Lay lắt mưu sinh ở vùng khai hoang: Gần 30 năm chờ đợi trong vô vọng

85 hộ dân ở hai xã Hòa Hiệp và Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gồng mình gánh chịu những hệ lụy từ quyết định thu hồi đất gần 3 thập kỷ trước. Hơn 100 ha đất bị lấn chiếm, những phận đời rơi vào cảnh trắng tay và những lá đơn khiếu nại đến nay vẫn bặt vô âm tín.

“Dân chúng tôi xưa nay hiền lành, không có chuyện kiện cáo gì đâu. Chỉ từ khi bị mất đất, cảm thấy cuộc sống, tương lai u ám quá nên phải đi kêu, cũng chỉ mong có cấp nào quan tâm, trả lời cho chúng tôi câu hỏi: Mất đất nông dân lấy gì để sống?”,  bà Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1957), một trong những người dân mất đất, đành nương nhờ nhà người thân, chia sẻ.

Mất đất, hết an cư…

Năm 1994, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 777/QĐ-UBT, thu hồi 500 ha đất tại xã Hòa Hiệp và xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, giao cho Công ty Cao su Thống Nhất (nay là Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất) để trồng mới cây cao su. Sau khi nhận quyết định, công ty tự ý di dời mốc ranh, lấn chiếm thêm 103 ha đất, gây thiệt hại hoa màu và tài sản của người dân.

Theo chia sẻ của người dân, tại hai xã Bàu Lâm và Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, kể từ năm 1996, 85 hộ dân đã hoàn toàn mất tư liệu sản xuất, nên rơi vào cảnh bế tắc. Đã gần 30 năm trôi qua, các hộ dân vẫn kiên nhẫn chờ đợi xem xét, nộp đơn kêu cứu, đề nghị xem xét giải quyết chế độ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất nông nghiệp khai hoang.

Thế nhưng, đơn “có đi mà không có về”. Hàng chục lần gửi đơn khiếu nại, rồi đến nơi tiếp công dân các cấp để yêu cầu giải quyết, nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. 

Bà Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1957) là một trong những người dân "mất đất", hiện phải nương nhờ nhà người thân.  Bà Hiệp cho biết, gia đình bà từ Bình Định vào xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc vào năm 1980 để làm vùng kinh tế mới, sau đó khai hoang, lập nghiệp đến năm 1996. Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình bà chủ yếu trồng cây nông nghiệp và cây công nghiệp, như: cao su, điều, cà phê, tiêu, lúa, mì…

Bà Nguyễn Thị Hiệp chật vật sống tạm qua ngày tại sân sau nhà người thân

Nhưng sau khi đất bị thu hồi, gia đình bà lại dắt díu nhau lên Tây Nguyên tìm đường mưu sinh mới. Tuy nhiên, vòng tròn luẩn quẩn, ông bà lại quay về nơi này ở cái tuổi gần đất xa trời, trong căn nhà tạm. Căn nhà hiện tại của bà chỉ rộng vài chục mét vuông, mọi tiện nghi sinh hoạt tạm bợ. Bà Hiệp phải chật vật sống nhờ, sống tạm qua ngày tại sân sau nhà người thân. 

Nói trong nước mắt, bà Hiệp cho biết người dân vốn dĩ hiền lành, “không có chuyện kiện cáo gì đâu”. Nhưng từ khi bị “mất đất”, không còn đường sống nên mới phải đi “cầu cứu” khắp nơi. 

Những ngôi nhà bỏ hoang, trơ trọi đồ đạc

Theo tìm hiểu, nhiều người dân khác tại tại hai xã Bàu Lâm và Hoà Hiệp cũng rơi vào cảnh tương tự, không còn tài sản, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày. Thậm chí, có gia đình đã ly tán, vợ chồng chia tay vì không chịu nổi cảnh nghèo khó. 

Chờ những giải pháp tháo gỡ

Theo chia sẻ của người dân, trong quyết định thu hồi là 500 ha nhưng con số 103 ha mà doanh nghiệp được cộng thêm, có nhiều chi tiết bất cập. Vì thời điểm thu hồi cũng chưa có các giải pháp thỏa đáng và kế hoạch tạo điều kiện việc làm hoặc đất đai cho người dân tái ổn định sản xuất. Sau nhiều năm đất chuyển chủ đầu tư, luật đất đai sửa đổi bổ sung, người dân lại càng lâm vào thế khó.

Người dân mong chờ tìm ra những giải pháp tháo gỡ

Ông Nguyễn Văn Chắt (sinh năm 1948) là một trong những người dân kiên trì đấu tranh để đòi lại quyền lợi. Ông đã mất 8 ha đất và đã 4 lần gửi đơn khiếu nại. Tuy nhiên, tất cả các lần đều nhận được câu trả lời rằng đã hết thời hạn xử lý.

“Ở đây có tổng cộng 85 hộ dân bị "mất đất", riêng gia đình tôi mất 8 ha, suốt 30 năm qua chúng tôi chờ đợi trong vô vọng. Tôi đã 4 lần gửi đơn kiện nhưng kết quả đưa về đều thông báo quá thời hạn xử lý. Cuộc sống của người dân ở đây ai cũng khó khăn, có gia đình ly tán, con cái đi làm thuê làm mướn cho người ta. Vài người còn phải chịu cảnh ở nhờ do không có của cải gì hết”, ông Chắt chia sẻ.

Những lá đơn “cầu cứu” vẫn được gửi đi nhiều nơi

Trong suốt 30 năm qua, người dân đã gặp không ít khó khăn, khi không chỉ “mất đất”, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng. Với mỗi người dân, mỗi thửa đất đều là “bờ xôi ruộng mật”, đổ mồ hôi để gieo hy vọng, thế nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng để tìm ra các giải pháp tháo gỡ.

Bá Phước - Lý Sơn

 

 

  • Tags: