Khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

Bộ NN&PTNT vừa ban hành dự thảo Nghị định về khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Dự thảo Nghị định chủ yếu tập trung vào chính sách khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ theo chuỗi liên kết, từ khâu cung cấp nguyên vật li

Bộ NN&PTNT vừa ban hành dự thảo Nghị định về khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Dự thảo Nghị định chủ yếu tập trung vào chính sách khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ theo chuỗi liên kết, từ khâu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào đến sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản và phụ phẩm nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ được sử dụng trong nông nghiệp. Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết được khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản, tạo các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới. Chính sách hỗ trợ mua máy, thiết bị nông nghiệp đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị sản xuất có hiệu quả…

Ảnh minh họa (Internet)

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạn chế, như chưa có chiến lược định hướng phát triển ổn định lâu dài, làm căn cứ để xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, hoạch định kế hoạch phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Chưa có các quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá mức độ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, các chỉ số đánh giá hoạt động cơ giới hóa nông nghiệp. Công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sử dụng, vận hành máy, thiết bị nông nghiệp, hay chế biến nông sản... hầu hết chưa được quan tâm, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao.

Mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp một số khâu tuy đã đạt cao, nhưng chưa đồng bộ, mới tập trung chủ yếu một số khâu như làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa. Một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp, như cấy lúa, chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê. Trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.

Trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và diện tích đất manh mún (máy nhỏ chiếm trên 60%). Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy (mới đạt khoảng 33% nhu cầu sản phẩm cơ khí); máy kéo, máy gặt lúa chủ yếu của Kubota, Yanmar (Nhật Bản), Hàn Quốc, Trung Quốc; máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gieo hạt, máy cắt cỏ chủ yếu của Honda (Nhật Bản).

Thêm vào đó, cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ, nhưng thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đồng bộ, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg) khả năng tiếp cận vốn vay của người dân còn khó khăn do không có tài sản thế chấp. Cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí…

Để góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém trên đây, nhằm tiến tới mục tiêu phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng, Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã dự thảo Nghị định về khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp gồm 4 chương, 20 điều. Cụ thể: 

Về chính sách hỗ trợ, Bộ đề xuất hỗ trợ đầu tư mua máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp thực hiện theo chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, hỗ trợ vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định đề xuất hỗ trợ với danh mục máy móc, thiết bị công nghệ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp từ khâu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào đến sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản và phụ phẩm nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ theo hướng quy định cơ chế ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất sau đầu tư trực tiếp cho tổ chức, cá nhân vay vốn mua máy móc, thiết bị, mức vay được hỗ trợ tối đa là 70% giá trị máy móc, thiết bị; mức hỗ trợ lãi suất vốn vay là 100% trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ ba. Các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Cơ chế này sẽ nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của tổ chức, cá nhân trong việc lựa chọn, đầu tư mua máy móc thiết bị, đồng thời, việc hỗ trợ sau đầu tư khi phương án/dự án đã hoàn thành đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định về hỗ trợ sẽ tránh được các trường hợp cố tình cấu kết trục lợi chính sách.

Đối với chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết, thực hiện phương thức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nhằm khuyến khích các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ. Việc quy định cụ thể mức lãi suất hỗ trợ cố định khắc phục được hạn chế tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg (quy định hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư). Thời gian qua lãi suất tín dụng đầu tư không thấp hơn, thậm chí cao hơn lãi suất của một số ngân hàng thương mại, nên chưa khuyến khích đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến nông sản. Vì vậy, dự thảo Nghị định đề xuất với mức lãi suất hỗ trợ là 3%/năm giá trị dự án, bao gồm các hạng mục mua máy móc, thiết bị công nghệ; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật phục vụ yêu cầu cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; tư vấn lập dự án; đào tạo, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Đối với các trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp, ngoài chính sách hỗ trợ dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ còn được hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư của nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; chương trình khuyến nông; chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…

  • Tags: