Kỹ năng tranh tụng của luật sư trong các vụ tranh chấp có yếu tố quốc tế

Tranh chấp có yếu tố quốc tế cơ bản và phổ biến nhất là các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả tập trung trình bày một số nội dung quan trọng liên quan đến kỹ năng của luật sư trong các tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Theo đó, để tham gia giải quyết tranh chấp trong các tranh chấp có yếu tố quốc tế Luật sư cần hoàn thiện một số kỹ năng cơ bản sau đây: (i) Kỹ năng về ngôn ngữ; (ii) Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ tài liệu; (iii) Kỹ năng trình bày và tranh luận; (iv) Kỹ năng tìm kiếm, nghiên cứu pháp luật áp dụng; (v) Kỹ năng đánh giá và lựa chọn thủ tục trọng tài; (v) Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ và các văn bản tố tụng; và (vi) Kỹ năng trao đổi, thảo luận, liên lạc. Dựa trên các kỹ năng cần thiết nêu trên, tác giả sẽ phân tích các kỹ năng chung của Luật sư khi tham gia giải quyết tranh chấp có yếu tố quốc tế và kỹ năng đặc thù mà Luật sư cần có khi tham gia giải quyết tranh chấp có yếu tố quốc tế tại các cơ quan giải quyết tranh chấp khác nhau.

Từ khóa: Tranh chấp có yếu tố quốc tế, kỹ năng của luật sư, yếu tố nước ngoài.

Abstract: In this paper, the author focuses on presenting important contents relating to the skills of lawyers in commercial business dispute involving foreign elements. Therefore, so as to participate in international dispute settlement, the lawyer must practice and develop following skills: (i) Language skills; (ii) Skills of documentation research; (iii) Presentation and advocacy skills; (iv) Skills of research and legal application; (v) Skills of evaluation and selection of arbitration procedure; (v) Skills of preparing dossier and litigation documents; and (vi) Communication skills.

Pursuant to mandatory skills mentioned above, the author analyzes skills of lawyers in participating international dispute settlement in general and special skills of lawyers in participating in international dispute settlement at different dispute settlement authorities in particular.

Key words: disputes involving foreign elements, skills of lawyer, foreign elements

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra một cách mạnh mẽ như hiện nay, việc các giao dịch có yếu tố nước ngoài tăng lên về cả số lượng lẫn quy mô và giá trị là một xu thế tất yếu. Trong quá trình thực hiện các giao dịch nói chung và các giao dịch có yếu tố nước ngoài nói riêng không thể tránh khỏi sự xung đột về lợi ích, sự mâu thuẫn về ý chí giữa các bên, đặc biệt là trong tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện tại, điều này dẫn đến các tranh chấp có yếu tố quốc tế cũng tăng lên trong những năm gần đây.

Tranh chấp có yếu tố quốc tế cơ bản và phổ biến nhất là các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Các tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài là các tranh chấp xuất phát từ các hoạt động thương mại (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xây dựng, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác) thuộc một trong các trường hợp sau: (i) một trong các bên là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; hoặc (ii) các bên đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; và/ hoặc (iii) các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ thương mại đó ở nước ngoài.

Phần lớn các tranh chấp về kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài tương đối phức tạp và chứa đựng nhiều quan hệ pháp luật liên quan, thường có sự tham gia của các luật sư quốc tế, cố vấn chuyên môn, chuyên gia trong lĩnh vực ngành nghề liên quan. Do đó, để đáp ứng yêu cầu khi tham gia giải quyết các vụ tranh chấp có yếu tố quốc tế, một người luật sư không chỉ phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật Việt Nam lẫn pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực ngành nghề liên quan mà còn cần hoàn thiện thiện rất nhiều những kỹ năng khác.

I. Kỹ năng chung của Luật sư trong các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài

1.1. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ

Khi tham gia vào giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì ngoại ngữ mà tối thiểu là tiếng Anh đóng vai trò là công cụ quan trọng để luật sư có thể hiểu được toàn bộ diễn biến của tranh chấp cũng như tìm ra được các vấn đề pháp lý cần giải quyết trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đồng thời là công cụ để luật sư diễn đạt được ý kiến, quan điểm và lập luận của mình đối với vụ việc khi trao đổi cùng các bên cũng như trình bày trước cơ quan giải quyết tranh chấp.

Trong các giao dịch kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài thông thường sẽ bao gồm rất nhiều tài liệu, văn kiện được soạn thảo bằng tiếng Anh. Để có thể giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình một cách hiệu quả nhất thì Luật sư cần hiểu rõ được bản chất của giao dịch và xác định được mẫu chốt của vấn đề dẫn đến tranh chấp. Để làm được điều này, Luật sư cần có kỹ năng đọc hiểu các tài liệu bằng tiếng Anh một cách thành thạo, đầy đủ và chính xác, có trọng tâm. Mặt khác, trong quá trình giải quyết tranh chấp luật sư có thể phải trao đổi, thảo luận thường xuyên với khách hàng của mình cũng như đàm phán, thương lượng với bên đối phương do đó người Luật sư cũng cần phải nghe, nói và viết bằng tiếng Anh một cách lưu loát, chặt chẽ nhằm đảm bảo có thể hiểu được ý kiến của khách hàng, đối phương đồng thời đảm đảm việc diễn đạt những lập luận của mình được truyền tải đến người nghe một cách chính xác nhất.

Tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào được sử dụng trong chuyên ngành pháp lý cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt so với chính ngôn ngữ đó khi được sử dụng trong bối cảnh thông thường. Tiếng Anh trong lĩnh vực pháp lý thường sử dụng nhiều thuật ngữ mang tính chất chuyên ngành, nhiều cấu trúc câu tương đối phức tạp, điều này cũng đòi hỏi Luật sư phải không ngừng học hỏi để kịp thời bổ sung, cập nhật vốn từ chuyên ngành của mình và cập nhật kịp thời thông lệ sử dụng câu từ trong các giao dịch tương tự trên thị trường.

Việc tranh trụng sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất khi các bên thực sự hiểu được ý kiến của bên còn lại và trình bày, đối đáp được các ý kiến đó dựa trên các cơ sở pháp lý được giải thích và áp dụng một cách hợp lý. Do đó, cần cố gắng rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác để hạn chế việc phụ thuộc vào người phiên dịch, vì không phải lúc nào người phiên dịch cũng có thể truyền tài được đầy đủ ý chí, quan điểm, lập luận cũng như biểu cảm của Luật sư khi tranh tụng.

 1.2. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ tài liệu

Phần lớn các hợp đồng kinh doanh thương mại phức tạp có yếu tố nước ngoài được soạn thảo theo hệ thống pháp luật Anh-Mỹ, thông lệ và tập quán quốc tế được thừa nhận rộng rãi trong các lĩnh vực ngành nghề có liên quan. Các hợp đồng có xu hướng dài, phức tạp, tập trung vào việc phân bổ rủi ro và thiết lập các điều khoản thương mại mà không lặp lại các quy định của pháp luật. Do đó, khi nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu của giao dịch đang có tranh chấp Luật sư cần nắm được các nguyên tắc pháp lý cơ bản và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực ngành nghề đó để hiểu đúng bản chất, ý chí thực sự của các bên khi thực hiện giao dịch và cách hiểu thông thường được thừa nhận một cách hợp lý nếu có những chi tiết không rõ ràng. Theo đánh giá của cá nhân tôi, việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu một cách cẩn thận, chỉn chu và toàn diện, khách quan là yếu tố vô cùng quan trong, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình và chiến lược giải quyết tranh chấp.

Đối với việc nghiên cứu tài liệu, trước hết Luật sư cần sắp xếp, quản lý và lập danh mục tài liệu, chứng cứ một cách khoa học dựa trên các tiêu chí như: trình tự thời gian, nhóm vấn đề, chủ thể, mức độ quan trọng của tài liệu chứng cứ,…). Luật sư cần chú ý nghiên cứu đầy đủ tất cả những tài liệu mình có, tránh việc bỏ sót tài liệu dẫn đến việc đánh giá vấn đề một cách sai lệch. Mặt khác, trong khi nghiên cứu cần phát hiện càng sớm càng tốt tài liệu còn thiếu để yêu cầu cung cấp bổ sung hoặc tiến hành việc thu thập tài liệu, thông tin liên quan và các chứng cứ chứng minh. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cần giữ được sự trung thực và khách quan để đánh giá tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, toàn diện. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cần vẽ lại được bức tranh toàn cảnh về vụ việc tranh chấp theo diễn biến logic về mặt thời gian, sắp xếp phân loại tài liệu, chứng cứ và đánh giá giá trị của các tài liệu chứng cứ đó đến khách hàng của mình cùng như toàn bộ vụ việc; tóm tắt những điểm liên quan, những điểm mạnh, những điểm yếu mà bên đối phương có thể sử dụng để đối đáp mình, từ đó chuẩn bị trước các phương án để ứng phó.

Bên cạnh đó, Luật sư cần rèn luyện kỹ năng xác định những vấn đề mẫu chốt, nội dung quan trọng mà mình cần ưu tiên nghiên cứu trong hồ sơ trước khi đọc để tránh tình trạng bỏ sót những vấn đề quan trọng nhất. Để làm được điều này, bản thân mỗi Luật sư phải trải qua quá trình học hỏi, nghiên cứu, và làm việc để nắm bắt được những đặc trưng của những loại giao dịch và những tranh chấp phát sinh từ các loại giao dịch đó để từ đó có thể đưa ra được nhận định ngày một chính xác, đầy đủ hơn. Việc này vừa tiết kiệm được thời gian, công sức vừa giúp Luật sư dành sự tập trung, trí tuệ cho những vấn đề thực sự cần thiết thay vì dàn trải sự tập trung hay bị thu hút chú ý bởi những vấn đề kém quan trọng hơn.

 1.3. Kỹ năng trình bày và tranh tụng

Các tranh chấp có yếu tố quốc tế thường có sự tham gia của các Luật sư quốc tế và các cố vấn chuyên môn, chuyên gia nước ngoài khác. Việc này giúp các Luật sư Việt Nam có cơ hội làm việc, học hỏi và cạnh tranh một cách trực tiếp với các Luật sư quốc tế được đào tạo và có kinh nghiệm ở các nền tài phán khác nhau. Và điều này tất yếu cũng đòi hỏi các Luật sư Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu, đạt được trình độ và khả năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn với các tiêu chuẩn khắt khe hơn. Các Luật sư nước ngoài, đặc biệt là các Luật sư đến từ các quốc gia có hệ thống pháp luật tố tụng tranh tụng lâu đời thường có kỹ năng trình bày và lập luận rất chặt chẽ, logic cùng với khả năng làm việc liên tục với cường độ cao. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của tiến trình tranh tụng, các Luật sư Việt Nam cũng cần rèn luyện và nâng cao kỹ năng trình bày, tranh tụng.

Trước hết, Luật sư cần xác định một cách rõ ràng những vấn đề cần trình bày, sau khi cần xác định trong mỗi vấn đề đó cần sử dụng những luận điểm nào để làm rõ, đối với mỗi luận điểm cần giải thích bằng những luận cứ nào và những luận chứng nào sẽ phải đưa ra để chứng minh cho luận điểm đó.

Sau khi xác định được hệ thống các vấn đề cần trình bày cùng như các nội dung cơ bản trong từng vấn đề, Luật sư cần sắp xếp các vấn đề một cách phù hợp và có mục đích rõ ràng, tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể mà có thể sắp xếp dựa trên những nguyên tắc khác nhau, ví dụ như: theo nhóm quan hệ pháp luật cần giải quyết, mức độ quan trọng của vấn đề, tính liên quan của vấn đề,… và nhìn nhận lại toàn bộ hệ thống bài trình bày, bài tranh luận của mình để điều chỉnh nhằm đảm bảo các vấn đề trình bày đủ chi tiết, đầy đủ nội dung và những vấn đề quan trọng của vụ việc nhưng không dài dòng, lan man, hạn chế sự trùng lặp và tuyệt đối tránh sự mâu thuẫn giữa các luận điểm của chính mình.

Việc chuẩn bị trước về mặt nội dung để trình bày, tranh luận chỉ là một phần quyết định sự thành công khi tham gia tranh tụng. Bên cạnh đó, Luật sư cần nắm vững và hiểu rõ bản chất của từng vấn đề, trong suốt quá trình tranh luận cần chú ý tập trung và lắng nghe để kịp thời phát hiện ra những vấn đề cần phản hồi, đối đáp, tranh luận lại nhằm làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Ngoài những kỹ năng về mặt nội dung thì trong thực tiễn khi tham gia giải quyết các tranh chấp, từ cả góc độ của một người Luật sư lẫn góc độ của một trọng tài viên, có thể khẳng định rằng cách thức mà một người diễn đạt, biểu hiện ra bên ngoài khi tranh tụng cũng rất quan trọng và giúp Luật sư phát huy tối đa hiệu quả của phần tranh tụng. Luật sư cần chú ý kết hợp linh hoạt giữa lời nói và ngôn ngữ cơ thể một cách phù hợp, việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể cũng cần có sự kiểm soát và điều chỉnh trong từng trường hợp, tránh việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách không có chủ ý rõ ràng. Bên cạnh đó, Luật sư cũng cần chú ý sử dụng ánh mắt để giao tiếp, tương tác với người nghe, thần thái trên khuôn mặt cần điều chỉnh phù hợp với từng vấn đề mà mình trình bày và không khí, bối cảnh tại thời điểm đó. Mặt khác, Luật sư cũng cần xác định đối tượng mà mình cần thuyết phục để có sự tập trung phù hợp, lựa chọn ngôn ngữ và điều chỉnh thái độ khi giao tiếp với các đối tượng khác nhau.

II. Kỹ năng cụ thể của Luật sư trong các vụ tranh chấp có yếu tố quốc tế

2.1. Tranh chấp được giải quyết tại Tòa án

Theo thông lệ thị trường, trong các giao dịch có yếu tố quốc tế, các bên thường thỏa thuận giải quyết tại trọng tài Việt Nam hoặc trọng tài quốc tế nếu có tranh chấp xảy ra.  Tuy nhiên không ít giao dịch được các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án Việt Nam hoặc pháp luật Việt Nam quy định tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án Việt Nam sẽ có những đặc thù riêng do đó bên cạnh những kỹ năng chung như đã trình bày tại phần 1 trên đây, Luật sư khi tham gia vào các tranh chấp có yếu tố quốc tế tại Tòa án cũng cần lưu ý một số kỹ năng đặc thù như sau:

2.1.1. Thứ nhất, về kỹ năng sử dụng tiếng Việt

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiếng nói và chữ viết được dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt, đồng thời Hội đồng xét xử tại Tòa án cũng là những người Việt Nam. Do đó, kỹ năng sử dụng tiếng Việt của Luật sư khi tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án cũng phải sử dụng tiếng Việt một cách trôi chảy, chính xác. 

Ngôn ngữ tiếng Việt vô cùng phong phú, có sắc thái rất đa dạng do đó Luật sư cần chú ý rèn luyện và hình thành thói quen sử dụng ngôn từ đúng chỉnh tả, đơn nghĩa, trong sáng, rõ ràng và đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt nhưng ngắn gọn, đủ ý. Đặc biệt, trong các văn bản, thư từ trao đổi với Tòa án hoặc các bên còn lại cũng cần chú ý văn phong, từ ngữ phù hợp, đảm bảo sự chuyên nghiệp và trình bày đúng ý kiến của Luật sư. Luật sư cần tránh sử dụng các từ ngữ đa nghĩa hoặc có nghĩa không rõ ràng khi trình bày ý kiến, tránh dẫn đến việc người đọc, người nghe bị hiểu nhầm, hiểu không đầy đủ, không chính xác.

2.1.2. Thứ hai, kỹ năng tranh tụng trong bối cảnh tranh tụng tại Tòa án Việt Nam

Mô hình tố tụng tại Tòa án Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng chưa thật sự hoàn chỉnh và đạt được mục đích mà pháp luật quy định. Bên cạnh đó, văn hóa và mô hình tố tụng truyền thống vẫn còn ảnh hưởng tương đối nhiều đến cách tiếp cận của Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trên thực tế hiện nay, việc tranh tụng tại Tòa án còn nhiều hạn chế, một trong số đó là vấn đề về mặt thời gian và quyền chủ động của Luật sư, do đó Luật sư cần chú ý cân nhắc về mặt thời gian để sắp xếp, chọn lọc các vấn đề để trình bày, các vấn đề cần tranh tụng. Nhận thức được vấn đề này phần nào giúp Luật sư hình thành kỹ năng trình bày một cách ngắn gọn, có trọng tâm và đảm bảo có thể trình bày được những vấn đề mẫu chốt, quan trọng nhất có tính quyết định đến toàn bộ vụ án.

Các nguyên tắc, kinh nghiệm tranh tụng trên thế giới khi áp dụng tại Tòa án Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Bên cạnh việc vừa học hỏi kỹ năng tranh tụng trong tố tụng quốc tế thì Luật sư cũng cần làm rõ vấn đề này với khách hàng nếu khách hàng của mình là bên nước ngoài để khách hàng hiểu được bối cảnh tranh trụng tại Việt Nam, tránh sự so sánh khi Luật sư tranh tụng tại Tòa án Việt Nam và những mâu thuẫn không đáng có giữa Luật sư với khách hàng.

2.1.3. Thứ ba, kỹ năng tìm kiếm và nghiên cứu luật áp dụng

    Đối với các tranh chấp có yếu tố quốc tế, Luật sư cần nắm được các nguyên tắc cơ bản của pháp luật áp dụng đối với giao dịch để xác định chính xác pháp luật quốc gia hay điều ước quốc tế, các hiệp định đa phương hay hiệp định song phương nào được áp dụng để giải quyết tranh chấp đó. Trong trường hợp cần viện dẫn các quy định pháp luật của một quốc gia khác, Luật sư có thể tự mình nghiên cứu hoặc hợp tác với các luật sư bản địa để đảm bảo tìm và hiểu đúng quy định pháp luật có liên quan cũng như thực tiễn áp dụng và thực tiễn xét xử tại quốc gia đó đối với vấn đề có liên quan. Luật sư cần xác định chính xác và đầy đủ quan hệ pháp luật tranh chấp để từ đó có thể tìm được các nguồn luật, quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh quan hệ tranh chấp. Bên cạnh đó, đối với các tranh chấp có yếu tố quốc tế thì việc nghiên cứu áp dụng các tập quán quốc tế, thông lệ quốc tế; áp dụng tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng càng cần được Luật sư chú trọng và phát huy hơn.

Ngoài ra Luật sư cần nghiên cứu các bản án của Tòa án, phán quyết trọng tài tại các quốc gia, vùng lãnh thổ mà luật áp dụng cho tranh chấp mình đang tham gia là pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ đó đối với các vụ việc tương tự cũng như các bản án, quyết định của Tòa án để đánh giá quan điểm xét xử trên thực tiễn của các Tòa án.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, Luật sư cần lưu ý cung cấp đầy đủ và giải thích một cách rõ ràng cho Hội đồng xét xử lý do tại sao có thể áp dụng các quy phạm đó vào vụ việc này đặc biệt là các quy định của pháp luật nước ngoài hay tập quán quốc tế, thông lệ quốc tế (nếu được áp dụng).

2.2. Tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài Việt Nam

Ngoài một số kỹ năng chung nêu trên, đối với các tranh chấp có yếu tố quốc tế được giải quyết tại trọng tài Việt Nam thì Luật sư cần hoàn thiện, trau dồi một số kỹ năng sau:

2.2.1 Thứ nhất, kỹ năng đánh giá và lựa chọn thủ tục trọng tài Việt Nam

Luật sư cần đánh giá tính chất, mức độ phức tạp của tranh chấp, khối lượng tài liệu, nguồn lực của khách hàng và Luật sư,… để tư vấn cho khách hàng và các bên lựa chọn thủ tục trọng tài thông thường hay thủ tục rút gọn.

Việc lựa chọn thủ tục trọng tài phù hợp giúp khách hàng và Luật sư dành thời gian, chi phí, công sức một cách phù hợp với tranh chấp đó thay vì theo đuổi một tiến trình tố tụng kéo dài không cần thiết và ngược lại.

2.2.2. Thứ hai, kỹ năng trình bày và tranh luận tại trọng tài Việt Nam

Mặc dù nguyên tắc tranh tụng và quyền chủ động của các bên cũng như Luật sư của các bên khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài là cao hơn so với Tòa án. Trọng tài viên hiện nay có thể là các Luật sư đầu ngành, các chuyên gia pháp luật, những người đã từng là thẩm phán trong hệ thống tòa án Việt Nam hoặc các chuyên gia trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế. Do đó khi tranh tụng Luật sư cũng cần nghiên cứu về chuyên môn, phong cách giải quyết của các trọng tài viên trong hội đồng trọng tài để trình bày các vấn đề một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần lưu ý là hiện nay việc tranh tụng tại trọng tài vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định và chưa hoàn toàn phát triển một cách hoàn chỉnh, do đó Luật sư cần chú ý cân nhắc về mặt thời gian để sắp xếp, chọn lọc các vấn đề cần trình bày. Rèn luyện kỹ năng trình bày một cách ngắn gọn, có trọng tâm và đảm bảo có thể trình bày được những vấn đề mẫu chốt, quan trọng nhất có tính quyết định đến toàn bộ vụ án.

2.3. Tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài nước ngoài

Đối với các tranh chấp có yếu tố quốc tế và được giải quyết tại trọng tài nước ngoài đòi hỏi Luật sư phải thật sự có kiến thức chuyên môn chắc chắn, tư duy pháp lý sắc bén, sự linh hoạt, nhạy bén cùng với kỹ năng tranh tụng ở mức độ hoàn thiện với những tiêu chuẩn nhất định.

2.3.1. Thứ nhất, kỹ năng chuẩn bị hồ sơ, văn bản tố tụng và trao đổi liên lạc

Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài nước ngoài, việc tuân thủ những yêu cầu khi chuẩn bị hồ sơ và các văn bản tố tụng được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Thông thường, hội đồng trọng tài tại trọng tài nước ngoài sẽ nghiên cứu và chuẩn bị, hồ sơ một cách chuyên nghiệp, công phu và cực kỳ cẩn trọng, chi tiết. Đồng thời hội đồng trọng tài cũng yêu cầu các Luật sư phải chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và các bản trình bày ý kiến một cách chi tiết kèm theo các chứng cứ chứng minh có liên quan một cách đầy đủ để gửi cho hội đồng trọng tài trong một thời hạn được quy định. Việc không tuân thủ những yêu cầu này có thể ảnh hưởng trực tiếp một cách bất lợi đáng kể đến khách hàng, Luật sư và ảnh hưởng đến kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, các Luật sư Việt Nam khi tham gia giải quyết tranh chấp tại trọng tài nước ngoài cần nghiên cứu kỹ quy chế và các quy định liên quan đến quy trình tố tụng và yêu cầu hồ sơ, tài liệu, văn bản tố tụng mà hội đồng trọng tài đưa ra để tránh sai sót xảy ra.

Luật sư cần xác định rõ việc trao đổi thông tin liên lạc giữa các bên liên quan trong tố tụng trọng tài và thống nhất về hình thức văn bản trao đổi giữa các bên và giữa các bên với hội đồng trọng tài để đảm bảo các ý kiến, trao đổi của Luật sư được ghi nhận kịp thời và có giá trị được công nhận.

2.3.2. Thứ hai, kỹ năng trình bày và tranh luận tại trọng tài nước ngoài

Đối với các tranh chấp có yếu tố quốc tế và được giải quyết tại trọng tài nước ngoài, tiếng Anh là điều kiện không thể thiếu đối với một người Luật sư và kỹ năng sử dụng tiếng Anh phải đạt đến trình độ sử dụng một cách chuyên nghiệp.

Luật sư cần nắm vững quy tắc, luật trọng tài được áp dụng và địa điểm giải quyết tranh chấp, phạm vi thẩm quyền của hội đồng trọng tài để kịp thời đưa ra những yêu cầu trong giới hạn cho phép nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình (ví dụ: các trường hợp có thể yêu cầu hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời,…).

Việc trình bày và tranh luận tại trọng tài nước ngoài cần đảm bảo sự chuyên nghiệp trong ngôn từ, phong thái, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt cho đến trang phục,… nhằm đảm bảo sự tự tin, thoải mái và phù hợp với bối cảnh làm việc.

Luật sư cần trung thực đánh giá khả năng của bản thân mình có thể tham gia việc tranh tụng trực tiếp tại trọng tài nước ngoài hay không, trong trường hợp cần thiết có thể hợp tác với các luật sư nước ngoài khác nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng./.

TS. LS. Lưu Tiến Dũng (*)

Thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.

...
  • Tags: