Trong năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) số 61/2024/QH15 và Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc ban hành Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia lần đầu tiên được lập ở Việt Nam sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững và phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Trong khi đó, Luật Điện lực (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 có một số chính sách mới được kỳ vọng mang lại hiệu quả cho ngành điện như: đầu tư xây dựng các dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện hạt nhân; cải cách giá điện và phát triển thị trường điện; cắt giảm và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính về cấp phép hoạt động điện lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động điện lực…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi
Để hiểu hơn về mối tương quan, hỗ trợ của Luật Điện lực (sửa đổi) đối với Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia cũng như khi được áp dụng vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Tạ Đình Thi – đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.
Phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Phóng viên: Trong năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin đại biểu cho biết, việc thông qua Luật và Nghị quyết trên có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi: Phải nói rằng, chúng tôi rất may mắn khi được giao trách nhiệm tham mưu với Ủy ban KH,CN&MT trong công tác thẩm tra và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 ngày 28/6/2024 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Điện lực số 61/2024/QH15 ngày 30/11/2024. Việc Quốc hội thông qua hai văn bản trên có ý nghĩa rất lớn về chính sách phát triển quốc gia của Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc ban hành Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững không gian, tài nguyên biển (ảnh: Cục Biển và hải đảo Việt Nam)
Theo hiểu biết của tôi, đến nay cũng chỉ một số quốc gia có biển trên thế giới có quy hoạch không gian biển. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có biển thứ hai ban hành quy hoạch không gian biển. Điều này thể hiện tầm nhìn, tư duy lớn của chúng ta “tiến ra biển, làm chủ biển, khai thác, sử dụng bền vững không gian, tài nguyên biển, xây dựng xã hội hướng biển” nhằm tạo ra những không gian phát triển mới, ngoài không gian ngầm, không gian vũ trụ và trong khi dư địa phát triển trên đất liền của chúng ta ngày càng bị thu hẹp.
Với đặc thù nước ta có đường bờ biển trải dài dọc từ Bắc vào Nam qua 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với rất nhiều lợi thế, tiềm năng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững do thiếu một quy hoạch tổng thể, thống nhất, chưa có sự đồng bộ giữa các quy hoạch và do những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về biển, đảo. Việc ban hành Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững không gian, tài nguyên biển, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Với đà tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ của đất nước, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, kinh doanh dẫn đến nhu cầu năng lượng liên tục tăng cao, trong đó phải kể đến nhu cầu thiết yếu đó là sử dụng điện. Tuy nhiên, tiến độ phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện hiện nay không kịp để đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện (khoảng 10%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng cứ tăng trưởng 1% thì nhu cầu điện năng tăng 1,5%), phần nhiều là do những hạn chế, vướng mắc về chính sách. Theo đó, Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng với một tư duy đổi mới được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo nhằm kiến tạo phát triển, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, bảo đảm an ninh năng lượng, trước hết là an ninh cung ứng điện trong thời gian tới. Một số chính sách mới, kỳ vọng mang lại hiệu quả cho ngành điện như: đầu tư xây dựng các dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện hạt nhân; cải cách giá điện và phát triển thị trường điện; cắt giảm và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính về cấp phép hoạt động điện lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động điện lực…
Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8
Ngoài ra, một trong những lợi thế, tiềm năng lớn của biển Việt Nam được đề cập trong Quy hoạch không gian biển quốc gia là phát triển ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Theo đó, Luật Điện lực đã dành một mục riêng trong Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới để quy định về phát triển điện gió ngoài khơi. Điều này thể hiện tinh thần thể chế hóa và cụ thể hóa nhanh chóng, kịp thời và bảo đảm đồng bộ trong các chính sách phát triển. Mặc dù những dự án Nghị quyết, Luật nêu trên rất khó, phức tạp, có nhiều nội dung nhạy cảm, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan thì các nhiệm vụ đều được hoàn thành trong 01 kỳ họp Quốc hội.
Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết những khó khăn, thách thức của Ủy ban KH,CN&MT trong việc chủ trì thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi: Có thể nói, 02 nhiệm vụ này rất thách thức với chúng tôi, Ủy ban KH,CN&MT là cơ quan chủ trì thẩm tra. Quy hoạch không gian biển quốc gia lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, kinh nghiệm chúng ta không có nhiều, trong khi đó bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực, nhất là trong khu vực Biển Đông. Nhân lực có chuyên môn sâu, cơ sở dữ liệu, thông tin về biển của chúng ta còn nhiều hạn chế.
Các đại biểu Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Đối với Luật Điện lực, thách thức lớn nhất đó là về thời gian. Trong khi an ninh cung cấp điện có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trở nên cực kỳ cấp thiết. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Chính phủ trình có nhiều nội dung phức tạp, có tác động và ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh tế và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Lãnh đạo Quốc hội và sự nỗ lực của các cơ quan liên quan, bám sát định hướng đổi mới tư duy trong lập pháp, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội tán thành với tỷ lệ cao 91,65%.
Cần nhanh chóng ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện
Phóng viên: Xin đại biểu cho biết công tác triển khai Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian tới?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi: Như chúng ta thấy, một nghị quyết hay luật để có thể đi vào cuộc sống, phát huy trên thực tế thì ngoài đòi hỏi tính đúng đắn của nghị quyết hay luật đó thì công tác chuẩn bị và việc triển khai thực hiện có vai trò rất quan trọng. Điều này hoàn toàn đúng với hai văn bản nêu trên. Trước hết, đó phải là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức về nội dung các văn bản này, tập trung vào các đối tượng chịu tác động, các cơ quan thực thi chính sách, pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Điện lực (sửa đổi) đối với Quy hoạch không gian biển quốc gia
Thứ hai, cần nhanh chóng ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện, đối với Quy hoạch không gian biển cần khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện; đối với Luật Điện lực là các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ để Luật có thể thi hành ngay khi có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2025. Tiếp đó, là việc bố trí nguồn lực phù hợp với yêu cầu thực tế để tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng phải được tiến hành thường xuyên và kịp thời.
Phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu biết đầy đủ, tham gia thực hiện một cách tự nguyện
Phóng viên: Để tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đại biểu, các Bộ ngành, địa phương cần triển khai những nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo như thế nào?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Tạ Đình Thi: Để có sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trong bất kỳ chính sách phát triển nào, trong đó có Quy hoạch không gian biển và Luật Điện lực thì những chính sách đó phải xuất phát từ thực tế, đáp ứng yêu cầu bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Khi chính sách được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì như trên tôi đã đề cập, chúng ta phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân nhận thức, hiểu biết một cách đầy đủ, cùng nhau tham gia thực hiện một cách tự nguyện, tự giác thì như vậy chính sách mới thành công thực sự.
Tôi mong rằng, trong thời gian tới, các Bộ ngành, địa phương khi triển khai Luật Điện lực và Quy hoạch không gian biển cần có các văn bản hướng dẫn, các hành động rất thiết thực, cụ thể, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan để doanh nghiệp, người dân ủng hộ và tham gia thực hiện một cách chủ động, tích cực. Nhờ đó, các chính sách mới nhanh chóng phát huy và đi vào thực tiễn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm!
Bích Lan
Cổng TTĐT Quốc hội