Kinh nghiệm cải cách hành chính ở Indonesia và Nhật Bản

Thông thường công tác cải cách hành chính (CCHC) được thực hiện thông qua các sáng kiến nội bộ dẫn đến cải cách từ trên xuống, hoặc do áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài để kích hoạt phong trào từ dưới lên. Cho dù diễn ra theo cơ chế nào, thì cả hai yếu tố này sẽ có sự thay đổi và thích ứng với các điều kiện mới.

Trước tình hình đó, nhu cầu hoàn thiện việc cải cách là quan trọng. Hầu hết các cuộc CCHC đã góp phần đổi mới thành công bộ máy tổ chức chính quyền, nhưng không phải tất cả các mục tiêu mong muốn đều đạt được.

Ảnh minh họa - Internet

Cải cách hành chính ở Indonesia 

Là một trong những nước đang phát triển ở Đông Nam Á, song việc CCHC ở Indonesia lại có biểu hiện ngược với xu hướng cải cách của hầu hết các nước đang phát triển khác: các thỏa thuận thể chế đóng một vai trò quan trọng trong cải cách; tiến độ CCHC hiện nay cho thấy chỉ đạt được mức độ tối thiểu ở một số thể chế. Hiến pháp năm 1945 của Indonesia khuyến khích sự kiểm soát chi phối của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương chỉ thực hiện đối với công việc của các bộ trưởng. Chính quyền địa phương có vị trí như một phần mở rộng của trung ương mà không có sự ủy quyền về các vấn đề chính trị. 

Trọng tâm của CCHC ở Indonesia không hoàn toàn rõ ràng, đặc biệt là trong thập kỷ đầu tiên kể từ khi thực hiện. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai của nhiệm kỳ Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, cuộc thảo luận về các mục tiêu dài hạn của CCHC đã được quan tâm. Việc tìm kiếm trọng tâm chính trong nhịp độ cải cách cũng được phân tích thông qua một loạt kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo trước đó. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ký Sắc lệnh số 81 về các mục tiêu dài hạn của CCHC, được gọi là thiết kế lớn của CCHC.

Thiết kế lớn của CCHC ở Indonesia cung cấp một lộ trình khả thi cho tất cả các tổ chức công nhằm đạt được hiệu quả hành chính tốt nhất. Quỹ đạo này phản ánh tính bền vững của mục tiêu giữa ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở hầu hết các tổ chức công ở Indonesia. Việc tạo ra quỹ đạo này được kế thừa từ kinh nghiệm quá khứ của các lãnh đạo tiền nhiệm, mang nhiều ưu tiên khác nhau của các hợp phần CCHC. Bao gồm một số khía cạnh nổi bật được xem xét chính, như trách nhiệm giải trình, hiệu lực và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công.

Điểm quan trọng nhất trong tiến trình CCHC là thay đổi triết lý về hành chính công, chuyển sang thực hiện theo mô hình quản trị công mới. Về cải cách bộ máy hành chính: giúp cho doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan cung ứng dịch vụ công hiệu quả hơn và cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; xây dựng chính phủ điện tử, chú trọng kết quả đầu ra hơn là sự tuân thủ các quy trình thủ tục. Dân chủ hóa bầu cử trực tiếp và phân cấp giữa trung ương và địa phương, mở rộng quyền tự trị địa phương, tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm chính quyền địa phương, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương. Về cải cách thể chế: xóa đói giảm nghèo được đặt ở vị trí ưu tiên và các phương án để giải quyết đói nghèo như cung cấp các dịch vụ cơ bản, phát triển kinh doanh và an sinh xã hội, bảo hiểm cho người nghèo.

Cải cách hành chính ở Nhật Bản 

Ở Nhật Bản, quá trình CCHC bao gồm ba giai đoạn sau: 

Giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu năm 1960: Nhật Bản ban hành Hiến pháp mới (ngày 03/5/1947) để thu hẹp vai trò của nhà vua, thay đổi mối quan hệ giữa Nội các với Quốc hội, quy định tính chất độc lập của cơ quan tư pháp, tổ chức lại hệ thống hành chính địa phương theo nguyên tắc áp dụng chế độ nhân dân trực tiếp bầu người đứng đầu. Các cơ quan mới được thành lập như Bộ Tự trị (làm trung gian chính quyền nhà nước và điều tiết mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính với nhau), Tổng cục Quy hoạch kinh tế, Tổng cục Khoa học - Kỹ thuật, Ủy ban Năng lượng nguyên tử, Cục Lương hưu và các tập đoàn kinh tế nhà nước. Xóa bỏ hoàn toàn bộ máy hành chính thời chiến.

Giai đoạn những năm 1960 - 1970: trong giai đoạn này, nền hành chính bị tụt hậu so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Thủ tướng Ikeda Hoyata đề ra chủ trương cải cách triệt để. Theo đó, Ủy ban Cải cách hành chính lâm thời (Rincho) lần thứ nhất được thành lập vào tháng 02/1962 gồm 07 thành viên là những nhà hoạt động chính trị và chuyên gia giàu kinh nghiệm, có uy tín, đưa ra kế hoạch tổng thể về CCHC gồm 16 khuyến nghị cụ thể, trọng tâm là cải cách hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, giảm thiểu số lượng biên chế. 

Chính phủ yêu cầu tất cả cơ quan hành chính nhà nước phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của mình để trên cơ sở đó tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp, đặc biệt là các cơ quan có chức năng tổng hợp như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Đến năm 1968, đã giảm 18 vụ, cục và trên 16.300 biên chế ở các bộ(1). Nội các liên tục chỉ đạo các bộ thực hiện những khuyến nghị của Uỷ ban cải cách hành chính lâm thời của Nhật Bản, đã cố gắng giảm số lượng các cơ quan tư vấn theo luật định từ 277 cơ quan vào năm 1965 xuống còn 212 cơ quan vào năm 1978(2). Tháng 5/1969, Luật về số lượng công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được thông qua, tạo cơ sở pháp lý để giám sát quá trình quản lý và sử dụng công chức, viên chức, ngăn ngừa tình trạng “phình biên chế” đang có xu hướng phổ biến ở nhiều cơ quan của Chính phủ. 

Giai đoạn những năm 1980 đến nay: đầu những năm 80 của thế kỷ XX, sự chuyển dịch của chiến lược kinh tế lấy nhu cầu trong nước làm động lực tăng trưởng khiến nhiều giải pháp điều hành trong giai đoạn trước của Chính phủ tỏ ra không thực sự hiệu quả. Chính phủ Nhật Bản đề ra chủ trương đưa CCHC đi vào chiều sâu với những trọng tâm ưu tiên: cắt giảm chi phí hành chính để hạn chế thâm hụt ngân sách; giảm biên chế viên chức hành chính đi đôi với chương trình cải cách lương hưu; giảm thiểu số lượng các tổ chức kinh tế nhà nước và hợp lý hóa công tác quản lý, tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ủy ban Cải cách hành chính lần thứ hai được thành lập vào tháng 03/1981 với 09 thành viên thường xuyên để xử lý nỗ lực cải cách tổng thể và 21 thành viên chuyên môn để xử lý kế hoạch cụ thể(3). Ủy ban đã đề xuất một số biện pháp CCHC, bao gồm xem xét lại cơ bản các hệ thống, chính sách và lĩnh vực trách nhiệm hành chính. 

Trên cơ sở Luật cơ bản về cải cách cơ cấu Chính phủ Trung ương (năm 1998), Nhật Bản đã ban hành 17 luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trung ương và cơ quan hành chính độc lập (tháng 7/1999), 61 luật quy định vai trò, chức năng của các bộ và các cơ quan mới dự kiến sẽ thành lập (tháng 12/1999) và 90 nghị định của Chính phủ về tổ chức bên trong của các bộ, các hội đồng và các tổ chức khác (tháng 5/2000)(4). 

Về cải cách cơ cấu Chính phủ: từ ngày 06/01/2001, tiến trình cải tổ bộ máy hành chính của Nhật Bản được bắt đầu dựa trên các nguyên tắc cơ bản: tách chức năng soạn thảo chính sách và lập kế hoạch khỏi chức năng thực hiện chính sách; tăng cường sự hợp tác giữa các bộ phận soạn thảo và thực thi chính sách trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của từng bên và thiết lập bộ phận để đánh giá chính sách; tổ chức các bộ theo mục tiêu chức năng; sắp xếp lại, hợp nhất các bộ theo các chức năng rộng lớn hơn để thu gọn bộ máy; chú ý đến các xung đột về quyền lợi để tổ chức cho hợp lý; bảo đảm sự cân đối (tương đối) giữa các bộ để cân bằng quyền lực và thuận lợi trong phối hợp; việc phối hợp giữa các bộ dựa trên mục tiêu và trách nhiệm tổng bộ. 

Bộ máy chính phủ ở Trung ương đã được thu gọn đáng kể, từ 23 bộ và Văn phòng Nội các xuống còn 12 bộ và Văn phòng Nội các. Nhật Bản cũng đã tiến hành giảm đáng kể số lượng các tổ chức bên trong của các bộ thông qua việc chuyển một số cơ quan của Chính phủ thành cơ quan hành chính độc lập ngoài bộ hoặc tư nhân hóa. Từ 128 đơn vị cấp vụ, cục và tương đương thuộc các cơ quan hành chính trước đây, nay đã giảm xuống còn 96 đơn vị (giảm 25%); từ 1.200 đơn vị cấp phòng và tương đương thuộc các cơ quan, tổ chức này giảm xuống còn khoảng 1.000 đơn vị (giảm 20%)(5). 

Nhật Bản tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nội các và Thủ tướng thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật về Nội các với các quy định nâng cao vai trò của Phủ Nội các so với các bộ và cũng nhằm tăng cường quyền lực và khả năng kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ. Thành lập Văn phòng Nội các trên cơ sở sáp nhập Cục Kế hoạch kinh tế và một số cơ quan khác với Văn phòng của Thủ tướng. Văn phòng Nội các có thẩm quyền cao hơn các bộ khác, có quyền hạn và điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ cho Thủ tướng trong việc điều hành các hoạt động của Chính phủ. 

Thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính: từ nửa cuối thập niên 1990, việc hợp nhất được thực hiện khá mạnh mẽ, số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở (thành phố, thị trấn, làng) giảm gần một nửa, từ khoảng 3.230 đơn vị năm 1995 xuống còn khoảng 1.800 đơn vị vào năm 2007(6). Việc thực hiện sáp nhập này thông qua khá nhiều văn bản như Luật Tự trị địa phương (sửa đổi năm 2004), Luật Sáp nhập thành phố năm 2004. Việc phân cấp cho địa phương được thực hiện tập trung trên các phương diện sau: 

Một là, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương thực hiện quyền quản lý, quyết định những công việc hàng ngày liên quan đến đời sống xã hội trên địa bàn hành chính của mình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản: sự can thiệp phải dựa trên quy định của pháp luật; ưu tiên tôn trọng luật tự trị địa phương; công bằng, minh bạch. Vai trò của chính quyền trung ương chỉ giới hạn trong các công việc có liên quan đến sự tồn vong của quốc gia trong mối quan hệ với cộng đồng quốc tế. 

Hai là, cải cách nguồn thu của địa phương và mở rộng quyền tự chủ tài chính cho địa phương, từ đó khuyến khích các địa phương tìm cách tăng nguồn thu và sử dụng một cách chủ động, hiệu quả ngân sách nhà nước. Nhật Bản đã xóa bỏ hệ thống cơ quan ủy nhiệm chức năng ở địa phương vào năm 1991 và thực hiện các chương trình cải cách tài chính như: xóa bỏ ngân quỹ trợ cấp quốc gia; chuyển một số các nguồn thu chung như thuế địa phương và phân bổ thuế địa phương; thực hiện các biện pháp đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện trợ cấp ngân sách cho địa phương. Địa phương có quyền tự quản cao có thể ban hành các quy định pháp luật, quyết định về cơ cấu hành chính của mình. Hệ thống nhân sự ở địa phương tương đối độc lập với trung ương. 

Đối với cải cách công vụ, công chức, thực hiện các biện pháp giảm số lượng nhân viên công vụ quốc gia bằng cách thực thi Luật liên quan đến số lượng nhân viên cố định của các cơ quan hành chính (Luật số 33, 1969) và Kế hoạch cắt giảm nhân sự. Tổng số nhân viên công vụ quốc gia ở tất cả các bộ và cơ quan ngang bộ của cuối tài khóa năm 1996, bao gồm cả nhân viên văn thư và điều hành là khoảng 855.000 người (không bao gồm nhân viên lực lượng tự vệ), giảm khoảng 44.000 người so với con số vào cuối năm tài khóa 1967. Trong giai đoạn 1997-2001, Kế hoạch cắt giảm nhân sự đặt ra mục tiêu giảm 35.000 người(7). 

Từ năm 2001-2016, ở khối các cơ quan trung ương, công chức phổ thông (là công chức dựa vào chế độ công trạng, được bổ nhiệm thông qua thi tuyển cạnh tranh và đánh giá năng lực) của Nhật Bản đã giảm từ 811.000 người xuống còn 285.000 người; công chức đặc biệt (chính trị gia và cán bộ cấp cao cơ quan lập pháp, tư pháp và quốc phòng) cũng giảm xuống còn 298.000 người. Như vậy đến năm 2016, tổng số công chức làm việc ở các cơ quan trung ương của Nhật Bản chỉ có 583.000 người. Công chức địa phương của Nhật Bản có 2.740.000 người (chiếm 82,5% tổng số công chức cả nước, nhưng do các địa phương tự chi trả lương, không được nhận tiền từ Trung ương). Tính cả trung ương và địa phương, Nhật Bản hiện có tổng số 3.323.000 công chức. Với 125 triệu dân, tỷ lệ công chức Nhật Bản hưởng lương ngân sách chỉ chiếm 2,6% dân số(8). Đến nay, Nhật Bản vẫn tiếp tục đề ra mục tiêu mỗi năm giảm tiếp 2% số công chức. 

Về cải cách chế độ tuyển dụng, Nhật Bản thành lập cơ quan độc lập thực hiện thi tuyển công chức cho tất cả cơ quan bộ, ngành nhằm bảo đảm chất lượng công chức đồng đều, tính khách quan, thống nhất hệ thống, giảm thiểu chi phí. Cơ quan Nhân sự quốc gia (NPA) được thành lập theo Luật Công vụ quốc gia là cơ quan độc lập và chịu trách nhiệm chuyên môn nhằm bảo đảm sự công bằng trong quản trị nhân sự và bảo vệ lợi ích công chức quốc gia. 

Nhật Bản xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố trung tâm trong mọi nỗ lực CCHC. Cùng với việc đề ra các giải pháp thường xuyên về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công chức đang làm việc, Chính phủ Nhật Bản đặc biệt chú trọng xử lý các quan hệ “đầu vào” nhằm tuyển dụng cho được người có tài vào làm việc cho nhà nước. Có quy hoạch ngay từ đầu về diện đào tạo công chức để lựa chọn người giỏi và những người ngay từ đầu đã có nguyện vọng trở thành công chức. Ví dụ, phần lớn công chức làm việc trong các cơ quan trung ương đều được đào tạo tại Đại học Tổng hợp quốc gia Tokyo (80% trong tổng số hơn 3.200 công chức cấp vụ, cục). Điều kiện vào Trường này rất khắt khe, trước hết phải có kết quả học tập xuất sắc, nhân thân tốt. Triệt để áp dụng chế độ thi tuyển để bổ nhiệm vào các vị trí công việc theo chức danh, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo. 

Xây dựng chính phủ điện tử là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Tháng 12/1994, Chính phủ Nhật Bản thông qua “Kế hoạch cơ bản về tin học hóa các cơ quan nhà nước”, thực hiện trong 05 năm, bắt đầu từ năm 1995. Mục tiêu cơ bản về tin học hóa của Chính phủ là cải thiện chất lượng dịch vụ công, làm cho hành chính công hiệu quả và hiệu lực hơn. Sự phát triển chính phủ điện tử tại Nhật Bản bắt đầu với chiến lược bao gồm bốn lĩnh vực: thiết lập chính phủ điện tử, cơ sở hạ tầng mạng tốc độ cực cao, tạo điều kiện cho thương mại điện tử và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử có mục tiêu là tất cả các thủ tục hành chính được cung cấp qua internet vào năm 2003. Giai đoạn năm 2009-2012, đã phát triển chiến lược chính phủ điện tử các hệ thống công nghệ thông tin được khai thác một cách hữu ích và thuận tiện cho công dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch hành chính với các cơ quan chính phủ. 

Năm 2013, Chính phủ Nhật Bản thông qua các dự luật để thành lập hệ thống số hóa và bổ nhiệm Giám đốc thông tin của Chính phủ, ban hành Tuyên bố Phát triển một quốc gia công nghệ thông tin tiên tiến nhằm mục tiêu gỡ bỏ các rào cản tổ chức theo chiều dọc và thực hiện các biện pháp công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ chính phủ điện tử thuận tiện, cải cách chính quyền trung ương và địa phương; các hệ thống thông tin và củng cố quản trị công nghệ thông tin. 

Nhật Bản tiến hành xây dựng hệ thống tiếp cận thông tin chính phủ nhằm cải thiện tính “mở” của hành chính công, bảo đảm trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước người dân và tăng cường sự kiểm soát của người dân đối với hành chính công. Chỉ có 06 loại thông tin được chính phủ xác định là thông tin không được tiết lộ, bao gồm: thông tin cá nhân; thông tin về các tập đoàn có thể gây nguy hại cho lợi ích hợp pháp của các công ty nếu được tiết lộ như quyền tài sản; thông tin về quan hệ ngoại giao có thể gây hại cho lợi ích của Chính phủ; thông tin về an toàn, trật tự công cộng, nếu tiết lộ có thể gây kích động, rối loạn an ninh, trật tự công cộng; thông tin liên quan đến quá trình hình thành chính sách trong hành chính công; thông tin về kiểm tra, khảo sát, quản lý nhân sự... có thể gây khó khăn trong việc quản lý hành chính công nếu tiết lộ(9).

Từ tháng 11/1993, Nhật Bản ban hành Luật Thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm lợi ích của các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào quan hệ hành chính, giúp cho việc giải quyết các thủ tục hành chính đạt hiệu quả hơn. Để giảm bớt các thủ tục và minh bạch các hoạt động hành chính, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng hệ thống thủ tục hành chính không dùng giấy tờ (bắt đầu từ năm 2003); đơn giản các thủ tục, xây dựng cách thức hướng dẫn hành chính. Việc giảm giấy phép, hóa đơn... làm cho hoạt động kinh doanh trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn, nhất là trong xuất nhập khẩu và đầu tư. Nhật Bản coi trọng các ý kiến tư vấn, đề nghị góp ý của các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà doanh nghiệp, các nhà chính trị, hành chính và người dân về cải cách thủ tục hành chính. Từ năm 1999 đến năm 2002, số lượng các ý kiến đóng góp tăng từ 265 lên 399, riêng năm 2002 ý kiến về thủ tục hành chính chiếm 51,4%, tăng 10% so với năm 1999(10).

Như vậy, cả hai nước Indonesia và Nhật Bản đều xác định CCHC là nhiệm vụ quan trọng, là mối quan tâm hàng đầu, nhiệm vụ thường xuyên để hướng tới mục tiêu thích ứng với tình hình mới, giải quyết hữu hiệu những vấn đề trọng tâm và mới về phát triển kinh tế - xã hội; với nội dung tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: cải cách thể chế; điều chỉnh chức năng và cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; bồi dưỡng cán bộ, công chức, hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và xây dựng chính phủ điện tử./. 

------------------------------

Ghi chú:

(1)http://tcnn.vn/news/detail/5447/Ve_mot_so_kinh_nghiem_cai_cach_hanh_chinh_ tai_Nhat_Banall.html.

(2) Frank J. Schwartz, Advice and Consent, The Politics of Consultation in Japan, 1998, (p.51).

(3) Leading Japan, The Role of the Prime Minister, Tomohito Shinoda, 2000 (p.129).

(4),(5) Vũ Kiều Oanh, Một số kết quả cải cách hành chính ở Nhật Bản, Thông tin Khoa học xã hội, số 3/2009.

(6) Hiroshi IKAWA, 15 Years of Decentralization Reform in Japan, 2008.

(7),(9) Yuko Kaneko, Administrative reform efforts in Japan: current experiences and successes, 2000 (p.26).

(8) Dư Hồng Quảng, Nền hành chính công Nhật Bản: Tinh giản biên chế - Từ “cấm kỵ” đến “cải cách”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, ngày 28/12/2017.

(10) Nguyễn Duy Dũng, Trần Anh Tài, Cải cách hành chính của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, https://vnu.edu.vn/home/?C1635/N5038/page1. 

PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính Quốc gia
TS Vũ Thị Mỹ Hằng, Học viện Hành chính Quốc gia

...
  • Tags: