Một số kiến nghị chính sách, pháp luật về đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

Trí thức được đề cập trong Nghị quyết 27 của Trung ương được định nghĩa như sau: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.

Khái niệm trí thức, giới trí thức

Theo Wikipedia, khái niệm giới trí thức (tiếng Anh là inteligentsia; tiếng Nga là интеллигенция) xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX ở Châu Âu, chỉ ra một giai tầng xã hội bao gồm những người lao động trí óc, có trình độ học vấn và kiến ​​thức chuyên sâu trong lĩnh vực nào đó của khoa học, công nghệ, văn hóa, chính trị và là những người có ảnh hưởng xã hội nhất định.

Sau này, vai trò của giới trí thức hay cá nhân trí thức được xã hội đề cao và được định nghĩa là người có trình độ uyên thâm, cao hơn mặt bằng chung của xã hội, thường làm công việc sáng tạo, suy luận, phân tích, phản biện, truyền bá ý tưởng…Thế cho nên trong lịch sử nhân loại, những trí thức lỗi lạc thường là những người dẫn dắt, những người định hướng, mở lối đi mới cho cộng đồng, xã hội.

Ở Việt Nam, khái niệm “Trí thức” có nguồn gốc Hán Việt, gồm hai từ TRÍ () và THỨC (). Từ trí được ghép với các từ khác như trí tuệ , tài trí. túc trí đa mưu, trí thức… đều nói lên sự thấu hiểu, mưu lược, khôn ngoan, nắm vững quy luật…chứ không chỉ thuần túy là biết nhiều, có kiến thức.

Trong cách hiểu chung hiện nay về cụm từ “trí thức” còn có sự khác biệt nhất định. Trong các bài viết quốc tế người ta ít dùng cụm từ trí thức, mà phổ biến hơn là dùng cụm từ nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao... Phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo là những thách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp và nền kinh tế đương đại phải đối mặt. Sự gia tăng tính đổi mới đòi hỏi các nguồn lực thích hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo.Vốn con người là cốt lõi của hoạt động của mọi tổ chức.Nó được định nghĩa là sự kết hợp của kiến ​​thức, kỹ năng, sự đổi mới và năng lực cá nhân của nhân viên (Edvinsson, Malone, 1997). Vốn con người là một trong những yếu tố của vốn tri thức.

Cách hiểu khái niệm trí thức nêu trong Nghị quyết 27 đã đè cao phẩm chất vai trò và trách nhiệm của trí thức nước nhà trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, trong kỷ nguyên mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ theo hướng tiến bộ làm thay đổi nhanh chóng thế giới về kinh tế, chính trị, cách thức tổ chức và điều hành xã hội. Nổi bật hơn cả là sự hình thành nền kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số và những thành tưu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi và đứng trước nhiều thách để đạt mục tiêu năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì khâu đột phá đầu tiên phải được tính đến là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng một cách thật hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là phải hết sức thúc đảy sự hình thành và trọng dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao,  tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vềphát huy vai trò, sự đóng góp của đội ngũ trí thức KH&CN

Về cơ bản, hệ thống quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KH, CN & ĐMST và đội ngũ trí thức đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho đến nay là hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, tiên tiến. Mặt khác, ngay trong Nghị quyết 27 và Kết luận 52 về đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 đã chỉ ra hàng loạt những bất cập, tồn tại.

Vì thế, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đếnphát triển KH, CN & ĐMST và đội ngũ trí thức. Cụ thể như sau:

1. Thể chế hóa Điều 62 của Hiến pháp 2013. Đặc biệt cần cụ thể hóa nội hàm, những tư tưởng và quan điểm chủ đạo của Điều này, như “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”; “Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ”.

2:Khẩn trương ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện các điều của Luật KH&CN 2013, Luật Công nghệ cao 2008, nhất là các điều, khoản sau đây:

Luật KH&CN: Điều 46. “Ứng dụng KH&CN trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội;”1. Dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển phục vụ xây dựng căn cứ khoa học trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải quyết vấn đề khoa học và công nghệ phát sinh trong quá trình thực hiện.

Luật CNC (Điều 23). Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao“4. Nguồn tài chính thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao bao gồm:

- Ngân sách nhà nước dành cho Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Khoản ngân sách này không thuộc loại chi ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động khoa học, công nghệ;

- Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình … Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách, cơ chế đặc biệt đối với Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao vào thời điểm thích hợp”.

Hiện nay, mức chi toàn xã hội cho KH&CN ở Việt Nam, theo cách tính khác nhau chỉ đạt khoảng 1% GDP. Trong đó, ngân sách NN chi 2% tương đương 0,5% GDP; đầu tư ngoài nhân sách nhà nước gần đây xấp xỉ đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong kho đó, chi cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của một số nước phát triển như sau (số liệu OECD năm 2020): Israel 5,43; Hàn Quốc 4,81; Mỹ 3,45; Nhật 3,27; cac nước OECD 2,68…

Nếu triển khai thực hiện như Điều 46 của Luật KH&CN thì các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển. Các hạng mục chi này không tính trong 2% chi ngân sách cho KH&CN. Mỗi năm, Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, các dự án đầu tư công hàng triệu tỷ.Nếu trong các khoản đầu tư công này có chị cho KH&CN thì chắc chắn hiệu quả đầu tư sữ cao hơn; tham nhũng, lãng phí cũng có thể hạn chế rất nhiều. Do có nhiều cơ hội tham gia các dự án đầu tư lớn thì đội ngũ chuyên gia, tổng công trình sư, tổ chức KH&CN tiên tiến sẽ được hình thành và phát triển. Nhờ đó mà năng lực, trình độ công nghệ quốc gia của Việt Nam có thể trưởng thành, vươn lên  ngang tầm khu vực, ở một số ngành ngang tầm quốc tế.

Suốt một thời gian dài chúng ta vẫn nói: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa; mà con người XHCN phải được rèn luyện, trưởng thành trong công cuộc xây dựng CNXH. Về bản chất, xây dựng đội ngũ trí thức hay đội ngũ nhân lực KH, CN và ĐMST cũng phải từ thực tiễn hoạt động KH&CN. Nếu thiếu nhiệm vụ nghiên cứu với quy mô đầu tư, hàm lượng và trình độ công nghệ cao thì không thể tạo ra được những đội ngũ nghiên cứu, sáng chế, tư vấn, quản lý…ưu tú có thể giải quyết vấn đề quốc gia, tham gia hội nhập quốc tế một cách chủ động, tự tin, hiệu quả được.

Thực tế gần đây cho thấy, trong mỗi nhiệm kỳ Quốc hội thông qua chục nghị quyết về đầu tư, phát triển với tổng kinh phí lên tới hàng triệu tỷ/nhiệm kỳ. Năm 2019 Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình với nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 137.664 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).

Mới đây, Quốc hội khóa XV đã thông quaNghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 2.870.000 tỷ đồng (124 tỷ USD). Trong kế hoạch đó, chưa thấy có chương trình, dự án nào giàng cho sự nghiệp phát triển KH, CN & ĐMST.

Và còn rất nhiều trương trình, dự án đầu tư công đang triển khai. Nếu Điều 46 Luật KH&CN được hướng dẫn và thực hiện nghiêm chình, tức là đều lập mục chi cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển thì đây là cú hích, đòn bẩy quan trọng không chỉ cho ngành KH&CN mà cả đối với sự nghiệp phát triển bền vững, lành mạnh của đất nước.

3. Nghiên cứu, ban hành Luật phổ biến kiến thức, Luật kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp

Chỉ thị 42-CT/TW năm 2010 của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đề ra yêu cầu nghiên cứu, ban hành Luật phổ biến kiến thức, Luật kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp.

Tiếp theo đó, Ban Bí thư (khóa X) đã ra Thông báo số 353-TB/TW ngày 25/6/2010, trong đó đã nêu“Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp để trình Quốc hội đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII”.

Năm 2018, tức là sau 10 năm Nghị quyết 27 được ban hành và sau 8 năm Chỉ thị 42 của Bộ chính trị và Thông báo 353 của Ban Bí thư được ban hành, việc cầu nghiên cứu, ban hành Luật phổbiến kiến thức, Luật kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp vẫn chưa được triển khai. Trước tình hình đó, Liên hiệp các Hội KH&KT VN đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng hồ sơ hai dự án luật này. Trước mắt Liên hiệp Hội Việt Nam đã trình Hồ sơ dự án Luật kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2/2019.

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 số: 409/BC-UBTVQH14 ngày 10/6/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu: ”Về dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp: ngày 28/5/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét; trường hợp bảo đảm đủ điều kiện sẽ bổ sung vào Chương trình”.

Do còn một số ý kiến chưa đồng thuận nên Dự án Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp chưa được đưa váo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và các năm tiếp theo.

Việc xây dựng và ban hành Luật phổ biến kiến thức, Luật kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp là chỉ đạo của Đảng, yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và tạo khung pháp lý quan trọng để trí thức KH&CN làm việc và cống hiến cho đất nước. Chậm nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hai dự án luật này cần phải được ban hành.

Kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội và Chính phủ

Trong mấy năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách, cơ chế đầu tư phát triển đất nước. Tuy nhiên chưa có một quyết  sách nào mang tính đột phá chiến lược về phát triển STI và đội ngũ nhân lực khoa học chất lượng cao được triển khai vào cuộc sống.Nguồn chi cho KH&CN từ ngân sách nhà nước chỉ đạt không quá 1,5%, mặc dù quy định là 2%  ngân sách nhà nước hằng năm. Đầu tư của toàn xã hội chưa vượt được 1% GDP. Trong khi các cường quốc trên thế giới chi cho STI từ 3 – 5% GDP. Với tư duy và phương thức đầu tư như hiện nay thì nền KH&CN nước ta đã, đang và sẽ tụt hậu ngày càng xa.

Kinh nghiệmcho thấy, nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách quan trọng trong quá khứ đã không được thể chế hoa nên thiếu cơ sở pháp lý, nguồn lực để thực hiện. Hệ quả là không phát huy được hiệu quả trên thực tế.

Dựa trên hệ thống quan điểm nền tảng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã ban hành, với nguyện vọng của cả dân tộc xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045, có thể nói đây là thời điểm không thể lùi, là thời cơ phát triển KH, CN & ĐMST như một quốc sách hàng đầu, một lĩnh vực “cần ưu tiên đầu tư trước một bước”. Chúng tôi có 3 kiến nghị cụ thể như sau:

Quốc hội ban hành một Đề án về phát triển KH, CN & ĐMST  giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 với kinh phí đầu tư và cơ chế mang tính đột phá,phù hợp với thời đại và bối cảnh hiện nay để đáp ứng các nhiệm vụ phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc. Khoản kinh phí này không nằm trong 2% nhân sách nhà nước cho KH&CN. Cơ sở chính sách và pháp lý để ban hành Đề án là:

Yêu cầu thể chế hóa các nghị quyết, văn kiện của Đảng; Hiến pháp, Luật KH&CN 2013; Luật Công nghệ cao(Điều 23 về Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao); Luật ban hành văn bản, quy phạm pháp luật: Điểm b, Điểm e Khoản 2 Điều 15 quy định về thẩm quyền của Quốc hội ban hành nghị quyết như sau: “2. Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định: …b) Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành;…e) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.

Đổi mới và nâng cao vị thế, vai trò của Hội đồng chính sách KH, CN&ĐMST Quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, 1/3 số thành viên là Bộ trưởng (KH&CN, Tài chính, KH&ĐT, Công Thương, NN&PTNT, GD&ĐT), 1/3 là giới trí thức tinh hoa của một số lĩnh vực KH&CN quan trọng nhất và 1/3 là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hàng đầu. Đây là mô hình Nhật Bản - National Council for Science, Technology and Innovation. Hội đồng với vị thế và thành phần như vậy sẽ tạo ra mối liên kết vững chăc và sự chỉ đạo kịp thời chiến lược và sách lược trong một thế giới biến động với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt.

Tổ chức Diễn đàn KH, CN & ĐMST Việt Nam  - Vietnam National Forum of Science, Technology and Innovation - Đây là diễn đàn khoa học quốc gia với chức năng tập hợp những người thực hiện hoạt động KH, CN & ĐMST từ quản lý, hoạch định chính sách đến nghiên cứu, triển khai, dịch vụ KH&CN…nhằm trao đổi thông tin, công bố các thành tựu khoa học, bàn thảo về các vấn đề liên quan đến KH, CN & ĐMST của Việt Nam, khu vực và quốc tế.

Trong những năm gần đây, một số ngành khoa học – kỹ thuật đã tổ chức thành công diễn đàn trong lĩnh vực chuyên ngành hoặc đa ngành. Tuy nhiên, một diễn đàn quốc gia có vị trí, vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Ở nhiều quốc gia tiên tiến tổ chức và hoạt động của diễn đàn được xã hội hóa rất mạnh; thậm chí giao cho một tổ chức phi lợi nhuận hoặc doanh nghiệp xã hội thực hiện. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, định hướng, người đặt hàng.

Đối với Việt Nam thì đây là thời kỳ mà chúng ta cần hội nhập về KH, CN & ĐMST thật sự chủ động, tích cực. Một trong lợi thế của Việt Nam để tổ chức diến đàn là chúng ta cố đội ngũ hàng chục ngàn các nhà khoa học và công nghệ đang làm việc, nghiên cứu và học tập tại các quốc gia G7, G20. Thêm vào đó, Việt Nam đang nổi lên với vị thế không ngừng được nâng cao, có nhiều doanh nghiệp lớn đang vươn ra thế giới khá thành công.  Diễn đàn là một kênh kết nối, hợp tác và liên kết rất hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.Đồng thời cũng đề ra các mục tiêu rất quan trọng:

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trước sứ mệnh lịch sử trọng đại đó, với tư thế một quốc gia gần 100 triệu người, Việt Nam phải lấy KH, CN & ĐMST là khâu then chốt và bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài làm nhiệm vụ chiến lược nhằm đạt được mục tiêu nêu trên. Tiêu chí để xác định quốc gia phát triển, thu nhập cao không chỉ xác định bằng GDP, mà còn là các tiêu chí khác, trong đó có trình độ KH, CN và ĐMST.

Trong chuyến công tác tại Hoa kỳ năm 2015, chúng tôi đã có nhiều cuộc làm việc với nhiều đối tác ở đây. Một điều rất ấn tượng là một quan chức ngoại giao nước Mỹ đã nói với chúng tôi: Hoa Kỳ coi KH&CN và đổi mới sáng tạo là một nền tảng của nền kinh tế Mỹ và là công cụ vô giá để hợp tác với đối tác nước ngoài. Khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới là động cơ của xã hội hiện đại và một lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế quốc tế./.

...
  • Tags: