Luật chồng chéo, ai chèo chống?

Nhắc đến pháp luật, mặc nhiên chúng ta nghĩ tới hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước đặt ra (hoặc thừa nhận) có tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức cũng như tính bắt buộc chung thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực nhà nước và được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Tuy vậy, ở nước ta trong thời gian qua bên cạnh tác động tích cực của pháp luật vào sự phát triển tốt đẹp của xã hội trên nhiều lĩnh vực thì những “lỗ hổng” trong soạn thảo và thực thi pháp luật cũng đã xuất hiện. Điều đó tất yếu đã ảnh hưởng xấu tới sự phục hồi và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, từng làm nóng ran diễn đàn Quốc hội khi các đại biểu không ngần ngại nói tới sự mâu thuẫn, chồng chéo trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Và, điều đáng quan tâm, quan ngại nhất là bên cạnh không ít cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm lại có những người cố tình mượn lý do về thể chế chưa hoàn thiện, luật chồng chéo để đùn đẩy, né tránh, không làm việc hoặc làm việc cầm chừng.

Xin nói có sách, mách có chứng. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghiêm khắc chỉ ra: “Bên cạnh những kết quả đạt được hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận diện là có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh không dám làm, làm chưa hết chức năng nhiệm vụ được giao.

Rõ ràng, những người đứng đầu Chính phủ và các đại biểu Quốc hội nắm rất chắc tình trạng chồng chéo, kể cả những mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật cũng như sự hay – dở, sáng – tối của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Điều ấy cần/ phải được chỉ ra một cách minh bạch và kịp thời nhằm cổ vũ, động viên, bảo vệ những cán bộ làm tốt đồng thời phê phán, uốn nắn thậm chí xử phạt những người lợi dụng các “lỗ hổng” trong pháp luật để trốn tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm mà suy cho cùng đó cũng là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội. Có người cho rằng những kẻ như vậy là khôn ngoan thức thời, biết mình biết ta. Thực ra, thì đó cũng chỉ là sự lấp liếm, biện hộ cho chủ nghĩa cá nhân, kiểu cán bộ ấy luôn chỉ biết hướng tới sự an toàn và lợi ích của riêng mình, nhóm mình. Với họ, lợi ích Tổ quốc, lợi ích nhân dân luôn là cái đằng sau, cái ở phía dưới khi so với lợi ích của cá nhân.

Có lẽ, trước hết chúng ta phải tìm ra nguyên nhân dẫn tới những điều đáng buồn trên. Và, không thể không trả lời cho những câu hỏi sau:

Một là, vì sao luật pháp của nước ta còn mâu thuẫn, chồng chéo? Chẳng quá khó khi trả lời câu hỏi ấy. Phải chăng, đó là do lực lượng cán bộ xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật vừa thiếu về số lượng vừa còn nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn nhưng lại hay bị biến động, ít được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng. Vì thế, nên tính thống nhất, đồng bộ chưa cao và đặc biệt tính dự báo trong luật pháp còn hạn chế. Cuộc sống luôn xê dịch, biến động; trong thời đại 4.0 như hiện nay thì sự xê dịch, biến động đó có thể ví như một dòng chảy ào ạt, những bến bờ cũ kỹ rất dễ bị băng qua, chân trời hôm qua còn tít tắp mờ xa vời vợi nay đã ở trong tầm nhìn, tầm với của chúng ta. Có những cái vào thế kỷ trước còn là huyền thoại, là giấc mơ của nhân loại thì nay đã trở thành hiện thực, phổ biến.

Có thể nói, chưa bao giờ việc làm luật “khó” như bây giờ. Văn bản luật vừa đảm bảo tính khoa học đúng đắn, nghĩa là nó không được thoát ly những quy luật phổ biến của xã hội loài người, đáp ứng những đòi hỏi yêu cầu mới mẻ của thời đại đang số hóaxanh hóatoàn cầu hóa vừa phải biết gìn giữ phát huy các giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng, văn hiến vốn cần cù và sáng tạo, căn cơ và hòa nhập. Đồng thời, luật nào cũng phải xuất phát từ thực tiễn, từ ý nguyện chính đáng của đông đảo nhân dân, thế mới tạo dựng nên được sự hài hòa để trở thành quy tắc ứng xử chung của tất cả mọi công dân, mọi thành viên trong xã hội. Do đó, muốn nâng cao tầm vóc văn bản quy phạm pháp luật phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Mỗi văn bản pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần đạt tới sự mẫu mực về tính khoa học chính xác trong nội dung và chặt chẽ, rõ ràng trong diễn đạt. Đặc biệt, nâng tầm dự báo xa rộng để sức sống của các văn bản luật pháp được lâu dài. Muốn đạt được điều đó, phải hết sức coi trọng đội ngũ cán bộ xây dựng luật pháp. Không thể không lựa chọn những cán bộ tài đức thực sự vào công việc khó khăn và phức tạp này. Công tác xây dựng pháp luật không phải, không thể là nơi làm việc của những kẻ ít đức, kém tài ú ớ…

Hai là, làm sao, làm gì để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm không dám làm hay làm việc cầm chừng nhưng lại tìm cách đổ lỗi cho thể chế chưa hoàn thiện, hay pháp luật có sự chồng chéo vướng mắc? Bác Hồ từng nhấn mạnh, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân. Sau đó, Đảng cũng nhiều lần khẳng định tính chất tốt đẹp ưu việt ấy của chế độ khi cho rằng nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Từ lâu, khi chính quyền Cách mạng mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ đảng viên: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Trong hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài nói chuyện mang tầm chiến lược định hướng về công tác cán bộ lâu dài. Đáng chú ý nhất là Tổng Bí thư đã nói đến mẫu hình cán bộ “7 dám” thể hiện tư duy đúng đắn của người đứng đầu Đảng ta. Đó là: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung. Chữ dám gói gọn bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức của người cán bộ, theo tôi không chỉ riêng của chỉ huy trong quân đội ta mà là của tất cả cán bộ của Đảng, của Nhà nước. Biết rằng dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong nhưng xét ở góc độ lãnh đạo của một Đảng cầm quyền thì vai trò cán bộ mang yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của Cách mạng. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có thành công hay không chắc chắn phải nhờ vào Đảng và chính quyền có trong sạch vững mạnh hay không. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cán bộ và công tác cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Người viết: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và nhấn mạnh: muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Do vậy, trong dòng chuyển động của cuộc sống hôm nay, người cán bộ phải dám đương đầu với những khó khăn, phức tạp thậm chí gian nguy nữa để làm tốt chức trách của mình. Cán bộ tốt hết lòng yêu nước thương dân, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Tính chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ là tiêu chí hàng đầu và xuyên suốt của người cán bộ. Cán bộ hoàn toàn không phải là Thiên Lôi tuy lăm lăm ngọn tầm sét trong tay nhưng chỉ đâu đánh đấy.

Cái câu dân thường đọc “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà tôi nghe hồi còn nhỏ có lẽ vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ. Đảng ta, có gì khác đâu chứ, chính là cuộc sống của hàng triệu nhân dân, chính là khát vọng hạnh phúc của muôn vạn tấm lòng, niềm tin: Đảng nghĩ số triệu dân, nghĩ sức nước sông Cả, sông Hồng/ Những vóc dáng những Trường Sơn, dung mạo những đồng bằng/ Những mâm cơm ta có gì, Trung ương phải nghĩ/ Một lạng ngô thôi cũng lo đều cho mười chín triệu đầu dân…/Ta nghĩ chuyện nghìn năm chưa kịp nghĩ/ Và đôi mắt thần của Đảng chiếu tầm xa (Chế Lan Viên). Thời bom đạn là thế và bây giờ dưới cánh chim hòa bình chúng ta dựng xây, gìn giữ đất nước thì tinh thần yêu nước thương dân ấy vẫn tỏa sáng muôn nơi. Vì thế, không lý gì người cán bộ của Đảng lại thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Thấy điều gì đó không có lợi cho mình đã cố tình lẩn tránh, nói chi đến chuyện khi biết luật pháp đang vướng mắc những mâu thuẫn, chồng chéo này nọ. Nếu ai cũng thế thì đất nước này sẽ đi về đâu? Nên công tác chọn lựa cán bộ phải hết sức cẩn trọng và công tâm.

Cán bộ cần được thử thách và giáo dục thường xuyên. Không xuê xoa, bao che với những cán bộ thiếu ý chí trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh hay làm việc cầm chừng khi khó khăn. Không có những con người Ngực dám đón những phong ba dữ dội thì Tổ quốc sẽ không phát triển vững bền. Không có nhiều cán bộ đảng viên chân chính thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân thì đất nước sẽ không tiến lên phía trước được, làm sao thực hiện đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Vâng, bây giờ và mai sau rất cần những thuyền trưởng, những thủy thủ bản lĩnh, sáng suốt chèo lái đưa con tàu đất nước Việt Nam vượt qua bão táp cập bến bờ hạnh phúc tươi đẹp.

THANH KHÊ

  • Tags: