Một số nội dung của pháp luật cạnh tranh Việt Nam doanh nghiệp cần lưu ý khi tham gia vào thị trường các nước thành viên EVFTA

Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết duy trì hệ thống pháp luật cạnh tranh nhằm trực tiếp điều tra xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh, qua đó gián tiếp bảo vệ lợi ích cộng đồng và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như thị trường nội địa
Ảnh minh họa - Reuters

Hiệp định EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – EU lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, việc Hiệp định được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có vai trò rất lớn của Quốc hội, Chính Phủ Việt Nam với việc ban hành các văn bản pháp luật cũng như tiến hành các hoạt động ngoại giao cần thiết và kịp thời để xử lý những vấn đề mà EU quan tâm.

Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Nghiên cứu cho thấy Hiệp định EVFTA đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; dự kiến tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033). 

Bên cạnh đó, về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Để tận dụng tốt cơ hội của thị trường EU, các chủ thể tham gia vào EVFTA, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:

Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết duy trì hệ thống pháp luật cạnh tranh nhằm trực tiếp điều tra xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh, qua đó gián tiếp bảo vệ lợi ích cộng đồng và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như thị trường nội địa, đáp ứng các yêu cầu sau đây: 

- Các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh phải bao gồm ít nhất các quy định về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và kiểm soát tập trung kinh tế có khả năng hoặc gây tác động hạn chế cạnh tranh; 

- Các chủ thể thực thi pháp luật cạnh tranh phải có đủ công cụ và thẩm quyền để xử lý hiệu quả các hành vi hạn chế cạnh tranh;

- Tất cả các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, không phân biệt vốn Nhà nước hay tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài đều phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh; 

- Pháp luật cạnh tranh phải được áp dụng một cách minh bạch và không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, EVFTA vẫn ghi nhận quyền tự chủ của mỗi Bên trong việc xây dựng và thi hành pháp luật về cạnh tranh. Đồng thời, EVFTA cũng ghi nhận ngoại lệ không áp dụng các chính sách, pháp luật cạnh tranh đối với các hoạt động vì lợi ích công cộng của các doanh nghiệp, miễn là các hoạt động này không vượt quá mục tiêu công cộng đặt ra và được thực hiện một cách minh bạch. 

Trên thực tế, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành về nguyên tắc đã thỏa mãn tất cả các cam kết về cạnh tranh nói trên của EVFTA. Theo đó, các tổ chức, cá nhân hiện đang và sẽ tham gia vào các hoạt động có phạm vi liên quan đến Hiệp định EVFTA cần đặc biệt Lưu ý Quy định về pháp luật cạnh tranh Việt Nam.

EVFTA là hiệp định đa phương mang lại cơ hội và thách thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh của Việt Nam cũng như của EU, cụ thể ở đây là các doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam không chỉ kinh doanh, buôn bán hàng hóa sang lãnh thổ các nước trong EU mà ở chiều ngược lại các tổ chức, cá nhân tại EU cũng có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển mở rộng thương mại tại Việt Nam. Bởi vậy, việc nắm chắc pháp luật cạnh tranh Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác của mình không bị thua thiệt ngay trên chính phần sân nhà. Tổng quan pháp luật cạnh tranh Việt Nam được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật như sau:

Luật cạnh tranh sửa đổi, bổ sung được ban hành tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV ngày 12 tháng 06 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2019. Luật Cạnh tranh gồm 10 Chương, 118 Điều. Đối tượng điều chỉnh áp dụng với mọi tổ chức cá nhân doanh nghiệp, mọi hiệp hội, ngành nghề hoạt động ở Việt Nam và quy định các hành vi của các cơ quan tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Tại Điều 1 chương 1 của luật chỉ rõ phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh”. Đặc biệt, Luật cạnh tranh được ban hành nhằm:

- Kiểm soát các hành vi gây hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi có thể dẫn đến việc gây hạn chế cạnh tranh, đặc biệt khi mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế;

- Kiểm soát các hành vi tập trung kinh tế;

- Bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của các doanh nghiệp, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

Các hành vi này được quy định chi tiết tại Nghị định số: 35/2020/NĐ quy định chi tiết một số điều Luật Cạnh tranh. Trong tương lai, khi hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU được gia tăng sẽ kéo theo các hoạt động mua bán sáp nhập giữa các quốc gia thành viên EVFTA, các doanh nghiệp cần chú ý đến ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được quy định chi tiết tại Điều 13 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP.

Hành vi vi phạm quy định của Luật cạnh tranh có thể bị xử phạt lên đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm tài chính trước đó, theo quy định tại Điều 111, Luật Cạnh tranh Việt Nam 2018. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đồng thời được quy định chi tiết tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 quy định chi tiết về xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Nhìn chung, pháp luật cạnh tranh Việt Nam tương đối toàn diện, đầy đủ và phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật cạnh tranh hiện hành trên thế giới.

... Theo moit.gov.vn
  • Tags: