Ngày 06/4/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Thông báo Kết luận về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu rõ: Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Bài viết nêu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, bước đầu đề xuất một số nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, thành phần và cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Phiên họp 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: noichinh.vn
1. Đặt vấn đề thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã tồn tại trên thế giới và Việt Nam với bốn loại cơ bản, gồm: (1) Mô hình mang tính phổ quát: Cơ quan chống tham nhũng có ba chức năng điều tra, ngăn ngừa tham nhũng và giáo dục/tuyên truyền chống tham nhũng. Đây có thể coi là mô hình một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng đa chức năng; (2) Mô hình Cơ quan điều tra: Cơ quan chống tham nhũng tồn tại dưới hình thức một Cơ quan điều tra nhỏ cấp Trung ương; (3) Mô hình cơ quan chống tham nhũng thuộc Nghị viện: Cơ quan chống tham nhũng là một cơ quan do Nghị viện thành lập và độc lập với các cơ quan hành pháp và tư pháp của Nhà nước. Cơ quan này báo cáo hoạt động của mình và chịu sự giám sát của các ủy ban của Nghị viện; (4) Mô hình đa cơ quan chống tham nhũng: Trong đó có một số cơ quan biệt lập nhưng liên kết với nhau tạo thành mạng lưới cơ quan chống tham nhũng.
Qua thời gian, mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN ở từng quốc gia được điều chỉnh theo từng giai đoạn cho phù hợp với thực tế, nhất là tình hình tham nhũng và PCTN ở mỗi quốc gia, điển hình là Trung Quốc. Quốc gia này duy trì mô hình đa cơ quan trong PCTN, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 1993, Bộ Giám sát trực thuộc Chính phủ sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, tạo ra phương thức làm việc “một nhà hai cửa”, “một đội ngũ hai khối công việc” với sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương vừa có quyền kiểm tra, điều tra, xử lý, vừa có quyền giám sát, kiến nghị. Đặc biệt, để phòng ngừa tiêu cực trong đội ngũ những người làm công tác chống tham nhũng, trong cơ quan Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, điều tra các cán bộ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có sai phạm. Năm 2018, Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp, thông qua Luật Giám sát quốc gia, thành lập Ủy ban Giám sát ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tổng hợp sức mạnh các lực lượng chống tham nhũng đang bị phân tán tại các cơ quan khác nhau, “thúc đẩy quản lý đất nước toàn diện theo pháp luật, đi sâu triển khai công tác chống tham nhũng”.
Tại Việt Nam, năm 2006, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã được thành lập và được xác định là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Năm 2007, các ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh được thành lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN (năm 2007) và Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12, ngày 27/9/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội(1). Tuy nhiên, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong giai đoạn này còn một số hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn lúng túng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; chưa phát huy tốt vai trò phối hợp hoạt động của các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở địa phương trong PCTN; chưa kịp thời chỉ đạo cơ chế xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Do vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012), đã quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, chuyển đổi mô hình Ban Chỉ đạo trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu sang mô hình Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Hội nghị cũng quyết định không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về PCTN. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Mục đích của sự thay đổi này nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, tăng cường tính độc lập tương đối của Ban Chỉ đạo với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong công tác đấu tranh PCTN. Việc chưa thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN theo mô hình mới, qua nghiên cứu cho thấy, có lẽ là để tránh việc thành lập mà chưa rõ hiệu quả thực tế của việc chuyển đổi mô hình này. Sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN hoạt động một thời gian, thể hiện được tính hiệu quả, ưu việt thì có đủ lộ trình, thời gian và sự chuẩn bị nguồn lực phù hợp để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đủ mạnh, có thực quyền, trở thành “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động PCTN, tiêu cực ở địa phương.
Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đến nay, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó khẳng định, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa bị đẩy lùi và còn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Ngày 16/9/2021, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, thay thế Quy định số 211-QĐ/TW, ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Quy định này đã bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo là phòng, chống cả tham nhũng, tiêu cực, thay vì chỉ PCTN như trước đây.
Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo được nhấn mạnh vào chỉ đạo công tác PCTN; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.
Mặc dù kết quả PCTN, tiêu cực thời gian qua đạt được là rất quan trọng, có sự chuyển biến mạnh mẽ, song công tác PCTN, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương. Những tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực ở địa phương chưa được tập trung, thống nhất do chưa có một “nhạc trưởng” “tổng chỉ huy” để chỉ đạo phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ PCTN, tiêu cực. Trên thực tế thời gian qua, mặc dù chưa có chủ trương hay quy định về thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, song một số địa phương (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng…) đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết, đề án, chương trình hành động của tỉnh ủy, thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN. Thậm chí, Tỉnh ủy An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu, giúp Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp xảy ra trên địa bàn. Tại một số địa phương khác, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương đã bộc lộ một số bất cập, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nên nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã đề xuất, kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.
Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn đã cho thấy chúng ta có đủ cơ sở để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đủ mạnh để chỉ đạo, lãnh đạo công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất và toàn diện của tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương đối với công tác PCTN, tiêu cực. Trong không khí “không dừng”, “không nghỉ”, cả hệ thống chính trị vào cuộc để PCTN, tiêu cực, quyết tâm chính trị và sự ủng hộ xã hội mạnh mẽ đối với hoạt động PCTN, tiêu cực thì đây là thời điểm “chín muồi” để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.
2. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành lập sẽ giải quyết vấn đề trọng tâm nào? nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản là gì?
Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII); Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và nhiều Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực thời gian gần đây đã đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là đẩy mạnh đấu tranh PCTN, tiêu cực; gắn đấu tranh PCTN với phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; đồng thời, yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực khi thành lập sẽ giải quyết những vấn đề trọng tâm nêu trên, cụ thể là:
- Chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đây là nội dung đầu tiên cần đặt trọng tâm hàng đầu trong nhiệm vụ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, bởi vì từ thực tiễn kinh nghiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã cho thấy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã tạo ra những kết quả PCTN mang tính đột phá, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm liên quan đến các vụ án. Kết quả xử lý cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc loại trừ tham nhũng, nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xử lý tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta.
- Chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đây chính là nội dung mới mà Đảng ta đã giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, bên cạnh xử lý tham nhũng thì phải tập trung xử lý tiêu cực, nhất là xử lý những hành vi thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguồn gốc, căn nguyên gây ra tham nhũng, tiêu cực. Do đó, chống suy thoái chính là chống tham nhũng, tiêu cực từ cái gốc.
- Chỉ đạo xử lý các vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Ngoài quan tâm đến xử lý tham nhũng lớn, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực khi được thành lập cũng phải quan tâm xử lý “tham nhũng vặt”. Hiện nay, “tham nhũng vặt” xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công quyền tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Nhiều cán bộ công chức khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn có tư tưởng làm ơn, ban phát, có qua, có lại “muốn ăn chân giò phải thò chai rượu” nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công hiện chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tổng hợp kiến nghị của cử tri tại nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm. Trong khi đó, “tham nhũng vặt” có tác động lớn và trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người nghèo, tạo ra những rủi ro về mặt thủ tục pháp lý (làm chậm hoặc sai lệch các quy trình, thủ tục hành chính), làm nản lòng các nhà đầu tư, phá hoại môi trường kinh doanh của quốc gia và suy giảm lòng tin của nhân dân. Do vậy, nội dung này cần được đưa vào là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN tại địa phương. Việc kiểm tra, giám sát là để phòng ngừa và kịp thời xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực và các sai phạm có liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực. Nếu được tiến hành thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc vào các cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực, giàu nhanh, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ phục vụ đắc lực cho việc “kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.
Với bốn vấn đề trọng tâm nêu trên, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực cần có các nhiệm vụ và quyền hạn tương xứng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện được công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương, nhất là phải có đủ quyền lực để xử lý đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân khi không chấp hành sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi đầu tiên khi thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực là mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo này cần có sự kế thừa theo mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và bảo đảm được sự thống nhất, đồng bộ với các quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương; đồng thời, phải bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương và không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Do vậy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực cần có một số nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản như sau:
Thứ nhất, về nhiệm vụ: Ban Chỉ đạo cần có một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương, nhất là chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực tại địa phương.
(2) Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng việc thực hiện các nhiệm vụ về PCTN, tiêu cực.
(3) Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, khắc phục; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
(4) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
(5) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị.
Thứ hai, về quyền hạn: Ban Chỉ đạo cần có các thẩm quyền như sau:
(1) Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền báo cáo về công tác PCTN, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện các biện pháp PCTN, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.
(2) Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh.
(3) Yêu cầu các cơ quan chức năng kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại.
(4) Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo xử lý; nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển Cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển.
(5) Trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác PCTN, tiêu cực; được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan để phục vụ nhiệm vụ của
Ban Chỉ đạo.
3. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thành phần như thế nào và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp từ đâu?
Thành phần trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Chúng tôi cho rằng, có hai yêu cầu cần phải xác định để bảo đảm thành phần trong Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả, đó là:
Một là, về cơ cấu: Là cơ quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực - một lĩnh vực khó, nhạy cảm và cần quyết tâm chính trị rất cao, nên cơ cấu thành phần của Ban Chỉ đạo phải gồm những người đứng đầu ở cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức hữu quan giữ vai trò trọng yếu ở địa phương, trực tiếp quyết định những công việc có liên quan đến nội chính, PCTN, tiêu cực.
Hai là, về tính chất: Mỗi thành viên tham gia vào Ban Chỉ đạo thường có một vai trò khác nhau và thành công của Ban Chỉ đạo phụ thuộc nhiều vào vai trò, trách nhiệm của các thành viên cũng như sự hợp tác chặt chẽ và phối hợp lẫn nhau giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Vì vậy, thành phần Ban Chỉ đạo cần đa dạng, cần bảo đảm sự có mặt các cơ quan nội chính, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử để một mặt các thành viên có thể chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực trong địa bàn, lĩnh vực, chuyên đề được phân công theo dõi, quản lý, phụ trách, mặt khác tạo ra sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các thành viên, nhất là trong công tác tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp.
Ngoài ra, thành phần Ban Chỉ đạo cũng phải bảo đảm sự độc lập cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước. Trước đây, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN được thành lập do Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu, vì vậy, Ban Chỉ đạo không những không độc lập cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước, mà người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cao nhất cấp tỉnh chính là Trưởng Ban. Điều này đã không bảo đảm được tính độc lập về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chống tham nhũng nói chung hay cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN nói riêng (Điều 6 Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng nêu rõ: “Mỗi bên quốc gia phải dành cho những cơ quan này sự độc lập cần thiết, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp lý trong quốc gia đó, bảo đảm để các cơ quan này có thể thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả và không phải chịu những ảnh hưởng không đúng đắn”).
Thời gian qua, kết quả PCTN, tiêu cực đã khẳng định việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Kế thừa kinh nghiệm này, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ PCTN, tiêu cực tại địa phương và để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ban Chỉ đạo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ PCTN, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực nên có thành phần như sau:
- Trưởng Ban Chỉ đạo: Đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy.
- Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: (1) Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, thành ủy; (2) Trưởng Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; (3) Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy; (4) Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; (5) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố. Trưởng Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
- Các ủy viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố, gồm: (1) Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy; (2) Chánh Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; (3) Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố; (4) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố; (5) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh); (6) Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố; (7) Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố; (8) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố (9) Phó trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
Với các thành phần nêu trên, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp từ đâu? Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực chịu sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ.
4. Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực; Bộ Chính trị ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực khi được thành lập sẽ tiến hành ngay một số công việc sau:
(1) Chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực trọng tâm năm 2022 và thời gian tới.
(2) Chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát và xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với các cơ quan hữu quan, như: Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh ủy, thành ủy, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ủy, thành ủy, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Thanh tra tỉnh ủy, thành ủy và Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy…
(3) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương.
(4) Chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhất là kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kiểm tra chuyên đề về PCTN, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, thuế, hải quan, đất đai.
(5) Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương. Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cần thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực với mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản như trên. Để phát huy được hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực như Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, phương tiện, điều kiện làm việc cho Ban Chỉ đạo phù hợp, tương xứng với vị thế, vai trò của Ban Chỉ đạo, thực sự phát huy hết sức mạnh của từng thành viên Ban Chỉ đạo và sức mạnh tổng hợp của tập thể Ban Chỉ đạo tại địa phương.
(1) Gồm: Trưởng Ban là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (tương đương chức vụ Giám đốc sở làm nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo); các ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Chánh Thanh tra tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy.