Những năm qua, Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho con người và đạt nhiều thành tựu quan trọng và thực chất trên lĩnh vực quyền con người. Mức sống của nhân dân ngày càng tăng và người dân Việt Nam được hưởng ngày càng nhiều quyền tự do, dân chủ.
Ảnh minh họa
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã giành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta thoát khỏi vòng nô lệ, kìm kẹp của chế độ phong kiến, thực dân, trở thành một dân tộc độc lập, tự do. Đó chính là giá trị dân chủ, nhân quyền vĩ đại nhất mà Đảng ta đã giành lại được cho nhân dân, cho dân tộc.
Hiện nay, Đảng đang lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và đạt được những thành tựu quan trọng; trong đó có thành tựu về lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trên thực tế, nhân dân ta đã có quyền làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là những bước tiến lớn trên con đường xây dựng những giá trị dân chủ và nhân quyền đích thực và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Mặc dù vậy, các thế lực thù địch vẫn ra sức phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tìm mọi cách lợi dụng, kích động những vấn đề nhạy cảm về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để ly gián, chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng ráo riết tìm mọi cách xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam; lợi dụng Internet, viết blog tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, chống phá chế độ, chính quyền nhân dân, lu loa rằng Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền, ngăn cản hoạt động tôn giáo... Bằng cách này hay cách khác, chúng luôn tìm mọi cách phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới đất nước. Thực chất, thủ đoạn này là một trong những chiêu bài trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm tiến tới xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy vậy, chúng không thể xóa bỏ được sự thật đang tồn tại một cách hiển nhiên rằng ở Việt Nam quyền con người đang được tôn trọng, phát huy hơn bao giờ hết, nhân dân thực sự làm chủ đất nước và quyết định con đường phát triển của mình. Bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, tiếp tục khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; đồng thời bổ sung nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình mới của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Nhất là, thời gian qua, khi thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covib-19, nhiều nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, tăng trưởng âm, song đối với Việt Nam, chúng ta ta vẫn thực hiện tốt mục tiêu "kép" vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội. "Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 của nước ta đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới"[1]; dù trong hoàn cảnh đại dịch hoành hành, thiên tai lũ lụt diễn biến phức tạp gây ra những hậu quả nặng nề, song đời sống của nhân dân vẫn được đảm bảo, tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, tự do kinh doanh, quyền tự do ứng cử, bầu cử. Có thể khẳng định rằng ở Việt Nam quyền con người luôn luôn được tôn trọng, đề cao, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" [2].
Đến nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015; được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam vào mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền, là sự chứng thực Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân không chỉ thể hiện ở việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến quyền con người mà được thực hiện trên tất cả các mặt như: Tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục...
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục thực hiện đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta nêu rõ quan điểm phát triển: "Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững" [3]. Như vậy, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm coi trọng và phát huy nhân tố con người, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang tiếp tục lợi dụng vấn đề nhân quyền để vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam hòng tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam. Song những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong 35 năm đổi mới là bằng chứng không thể phủ nhận cho những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thực thi quyền con người.
Thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn việc bảo vệ, thúc đẩy thực thi quyền con người, vừa tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế về nhân quyền. Cung cấp thông tin rộng rãi về những việc chúng ta đã làm được để dư luận trong nước và thế giới hiểu rõ, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chung của thế giới là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ngày càng tốt hơn, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và an ninh quốc tế, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Mặt khác, cần phối hợp làm tốt công tác vận động quần chúng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp sự đồng thuận xã hội, trong cộng đồng dân tộc, củng cố và tăng cường thế trận lòng dân vững chắc; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bịa đặt, bóp méo sự thật về vấn đề dân chủ, nhân quyền và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
-------------------------
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, trang 61.
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, trang 173. [3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, trang 215.