Lợi dụng uy tín người thân để lừa tiền nhiều người: Không thể tránh khỏi sự nghiêm minh của pháp luật

Đã có không ít những trường hợp liên quan đến việc lợi dụng sự quen biết, uy tín để thực hiện các hành vi chiếm đoạt, lừa tiền. Tuy nhiên việc phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng cần được xác định rõ dưới góc độ pháp lý.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhận được thông tin về đơn tố cáo gửi đến các cơ quan bảo vệ pháp luật của ông Nguyễn Đức Minh ở Đồng Nai về bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (là cháu ruột) liên quan đến vận động tài sản để làm ăn nhưng không cố tình né tránh không trả lại tiền. 

Chiêu trò vận động tài sản để làm ăn?

Theo nội dung đơn tố giác của ông Nguyễn Đức Minh (ngụ tại ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vào đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (ngụ tại Tổ 6, ấp Bắc 3, Hòa Long, TP Bà Rịa – Vũng Tàu) về nhà ông Minh chơi và đưa ra nhiều chiêu thức, mua bán đất… nhằm vận động và thu tiền của mọi người. Bà Vân nói là để cùng làm ăn.

Cũng theo ông Minh, đến nay, bà Vân đã nhận tiền mặt từ ông số tiền 9 tỷ 250 triệu đồng và tiền chuyển khoản là 4 tỷ 950 triệu đồng; tổng cộng là 14 tỷ 150 triệu đồng. Trong đó, tiền của riêng ông Minh là 4 tỷ 950 triệu đồng. Ông Minh cũng thông tin về việc chuyển tiền ngân hàng cũng như nhận tiền mặt vào ngày 18/4/2022 tại nhà riêng ở xã Bàu Can. Ông Minh cho biết, do không viết giấy, bà Vân chụp hình và đăng trên facebook cá nhân “Van Nguyen". 

Đơn tố cáo ông Minh cho rằng bà Vân đã lợi dụng lòng tin và uy tín của ông với nhiều người, đồng thời nhiều người cũng đặt niềm tin ở ông nên đã chuyển tiền cho ông Minh để sau đó chuyển cho bà Vân cùng góp vốn làm ăn. Các trường hợp ông Minh nêu trong đơn tố cáo bao gồm: ông Nguyễn Văn Phước, ông Nguyễn Trí Dũng và bà Đỗ Thanh Tuyền (sau đó ông Minh nhờ người em gái họ là bà Lý Thị Nhung chuyển tiền cho bà Vân). 

Bên cạnh đó, ông Tân là người anh em họ cũng bị bà Vân lừa lấy số tiền 12,5 tỷ đồng nói là để mua đất, nhưng bà Vân cũng không mua và đến nay vẫn không trả lại tiền cho ông Tân. Nhiều người khác cũng bị Vân dùng nhiều chiêu thức, thủ đoạn để lừa tiền.

Theo nội dung đơn tố cáo, ông Minh đã nhiều lần yêu cầu bà Vân nếu không mua đất thì hoàn trả lại tiền cho ông và mọi người, nhưng bà Vân đều né tránh không trả lại tiền. Ông Minh thông tin tron đơn tố cáo, cho rằng bà Vân cùng cả gia đình còn có ý định bỏ trốn xuất cảnh sang Mỹ. Đại diện những người bị hại là bà Nguyễn Phú Quý đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Cẩm Vân và đã được Tòa án chấp thuận bằng Quyết định số 02/2023/QĐ-BPKCTT ngày 08/12/2023. 

Ông Minh tiếp tục trình bày trong đơn, cho đến nay, bà Vân cùng mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Thời vẫn ngoan cố không trả tiền mà còn thách thức ông đi thưa kiện vớ thái độ coi thường, bất chấp pháp luật.

Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Quyết định số 02/2023/QĐ-BPKCTT ngày 08/12/2023 của Tòa án thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ những nội dung theo đơn tố cáo thì hành vi của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Dưới góc độ pháp lý, cần phân định rõ hai tội danh này như sau:

Về căn cứ pháp lý: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Trong khi đó Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015

Còn xét về hành vi, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn phải có hành vi gian dối, hành vi này phải thực hiện trước thời điểm chuyển giao tài sản. Còn với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Có thể có hoặc không có hành vi gian dối . Nếu như có hành vi gian dối thì hành vi này luôn phải thực hiện sau thời điểm chuyển giao tài sản.

Đối với ý thức chiếm đoạt tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản; Thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Còn với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Xuất hiện sau khi có giao dịch hợp pháp, tức là sau khi có được tài sản người phạm tội mới nảy sinh ý định và hành vi chiếm đoạt.

Đối với Hình thức phạm tội, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản như đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Còn Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Còn với giá trị tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng - dưới 50.000.000 đồng; Hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp luật định tại khoản 1, Điều 174 BLHS 2015. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Tài sản chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng - dưới 50.000.000 đồng; Hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp luật định tại khoản 1, Điều 175 BLHS 2015.

Với thủ đoạn thực hiện tội phạm, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ đưa ra thông tin giả, sai sự thật làm cho nạn nhân tin đó là sự thật để chiếm đoạt tài sản. Còn với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản hoặc dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp.

Cuối cùng, ở Mức hình phạt, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Phạt tù từ 02 - 07 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 50.000.000 đồng - dưới 200.000.000 đồng; Phạt tù từ 07 - 15 năm khi chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng - dưới 500.000.000 đồng; Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi chiếm đoạt tài sản từ  500.000.000 đồng trở lên. Trong khi đó, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Phạt tù từ 02 - 07 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 50.000.000 đồng - dưới 200.000.000 đồng; Phạt tù từ 05 - 12 năm khi chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng - dưới 500.000.000 đồng; Phạt tù từ 12 - 20 năm khi chiếm đoạt tài sản từ  500.000.000 đồng trở lên.

Hành vi lợi dụng uy tín người thân để lừa tiền nhiều người của bà Vân chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự nghiêm minh của pháp luật.

Bá Phước – Mai Văn Hiển

...
  • Tags: