Một số kinh nghiệm lập pháp của Trung Quốc và các giá trị tham khảo cho Việt Nam

Tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài”. Tham khảo kinh nghiệm tại Trung Quốc, ThS. Đặng Thị Thu Hiền, Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội cho rằng cần sửa đổi chủ thể thực hiện quyền lập pháp và chủ thể thực hiện ủy quyền lập pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác lập pháp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách,…”; đồng thời, xác định rõ một trong ba đột phá chiến lược là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển…”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu phải “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”. Dưới góc độ là thành viên của cơ quan tham mưu giúp của cơ quan của Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết số 27-NQ/TW, xin thống kê, cung cấp một số thông tin về kinh nghiệm lập pháp của Trung Quốc để gợi mở một số nội dung phục vụ quá trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam (hiện đang được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình tại một kỳ họp).

Quang cảnh Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại - tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV. Ảnh: THX/TTXVN

LỊCH SỬ BAN HÀNH LẬP PHÁP CỦA TRUNG QUỐC

Ngày 15/3/2000, tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa IX Trung Quốc đã thông qua Luật Lập pháp bao gồm 06 chương, 94 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2000 [2].

Ngày 15/3/2015, tại kỳ họp thứ 3 Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XII Trung Quốc đã thông qua Luật sửa đổi Luật lập pháp gồm 06 chương, 105 điều, có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/3/2015 [3].

Ngày 13/3/2023, tại kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XIV Trung Quốc đã thông qua Luật sửa đổi Luật Lập pháp gồm 06 chương, 120 điều, có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/3/2023 [4].

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Quyền lập pháp

Ngay từ Luật năm 2000 cho đến Luật năm 2023, Trung Quốc đã quy định rõ Quyền lập pháp như sau:

(1) Điều 7 Luật năm 2000 quy định:

“Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền lập pháp cấp nhà nước

Quốc hội xây dựng và sửa đổi các luật hình sự, dân sự, thể chế nhà nước và các luật cơ bản khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và sửa đổi các Luật khác ngoài những Luật phải do Quốc hội ban hành; trong thời gian Quốc hội không họp, sửa đổi, bổ sung một phần các Luật do Quốc hội ban hành, nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật đó”.

(2) Điều 7 Luật năm 2015 quy định:

“Quyền lập pháp của Nhà nước do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện

Quốc hội xây dựng và sửa đổi các luật hình sự, dân sự, thể chế nhà nước và các luật cơ bản khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và sửa đổi các Luật khác ngoài những Luật phải do Quốc hội ban hành; trong thời gian Quốc hội không họp, sửa đổi, bổ sung một phần các Luật do Quốc hội ban hành, nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật đó”.

(3) Điều 10 Luật năm 2023 quy định:

“Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền lập pháp theo quy định của Hiến pháp

Quốc hội ban hành và sửa đổi các Luật cơ bản về hình sự, dân sự, cơ cấu nhà nước và các vấn đề khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và sửa đổi các Luật khác ngoài những Luật phải do Quốc hội ban hành; trong thời gian Quốc hội không họp, sửa đổi, bổ sung một phần các Luật do Quốc hội ban hành, nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật đó. Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Luật liên quan.”.

Như vậy, quyền lập pháp tại Trung Quốc do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Điều 11 Luật năm 2023 kế thừa các quy định từ Luật năm 2000 và 2015 quy định những vấn đề phải được quy định bởi Luật, bao gồm: (1) Vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia; (2) Việc thành lập, tổ chức và quyền hạn của các cấp Hội đồng nhân dân, Chính quyền nhân dân địa phương, hệ thống Ủy ban giám sát quốc gia, TAND và VKSND; (3) Hệ thống tự trị dân tộc khu vực, hệ thống khu hành chính kinh tế đặc biệt, hệ thống tự trị cộng đồng cơ sở; (4) Tội phạm và hình phạt; (5) Việc tước đoạt hoặc hạn chế quyền tự do cá nhân và các biện pháp cưỡng chế và biện pháp phạt đối với quyền chính trị của công dân; (6) Các chế độ cơ bản về thuế như việc quy định các loại thuế, ấn định thuế suất, việc thu và quản lý thuế; (7) Việc trưng thu, trưng dụng tài sản không thuộc sở hữu nhà nước; (8) Chế độ cơ bản về dân sự; (9) Chế độ kinh tế cơ bản và các chế độ cơ bản về tài chính, hải quan, tài khóa và ngoại thương; (10) Hệ thống tố tụng và hệ thống trọng tài cơ bản; (11) Các vấn đề khác phải được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bằng luật.

2. Ủy quyền lập pháp

Ngoài thẩm quyền lập pháp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung Quốc còn mở ra một trường hợp thực hiện quyền lập pháp và giao cho Quốc Vụ viện (Chính phủ) thực hiện – việc này gọi là ủy quyền lập pháp. Quy định về ủy quyền lập pháp đã được quy định từ Luật năm 2000, 2015 và tiếp tục được quy định tại Luật năm 2023. Cụ thể là:

Điều 12 Luật năm 2023 quy định “Đối với các vấn đề quy định tại Điều 11 của luật này mà chưa có luật điều chỉnh, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể ủy quyền cho Quốc Vụ viện dựa trên nhu cầu thực tế ban hành Quy định hành chính về một số vấn đề, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến tội phạm và hình phạt, tước đoạt và hạn chế quyền tự do cá nhân và các biện pháp cưỡng chế và các biện pháp phạt, hệ thống tư pháp”.

Điều 13 quy định “Thời hạn ủy quyền không được quá 05 năm, trừ trường hợp có quy định khác trong quyết định ủy quyền. Sáu tháng trước khi hết thời hạn ủy quyền, cơ quan nhận ủy quyền phải báo cáo tình hình thực hiện quyết định ủy quyền cho cơ quan ủy quyền và đề xuất việc có cần hay không cần ban hành luật liên quan; nếu thấy cần tiếp tục được ủy quyền, cơ quan nhận ủy quyền phải đề nghị Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.”

Đặc biệt, Điều 14 quy định “Với các vấn đề đã ủy quyền lập pháp, sau khi thử nghiệm thực tiễn và điều kiện ban hành luật đã chín muồi, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kịp thời ban hành luật. Sau khi Luật vừa nêu được ban hành, việc ủy quyền lập pháp về vấn đề tương ứng sẽ kết thúc.”.

Như vậy, việc ủy quyền lập pháp được thực hiện ở Trung Quốc nhưng cơ bản không quá 05 năm và nếu được thực tiễn chứng minh là cần thiết và đủ điều kiện chín muồi thì Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kịp thời ban hành thành luật.

Trung Quốc cũng quy định “Cơ quan nhận ủy quyền phải nghiêm túc thực hiện việc ủy quyền theo quyết định ủy quyền. Cơ quan nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan khác” để bảo đảm các vấn đề đáng lẽ phải được quy định ở tầm luật thì chỉ cho phép ủy quyền duy nhất một lần quy định tại Quy định hành chính (ở Việt Nam gọi là Nghị định không đầu).

3. Chủ thể trình dự án Luật trước Quốc hội

Trung Quốc quy định rất rõ về chủ thể có quyền trình dự án Luật trước Quốc hội, bao gồm:

(1) Đoàn Chủ tịch Quốc hội có thể trình dự án Luật trước Quốc hội để Quốc hội xem xét tại một phiên họp của Quốc hội.

(2) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc vụ viện, Quân ủy Trung ương, Ủy ban Giám sát Quốc gia, TANDTC, VKSNDTC và các ủy ban chuyên môn của Quốc hội có thể đệ trình dự án Luật tới Quốc hội để Đoàn Chủ tịch Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội.

(3) Một đoàn đại biểu Quốc hội hoặc một nhóm trên 30 đại biểu Quốc hội đồng ký tên có thể trình dự án Luật tới Quốc hội để Đoàn Chủ tịch Quốc hội quyết định xem xét có đưa trực tiếp vào Chương trình họp Quốc hội hay không.

Như vậy, cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc vụ viện, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Ủy ban chuyên môn có thể đệ trình dự án Luật tới Quốc hội.

Khác với Việt Nam, mô hình tổ chức Quốc hội của Trung Quốc còn có Đoàn Chủ tịch Quốc hội nên chủ thể trình dự án Luật tới Quốc hội còn có Đoàn Chủ tịch Quốc hội.

Ngoài ra, điểm khác biệt nữa là Trung Quốc không quy định cá nhân một đại biểu Quốc hội được trình dự án Luật mà quy định một đoàn đại biểu Quốc hội hoặc một nhóm trên 30 đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án Luật tới Quốc hội.

4. Chủ thể trình dự án Luật trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trung Quốc tách biệt quy định về chủ thể trình dự án Luật trước Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó chủ thể có quyền trình dự án Luật trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm:

(1) Đoàn Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể trình dự án Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(2) Quốc Vụ viện, Quân ủy Trung ương, Ủy ban Giám sát Quốc gia, TANDTC, VKSNDTC và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội có thể trình dự án Luật tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(3) Nhóm thành viên từ 10 người trở lên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đồng ký đề nghị trình dự án Luật tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, so với quyền trình dự án Luật trước Quốc hội, thì quyền trình dự án Luật trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thu hẹp vừa mở rộng. Thu hẹp ở yếu tố không còn quy định cho phép một đoàn đại biểu Quốc hội hoặc một nhóm trên 30 đại biểu Quốc hội trình dự án Luật; mở rộng ở yếu tố cho phép nhóm thành viên từ 10 người trở lên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đồng ký đề nghị trình dự án Luật tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Quyền rút dự án Luật

Điểm đặc biệt trong quy trình lập pháp của Trung Quốc là cho phép chủ thể trình dự án Luật được quyền rút lại việc trình dự án Luật. Cụ thể:

Điều 25 Luật năm 2023 quy định: “Trước khi được đưa ra Quốc hội bỏ phiếu đối với dự án Luật đã được đưa vào Chương trình họp Quốc hội, nếu chủ thể trình dự án Luật yêu cầu rút lại việc trình dự án Luật đó thì phải giải thích lý do. Nếu được Đoàn Chủ tịch Quốc hội đồng ý thì việc xem xét, thảo luận về dự án Luật đó được chấm dứt và việc này Đoàn Chủ tịch Quốc hội phải báo cáo Quốc hội biết.”

Điều 43 Luật năm 2023 quy định: “Nếu chủ thể trình yêu cầu rút lại dự án Luật đã được đưa vào Chương trình họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự án Luật, chủ thể trình phải giải thích lý do. Nếu đề xuất rút lại dự án Luật đó được Đoàn Chủ tịch đồng ý, Đoàn Chủ tịch phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khi ấy quá trình thảo luận, xem xét dự án Luật sẽ chấm dứt.”.

Như vậy, khác với Việt Nam, Trung Quốc cho phép chủ thể trình được quyền chủ động rút lại việc trình dự án Luật và phải nêu rõ lý do. Đây là quy định rất linh hoạt, tại sự chủ động cho chủ thể trình trong quá trình thực hiện quyền sáng kiến pháp luật.

GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO VIỆT NAM

1. Về chủ thể thực hiện quyền lập pháp

Điều đặc biệt ở Trung Quốc, Quốc hội Trung Quốc họp mỗi năm một lần nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ít nhất mỗi tháng một lần. Ở Việt Nam, Quốc hội họp thường kỳ mỗi năm hai lần và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp ít nhất mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, nhờ có quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc có thẩm quyền ban hành Luật, nên mặc dù Quốc hội Trung Quốc họp mỗi năm một lần nhưng số lượng luật được thông qua hằng năm cũng không ít. Tác giả cho rằng, với quy mô đại biểu Quốc hội của Trung Quốc là gần 3.000 đại biểu và số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc là hơn 170 thành viên thì việc quy định Quốc hội họp mỗi năm một lần là rất hợp lý.

Ngoài ra, việc trao quyền làm luật cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn giúp rút ngắn được thời gian họp Quốc hội của Trung Quốc, và Quốc hội Trung Quốc chỉ tập trung ban hành các Luật mang tính chất cơ bản, liên quan đến quyền con người, quyền công dân,....

Theo thống kê, trong năm 2023, số lượng Luật được Trung Quốc ban hành là 14 Luật, trong đó Quốc hội thông qua 01 Luật là Luật sửa đổi Luật Lập pháp, còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành và sửa đổi 13 Luật (xin xem Phụ lục kèm theo).

Ở Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp[5] thông qua nhiệm vụ, quyền hạn “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”[6].

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn “Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao”.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ ban hành nghị định để quy định “Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.”.

Như vậy, có thể thấy, chủ thể thực hiện quyền lập pháp ở Việt Nam bao gồm:

- Quốc hội làm, sửa đổi Hiến pháp, Luật;

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Pháp lệnh;

- Chính phủ ban hành Nghị định để quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện để ban hành thành Luật hoặc Pháp lệnh.

Tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc, quyền lập pháp của Việt Nam có thể sửa đổi như sau:

(1) Chủ thể thực hiện quyền lập pháp: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu “Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài”.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu “Xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội,…… gọn nhẹ nội dung của luật, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện”.

Theo đó có thể quy định theo hướng Quốc hội ban hành các luật mang tính nguyên tắc về hình sự, dân sự, thể chế nhà nước và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền con người, chủ quyền quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các luật (có thể tên gọi là Pháp lệnh) có tính chất chuyên ngành và các văn bản để quy định cụ thể các luật do Quốc hội ban hành.

Còn các quy định có tính chất kỹ thuật, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.

(2) Chủ thể thực hiện ủy quyền lập pháp:

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành Nghị định để quy định các vấn đề đáng lẽ phải quy định ở luật, pháp lệnh và quy định rõ thời gian ủy quyền tối đa.

2. Về chủ thể trình dự án Luật, Pháp lệnh

Việt Nam có thể nghiên cứu mở rộng thêm chủ thể được trình sáng kiến pháp luật ngoài các chủ thể hiện hành như nhóm đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.

Đồng thời, nghiên cứu quy định về quyền rút dự án Luật, Pháp lệnh, theo đó, trong trường hợp các chủ thể trình nhận thấy không cần thiết phải ban hành Luật, Pháp lệnh hoặc nhận thấy cần có thêm thời gian để đánh giá tác động kỹ lưỡng chính sách được dự kiến ban hành, cũng như sửa đổi chính sách để thích ứng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các tình huống thế giới có nhiều biến động về địa chính trị, kinh tế quốc tế, thiên tai, dịch bệnh cũng như cần có thêm thời gian để các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm đạt sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

3. Về bố trí thời gian cho ý kiến, thông qua dự án

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV của Trung Quốc diễn ra từ ngày 05-13/5/2023, trong đó thời gian chính dành cho công tác nhân sự của khóa XIV và thông qua 01 Luật. Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV của Trung Quốc diễn ra từ ngày 05-11/3/3024, trong đó thông qua 01 Luật[7]. Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua 03 Luật diễn ra từ ngày 28/8-01/9/2023. Có thể thấy thời gian họp của Quốc hội dành cho công tác lập pháp không nhiều vì đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật theo thẩm quyền. Tuy nhiên, thời gian phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không nhiều.

Hiện nay, quy trình cho ý kiến, thông qua phần lớn các dự án Luật tại Quốc hội Việt Nam thường kéo dài 02 kỳ họp, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng diễn ra ít nhất 1 tuần. Để có thể rút ngắn thời gian họp Quốc hội để dành thời gian cho các nội dung khác, đặc biệt là các vấn đề quan trọng của đất nước, có thể nghiên cứu bổ sung quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng hơn đối với các dự án trước khi trình Quốc hội, giao quyền chủ động cho các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án, như: Có thể quy định về số lần cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc tối thiểu là 02 lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài việc tổ chức Hội nghị chuyên trách để cho ý kiến về các dự án Luật thì có thể tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội nhiều lần để đạt sự đồng thuận khi trình Quốc hội; giao quyền chủ động cho Ủy ban chuyên môn trong việc tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội để đạt sự đồng thuận cao khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua.

Trên đây là một số quan điểm liên quan đến góc nhìn pháp luật về lập pháp của Trung Quốc và một số ý kiến tham khảo cho Việt Nam.

ThS Đặng Thị Thu Hiền

Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội

[1] Hay còn gọi là Luật Lập pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Trong bài viết này các thuật ngữ được viết tắt như sau:

- Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc gọi là Quốc hội

- Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc gọi là Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[2] Luật Lập pháp năm 2000 gồm 94 điều được chia thành 6 chương: Chương 1. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6); Chương 2 “Luật” (từ Điều 7 đến Điều 55); Chương 3 “Các Quy định hành chính” (từ Điều 56 đến Điều 62); Chương 4 “Các Quy định địa phương, các Quy định tự quản, Các Quy định riêng biệt, và Các Quy chế” (từ Điều 63 đến Điều 77); Chương 5 “Áp dụng và Lưu giữ” (từ Điều 78 đến Điều 92); Chương 6. “Quy định bổ sung” (Điều 93 và 94)

[3] Luật Lập pháp năm 2015 gồm 105 điều được chia thành 6 chương: Chương 1. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6); Chương 2 “Luật” (từ Điều 7 đến Điều 64); Chương 3 “Các Quy định hành chính” (từ Điều 65 đến Điều 71); Chương 4 “Các Quy định địa phương, các Quy định tự quản, Các Quy định riêng biệt, và Các Quy chế” (từ Điều 72 đến Điều 86); Chương 5 “Áp dụng và Lưu giữ” (từ Điều 87 đến Điều 102); Chương 6. “Quy định bổ sung” (Điều 103 và 105).

[4] Luật Lập pháp năm 2025 gồm 120 điều được chia thành 6 chương: Chương 1. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 9); Chương 2 “Luật” (từ Điều 10 đến Điều 71); Chương 3 “Các Quy định hành chính” (từ Điều 72 đến Điều 79); Chương 4 “Các Quy định địa phương, các Quy định tự quản, Các Quy định riêng biệt, và Các Quy chế” (từ Điều 80 đến Điều 97); Chương 5 “Áp dụng và Lưu giữ” (từ Điều 98 đến Điều 116); Chương 6. “Quy định bổ sung” (Điều 117 và 120).

[5] Điều 69 Hiến pháp năm 2013.

[6] Khoản 1 Điều 70 Hiến pháp năm 2013

[7] Luật Tổ chức Chính phủ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ban hành lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa V ngày 10/12/1982 và được sửa đổi lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV ngày 11/3/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/3/2024.

...
  • Tags: