Hiện nay, nhiều loại tài sản dưới định dạng “vô hình” mới liên tục xuất hiện với nhiều tên gọi khác nhau, như “tài sản kỹ thuật số”, “tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”…, kèm theo đó là các phát minh, ứng dụng mới được tạo ra nhằm tận dụng ưu thế của các loại tài sản mới này, đặc biệt là trong hoạt động huy động vốn (fund raising) của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Từ hình thức gọi vốn cơ bản nhất là ICOs (Initial Coin Offerings), đến nhiều phương thức gây quỹ mới của các Startup (như IEOs – Initial Exchange Offerings hay STOs – Security Token Offerings…). Điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý nhà nước ở các quốc gia, vừa phải xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo đảm phát huy tối đa các ưu điểm của công nghệ, vừa kiểm soát, hạn chế được các rủi ro, nguy cơ có thể phát sinh (như lừa đảo, rửa tiền…) từ việc sử dụng và lưu thông các loại tài sản mới này. Những kinh nghiệm pháp luật của Nhật Bản về xây dựng khung pháp lý quản lý các loại tài sản ảo sẽ góp phần không nhỏ cho quá trình nghiên cứu, xây dựng một khuôn khổ chính sách phù hợp cho Việt Nam.
1. Phân loại tài sản ảo theo pháp luật Nhật Bản
Hiện nay, Nhật Bản không ban hành một luật riêng quy định về các tài sản ảo nói chung; do đó, cũng không có một định nghĩa về tài sản ảo trong pháp luật quốc gia này. Thay vào đó, Nhật Bản tiếp cận theo hướng, mỗi loại tài sản kỹ thuật số có chức năng và phương thức sử dụng khác nhau sẽ được quy định tại một văn bản luật điều chỉnh tương ứng. Theo đó, pháp luật Nhật Bản ghi nhận các loại tài sản mới này trên cơ sở sau[1]:
- Các loại tiền mã hóa (cryptocurrencies) và “xu” tiện ích (utility tokens) như BTC, ETH… được ghi nhận là tài sản mã hóa (Crypto Assets) theo quy định của Luật Dịch vụ thanh toán (Payment Services Act – PSA). Các doanh nghiệp tham gia vào hoặc môi giới cho hoạt động chuyển nhượng, trao đổi, hoặc cung cấp các ứng dụng lưu trữ các loại tài sản này (như các loại ví điện tử) đều phải đăng ký với Nhà nước dưới tư cách là một Nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa (Provider of Crypto Asset Exchange Services).
- Các loại “xu” chứng khoán mã hóa (security tokens), có giá trị như trái phiếu, cổ phiếu do Luật Công cụ tài chính và Sàn giao dịch (Financial Instruments and Exchange Act – FIEA) như là một loại chứng khoán mã hóa. Doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoặc môi giới các hoạt động chào bán, chuyển nhượng hoặc trao đổi các loại chứng khoản mã hóa này phải đăng ký với Nhà nước dưới tư cách nhà cung cấp các công cụ tài chính loại I (Type I Financial Instruments Business Operators).
- Các loại “xu” mã hóa với ý nghĩa là “stablecoin” – “đồng tiền ổn định”, dựa trên tiêu chí có được quy đổi ra tiền pháp định hay không mà được chia làm hai loại: tài sản mã hóa hoặc phương tiện thanh toán trong các giao dịch tiền gửi qua đường bưu điện[2].
- Một số loại tài sản mã hóa đặc thù như NFTs (Non-Fungible Tokens – Tạm dịch: Tài sản không thể thay thế) không phải là phương tiện thanh toán, về nguyên tắc không chịu sự điều chỉnh của pháp luật[3].
2. Khái quát quy định của pháp luật Nhật Bản về các loại tài sản ảo
2.1. Tài sản mã hóa
Tài sản mã hóa được quy định và định nghĩa trong Luật Dịch vụ thanh toán (PSA). Luật này cũng đồng thời điều chỉnh hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa. Theo quy định của PSA, tài sản mã hóa được định nghĩa và đồng thời phân loại như sau:
- Tài sản mã hóa loại I: Là giá trị tài sản (property value) được lưu trữ trên thiết bị điện tử hoặc phương tiện khác thông qua các phương thức điện tử, không bao gồm tiền Nhật hay tiền nước ngoài và các loại tài sản định giá bằng tiền, có thể chuyển giao thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử, và có thể: (i) được sử dụng để thanh toán khi mua hay thuê hàng hóa, dịch vụ từ một người không xác định; và (ii) mua hay bán tài sản mã hóa đó với một người không xác định.
- Tài sản mã hóa loại II: Là giá trị tài sản có thể được sử dụng để trao đổi ngang giá với tài sản mã hóa loại I trong giao dịch với người không xác định thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Có thể hiểu một cách ngắn gọn, các đồng tiền mã hóa được coi là tài sản mã hóa nếu được sử dụng như phương tiện thanh toán trong giao dịch với một người không xác định. Như vậy, các loại tiền mã hóa như BTC, ETH là tài sản mã hóa nhưng không được coi là tiền pháp định. Đồng thời, pháp luật Nhật Bản cũng phân biệt tài sản mã hóa với tài sản định giá được bằng tiền (Currency Denominated Assets), chẳng hạn như các loại thẻ thanh toán trả trước hoặc các loại xu hoặc điểm thưởng do ngân hàng phát hành có giá trị tương đương với một mệnh giá tiền pháp định nào đó.
Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng các loại tài sản mã hóa nêu trên được gọi chung là Dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa (Crypto Asset Exchange Services - CAES), bao gồm các hoạt động cụ thể sau:
(i) Mua, bán, trao đổi tài sản mã hóa;
(ii) Là đại lý, trung gian hoặc môi giới cho các hoạt động mua, bán trao đổi tài sản mã hóa;
(iii) Quản lý dòng tiền của khách hàng liên quan đến các hoạt động được quy định tại (i) và (ii);
(iv) Quản lý tài sản mã hóa vì lợi ích của khách hàng (hoạt động này có tên gọi riêng là “Dịch vụ trông giữ tài sản mã hóa” – “Crypto Asset Custody Services”).
Để được nhà nước công nhận, một Nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa (tức là một công ty hoạt động trong một hoặc nhiều các lĩnh vực vừa nêu) phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản: (i) là công ty cổ phần, hoặc (ii) là doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở và người đại diện ở Nhật Bản, được Nhật Bản và quốc gia nơi đặt trụ sở chính cấp phép hoạt động. Như vậy, Nhà cung cấp nước ngoài dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa phải thành lập một công ty con hoặc chi nhánh tại Nhật Bản và đăng ký với FSA. Ngoài ra, các yêu cầu khác về khả năng tài chính và công nghệ đặt ra cho các nhà cung cấp bao gồm: (i) Về nền tảng tài chính, mức vốn tối thiểu là 10 triệu Yên và tài sản thuần tối thiểu phải ở mức dương; (ii) cơ cấu tổ chức và hệ thống kiểm soát nội bộ đáp ứng được các yêu cầu do PSA đặt ra đối với các nhà cung cấp dịch vụ; và (iii) hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ pháp luật Nhật Bản và điều lệ của công ty trong quá trình hoạt động.
Để một nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa công nhận một loại tài sản mã hóa mới (chẳng hạn như một loại tiền mã hóa mới dựa trên công nghệ Blockchain), công ty đó phải đăng ký với Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (Financial Services Agency – FSA). Ngoài ra, công ty đó phải là thành viên của Hiệp hội Trao đổi tài sản mã hóa và tài sản ảo của Nhật Bản (Japan Virtual and Crypto Assets Exchange Association – JVCEA) – tổ chức tự quản của các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa, được thành lập theo quy định của FSA. JVCEA cũng sẽ đánh giá toàn diện về loại tài sản mã hóa mới qua quy trình đánh giá nội bộ. Một tài sản mã hóa mới chỉ được chấp nhận cho lưu thông nếu vượt qua sát hạch của JVCEA.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa cũng phải bảo đảm một số nguyên tắc do FSA đặt ra trong quá trình hoạt động:
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo tính bảo mật của các thông tin quan trọng, như thông tin cá nhân và thông tin về khóa riêng tư (private key) liên quan đến tài sản mã hóa của khách hàng; thiết lập hệ thống quản lý rủi ro để phòng tránh các sự cố hệ thống hay các cuộc tấn công mạng; chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với các tình huống bất ngờ và tình trạng khẩn cấp.
- Cung cấp cho khách hàng các thông tin cần thiết như loại tài sản mã hóa mà khách hàng đang sở hữu, các nguyên tắc và chi phí giao dịch, lịch sử giao dịch của khách hàng.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về các hoạt động quảng cáo và quảng bá dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa. Tất cả các hành vi cố tình gây nhầm lẫn hoặc cung cấp thông tin không chính xác về việc chuyển nhượng tài sản mã hóa nhằm thu lợi bất chính đều bị nghiêm cấm.
- Thiết lập hệ thống quản lý nội bộ tiếp nhận và xử lý kịp thời các khiếu nại của khách hàng; áp dụng các biện pháp hợp lý để giải quyết tranh chấp (nếu có) thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng.
Bên cạnh việc cho ra đời định nghĩa về tài sản mã hóa và quy định về hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa, các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa (bao gồm cả hoạt động chào bán tiền mã hóa ra công chúng – ICOs) cũng được pháp luật Nhật Bản quan tâm. Trường hợp một loại “xu” mã hóa mới ra đời được coi là tài sản mã hóa thì dự án ICO sử dụng “xu” mã hóa đó sẽ được điều chỉnh bởi PSA.
Đối với các dự án ICOs được thực hiện trên lãnh thổ Nhật Bản, JVCEA đưa ra các nguyên tắc và hướng dẫn cho các công ty thực hiện hoạt động thông qua Bộ Nguyên tắc bán tài sản mã hóa mới (hay còn được gọi là “Bộ Nguyên tắc ICO”). Theo Bộ Nguyên tắc này, ICOs được chia làm hai loại: (i) ICO do một nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tự thực hiện và bán “xu” mã hóa đại diện do chính nhà cung cấp đó tạo ra; và (ii) ICO trong đó nhà phát hành “xu” mã hóa ủy quyền cho nhà cung cấp dịch vụ trao đổi bán loại “xu” mã hóa mới. Đối với cả hai loại ICOs nêu trên, Bộ Nguyên tắc của JVCEA đều đưa ra các yêu cầu chung cơ bản như sau:
- Nhà phát hành phải duy trì hệ thống kiểm tra tình trạng kinh doanh của dự án sử dụng nguồn vốn thu được từ ICO;
- Công khai các thông tin có về “xu” mã hóa, mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành sau khi ICO và các thông tin có liên quan khác;
- Tách riêng các tài khoản lưu trữ các loại tài sản mã hóa hoặc tiền pháp định thu được từ dự án ICO để đảm bảo minh bạch;
- Công khai các thông tin về tình hình tài chính, về việc xử lý các tài khoản sử dụng trong quá trình ICO;
- Đảm bảo tính an toàn của “xu” mã hóa mới phát hành, Blockchain của dự án, hợp đồng thông minh, ví điện tử được sử dụng và các ứng dụng khác có liên quan đến ICO;
- Định giá hợp lý “xu” mã hóa mới phát hành.[4]
2.2. Chứng khoán mã hóa
“Xu” chứng khoán (security token, hay chứng khoán mã hóa) được quy định trong Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch. Định nghĩa về loại tài sản này theo khoản 2 Điều 2 Luật này; theo đó, chứng khoán mã hóa được xác định bởi một giá trị tài sản có thể chuyển giao thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử (bao gồm các giá trị tài sản được lưu trữ trên các thiết bị điện tử hoặc phương tiện điện tử khác). “Xu” mã hóa đại diện của các dự án STOs (chào bán chứng khoán mã hóa ra công chúng) cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 2 Điều 2 FIEA[5]. Các “xu” chứng khoán phải đảm bảo ba điều kiện: (i) Nhà đầu tư (có tư cách tương tự như cổ đông sau khi đã mua chứng khoán mã hóa) đã thực hiện đầu tư hoặc đóng góp tiền mặt hoặc các tài sản khác vào dự án; (ii) Tiền mặt hoặc các tài sản khác do nhà đầu tư đóng góp được sử dụng cho đúng dự án đó; và (iii) Nhà đầu tư có quyền nhận cổ tức, lợi nhuận hoặc tài sản khác phát sinh từ việc đầu tư hoặc đóng góp của mình vào dự án.
Đối với các dự án gọi vốn sử dụng “xu” chứng khoán, các quy định về công khai thông tin cũng được đặt ra. Do đó, các nhà phát hành cũng phải đăng ký phát hành chứng khoán với Nhà nước và đưa ra một bản cáo bạch công khai về dự án trước hoặc tại thời điểm chào bán chứng khoán mã hóa ra công chúng. Nhà phát hành, các thương nhân trực tiếp tham gia hoặc thực hiện môi giới cho quá trình chuyển nhượng, trao đổi chứng khoán mã hóa phải đăng ký với Nhà nước dưới tư cách Thương nhân kinh doanh dịch vụ tài chính loại I (Type I Financial Instruments Business Operators). Bên cạnh đó, các công ty tham gia vào quá trình tiếp nhận hoặc mua lại dự án STOs cũng phải đăng ký với Nhà nước và được gọi là Thương nhân kinh doanh dịch vụ tài chính loại II, trừ trường hợp công ty này đã được cấp giấy phép kinh doanh đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và được công nhận là một nhà đầu tư tổ chức (institutional investor).
Ngoài ra, đối với các dự án huy động vốn sử dụng “xu” mã hóa có ý nghĩa như một loại thẻ thanh toán trả trước (prepaid card), loại “xu” mã hóa này có thể được sử dụng để thanh toán cho các dịch vụ hay hàng hóa thuộc hệ sinh thái nhất định do nhà phát hành tạo nên. Trong trường hợp này, “xu” mã hóa của dự án được xác định là Công cụ thanh toán trả trước (Prepaid Payment Instruments) và chịu sự điều chỉnh của PSA nhưng không thuộc phạm vi tài sản mã hóa trong Đạo luật này.
2.3. Chính sách thuế và phòng, chống rửa tiền đối với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa
Cơ quan Thuế quốc gia của Nhật Bản xác định lợi nhuận thu được từ các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng tài sản mã hóa được coi là thu nhập phụ, không thường xuyên. Hiện nay, mức thuế suất đối với loại thu nhập này tăng dần theo mức thu nhập thực tế của nhà đầu tư, thấp nhất là 5% và cao nhất là 45% của lợi nhuận thu được. Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thể phải nộp thuế cư trú (inhabitant tax) tương ứng với 10% lợi nhuận thu được cho chính quyền địa phương. Các loại thuế tiêu thụ không được áp dụng đối với các hoạt động mua bán hoặc trao đổi tài sản mã hóa. Tuy nhiên, các khoản lợi tức thu được từ tài sản mã hóa (như tiền lãi khi cho vay hoặc tiền thuê tài sản) vẫn bị tính thuế tiêu thụ. Một điểm cần lưu ý nữa là, trường hợp một người qua đời để lại di sản là tài sản mã hóa thì phần di sản đó phải chịu thuế thừa kế (inheritance tax).
Trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, Đạo luật Ngăn chặn chuyển nhượng công cụ phạm tội (Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds) quy định, các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa có nghĩa vụ: (i) xác minh dữ liệu định danh của khách hàng, địa chỉ của khách hàng và người trực tiếp nắm quyền điều khiển tài khoản của khách hàng (nếu có) để thực hiện các giao dịch; (ii) xác minh, kiểm tra các hồ sơ định danh và hồ sơ giao dịch; (iii) lưu trữ các hồ sơ trong thời hạn 07 năm; và (iv) báo cáo các giao dịch khả nghi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Kiến nghị đối với Việt Nam trong xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo
Trong vòng 05 năm trở lại đây, Nhà nước Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong quá trình nghiên cứu, tiến tới xây dựng một khung pháp lý về tài sản ảo. Một số văn bản của các Bộ, ngành, cơ quan đưa ra nhiều đề xuất trực tiếp liên quan đến vấn đề quản lý tài sản ảo, tài sản mã hóa như Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế, nhận diện và đề xuất các định hướng hoàn thiện; Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030… Học hỏi kinh nghiệm pháp luật các quốc gia đi trước cũng là một định hướng quan trọng trong quá trình nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo. Dựa trên kinh nghiệm của pháp luật Nhật Bản như đã phân tích, có thể đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
3.1. Nhận diện bản chất pháp lý của tài sản ảo, tài sản mã hóa
Hiện nay, theo Điều 105 Bộ luật Dân sự, tài sản tồn tại ở một trong bốn dạng:
- Vật: là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được ví dụ như nhà, xe, bàn ghế…
- Tiền: là phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ dùng để định giá các loại tài sản khác. Tiền bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ. Tiền có thể tồn tại dưới dạng giấy (note), xu (coin) hoặc tiền điện tử (e-money).
- Giấy tờ có giá: là loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái...
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền. Quyền tài sản bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, quyền tài sản trong quyền sở hữu trí tuệ, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt...
Đối chiếu với các quy định trên, có thể thấy, tuy chưa thật hoàn chỉnh, nhưng có thể coi tài sản ảo, tài sản mã hóa có những đặc điểm gần nhất với quyền tài sản. Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp cũng đã ghi nhận, “căn cứ vào những đặc trưng của tài sản mã hóa (hay tài sản ảo nói chung), có thể thấy đây đều là những ‘tài sản’ không có đặc tính vật lý (được hình thành từ các thông tin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính), được trị giá bằng tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự”. Như vậy, hai tính chất “có thể trị giá được bằng tiền” và “có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự” là trùng khớp với đặc điểm của tài sản mã hóa như đã phân tích ở trên[6].
Ngoài ra, có thể xem xét một số cách phân loại, định danh khác đối với tải sản mã hóa như chia tài sản mã hóa thành hai loại: có tính chất giống với chứng khoản và có tính chất như một loại hàng hóa. Cụ thể, Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp đã đề xuất cách phân loại này dựa trên tính năng, công dụng của từng loại tài sản mã hóa cụ thể, theo đó:
- Tài sản mã hóa là chứng khoán: là tài sản mã hóa có các chức năng kinh tế và đặc tính của chứng khoán theo pháp luật chứng khoán hiện hành, tức là “bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành”, tài sản mã hóa này là một loại chứng khoán (xu chứng khoán). Do đó, tất cả các hoạt động phát hành, giao dịch tài sản mã hóa chứng khoán này, như hoạt động ICO, hoạt động mua bán, trao đổi giữa tài sản mã hóa chứng khoán này với tài sản mã hóa khác hay tiền pháp định (đồng Việt Nam), nhất là hoạt động của các sàn giao dịch đối với loại chứng khoán này hoàn toàn có thể áp dụng các quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành.
- Tài sản mã hóa là một loại hàng hóa: Hiện nay, cần lưu ý là pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện hành không coi các loại tiền mã hóa là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và có thể trong tương lai gần cũng chưa nên coi là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, một cộng đồng hay hệ sinh thái cụ thể có thể sử dụng một loại tài sản mã hóa nhất định để làm phương tiện thanh toán trong cộng đồng hay hệ sinh thái đó. Trong trường hợp này, cần đối xử với hành vi như vậy là hình thức trao đổi (barter) giữa hàng hóa, dịch vụ với hàng hóa, dịch vụ.
3.2. Quản lý các hoạt động huy động vốn sử dụng tài sản ảo, tài sản mã hóa
Hiện nay, các hoạt động huy động vốn sử dụng tài sản mã hóa biến tướng (như lừa đảo theo hình thức đa cấp) có xu hướng diễn ra rất phức tạp, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi quốc tế. Do đó, một nhu cầu cấp thiết đặt ra là cần khẩn trương hình thành cơ quan quản lý nhà nước về tài sản ảo, tài sản mã hóa. Chẳng hạn, hiện nay ở Việt Nam, cơ quan trực tiếp quản lý các hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng (IPO) là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có thể cân nhắc, nghiên cứu khả năng bổ sung chức năng quản lý các hoạt động ICOs. IEOs, STOs… cho cơ quan này, hoặc thành lập một đơn vị mới có phạm vi chức năng tập trung quản lý việc ICO nói riêng và thị trường tài sản ảo nói chung.
Bên cạnh đó, nên cân nhắc quy định theo hướng, các hoạt động huy động vốn sử dụng tài sản mã hóa trước mắt phải tuân thủ các điều kiện của phát hành chứng khoán theo Luật Chứng khoán năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010, đồng thời cần nghiên cứu để đưa ra khung pháp lý thử nghiệm cho các hoạt động này trong thời gian sớm nhất.
3.3. Quản lý thuế và các giao dịch liên quan đến tài sản ảo, tài sản mã hóa
Cũng như nhiều quốc gia khác, hiện nay tại Việt Nam, có hai loại thuế sẽ có khả năng tác động trực tiếp tới các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, đó là thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng.
Đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), việc không đánh thuế giá trị gia tăng (hoặc nếu có thì ở mức thấp hoặc mang tính “ưu đãi” trong giai đoạn đầu) đối với các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa là hướng đi hợp lý, linh động. Dù với tư cách là một loại quyền tài sản có thể chuyển nhượng trong giao dịch dân sự hay một loại hàng hóa đặc biệt thì để khuyến khích các giao dịch liên quan đến loại tài sản này, khuyến khích việc áp dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều phương thức trao đổi mới qua môi trường số, thúc đẩy thương mại toàn cầu… thì Việt Nam có thể xem xét việc tính toán một mức thuế suất thấp ở giai đoạn đầu; sau đó, tùy theo tình hình cụ thể để điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn hoặc tăng mức thuế suất một cách có lộ trình.
Đối với các giao dịch sử dụng tài sản mã hóa, để quản lý hiệu quả các giao dịch này, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về mặt pháp lý và công nghệ để từ đó, cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tài sản mã hóa và các công ty trung gian trong lĩnh vực này tại Việt Nam (tương tự như tiêu chí thành lập và hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi tài sản mã hóa tại Nhật Bản). Sau khi bộ tiêu chí cụ thể được ban hành, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trong một thời hạn nhất định có thể thực hiện một số thay đổi nội bộ để phù hợp với yêu cầu của Nhà nước và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cấp phép nếu đã đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chí mới. Sau thời hạn này, Nhà nước coi các công ty, sàn giao dịch không được cấp phép là hoạt động không hợp pháp và sẽ có biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự theo mức độ vi phạm khi phát hiện[7]./.
THS. NGUYỄN HUY HOÀNG NAM
Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[1] https://innovationlaw.jp/en/digital-assets-in-japan/, truy cập ngày 14/9/2022.
[2] Stablecoin là những đồng tiền mã hóa được gán với một tài sản có giá trị ổn định, ít biến động (như tiền pháp định hoặc kim loại quý). Đồng stablecoin tiêu biểu là Tether (USDT) với giá trị ổn định ở mức 1 USDT luôn có giá xoay quanh mốc 1 USD.
[3] NFTs là các loại tài sản mã hóa được tạo lập trên các chuỗi Blockchain (như các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, vật phẩm game, video clip…), do đó mang tính độc nhất và có thể được bán với giá cao.
[4] https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/blockchain-laws-and-regulations/japan, truy cập ngày 16/11/2022.
[5] STOs (Security Token Offerings) là các dự án chào bán chứng khoán mã hóa ra công chúng, tương tự như IPO. Chứng khoán này được thể hiện dưới dạng các “xu” mã hóa và thường được bảo đảm bằng tài sản của công ty.
[6] Nguyễn Minh Oanh, Nguyễn Huy Hoàng Nam, Tiền ảo và thách thức pháp lý đặt ra trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Hội nghị đối thoại về Khung pháp lý liên quan ứng dụng công nghệ Blockchain, Bộ Tư pháp & Thành Đoàn Hà Nội phối hợp tổ chức, ngày 18/9/2019.
[7] Nguyễn Huy Hoàng Nam (2022), Cơ chế quản lý tiền mã hóa – Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số 2, tr. 17.