Kinh nghiệm quốc tế về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế

Công khai, minh bạch thông tin là yêu cầu cơ bản bảo đảm sức khoẻ của doanh nghiệp, nhất là tập đoàn kinh tế. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng, nơi nào có công khai, minh bạch thông tin thì ở nơi đó tập đoàn kinh tế phát triển bền vững. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến kinh nghiệm về công khai, minh bạch thông tin của Liên hợp quốc, của một số nước trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam.

1.Kinh nghiệm từ các quy định của Liên hợp quốc

Từ khi ra đồ đến nay, Liên hợp quốc luôn coi công khai, minh bạch và phấn đấu cho một nền quản trị minh bạch là một trong những mục tiêu hàng đầu của mình.Điều này khẳng định Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế đã ghi nhận ý nghĩa của công khai minh bạch.

Trong các Công ước của Liên hợp quốc, công khai, minh bạch cũng được đặt ra như là tiền đề của:

- Quyền con người và bảo vệ quyền con người. Con người được quyền hưởng sự công khai minh bạch, nhất là về thông tin và các vấn đè khác để tồn tại và phát triển.Cũng vì vậy mà Liên hợp quốc coi quyền tiép cận thông tin là một trong những quyền quan trọng nhất.

- Phòng chống tham nhũng hiệu quả. Công khai báo cáo tài chính và tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán; Công khai các hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại hoặc tịch thu; Công khai các bản sao của hồ sơ tài liệu hay thông tin của Chính phủ… và minh bạch trong khu vực công; minh bạch trong sổ sách kế toán, chứng từ, báo cáo tài chính hoặc các tài liệu khác liên quan đến thu, chi công và phòng ngừa việc giả mạo nhũng tài liệu này; Minh bạch giữa các tổ chức tư nhân.

- Bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra, bảo đảm tính bền vững của phát triển.

2. Kinh nghiệm về công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế ở một số nước trên thế giới

Ở nhiềunước trên thế giới, các nền kinh tế tự do và cả nền kinh tế có sự can thiệp của nhà nước, nhà nước đều đặt ra khuôn khổ thể chế về vấn đề công khai, minh bạch trong TĐKT với mục đích quản lý và kiểm soát việc sở hữu, hoạt động của các TĐKT. Các tập đoàn kinh tế hỗ trợ phát triển nền kinh tế, bảo đảm các mục tiêu kinh tế vĩ mô, lợi ích chiến lược và môi trường xã hội mà Nhà nước khởi xướng.

Do vị trí, tính chất và vai trò quan trọng của các TĐKT nên hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành các quy định pháp luật, cơ chế chính sách ở mức độ khác nhau để điều chỉnh loại hình liên kết, chủ thể kinh doanh đặc biệt này. Cụ thể là:

2.1. Ở Mỹ

Mỹ đã áp dụng chế độ hợp nhất kế toán, tài chính và công khai, minh bạch hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin cho các đối tác liên quan đến hoạt động của TĐKT như cổ đông, người quản lý, ngân hàng, khách hàng, nhà nước… Với sự ra đời của Uỷ ban kiểm toán tại Mỹ, đã giúp cho hoạt động thực hiện kiểm tra, giám sát tài chính, thẩm tra các báo cáo tài chính nội bộ, giám sát việc thực hiện kế toán và trình tự kế toán, thực hiện các quyết định của HĐQT, thực hiện điều lệ và quy chế diễn ra trong TĐKT nhà nước. Đặc biệt với sự ra đời của đạo luật Sarbannes Oxley ra đời năm 2002 và được chỉnh sửa năm 2004 đã giúp cho vấn đề tài chính, kế toán được cụ thể và minh bạch hóa.

Pháp luật Hoa kỳ quy định các công ty phải lập báo cáo kiểm soát nội bộ, trong đó có những nội dung liên quan đến tình hình thực tế kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại đơn vị.

Trong việc giám sát thực hiện công khai, minh bạch thông tin tring tập đòn kinh tế ở Mỹ phải kể đến vai trò của Uỷ ban kiểm toán. Theo quy định của pháp luật thì trong HĐQT phải có Uỷ ban Kiểm toán. Uỷ ban Kiểm toán có quyền lựa chọn, chỉ định kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính của các tập đoàn, phụ trách về kế toán, kiểm toán tại tập đoàn. Các thành viên trong Uỷ ban Kiểm toán phải am hiểu về kế toán và quản lý tài chính, không tham gia việc điều hành để đảm bảo tính độc lập với các bộ phận khác trong tập đoàn. Thay mặt tập đoàn làm việc với kiểm toán độc lập về các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán và báo cáo với HĐQT.

2.2 Ở Pháp và Cộng đồng Châu Âu

Vấn đề kế toán, tài chính và công khai, minh bạch hóa cũng được coi trọng tại Pháp.
Hội đồng Kế toán quốc gia Pháp đưa ra khuyến nghị áp dụng hợp nhất kế toán, tài chính vào năm 1968 và đến năm 1970, các công ty mẹ niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Pháp đều phải thực hiện công bố công khai hợp nhất kế toán, tài chính.

Cộng đồng châu Âu quyết định thực hiện áp dụng hợp nhất kế toán, tài chính trong phạm vi cộng đồng vào năm 1983. Báo cáo hợp nhất do công ty mẹ xây dựng phải bao gồm các thông tin về tình hình vốn, tài sản, tài chính, đầu tư, kết quả hoạt động của toàn bộ tập đoàn bao gồm công ty mẹ, công ty con, kế cả các công ty ở nước ngoài sau khi loại trừ các giao dịch nội bộ, phải cùng một đơn vị tính và thống nhất về ngyên tắc kế toán. Đồng thời, pháp luật cũng quy định thông tin tài chính phải xác thực và được kiểm tra bởi kiểm toán viên.

Trong vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng được chú trọng. Các cơ quan chức năng của nhà nước thường thanh tra, kiểm tra định kỳ và bất thường các TĐKT lớn khi có dấu hiệu sai phạm. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm và bị chứng minh sai phạm trước tòa thì các TĐKT này sẽ phải chịu những hình phạt theo quy định của pháp luật. Một ví dụ điển hình là trường hợp của Citigroup, năm 2000, tập đoàn này đã phải nộp hơn 3 tỷ USD tiền phạt và chi phí pháp lý vì những liên quan với vụ kiện Enrol (công ty đã bị phá sản sau một vụ bê bối tài chính) và đến năm 2012 Citigroup lại bị phạt 400 triệu USD do bị cáo buộc cùng với 7 ngân hàng khác đã lừa dối các nhà đầu tư bằng những báo cáo nghiên cứu sai lệch.

3.3.Ở Trung quốc

Vấn đề pháp luật về công khai, minh bạch trong TĐKT tại Trung Quốc đã được nhà nước chú trọng ngay từ giai đoạn phôi thai (1980-1987). Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, khi hệ thống kế hoạch hóa tập trung được xóa bỏ, mức độ cải cách ngày càng sâu rộng thì nhu cầu hợp tác giữa các doanh nghiệp trong sản xuất tăng nhanh. Năm 1986, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Quy chế thúc đẩy liên kết và hợp tác kinh tế theo chiều ngang”, trong đó quy định các DNNN được khuyến khích không giới hạn về ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bắt đầu từ lĩnh vực sản xuất, sau đó lan sang các lĩnh vực khác, như cung cấp nguyên, nhiên liệu, bán sản phẩm, tiếp cận tín dụng, chia sẻ thông tin và nghiên cứu đổi mới công nghệ…

Tại Trung Quốc, để tăng cường công tác công khai minh bạch bên cạnh việc lần lượt thông qua các đạo luật phòng, chống tham nhũng như: Luật Chống hối lộ năm 1988; Luật Chống tham nhũng năm 1997 thì phát triển chính phủ điện tử được coi là một biện pháp chống tham nhũng mới được áp dụng ở Trung Quốc. Đây là một yếu tố quan trọng của cải cách hành chính và là một cách thức hiệu quả để tăng hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Các trang web của Chính phủ Trung ương có chứa các liên kết đến tất cả các chính quyền cấp tỉnh và thành phố. Trung Quốc có khoảng 100.000 cổng thông tin web của Chính phủ. Các nội dung trên hầu hết các trang web của Chính phủ chỉ được viết bằng ký tự tiếng Trung Quốc đơn giản. Chỉ một số trang web, bao gồm cả các trang của những thành phố lớn, được cung cấp bằng tiếng Anh. Các cổng thông tin của Chính phủ đã được tăng cường bằng cách cung cấp thông tin toàn diện, các dịch vụ tích hợp nhiều hơn giữa các ngành khác nhau, và tương tác lớn hơn giữa các quan chức chính phủ và công dân.

3.Kinh nghiệm rút ra từ các nước về công khai, minh bạch trong tập đoàn kinh tế và áp dụng cho Việt Nam.

Từ những pháp luật các nước về công khai, minh bạch thông tin trong TĐKT tại các nước, có thể rút ra một số bài học, kinh nghiệm pháp luật về công khai, minh bạch trong TĐKT đối với Việt Nam:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về công khai, minh bạch để đảm bảo các TĐKT tiếp tục giữ vững vai trò của mình nhưng cũng không để các TĐKT có thể lũng đoạn thị trường và gây áp lực đối với chính phủ.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát các TĐKT thông qua các hoạt động kiểm toán bắt buộc và báo cáo công khai, minh bạch kết quả kiểm toán trước Quốc hội.Đồng thời, cần thành lập một cơ quan chuyên trách việc kiểm tra, giám sát hoạt động này.

Thứ ba, tăng cường vai trò của ban kiểm soát trong các tập đoàn, thực hiện nghiêm và chặt chẽ kiểm toán nội bộ.

Thứ tư, cần kiên quyết xử lý các TĐKT kê khai sai, không khai báo, kê khai hoặc kê khai chậm trễ thông tin và cung cấp thông tin.

Thứ năm, công khai, minh bạch hóa thông tin kết hợp với thực hiện chính phủ điện tử nhằm cập nhập, cung cấp các thông tin cần thiết cho các chủ thể trong xã hội dưới sự giám sát của Nhà nước.

*
*. *

Hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch thông tin trong các tập đoàn kinh tế ở các quốc gia không thực sự giống nhau.Tuy nhiên, yêu cầ và mục đích thực hành công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế đối với các nước trên thế giới lại cơ bản giống nhau.Với bài viết này chúng tôi mong góp phần gợi lên khả năng áp dụng kinh nghiệm của thế giới vào Việt Nam để công khai, minh bạch thông tin trong tập đoàn kinh tế ở nước ta ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Tạ Thị Hoàng Anh - Học viện Ngân hàng

  • Tags: