Một số kiến nghị về tuyển dụng viên chức ở nước ta hiện nay

Vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân lực chuyên môn có chất lượng là công việc quan trọng mà các cơ quan, tổ chức đều phải chú trọng thực hiện, bởi con người là nguồn lực quý giá nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức. Các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta cũng không thể đứng ngoài hoạt động này.

Chính vì vây, việc xây dựng một đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, làm việc nghiêm túc, trách nhiệm là yêu cầu cấp thiết trước tình hình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay.

Ảnh minh họa - ITN

 Quy định về viên chức và tuyển dụng viên chức

Điều 2 Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 nêu rõ: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. Với quy định như trên, có thể thấy, những đặc điểm cơ bản của viên chức: là công dân Việt Nam (người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam); viên chức phải là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm (VTVL); được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng và hưởng lương từ quỹ lương của ĐVSNCL theo quy định của pháp luật.

Luật Viên chức năm 2019 quy định rõ về vấn đề tuyển dụng viên chức làm việc trong các ĐVSNCL. Cụ thể, tuyển dụng là “việc lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực vào làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập” (khoản 4 Điều 3). Do đó, có 3 yêu cầu đối với cá nhân được tuyển dụng làm viên chức là: có phẩm chất, tư cách đạo đức; trình độ chuyên môn; khả năng làm việc.

Để điều chỉnh hoạt động tuyển dụng viên chức, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về VTVL trong ĐVSNCL; Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2015/TT-BNV ngày 31/8/2015 của Bộ Nội vụ); Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, ĐVSNCL… Và gần đây nhất là hai văn bản liên quan trực tiếp đến công tác tuyển dụng viên chức trong các ĐVSNCL được Chính phủ ban hành là Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về VTVL và số lượng người làm việc trong ĐVSNCL và Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo quy định của các văn bản và Luật Viên chức, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, VTVL, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ lương của ĐVSNCL. Theo đó, các nguyên tắc tuyển dụng cần bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh; tuyển chọn đúng người, đáp ứng yêu cầu của VTVL; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu ĐVSNCL; ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.

Thẩm quyền tuyển dụng sẽ do người đứng đầu ĐVSNCL tự chủ thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đối với đơn vị sự nghiệp chưa được giao quyền tự chủ thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý ĐVSNCL tổ chức thực hiện hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho người đứng đầu ĐVSNCL thuộc quyền quản lý.

Người đứng đầu ĐVSNCL tự chủ quyết định nội dung tuyển dụng phù hợp với yêu cầu, VTVL cần tuyển dụng và hình thức tuyển dụng (xét tuyển hoặc thi tuyển). Trường hợp ĐVSNCL chưa được giao quyền tự chủ được phân cấp thực hiện tuyển dụng thì người đứng đầu đơn vị đó có thể được ủy quyền quyết định hình thức tuyển dụng. Nói cách khác, viên chức được tuyển dụng thông qua việc thi tuyển hoặc xét tuyển, được thực hiện bởi người đứng đầu ĐVSNCL thực hiện hoặc là các cơ quan có thẩm quyền quản lý thực hiện.

Về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, tại Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định rất cụ thể, chi tiết đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức.

Quy trình tuyển dụng tại các ĐVSNCL thông thường được thực hiện thông qua 7 bước sau: Bước 1: Lập kế hoạch tuyển dụng viên chức, xây dựng chỉ tiêu cho từng VTVL. Bước 2: Duyệt kế hoạch, phê duyệt chỉ tiêu biên chế, lập Hội đồng tuyển dụng. Bước 3: Thông báo tuyển dụng. Bước 4: Thu nhận hồ sơ dự tuyển và lập danh sách. Bước 5: Tổ chức tuyển dụng. Bước 6: Thông báo kết quả trúng tuyển và không trúng tuyển, ký hợp đồng làm việc với viên chức. Bước 7: Quản lý, thực hiện các chế độ của người trúng tuyển. Những bước trên đều có các quy định về thời gian, thủ tục, quy trình và người thực hiện.

Thi tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi như sau: vòng 1, thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Nội dung thi trắc nghiệm gồm 3 phần: Phần I, thi kiến thức chung; Phần II, thi ngoại ngữ; Phần III, thi tin học. Vòng 2, thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, nội dung thi là kiến thức, năng lực, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của người dự tuyển viên chức theo yêu cầu của VTVL cần tuyển dụng. Hình thức thi tại vòng 2 do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định (chỉ thi một trong các hình thức: phỏng vấn, thực hành, thi viết).

Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức phải có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên (quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này) và có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định này (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng VTVL…

Xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng như sau: vòng 1, kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2 quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này. Vòng 2, phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định hình thức phỏng vấn hoặc thực hành tại vòng 2 này phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau: có kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này đạt từ 50 điểm trở lên; có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định này (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng VTVL.

Sau khi có quyết định tuyển dụng thì viên chức cần ký hợp đồng làm việc lần đầu tiên và nếu như được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo đúng thời gian quy định trong hợp đồng, khi đó sẽ được xem xét chính thức bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí công việc.

Một điểm mới đáng chú ý, Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 quy định: hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 và người được tuyển dụng vào viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020. Hay nói cách khác, với những viên chức tuyển dụng từ sau ngày 01/7/2020 sẽ không được biên chế, không được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Thực tế tuyển dụng viên chức ở nước ta hiện nay

Các văn bản quy phạm pháp luật trên đã tạo dựng một cơ sở pháp lý khá vững chắc cho hoạt động tuyển dụng viên chức tại các ĐVSNCL. Việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức đã từng bước đi vào nề nếp và được tổ chức thường xuyên ở các bộ, ngành, địa phương. Những năm gần đây, hoạt động tuyển dụng viên chức diễn ra tương đối thuận lợi, trong số các ĐVSNCL, số lượng viên chức trong ngành Giáo dục và Y tế được tuyển dụng chiếm số lượng nhiều nhất. Đây cũng là những đơn vị mang đầy đủ những nét tiêu biểu của hoạt động tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong khối các ĐVSNCL. Từ năm 2019 đến nay, một số bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tuyển dụng viên chức theo quy định mới tương đối thành công như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố Hà Nội, tỉnh Yên Bái, tỉnh Thanh Hóa…

Nhìn chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng chế độ  ưu tiên tuyển dụng theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.  Ngoài ra, cũng có địa phương đã đưa ra các chính sách ưu tiên đối với một số đối tượng cụ thể như đối với người có trình độ sau đại học, tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, thạc sỹ, tiến sỹ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong lĩnh vực tuyển dụng viên chức cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như: hoạt động tuyển dụng viên chức hiện nay không có sự đồng đều giữa các đơn vị, các ngành nghề và các địa phương. Các ĐVSNCL ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển thường tuyển dụng viên chức thuận lợi hơn so với đơn vị ở khu vực có điều kiện khó khăn.

Các đơn vị đóng ở khu vực kinh tế – xã hội chậm phát triển, vùng sâu vùng xa thường xảy ra tình trạng thiếu viên chức, có đơn vị trong nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu (thiếu giáo viên, thiếu nhân lực y tế). Những ngành, nghề ít được quan tâm, tiền lương thấp thường khó khăn trong việc thu hút người dự tuyển. Hầu hết các ĐVSNCL đều gặp phải khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, điển hình là các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu. Đa phần chỉ có các đơn vị sự nghiệp ở các thành phố lớn có khả năng tuyển dụng các đối tượng này, trong khi các đơn vị đóng ở địa phương gần như không có cơ hội. Tính cạnh tranh, khách quan, công bằng trong quá trình tuyển dụng chưa cao. Bên cạnh đó, hoạt động tuyển dụng viên chức tại không ít đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong quá trình tuyển dụng, như chạy việc, tuyển người không xứng đáng…, tạo ra tâm lý bức xúc cho xã hội (tuyển dụng viên chức chỉ là hình thức).

Trong quá trình tổ chức tuyển dụng, một số bộ, ngành, địa phương đã chấp hành không nghiêm, thậm chí có những vi phạm nghiêm trọng như: can thiệp làm lộ đề thi; không xây dựng và phê duyệt kế hoạch tuyển dụng trước khi tiến hành tuyển dụng; xây dựng đề thi, đáp án thi không có thang điểm chi tiết; thông báo thi tuyển, nhận hồ sơ dự tuyển không đúng quy định; thành lập hội đồng thi tuyển, xét tuyển không đúng quy định; không tổ chức giám sát kỳ thi…

Mặc dù tuyển dụng viên chức là một hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn, lâu dài tới sự tồn tại và phát triển của một ĐVSNCL. Nếu việc thực hiện tuyển dụng có hiệu quả sẽ là tiền đề, cơ sở để xây dựng một đội ngũ viên chức có trình độ, năng lực và tạo đà phát triển cho đơn vị. Ngược lại, nếu việc thực hiện tuyển dụng không nghiêm túc sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động chung cho ĐVSNCL của mình.

Một số kiến nghị

Hiện nay, trong các ĐVSNCL đang nắm giữ một số lượng lớn viên chức có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn công việc và sự kỳ vọng của Nhân dân. Trước nhu cầu thay đổi của xã hội, đòi hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ công, theo đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng phải được quan tâm hàng đầu. Thực tiễn, trong giai đoạn hiện nay chất lượng nguồn nhân lực lại là điểm yếu của không ít ĐVSNCL, dẫn đến việc tổ chức hoạt động cung cấp các dịch vụ công chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Để xây dựng đội ngũ viên chức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới thì vai trò của công tác tuyển dụng và các cơ quan liên quan trong công tác tuyển dụng là rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ đối với công tác này.

Cần điều chỉnh một số quy định có liên quan đến tuyển dụng viên chức như: xây dựng một hệ thống quy định pháp luật thống nhất, toàn diện. Tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức là nhóm hoạt động có sự liên kết chặt chẽ với nhau, vì vậy, pháp luật về tuyển dụng không thể tách rời những quy định về quản lý và sử dụng viên chức bởi nếu hoạt động quản lý và sử dụng viên chức không được thực hiện tốt, viên chức sẽ có tư tưởng tìm việc làm tại một đơn vị khác, việc tuyển dụng không mang lại hiệu quả. Chính vì thế, ngoài việc điều chỉnh những quy định về tuyển dụng, cần thiết phải điều chỉnh các quy định về quản lý, sử dụng viên chức.

Trong phương thức tuyển dụng đặc biệt với người có tài năng và người có trình độ chuyên môn cao, cần quy định rõ những đối tượng nào được áp dụng thủ tục tuyển dụng đặc biệt, ví dụ như người có trình độ chuyên môn cao (chẳng hạn tiến sỹ), người được đào tạo tại các cơ sở giáo dục danh tiếng trên thế giới, người được các giải thưởng uy tín về chuyên môn tầm cỡ quốc tế, quốc gia… Nên chăng, những đối tượng này chỉ cần được người đứng đầu ĐVSNCL đồng ý ký hợp đồng làm việc là trở thành viên chức chứ không cần thiết phải qua các thủ tục tuyển dụng.

Ngoài ra, cần xây dựng chính sách lương đặc biệt đối với người có tài năng và người có trình độ chuyên môn cao để thu hút nguồn nhân lực này, có thể giao cho người đứng đầu ĐVSNCL tự quyết định mức lương khởi điểm trên cơ sở quỹ lương của đơn vị.

Thi tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi: vòng 1 được thực hiện trên máy tính đã tạo được sự khách quan, công khai, minh bạch trong hoạt động tuyển dụng. Song, cần sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng viên chức tại vòng 2 (thi môn nghiệp vụ chuyên ngành). Đối với phần thi phỏng vấn, cần có quy định ghi âm, ghi hình và cho phép phúc tra bài thi nhằm tạo căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng thiếu khách quan, công khai, minh bạch trong quá trình phỏng vấn.

Cần thực hiện nghiêm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong tuyển dụng viên chức. Nguyên tắc cạnh tranh trong tuyển dụng cũng phải được đề cao, kể cả khi ĐVSNCL có điều kiện lựa chọn từ rất nhiều ứng viên dự tuyển. Đây là cơ sở để lựa chọn được người xứng đáng nhất.

ThS.Mai Thị Minh Ngọc

Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

---------------------------------- 

Tài liệu tham khảo:
1, 2. Quy định mới về thi, xét tuyển viên chức. https://www.moha.gov.vn, ngày 29/9/2020.
3. Các báo cáo kết luận thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của Thanh tra Bộ Nội vụ (giai đoạn từ ngày 01/01/2016 – 31/3/2019).
4. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân (từ năm 2011 đến năm 2018). Báo cáo nghiên cứu chính sách chung của Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Hà Nội, Việt Nam.

...
  • Tags: