Kiểm soát chất lượng nhà ở xã hội ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Nhà ở xã hội đóng vai trò quan trọng đối với những người thu nhập thấp, mang lại cho nhiều gia đình sự ổn định và an toàn trong cuộc sống. Tuy nhiên, không vì giá thấp mà chất lượng nhà ở xã hội không được bảo đảm. Đặc thù của lĩnh vực nhà ở này là giá cả và chất lượng nhà ở không tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu mà có sự can thiệp của Nhà nước.
Trên thực tế, việc giảm giá thành được các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội quan tâm hơn so với yếu tố chất lượng, dẫn tới một bộ phận nhà ở xã hội không bảo đảm chất lượng và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Trong bài viết này, tác giả trình bày kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới trong việc kiểm soát chất lượng nhà ở xã hội, nhận diện những bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm soát chất lượng nhà ở xã hội và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Ảnh minh họa - Internet
1. Kinh nghiệm kiểm soát chất lượng nhà ở xã hội ở một số quốc gia trên thế giới
Phát triển nhà ở xã hội là vấn đề được quan tâm của Chính phủ mỗi quốc gia nhằm hướng tới ổn định xã hội. Việc phát triển các dự án nhà ở luôn xuất hiện hai vấn đề xung đột là nhà ở phải đạt chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng. Cả hai yếu tố này đều quan trọng. Tuy nhiên, việc giảm giá thành được các dự án nhà ở xã hội quan tâm hơn là yếu tố chất lượng, dẫn đến thực trạng một bộ phận nhà ở xã hội không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, gây nguy hiểm và bất tiện cho người sử dụng. Các tổ chức quốc tế như Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nêu lên những lo ngại về dân số ngày càng tăng và tình trạng không có nhà ở đạt chất lượng ở các nước đang phát triển. Theo ước tính của UN-Habitat, dân số đô thị ở các nước đang phát triển sẽ đạt khoảng sáu tỷ người vào cuối năm 2050. Sự gia tăng dân số này sẽ dẫn đến nhu cầu nhà ở tại các khu vực đô thị tăng cao và gây áp lực lên nguồn cung nhà ở hiện có. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh tình trạng nhà ở xã hội kém chất lượng ở các quốc gia đang phát triển và một thực trạng đa phần cư dân có tiếp cận hạn chế đối với nhà ở chất lượng[1]. Nhà ở xã hội cần phải cân bằng được yếu tố giá cả và chất lượng. Việc cải thiện giá nhà ở xã hội sao cho phù hợp với túi tiền người có thu nhập thấp mà vẫn bảo đảm đủ các tiêu chuẩn chất lượng cơ bản là yêu cầu thiết yếu đối với việc xây dựng chính sách nhà ở xã hội[2].
Trong nghiên cứu về nhà ở giá cả phải chăng ở Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan được nhận định là "một khu rừng bê tông vô hồn trải dài, nơi các dịch vụ khan hiếm và rời rạc với kiến ​​trúc là ảm đạm và xa lạ". Xuất phát từ hoạt động không hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà ở của chính quyền địa phương đã dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng của cơ quan kiểm soát chất lượng nhà ở và cơ quan phê duyệt xây dựng. Do không được kiểm soát chặt chẽ nên chất lượng nhà ở xã hội ngày càng xuống cấp. Khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của chất lượng nhà ở đối với người dân, có ba vấn đề mà những người sinh sống nơi đây không hài lòng là thiết kế của tòa nhà; quy hoạch của khu đất và vấn đề bảo trì tòa nhà, thiết kế và xây dựng kém, các loại chống thấm kém chất lượng, hư hỏng bề mặt tòa nhà và các vật liệu bảo vệ thời tiết không phù hợp[3].
Tại Hà Lan, Chính phủ nước này đã không đưa ra các tiêu chí hoạt động rõ ràng đối với các hiệp hội nhà ở. Không có dữ liệu nào để làm cơ sở cho kết luận các hiệp hội nhà ở đang hoạt động không hiệu quả, nhưng nghi ngờ đã được đặt ra về hiệu quả của bên cung cấp nhà ở xã hội do có dấu hiệu tối đa hóa lợi nhuận thay vì mục đích phi lợi nhuận. Một số đề xuất được đưa ra để tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng nhà ở như tiến hành đánh giá ngoài theo định kỳ đối với các tòa nhà và thuê ngoài các hoạt động quản lý và vận hành nhà ở thay vì giao cho chủ đầu tư vừa cung cấp, vừa tổ chức quản lý vận hành nhà ở xã hội[4].
Chính phủ Ghana cũng có những cải thiện nhất định trong phương thức kiểm soát nhà ở. So với cách thức đánh giá chất lượng nhà ở xã hội trước đây, các phương pháp đã sử dụng chỉ xem xét các tiêu chí đánh giá một cách độc lập mà không tính đến sự phụ thuộc và tác động qua lại giữa các yếu tố. Việc kiểm soát nhà ở dựa trên kết quả đánh giá này đã không cải thiện chất lượng nhà ở tại Ghana trong một thời gian dài. Phương pháp đánh giá chất lượng nhà ở truyền thống được thay thế bằng quy trình mạng phân tích (Analytic Network Process - ANP). Đây là phương pháp đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có xác định tầm quan trọng của từng tiêu chí ảnh hưởng đến mục tiêu chung của kết quả đánh giá chất lượng nhà ở. Hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng nhà ở liên quan đến các yếu tố vật chất (vật liệu kết cấu, loại nhà ở và dịch vụ nhà ở), kinh tế xã hội (hình thức sở hữu và mật độ dân cư) và môi trường (phương thức xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng) của các khu dân cư được sử dụng để đánh giá. Kết quả chứng minh tính hiệu quả của phương pháp ANP, đã được sử dụng thành công để kết hợp một số lượng lớn các tiêu chí đánh giá để có được một thước đo tổng hợp về chất lượng nhà ở. Điểm nổi bật của phương pháp này là xác định được yếu tố nào là quan trọng nhất góp phần vào sự thay đổi chất lượng nhà ở của Ghana[5].
Kết quả đánh giá hoạt động quản lý chất lượng nhà ở xã hội ở Anh chỉ ra rằng, những khiếm khuyết trong kết cấu xây dựng là nguyên nhân dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của các tòa nhà (trong các dự án nhà ở xã hội ở Anh). Trong khi đó, quy trình quản lý chất lượng của các Hiệp hội nhà ở được triển khai tập trung vào các yếu tố nhìn thấy được bên ngoài tòa nhà nên các khiếm khuyết bên trong vẫn chưa được khắc phục. Mặc dù có một loạt các quy trình kiểm soát chất lượng do khách hàng, nhà thầu và các đại lý độc lập quản lý, nhưng họ đã không đánh giá một cách có hệ thống những khiếm khuyết đó trong giai đoạn xây dựng. Ngoài ra, quy trình quản lý chất lượng không đánh giá một cách có hệ thống các khuyết tật chất lượng có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tòa nhà, thay vào đó tập trung vào các khuyết tật thẩm mỹ có thể nhìn thấy được. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh giá chất lượng và làm cho kết quả đánh giá chất lượng nhà ở thiếu tính khách quan[6].
Trong bối cảnh hiệu quả hoạt động của các nhà cung cấp nhà ở xã hội ở Hà Lan không cao nhưng chưa có bằng chứng cụ thể để đưa ra kết luận, một cuộc khảo sát quy mô lớn với hơn 6.000 người thuê nhà của các hiệp hội nhà ở Hà Lan được thực hiện để đánh giá mức độ hài lòng đối với chính sách bảo trì nhà ở xã hội của người thuê nhà ở Hà Lan; đồng thời, đánh giá mức độ ưu tiên và cấp thiết của các dịch vụ trong gói bảo trì. Khảo sát đưa ra kết luận rằng, việc bảo trì hệ thống nước và hệ thống an toàn của cửa chính và cửa sổ cần phải được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, hệ thống sơn và chống thấm bên trong và bên ngoài nhà ở (kể cả phòng tắm) phải được ưu tiên bảo trì. Mục đích khảo sát nhằm tìm ra những dịch vụ nào là cần thiết cho người thuê nhà giúp các hiệp hội nhà ở có cơ sở để đặt ra các ưu tiên trong chính sách bảo trì, hướng đến thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người thuê nhà ở xã hội. Đây cũng là một trong những yếu tố đánh giá chất lượng nhà ở xã hội ở Hà Lan cũng như hiệu quả của các nhà cung cấp nhà ở xã hội tại quốc gia này[7].
2. Kiểm soát chất lượng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
Pháp luật về nhà ở tại Việt Nam không có quy định riêng dành cho việc kiểm soát chất lượng nhà ở mà hoạt động này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng[8]. Đối với nhà ở chung cư, việc đánh giá chất lượng được áp dụng bằng việc phân hạng nhà ở chung cư[9]. Hiện nay, có rất ít thông tin về kết quả đánh giá chất lượng nhà ở được công bố rộng rãi và dễ dàng tiếp cận, đặc biệt là chất lượng nhà ở xã hội. Phần lớn nhà ở xã hội được xây dựng dưới hình thức chung cư; khi đó, nhà ở xã hội sẽ áp dụng quy định về nhà chung cư để phân hạng nhằm xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường[10]. Sở Xây dựng nơi có tòa nhà sẽ thực hiện việc phân hạng nhà chung cư thành 03 hạng là hạng A, hạng B và hạng C nhằm mục đích xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường. Đây được xem là hoạt động đánh giá tổng thể chất lượng tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, việc phân hạng này không mang tính bắt buộc mà theo đơn yêu cầu của các chủ thể có liên quan. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 31/2016/TT-BXD thì việc phân hạng nhà ở chung cư phải có đề nghị của tổ chức, cá nhân (Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư). Chính vì vậy, thông tin về phân hạng nhà chung cư không mang tính phổ biến mà phụ thuộc vào việc chủ động cung cấp của các bên như chủ đầu tư hoặc ban quản trị nhà chung cư[11]. Đối với nhà ở xã hội có đối tượng thụ hưởng đặc biệt, họ là những người mua hạn chế và họ cần được tiếp cận thông tin về nhà ở một cách đầy đủ, rõ ràng và rộng rãi. Việc phân hạng nhà ở cần mang tính bắt buộc đối với nhà ở xã hội và kết quả này cần được công bố rộng rãi. Để đảm bào chất lượng nhà ở xã hội được kiểm soát và người mua có thể dễ dàng tiếp cận, điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 31/2016/TT-BXD, tác giả kiến nghị bổ sung thêm quy định dành riêng cho nhà ở xã hội, cụ thể như sau:
“Việc phân hạng và công nhận hạng được thực hiện đối với từng tòa nhà chung cư và phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Có đề nghị của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 4 của Thông tư này. Đối với nhà ở xã hội, các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này có nghĩa vụ yêu cầu phân hạng đối với tòa nhà chung cư”.
Ngoài ra, một nghiên cứu thường niên do Tổng Cục thống kê thực hiện về khảo sát mức sống dân cư cho thấy chất lượng nhà ở hiện nay tại Việt Nam được đánh giá cao. Theo kết quả báo cáo năm 2020, trong 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, mức độ thiếu hụt về chất lượng nhà ở nằm trong nhóm ba dịch vụ xã hội ít thiếu hụt nhất (chất lượng nhà ở: 4,4%; khám chữa bệnh: 2,4% và giáo dục trẻ em: 2,1%)[12]. Trong đó, chất lượng nhà ở được đánh giá dựa trên mức độ kiên cố của nhà ở. Nhà ở được chia thành bốn loại: nhà ở thiếu kiên cố, nhà ở đơn sơ, nhà ở bán kiên cố và nhà ở kiên cố[13]. Kết quả đánh giá chất lượng nhà ở của các hộ gia đình đạt được ở mức khá cao. Tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 95,6%, một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ chỉ chiếm khoảng 4,4%.
Kết quả báo cáo chỉ ra rằng, những gia đình sống trong điều kiện nhà ở đơn sơ và thiếu kiên cố không hẳn là do không đủ khả năng hay điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời, ví dụ như các hộ gia đình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi phía Bắc[14]. Theo kết quả này, căn cứ vào một tiêu chí duy nhất là tính kiên cố, chất lượng nhà ở tại Việt Nam được đánh giá cao. Phần lớn nhà ở xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Số lượng nhà ở không kiên cố và được xây dựng đơn sơ là do lựa chọn của người dân dựa theo nhu cầu di chuyển và tập quán sinh sống nơi đó.
Được đánh giá theo khảo sát dựa vào mức độ kiên cố của nhà ở, chất lượng nhà ở Việt Nam được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, kết quả này chưa đủ để người có nhu cầu nhà ở căn cứ vào đó quyết định lựa chọn nhà ở. Để sinh sống lâu dài, nhà ở không thể chỉ dựa vào mức độ kiên cố mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ngoài bảo đảm về mặt kỹ thuật, khi thiết kế nhà ở xã hội cần phải tính đến nhu cầu sử dụng và môi trường xung quanh của căn nhà. Cho nên, khi đánh giá chất lượng nhà ở xã hội, các tiêu chí không chỉ tập trung vào chi tiết căn nhà và thiết kế của nó mà còn xem xét bối cảnh và môi trường xung quanh của ngôi nhà. Để đánh giá chất lượng nhà ở một cách toàn diện, cần xây dựng bộ tiêu chí chuẩn mực làm cơ sở mà một số quốc gia đã áp dụng. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, hệ thống đánh giá chất lượng nhà ở được Viện bất động sản Hàn Quốc đưa ra gồm bốn nhóm yếu tố chính: môi trường dân cư bên trong tòa nhà, môi trường phức hợp, môi trường xung quanh, dịch vụ và các yếu tố khác. Mô hình này được kết hợp với giá dựa trên thông tin hoàn hảo biên (Perfect Information Frontier-PIF). Theo mô hình này, chất lượng nhà ở được đánh giá dựa trên mối tương quan so với giá cả. Mô hình này cũng được Hồng Kông Trung Quốc, Singapore triển khai áp dụng[15].
Kết quả đánh giá chất lượng nhà ở là cơ sở để người có nhu cầu nhà ở thực hiện lựa chọn của mình, giúp họ nhìn nhận, đánh giá đúng về giá trị và chất lượng nhà mà mình dự định thuê mua. Do đó, kết quả đánh giá chất lượng nhà ở cần phải được công bố chi tiết và rộng rãi sao cho những người dân bình thường có thể tiếp cận và hiểu được những thông tin đó. Thực tế, chất lượng công trình của các dự án nhà ở xã hội hiện nay chỉ được biết đến do chính chủ đầu tư dự án nhà ở chủ động cung cấp thông qua trang thông tin điện tử của dự án hoặc các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài và mạng xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng chỉ tiếp cận thông tin một cách thụ động và có giới hạn mà chưa thể có được đầy đủ thông tin một cách khách quan về chất lượng các dự án nhà ở này.
Chính vì vậy, đánh giá chất lượng nhà ở xã hội là cần thiết, nhưng hoạt động đánh giá cần phải được tiến hành bởi chủ thể có đủ chức năng thực hiện. Đối với hoạt động này, một số quốc gia có nhiều kinh nghiệm và đạt được những thành công nhất định khi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chẳng hạn như ở Pháp đã giao hoạt động đánh giá chất lượng nhà ở xã hội cho Hiệp hội Qualitel; ở Anh, hoạt động này được giao cho Tổng Công ty nhà ở; ở Hoa Kỳ, Cơ quan Nhà ở và Phát triển đô thị sẽ thực hiện hoạt động này và ở Hàn Quốc là Viện Bất động sản Hàn Quốc. Định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan quản lý nhà ở trung ương hoặc địa phương có thể độc lập hoặc phối hợp với các hiệp hội về nhà ở (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam) tiến hành đánh giá chất lượng nhà ở xã hội dựa trên hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng sẵn có. Kết quả đánh giá này phải được người có nhu cầu nhà ở tiếp cận một cách đầy đủ. Để cuối cùng, những thông tin này được sử dụng như một công cụ hữu ích giúp người gặp khó khăn về nhà ở có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng chi trả.
Ngoài ra, việc tiếp cận những chính sách ưu đãi của nhà ở xã hội cần phải đánh đổi bởi sự tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả đánh giá này cần được xem là cơ sở để áp dụng chế tài đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vi phạm những cam kết để được hưởng ưu đãi. Hiện tại, pháp luật chưa có quy định xử phạt dành riêng đối với những vi phạm về chất lượng đối với các dự án nhà ở xã hội mà chỉ có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó, có quy định xử phạt những hành vi vi phạm về chất lượng công trình như hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận; không tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng công trình theo quy định hoặc công trình đã nghiệm thu nhưng không đảm bảo về chất lượng công trình. Tuy nhiên, những chế tài này áp dụng chung cho công trình xây dựng và kể cả nhà ở xã hội là chưa hợp lý. Bởi vì, không giống các công trình xây dựng khác, nhìn từ góc độ nguồn vốn đầu tư, các dự án nhà ở xã hội được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và vốn vay. Để bảo đảm tính công bằng, khi có vi phạm về chất lượng, ngoài việc phải chịu chế tài như các chủ đầu tư công trình xây dựng khác, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phải chịu chế tài liên quan đến những chính sách ưu đãi đã được thụ hưởng. Trong trường hợp này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Anh khi áp dụng chế tài đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Chính phủ Anh đã rất khắt khe trong việc kiểm tra chất lượng sau khi công trình nhà ở hoàn thành, đối với những dự án không đạt chất lượng, chủ đầu tư dự án không được hưởng ưu đãi và phải hoàn trả đầy đủ những ưu đãi đã nhận được của Chính phủ trước đó[16].
Để người sử dụng nhà ở có được thông tin đáng tin cậy trong việc lựa chọn nhà ở, thì vai trò của các cơ quan chức năng trong việc giám sát và cung cấp thông tin về chất lượng nhà ở là hết sức cần thiết; đặc biệt, đối với các dự án nhà ở xã hội thì hoạt động này lại càng quan trọng hơn. Định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành đánh giá chất lượng nhà ở tại các dự án đang hoạt động và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Kết quả đánh giá này cần được công bố rộng rãi để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được.
Có thể thấy, người có nhu cầu nhà ở chưa được tiếp cận hệ thống thông tin đầy đủ và tin cậy để đưa ra quyết định trong việc lựa chọn nhà ở. Do đó, kết quả đánh giá chất lượng nhà ở xã hội mang tính khách quan và được tiến hành bởi cơ quan có thẩm quyền sẽ hỗ trợ rất lớn cho họ trong việc lựa chọn nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả hiện có. Chính vì vậy, chất lượng nhà ở xã hội cần phải được đánh giá một cách toàn diện dựa trên hệ thống tiêu chí chất lượng nhà ở xã hội được xây dựng. Hoạt động này phải mang tính bắt buộc và phải được kiểm tra và giám sát chặt chẽ, để dữ liệu về chất lượng nhà ở xã hội mang tính khách quan và đủ độ tin cậy.
Nhà ở xã hội đóng một vai trò quan trọng đối với những người thu nhập thấp, mang lại cho nhiều gia đình sự ổn định và an toàn trong cuộc sống. Sự tồn tại của nhà ở xã hội đã bảo vệ khả năng chi trả cho người thu nhập thấp ngay cả khi giá nhà ở trên thị trường thực tế tăng cao, không vì giá thấp mà chất lượng nhà ở xã hội không được bảo đảm. Đặc thù của lĩnh vực nhà ở này là giá cả và chất lượng nhà ở không thể tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu mà nhất định phải có sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh chất lượng nhà ở vẫn còn những bất cập. Chính vì vậy, chất lượng nhà ở xã hội cần được phân hạng và được đánh giá bởi các chủ thể có thẩm quyền. Hoạt động đánh giá cần được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất. Kết quả đánh giá là thông tin đáng tin cậy để những người thuê mua nhà ở tiềm năng làm căn cứ lựa chọn nhà ở và là nền tảng để chủ đầu tư dự án khẳng định trách nhiệm của mình trên thị trường nhà ở.
Tóm lại, việc xác định chi phí xây dựng do chính chủ đầu tư đưa ra và không có tiêu chí đo lường cụ thể để đánh giá độ chính xác của chi phí này. Những quy định hiện hành đã không đủ sức kiểm soát giá nhà ở xã hội để bảo đảm chắc chắn giá nhà ở thấp hơn giá thị trường với chất lượng phù hợp. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp trong hoạt động kiểm soát giá và chất lượng nhà ở xã hội để nhà ở xã hội vừa đạt chất lượng tốt, vừa trở nên dễ tiếp cận với những người có thu nhập thấp. Tình trạng chủ đầu tư giảm chất lượng nhà ở để giảm chi phí xây dựng là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là đối với loại hình nhà ở xã hội, khi mà người có nhu cầu bức thiết về nhà ở đôi khi phải đánh đổi nhiều tiện ích để có được giá rẻ nhất có thể./.

PHẠM YẾN NHI

Giảng viên, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

 


[1] Afaq Hyder Chohan et al (2015), A Model of Housing Quality Determinants (HQD) for Affordable Housing, Journal of Construction in developing countries, Volume 20, Issue 1, pp. 117-136.
[2] Pham Yen Nhi (2022), Criteria for Assessing the Quality of Social Housing of Countries in the World and Experience for Vietnam, Indiana Journal of Humanities and Social Sciences, Volume 3, Issue 5, pp. 12-17.
[3] Afaq Hyder Chohan et al (2015), A model of housing quality determinants (HQD) for affordable housing, Journal of Construction in developing countriesvol. 20, Iss. 1, pp. 117–136.
[4] Hugo Priemus (2003), Social housing management: Concerns about effectiveness and efficiency in the Netherlands, Journal of Housing and the Built Environmentvol. 18, Iss. 3, pp. 269-279.
[5] Lucia Kafui Hussey and Jacek Malczewski (2018), “Housing quality evaluation using Analytic Network Process: a case study in the Ashanti Region, Ghana”, African Geographical Review, Volume 37, Issue 3, pp. 209-226.
[6] João Alencastro et al (20190, “The impact of defects on energy performance of buildings: Quality management in social housing developments”, Energy Procedia, Volume 158, pp. 4357-4362.
[7] Henk-Jan van Mossel and Sylvia J.T. Jansen 2010, Maintenance services in social housing: What do residents find important?, Structural Survey, Volume 28, pp. 215-229
[8] Điều 25 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
[9] Điều 6 Thông tư số 31/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về phân hạng và công nhận hạng đối với nhà chung cư.
[10] Điều 98 Luật Nhà ở năm 2014.
[11] Điều 4 Thông tư số 31/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về phân hạng và công nhận hạng đối với nhà chung cư.
[12] Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 1261/QĐ-TCTK ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
[13] Công văn số 134/BXD-QLN của Bộ Xây dựng về việc trả lời Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang về khái niệm loại nhà kiên cố và bán kiên cố ngày 15/12/2015.
[14] Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 1261/QĐ-TCTK ngày 19/8/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
[15] Jae Soon Lee & Dong-Hoon Oh (2012), Housing quality evaluation and housing choice using PIF: A case of the Bundang New Town housing market in Korea, International Journal of Urban Sciences, pp. 63-83.
[16]Manuela Madeddu (2012), Housing quality and the rescue of failed private housing schemes in England: a policy review, Journal of Housing and the Built Environment,vol. 28, pp. 567-578.
  • Tags: