Kinh tế hợp tác xã trong bối cảnh Việt Nam hiện nay và kiến nghị sửa đổi Luật Hợp tác xã

Hợp tác xã được hiểu là hội của những người kết nhóm lại với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua một doanh nghiệp được họ cùng nhau làm chủ và quản lý một cách dân chủ.

Mục tiêu chính của hợp tác xã là bằng các hoạt động kinh doanh của mình bảo đảm sự sinh tồn của các thành viên và của cộng đồng những người yếu thế; mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu phụ. Tuy nhiên, tồn tại và phát triển trong lòng kinh tế thị trường, hợp tác xã, vốn mang đầy đủ đặc tính của một thực thể kinh doanh, tự nhiên nắm bắt và đi theo xu hướng tìm kiếm lợi nhuận. Người hoạch định chính sách và người làm luật ghi nhận xu hướng đó, được cho là hợp với các quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Bởi vậy, cần thiết phải xác định đúng bản chất của hoạt động kinh tế dựa trên sự hợp tác mang ý nghĩa đoàn kết xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường; từ đó, xây dựng khung pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thực thể kinh tế gọi là hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thành phần kinh tế này trên cơ sở hài hoà lợi ích, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Ảnh minh họa - TL
1. Tổng quan
- Khái niệm: Hợp tác xã, theo quan niệm được chấp nhận rộng rãi, là một hội của những người kết nhóm lại với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua một doanh nghiệp được họ cùng nhau làm chủ và quản lý một cách dân chủ[1]. Xuất hiện ở các nước tư bản từ giữa thế kỷ XIX, hợp tác xã đầu tiên được nhìn nhận dưới hình thức doanh nghiệp cung ứng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, với giá rẻ và giới hạn phạm vi phục vụ là cộng đồng hội viên[2]. Hợp tác xã lúc ấy được cho là giải pháp cho bài toán sinh tồn của người lao động có thu nhập thấp trong điều kiện bị chèn ép do giới chủ từ chối tăng lương trong khi thương nhân áp đặt giá cao lên hàng hoá thiết yếu bất chấp khả năng chi trả khiêm tốn của đa số người tiêu dùng.
-Bộ nguyên tắc Rochdale: Hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng hợp tác xã không giống với các doanh nghiệp khác. Ngay từ đầu, hợp tác xã được nhận diện, phân biệt với các thực thể kinh tế, xã hội khác bởi các nguyên tắc chi phối tổ chức và hoạt động, sau này được các nhà nghiên cứu gọi là các nguyên tắc Rochdale, theo tên gọi của hợp tác xã đầu tiên xuất hiện ở Anh trong hoàn cảnh như nêu trên. Các nguyên tắc này hình thành ngay từ lúc hợp tác xã đầu tiên mới hoạt động, dần được bổ sung, hoàn thiện theo thời gian, đặc biệt là theo sự lan toả của phong trào hợp tác xã trên phạm vi toàn cầu, nhưng vẫn giữ tình thần cốt lõi ban đầu[3]. Nội dung của các nguyên tắc này có thể được giới thiệu như sau:
Thứ nhất, nguyên tắc gia nhập tự nguyện và rộng mở. Theo nguyên tắc này thì bất kỳ ai cũng có thể gia nhập hợp tác xã, miễn là chấp nhận thực hiện mục đích tồn tại của tổ chức.
Thứ hai, nguyên tắc quản lý dân chủ. Với nguyên tắc này, thì hợp tác xã được các thành viên chung tay quản lý trực tiếp bằng cách tích cực tham gia vào việc xây dựng chính sách và ra quyết định. Các thành viên có quyền ngang nhau trong biểu quyết theo nguyên tắc mỗi người một phiếu, bất kể số vốn góp. 
Thứ ba, nguyên tắc tham gia kinh tế của thành viên. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi thành viên có sự đóng góp công bằng và dân chủ vào việc tạo lập vốn hoạt động của hợp tác xã. Ít nhất một phần vốn thuộc sở hữu chung. Thành viên chỉ nhận một phần đền bù có giới hạn cho phần vốn góp; phần còn lại được sử dụng vào một hoặc nhiều mục đích nhằm tạo ra phúc lợi chung.  
Thứ tư, nguyên tắc tự chủ và độc lập. Hợp tác xã là một thiết chế tự quản. Trong trường hợp hợp tác xã xác lập các thoả thuận với các chủ thể khác, kể cả chính phủ, hoặc tăng vốn từ nguồn góp bên ngoài, thì phải có những điều khoản của thoả thuận cho phép duy trì quyền kiểm soát dân chủ của xã viên và tính tự chủ của hợp tác xã.
Thứ năm, nguyên tắc giáo dục, đào tạo và thông tin. Hợp tác xã có chức năng giáo dục và đào tạo cho xã viên, những người đại diện được bầu và nhân viên ở các vị trí trong bộ máy điều hành, để họ có thể đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của tổ chức. Hợp tác có trách nhiệm thông tin cho quảng đại quần chúng về tính chất và các lợi ích của sự hợp tác. 
Thứ sáu, nguyên tắc hợp tác giữa các hợp tác xã. Các hợp tác xã phải phục vụ các xã viên một cách có hiệu quả và tăng cường sức mạnh của phong trào hợp tác bằng cách làm việc cùng nhau ở cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
Thứ bảy, nguyên tắc quan tâm đến cộng đồng. Hợp tác xã phải hoạt động vì sự phát triển bền vững của cộng đồng mà trong đó hợp tác xã là một thành tố, thông qua các chính sách được các xã viên tán đồng.   
Ở góc nhìn khách quan, có thể nhận thấy hầu hết các nguyên tắc này chỉ chi phối hành vi của thành viên hợp tác xã trong mối quan hệ quản trị nội tại của hợp tác xã, không đề cập đến quan hệ ứng xử giữa hợp tác xã và các chủ thể khác, như chính quyền và các thực thể kinh tế khác. Hai nguyên tắc sau cùng mang ý nghĩa cam kết thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: trong khung cảnh kinh tế đương đại, người ta nói nhiều về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung chứ không chi riêng của hợp tác xã. Đáng nói là không có nguyên tắc nào trong các nguyên tắc trên đây đòi hỏi hợp tác xã chỉ giới hạn đối tượng phục vụ là các xã viên theo kiểu thực thể kinh tế khép kín.
Trong điều kiện hợp tác xã được thành lập để thực hiện một hoặc nhiều hoạt động kinh tế, tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng thì các nguyên tắc này không cản trở hợp tác xã đảm nhận vai trò doanh nghiệp theo đúng nghĩa. Đặc biệt, một khi thị trường mục tiêu của hợp tác xã không phải chỉ là cộng đồng các xã viên mà, cũng giống như thị trường mục tiêu của bất kỳ doanh nghiệp nào, nghĩa là công chúng rộng rãi, thì hoạt động của hợp tác xã, ở góc nhìn của người thứ ba, mang đầy đủ tính chất của hoạt động kinh doanh, nghĩa là hoạt động của thương nhân nhắm đến mục tiêu chinh phục thị trường để tìm kiếm lợi nhuận nhiều nhất có thể.
Hợp tác xã trong khung cảnh kinh tế - xã hội đương đại: doanh nghiệp có hướng phát triển đa dạng. Ra đời trong bối cảnh xung đột lợi ích gay gắt giữa một bên là giới chủ tư bản giàu có và bên kia là những người làm thuê và người lao động tự do, cá thể có ít vốn liếng, hợp tác xã được cho là phương thức làm ăn của người yếu thế, dựa trên sự đoàn kết và hợp tác dân chủ. Mục tiêu chính của hợp tác xã là bằng các hoạt động kinh doanh của mình bảo đảm sự sinh tồn của các thành viên và của cộng đồng những người yếu thế; mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu phụ.
Tuy nhiên, tồn tại và phát triển trong lòng kinh tế thị trường, hợp tác xã, vốn mang đầy đủ đặc tính của một thực thể kinh doanh, tự nhiên nắm bắt và đi theo xu hướng tìm kiếm lợi nhuận. Sự khác biệt giữa hợp tác xã và doanh nghiệp tư bản được ghi nhận ở cách sử dụng lợi nhuận thu được: doanh nghiệp tư bản chia phần lớn lợi nhuận cho nhà đầu tư; còn hợp tác xã sử dụng phần lớn lợi nhuận để mở rộng quy mô vốn và thực hiện lý tưởng xã hội được đề ra.    
Trên thực tế, có những doanh nghiệp xuất thân là hợp tác xã nay trở thành những công ty cổ phần đại chúng sở hữu vốn điều lệ cực lớn, được ghi nhận chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng[4], bảo hiểm[5] hoặc trong lĩnh vực nông nghiệp[6]. Sự phát triển lớn mạnh của nhiều hợp tác xã được cho là theo xu thế tất yếu và hợp quy luật một khi hoạt động của hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho phép mở rộng quy mô vốn và thị trường mục tiêu[7]. Mặt khác, hiệu quả của hoạt động kinh tế mà hợp tác xã thực hiện được các xã viên thụ hưởng, thể hiện thành những phúc lợi vật chất và tinh thần mà hợp tác xã mang lại. Nói khác đi, hợp tác xã làm ăn có hiệu quả thì xã viên tất yếu trở thành những người giàu có. Tất cả những hiện tượng đó cho thấy ở góc độ kinh tế, hầu như không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp gọi là tư bản, được thành lập nhằm phục vụ cho mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư, và hợp tác xã, được gây dựng để không chỉ bảo đảm mà còn cải thiện điều kiện sống vật chất của xã viên, thậm chí giúp cho xã viên phát tài, thịnh vượng.
Người hoạch định chính sách và người làm luật ghi nhận xu hướng đó, được cho là hợp với các quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Bởi vậy, cần thiết phải xác định đúng bản chất của hoạt động kinh tế dựa trên sự hợp tác mang ý nghĩa đoàn kết xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường; từ đó, xây dựng khung pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thực thể kinh tế gọi là hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thành phần kinh tế này trên cơ sở hài hoà lợi ích, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.   
2. Xác định đúng đắn bản chất của hợp tác xã và kinh tế hợp tác xã
Hợp tác xã là một doanh nghiệp
Hợp tác xã ngay trong thời kỳ đầu hình thành ở châu Âu đã mang đầy đủ các yếu tố đặc trưng của một doanh nghiệp: có vốn riêng; sử dụng vốn và các nguồn tài chính khác để tạo nguồn nguyên liệu, sau đó biến nguyên liệu thành sản phẩm phục vụ cho khách hàng mục tiêu. Việc hợp tác xã giới hạn phạm vi đối tượng phục vụ chỉ nhằm mục đích thực hiện mục tiêu đặc thù của doanh nghiệp là bảo vệ lợi ích của người lao động có thu nhập thấp chống lại sự thao túng của giới chủ trong thế giới kinh doanh. Giới hạn này được dở bỏ một khi hợp tác xã nhận thấy nó có tác dụng ngăn chặn, hạn chế sự lan toả những giá trị tích cực mà hợp tác xã mang lại cho cộng đồng. Theo thời gian, các yếu tố đặc trưng của hợp tác xã được hoàn thiện và các yếu tố này chỉ tô đậm diện mạo của hợp tác xã về mặt văn hoá, xã hội. Trong thế giới kinh doanh, hợp tác xã xuất hiện trong cùng một tư thế và thực hiện các hoạt động có cùng tính chất như các doanh nghiệp bình thường.  
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại được tổ chức dựa trên các nguyên tắc cơ bản là bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh và tự do cạnh tranh, không thể có lý do để thừa nhận sự hiện diện của một thực thể hoạt động kinh tế, nghĩa là tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng, qua đó tạo ra giá trị thặng dư cho chính mình mà lại không chịu sự chi phối của những quy tắc ứng xử áp dụng chung cho tất cả các thực thể tham gia vào sân chơi đó, đặc biệt là các quy tắc liên quan đến việc khai thác thị phần và cạnh tranh kinh tế. 
Bởi vậy, cần khẳng định hợp tác xã, được hiểu là một thực thể kinh tế xây dựng trên nền tảng hợp tác và tương trợ giữa các thành viên, là một doanh nghiệp; thậm chí phải khẳng định hợp tác xã là doanh nghiệp chịu sự chi phối của luật chung về cơ bản. Bộ nguyên tắc Rochdale về hợp tác, như đã trình bày ở trên, được xây dựng nhằm mục đích chính là gìn giữ bản sắc đặc trưng của một tổ chức kinh tế dựa trên sự hợp tác và đoàn kết xã hội. Các nguyên tắc này chỉ chi phối ứng xử trong quan hệ giữa các thành viên, cũng như giữa hợp tác xã và thành viên, không can thiệp vào mối quan hệ giữa hợp tác xã với các chủ thể kinh doanh khác.
- Kinh tế hợp tác xã là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế quốc gia
Có thể thừa nhận rằng kinh tế hợp tác là đại diện tiêu biểu của nền kinh tế được các nhà nghiên cứu gọi là nền kinh tế xã hội (social economy)[8]. Có một thời, nền kinh tế xã hội được nhìn nhận như là nền kinh tế có xu hướng thay thế nền kinh tế tư bản, như một cách khắc phục những khuyết tật được cho là cố hữu của kinh tế tư bản[9]. Theo thời gian, sự điều chỉnh tự thân của nền kinh tế tư bản nhằm sửa chữa những khiếm khuyết được cho là nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng xã hội dẫn đến xung đột xã hội; cũng như sự lớn mạnh và lan toả của nền kinh tế xã hội đã khiến cho cả hai không còn đối lập với nhau mà trở thành những miếng ghép không thể thiếu của bức tranh kinh tế đương đại. Kinh tế xã hội ngày nay là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế quốc gia và cũng chịu sự chi phối của chính sách kinh tế chung của quốc gia.    
3. Các yêu cầu đặt ra đối với Luật Hợp tác xã
Yêu cầu chung
Đã xác định hợp tác xã là một doanh nghiệp và là một doanh nghiệp có những nét đặc thù, thì Luật Hợp tác xã (Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác) cần đáp ứng được những yêu cầu đặc thù nhằm một mặt, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các chủ thể kinh doanh; mặt khác, tạo điều kiện cho hợp tác xã vừa có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, vừa có thể bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.  
Thứ nhất, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật kinh doanh. Luật Hợp tác xã có tác dụng cao nhất là giới thiệu cho thế giới kinh doanh một chủ thể, được tạo ra theo ý nguyện đặc thù của một nhóm người lao động cùng chí hướng và được luật thừa nhận, để tham gia vào sân chơi chung như bao nhiêu chủ thể kinh doanh khác. Luật không thiết kế khung pháp lý kinh doanh riêng, sân chơi kinh tế riêng, cho hợp tác xã.
Thứ hai, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của hợp tác xã. Luật Hợp tác xã đặt nền tảng pháp lý mà trên đó, hợp tác xã có thể phát huy những giá trị được cho là đặc trưng mà trong học thuyết pháp lý gọi là giá trị hợp tác xã (cooperative values). Để đạt được mục tiêu đó, cần luật hoá các nguyên tắc Rochdale và xây dựng những quy định cần thiết khác để doanh nghiệp theo đuổi lý tưởng hợp tác xã có thể xây dựng bản sắc của mình.
- Tôn trọng quyền tự quyết của hợp tác xã về hướng phát triển
Luật Hợp tác xã không phải là chiếc lồng nhốt kín hợp tác xã trong thân phận pháp lý, xã hội được lựa chọn ban đầu. Các quy định phải có tác dụng tạo điều kiện cho hợp tác xã tự quyết về thân phận của mình. Đặc biệt, hợp tác xã có quyền chuyển đổi mục tiêu, lý tưởng hoạt động từ chủ thể kinh tế dấn thân trọn vẹn cho việc gìn giữ, phát huy các giá trị hợp tác xã, sang chủ thể có tính cách hỗn hợp (hybrid), nửa vì lợi nhuận, nửa mang tính chất xã hội, phi lợi nhuận. Thậm chí, theo ý nguyện của các thành viên hợp tác xã có thể chuyển đổi hoàn toàn thành doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu lợi nhuận như các pháp nhân thương mại theo định nghĩa của Điều 75 Bộ luật Dân sự[10].
4. Nội dung đáng chú ý của Luật Hợp tác xã
4.1. Liên quan đến hợp tác xã
Xác định hình thức pháp lý của doanh nghiệp hợp tác xã
Ở các nước, không có hình thức (loại hình) doanh nghiệp gọi là hợp tác xã. Ở góc độ pháp luật kinh doanh, hợp tác xã là doanh nghiệp thành lập dựa trên sự kết nhóm của các cá nhân, pháp nhân và là một công ty (company) đúng nghĩa. Tính chất hợp tác xã của doanh nghiệp thường được xã hội nhận biết thông qua tên gọi, ví dụ, The Co-operative Bank, Midcounties Co-operative,… Ở góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ, đó thực sự là tên thương mại, một loại tài sản trí tuệ được thừa nhận và bảo hộ. Mặt khác, tên gọi đó được coi như tuyên ngôn của doanh nghiệp, đúng hơn là của những người sáng lập doanh nghiệp về mục tiêu, lý tưởng mà doanh nghiệp theo đuổi trong quá trình tồn tại và hoạt động. Tuyên ngôn này được coi là cam kết về mặt đạo đức, không chịu sự ràng buộc pháp lý.
Về hình thức pháp lý của doanh nghiệp, cũng như các công ty được thành lập bởi các nhà đầu tư bình thường, hợp tác xã phải ra đời dưới một trong các hình thức công ty được xác định theo luật chung và được các thành viên sáng lập lựa chọn một cách tự nguyện: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,… Luật Hợp tác xã có thể lựa chọn những loại hình công ty phù hợp.    
Thủ tục thành lập hợp tác xã
Hợp tác xã – doanh nghiệp phải triệt để tuân thủ Luật Doanh nghiệp về hình thức tổ chức và thủ tục thành lập. Bởi vậy, Luật Hợp tác xã chỉ cần có một quy định dẫn chiếu đến các quy định của Luật Doanh nghiệp về thủ tục thành lập doanh nghiệp[11]. Tuy nhiên, do doanh nghiệp hợp tác xã là doanh nghiệp của người lao động cùng chí hướng, cần có những quy định riêng tạo ra hành lang để những người lao động, đồng thời là sáng lập viên của hợp tác xã, thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết trước khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp theo luật chung.  
Tổ chức quản lý và điều hành
Chính về phương diện quản lý và điều hành, hợp tác xã được đặt trong một khung pháp lý riêng được xây dựng nhằm bảo đảm việc gìn giữ bản sắc của tổ chức kinh tế đặc thù. Bởi vậy, cần có quy định mang tính nguyên tắc, theo đó hợp tác xã được tổ chức, quản lý và điều hành theo các quy định của Luật Hợp tác xã, chứ không phải Luật Doanh nghiệp[12].
Về nội dung của các quy định chi phối tổ chức, quản lý và điều hành hợp tác xã, cần tham chiếu và vận dụng các nguyên tắc Rochdale nhằm xây dựng mô hình hợp tác xã Việt Nam có khả năng hội nhập quốc tế. Các nguyên tắc cốt lõi cần được tôn trọng, bao gồm:
- Nguyên tắc rộng mở, cho phép mọi người gia nhập hợp tác xã với điều kiện cam kết tôn trọng và thực hiện lý tưởng chung;
- Nguyên tắc quản lý dân chủ, bao gồm nội dung biểu quyết theo quy tắc “mỗi thành viên một phiếu” bất kể số vốn góp;
- Nguyên tắc tham gia kinh tế, theo đó xã viên phải đóng góp một cách công bằng và dân chủ vào việc tạo vốn của hợp tác xã, cũng như phải sử dụng lợi nhuận thu được chủ yếu vào các mục tiêu phúc lợi chung.      
Cần lưu ý rằng trong bộ nguyên tắc Rochdale có phần nội dung cho phép gọi vốn từ các nguồn không phải của xã viên, cũng không phải do chính phủ tài trợ, nghĩa là vốn từ các chủ thể khác bao gồm các tư nhân là nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Các nguyên tắc Rochdale chỉ đòi hỏi, để giữ gìn bản sắc của hợp tác xã, việc gọi vốn bên ngoài không kèm theo điều kiện có tác dụng vô hiệu hoá nguyên tắc kiểm soát dân chủ của xã viên và tính tự chủ của hợp tác xã.  
Vả lại, việc giữ hay không giữ các yếu tố bản sắc của hợp tác xã là do ý nguyện của xã viên. Trong trường hợp tập thể xã viên tự nguyện quyết định từ bỏ tôn chỉ và lý tưởng hợp tác xã để biến hợp tác xã thành một doanh nghiệp bình thường như bao nhiêu doanh nghiệp khác, thì họ phải được tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu đó. Luật Hợp tác xã phải dự kiến khả năng chuyển đổi hợp tác xã theo nghĩa truyền thống thành doanh nghiệp và quy định điều kiện, thủ tục chuyển đổi một cách chặt chẽ, hợp lý.
4.2. Quy chế thành viên hợp tác xã
Theo mô hình hợp tác xã thích ứng với kinh tế thị trường
Trong hợp tác xã truyền thống chỉ có các xã viên, được hiểu là người mang tư cách kép: vừa là thành viên của hợp tác xã, góp vốn hoặc công sức hoặc cả hai vào hợp tác xã, vừa là người lao động trong hợp tác xã hoặc là khách hàng, là người thụ hưởng kết quả công việc của hợp tác xã. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, hợp tác xã là một doanh nghiệp và bởi vậy, luôn có thiên hướng tự nhiên mở rộng quy mô vốn và thị phần. Trong trường hợp cần thiết, luật nên cho phép hợp tác xã gọi vốn bên ngoài và chấp nhận những người góp vốn trong tư thế nhà đầu tư, nghĩa là bỏ vốn ra với mong muốn thu lợi nhuận. Điều này vẫn phù hợp với các nguyên tắc Rochdale; theo đó, hợp tác xã có quyền nhận vốn từ các nguồn khác với sự đóng góp của xã viên với điều kiện không làm ảnh hưởng đến quyền quản lý dân chủ và tính tự quản của hợp tác xã, như đã trình bày ở trên.
Bởi vậy, Luật Hợp tác xã cần có quy định về thân phận pháp lý thành viên hợp tác xã trên cơ sở phân biệt giữa thành viên là xã viên và thành viên là nhà đầu tư.  
Thành viên là xã viên
Thành viên là xã viên phải mang tư cách kép: người góp vốn đồng thời là người lao động hoặc người thụ hưởng sản phẩm, dịch vụ do hợp tác xã mang lại hoặc cả hai. Thành viên này chịu sự chi phối đầy đủ của các quy tắc dành riêng cho xã viên, được xây dựng trên cơ sở bộ nguyên tắc Rochdale, bao gồm quy tắc về kết nạp, khai trừ, rút lui, bỏ phiếu,…
- Thành viên là nhà đầu tư
Thành viên không phải xã viên, còn được gọi là nhà đầu tư, là người góp vốn vào hợp tác xã với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Do đặc điểm về mục tiêu, lý tưởng của hợp tác xã, loại thành viên này không thể tham gia sáng lập doanh nghiệp mà chỉ có thể xuất hiện trong khuôn khổ tăng vốn điều lệ. Có thể quy định hai loại phần vốn góp mà thành viên – nhà đầu tư được quyền lựa chọn:
            - Phần vốn góp ưu đãi về phân chia kết quả kinh doanh và không gắn với quyền bỏ phiếu;
- Phần vốn góp được phân chia kết quả kinh doanh theo tỷ lệ vốn góp và gắn với quyền bỏ phiếu theo quy tắc tính số phiếu tương ứng với tỷ lệ vốn góp so với vốn điều lệ.
Với quy định như thế thì chắc chắn sẽ xuất hiện nguy cơ hợp tác xã bị thao túng bởi các nhà đầu tư có nhiều tiền và đi chệch mục tiêu, lý tưởng đặc trưng của tổ chức kinh tế hợp tác. Để ngăn chặn nguy cơ này, pháp luật các nước chủ động giới hạn mức tối đa về tỷ lệ vốn điều lệ mà các thành viên là nhà đầu tư có quyền nắm giữ[13].
Ở các nước, hợp tác xã có thể trở thành doanh nghiệp bình thường, chịu sự chi phối của luật chung như bao nhiêu doanh nghiệp khác, một khi bằng một nghị quyết hợp lệ, hợp tác xã chấp nhận cho các thành viên là nhà đầu tư nắm giữ phần vốn góp cho phép chi phối việc thông qua các quyết định của đại hội thành viên. Tuy nhiên, hợp tác xã vẫn có quyền tiếp tục sử dụng tên thương mại gọi như đã quen. Vả lại, sự thay đổi này chỉ được ghi nhận trong quan hệ nội tại. Đối với các thực thể kinh tế khác, hợp tác xã vẫn tồn tại như ngày hôm qua, hôm kia, với đầy đủ các đặc điểm nhận dạng của một doanh nghiệp./. 

VIỆN SĨ. PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh


[1]  Theo Tuyên ngôn của Liên minh Hợp tác xã quốc Tế (ICA): “A cooperative is an autonomous association of persons united voluntarily to meet their common economic, social and cultural needs and aspirations through a jointly owned and democratically controlled enterprise”, https://www.ica.coop/en/cooperatives/cooperative-identity, truy cập ngày 15/8/2022). Cũng có thể xem: Cemal Karakas, Cooperatives: Characteristics, Activities, Status and Challenges, Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện Châu Âu (EPRS), 02/2019, tr. 2. 
[2] Hợp tác xã được cho là đầu tiên xuất hiện tại Anh vào năm 1844 có tên gọi là The Rochdale Society of Equitable Pioneers, được thành lập theo sáng kiến của 28 thợ dệt tiên phong. Đây là hợp tác xã tiêu thụ, có chức năng tìm kiếm hàng tiêu dùng thiết yếu bán lại cho xã viên với giá rẻ.
[3] Các nguyên tắc Rochdale về hợp tác, sau khi được hoàn thiện một bước, được chính thức thừa nhận bởi Liên minh Hợp tác xã quốc tế (Internation Co-operative Alliance – ICA) vào năm 1937, các bản cập nhật của bộ nguyên tắc này được hoàn thiện và thông qua hai lần, vào các năm 1966 và 1995.
[4] Như trường hợp của Crédit Mutuel, hiện là một trong những ngân hàng lớn nhất của Pháp.
[5] Ví dụ trường hợp công ty bảo hiểm Nation Wide Mutual Insurance Company của Hoa Kỳ.
[6] Chẳng hạn, Zen Noh (National Federation of Agricultural Cooperatives) của Nhật Bản.
[7] Ở Việt Nam, ví dụ điển hình về doanh nghiệp xuất thân từ hợp tác xã phát triển thành một thực thể kinh tế lớn là Saigon Co.op. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, thực thể này không được coi là doanh nghiệp đúng nghĩa. Lý do là theo pháp luật Việt Nam hiện hành, hợp tác xã là tổ chức kinh tế đặc thù, không phải là doanh nghiệp.
[8] Kinh tế hợp tác là khái niệm đặc thù của Việt Nam. Học thuyết pháp lý các nước chỉ xây dựng khái niệm kinh tế xã hội, trong đó hợp tác xã là một thành phần.
[9] Xem Répertoire sociétés , Coopératives, Dalloz, Paris, 2002, tr. 9.
[10] Theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật Dân sự, pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
[11] Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác xây dựng khung quy tắc riêng về đăng ký hợp tác xã tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Giải pháp này có thể khiến cơ quan đăng ký kinh doanh bị rối và nhầm lẫn khi xử lý các yêu cầu đăng ký của các chủ thể kinh doanh khác nhau.  
[12] Ở một số nước, quy chế tổ chức và quản lý hợp tác xã là một phần của Bộ luật Thương mại, nhưng được xây dựng riêng biệt so với quy chế tổ chức và quản lý doanh nghiệp. Xem, ví dụ: Tomas Peracek, Legal Status of the Cooperative in the Current Business Environement, https://www.researchgate.net/publication/350447948_LEGAL_STATUS_OF_THE_COOPERATIVE_IN_THE_CURRENT_BUSINESS_ENVIRONMENT, truy cập ngày 25/8/2022.
[13] Ví dụ, luật của Pháp giới hạn tổng số vốn điều lệ mà các thành viên là nhà đầu tư nắm giữ là 35%, đối với nhà đầu tư là hợp tác xã, thì tỷ lệ này là 49% . 
  • Tags: