Lựa chọn những vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, có tính chiến lược để thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Sáng ngày 17/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì Hội nghị.

Báo cáo kết quả thực hiện các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết: Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 10 cục; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ. Đối với sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn ở địa phương giảm được 07 sở, 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện.

Về số lượng cấp phó của tổ chức hành chính: Đối với bộ, ngành, sau khi sắp xếp tổ chức của các bộ, ngành sẽ phải thực hiện giảm theo lộ trình đối với 61 lãnh đạo cấp tổng cục (14 Tổng Cục trưởng và 47 Phó Tổng Cục trưởng), 17 lãnh đạo cấp cục thuộc bộ, 63 lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ, 404 lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc tổng cục. Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với địa phương: Căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó và kết quả sắp xếp tổ chức hành chính, các địa phương đã rà soát, cơ cấu lại nhân sự lãnh đạo quản lý các cấp thuộc phạm vi quản lý. Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Về sắp xếp đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương: đối với bộ, ngành còn 1.035 đơn vị, giảm 98 đơn vị, tương ứng giảm 8,6%; đối với địa phương còn 46.653 đơn vị, giảm 7.631 đơn vị, tương ứng giảm 14,05%. Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt đề án tự chủ đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở thực hiện mục tiêu có 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế: Số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67%, vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành các Quyết định để giao biên chế giai đoạn 05 năm (2022-2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị.

Về bổ sung biên chế giáo viên và vấn đề tiền lương, chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các địa phương, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, trong đó đối với năm học 2022-2023 đã bổ sung 27.850 biên chế giáo viên. Năm học 2023-2024, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát nhu cầu thừa, thiếu giáo viên đối với từng bậc học để bổ sung cho các địa phương. Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong đó có quy định các địa phương chưa được giao đủ định mức sẽ được ký hợp đồng đối với giáo viên theo quy định, bảo đảm kịp thời bố trí đủ nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục công lập.

Về thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu biên soạn và ban hành Bộ tài liệu tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp làm cơ sở tài liệu tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng làm công tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hướng dẫn các địa phương về thực hiện nội dung tiêu chí 18.1 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Nội vụ có Hướng dẫn số 2357/HD-BTĐKT ngày 31/8/2022 về khen thưởng thành tích trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; xây dựng chương trình phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm triển khai, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tuyên truyền về Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Phong trào thi đua và Chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững” năm 2022...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cũng nêu rõ nhóm giải pháp triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Theo đó, lựa chọn chuyên đề giám sát chuyên sâu, bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, mang tính thời sự, cấp bách, có tính chiến lược, lâu dài để thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Sau khi có kết luận giám sát, yêu cầu đơn vị, tổ chức được giám sát báo cáo, giải trình làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được giám sát.

Đồng thời, phát huy, kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan chức năng đối với vấn đề được giám sát để giảm thiểu thời gian, nguồn lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát. Tăng cường phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn đại biểu Quốc hội để đạt kết quả cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trước, trong và sau khi có kết luận giám sát chuyên đề để kịp thời thông tin đến cử tri, Nhân dân đối với những vấn đề nóng, cấp bách, gây bức xúc lớn trong dư luận./.

Hà Linh - tcnn.vn

...
  • Tags: