trì hoãn chưa quay trở lại công ty làm việc để nghỉ ngơi, thăm thú bạn bè; có những nhân viên công sở chểnh mảng công việc, đi chúc tết, đi chùa trong giờ làm việc những ngày đầu năm… Tâm lý ấy tạo thành “sức ỳ" đối với mỗi người, và hệ quả của nó là “sức ỳ” của cả xã hội và nền kinh tế.

Nghỉ ngơi, hưởng thụ là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, rõ ràng đây là thói quen xấu khi cả thế giới đang bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0, cạnh tranh quốc tế gay gắt. Trong kỷ nguyên số với những thay đổi chóng mặt, tác phong công nghiệp tới từng phút từng giờ, thì việc lãng phí thời gian làm việc cho các nhu cầu cá nhân sẽ gây ra lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội, làm chậm tiến trình phát triển của đất nước, của từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Như vậy, bối cảnh xã hội này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi những thói quen không phù hợp.

Hơn nữa, suốt 2 năm vừa qua chúng ta phải đối đầu với dịch bệnh, kinh tế đình trệ, ngân quỹ quốc gia phải dồn sức cho công tác phòng chống dịch. Chỉ mấy tháng cuối năm, khi đã bảo phủ vắc xin và áp dụng trạng thái bình thường mới thì kinh tế nước ta mới có sự tăng trưởng đáng kể… Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải tranh thủ thời gian vàng này tạo thành cơ hội đẩy nhanh sự phát triển đất nước.

Trước đây từng có đề xuất gộp Tết tây vào Tết ta để khắc phục tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tuy nhiên, với mỗi người Việt Nam, Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng. Vui xuân đón Tết vừa là dịp nghỉ ngơi, đoàn tụ sum vầy vui vẻ bên người thân, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một tinh thần mới, nguồn động lực mới, khí thế mới cho chặng đường phía trước. Tết không phải là nguyên nhân chính gây ra suy giảm năng suất lao động mà chính là tâm lý ăn chơi, chểnh mảng sau tết. Rõ ràng, đây là mặt chưa được, cần thay đổi để phù hợp với lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 ngày 28/1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "Không để tháng Giêng là tháng ăn chơi" và yêu cầu “các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngay từ đầu năm, quyết tâm cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025”. Đây là yêu cầu vừa cấp bách vừa cần thiết nhằm quyết liệt thực hiện và phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.

(Theo: Báo điện tử Đảng cộng sản)Thương Huyền

  • Tags: