Tóm tắt: Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay, và đã được củng cố, bổ sung rất nhiều kể từ Đổi mới năm 1986. Trên cơ sở những quan điểm, đường lối của Đảng, khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam cũng liên tục được hoàn thiện, củng cố, mà những thành tựu có tính bước ngoặt được thể hiện tập trung qua Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Cho đến nay, khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam đã khá toàn diện và cơ bản tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù vậy, cần thấy rằng, pháp luật về quyền con người của Việt Nam hiện vẫn còn có những khoảng cách nhất định với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nhận thức, hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo đảm nhân quyền theo các chuẩn mực mà Liên hợp quốc đã xác định. Đây cũng chính là hoạt động quan trọng bậc nhất để đạt được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khoá: Quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhà nước pháp quyền, Việt Nam.
Abstract: Respect, protection and assurance of the human rights are absolutely under the consistent viewpoint and leadership of the Communist Party of Vietnam since its establishment, and have been significantly supplemented and amended since the Doi Moi Resolution of 1986. On the basis of the viewpoints and leadership of the Party, the legal framework on the human rights in Vietnam has also been continuously improved, but the landmark achievements are clearly reflected in the Constitution of 1992 and the Constitution of 2013. The legal framework for the human rights in Vietnam has been so far comprehensive and basically compatible with international standards. However, it should be noted that there is a certain gap between Vietnam's legal regulations on the human rights and those of international human rights standards. In the context of in-depth international integration, people living standards are increasingly improved, Vietnam needs to continue to renew awareness, improvements of the laws and enforcement mechanism to meet the urgent requirements under the international laws to ensure the human rights according to the standards defined by the United Nations. This is also the most important activity to achieve the goal of development of a socialist rule-of-law state in Vietnam.
Keywords:Human rights; assurance of human rights; rule of law, Vietnam.
Ảnh minh họa - ITN
1. Khái quát về quyền con người và nhà nước pháp quyền
1.1.Quyền con người
Có nhiều định nghĩa về quyền con người (hay “nhân quyền” - human rights). Tuy nhiên, từ góc độ khái quát nhất, có thể xem quyền con người là giá trị chung của toàn nhân loại, gắn liền với nhân phẩm, thuộc về mọi cá nhân mà không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào dựa trên các cơ sở về chủng tộc, quốc tịch, nơi cư trú, giới tính, nguồn gốc dân tộc, màu da, tôn giáo, ngôn ngữ hoặc bất kỳ cơ sở nào khác[1]. Từ góc độ quan hệ quốc tế, quyền con người được xem là những bảo đảm pháp lý toàn cầu trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, nhằmbảo vệ các cá nhân và nhóm trước những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến các quyền, tự do cơ bản và nhân phẩm[2].
Cùng với sự xuất hiện của Luật Nhân quyền quốc tế do Liên hợp quốc xây dựng từ 1945, quyền con người đã được khẳng định là những giá trị bẩm sinh, vốn có của mỗi cá nhân con người, được pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia ghi nhận và bảo vệ. Nhân quyền hiện không chỉ là những “giá trị chung”, mà còn được xem là những “tiêu chuẩn chung”[3], “ngôn ngữ chung”[4] của toàn nhân loại. Nhân quyền có những đặc tính phổ quát, không thể tước bỏ, không thể phân chia, liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau[5].
Gần gũi với khái niệm quyền con người là khái niệm “quyền công dân” (citizen’s rights). Về bản chất, quyền công dân cũng chính là các quyền con người nhưng được pháp luật của các quốc gia ghi nhận và bảo vệ một cách cụ thể. Sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân thông thường chỉ thể hiện ở chỗ chủ thể của quyền công dân là những người mang quốc tịch của một quốc gia, còn chủ thể của quyền con người là tất cả mọi thành viên của nhân loại, không phân biệt quốc tịch.
1.2.Nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền là khái niệm dùng để chỉ một mô hình nhà nước được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đối lập với các mô hình nhà nước chuyên chế, độc tài mà trong đó, pháp luật đơn thuần chỉ là công cụ thống trị xã hội của tầng lớp cầm quyền.
Mặc dù không hoàn toàn đồng nhất, nhưng có thể tìm hiểu cốt lõi của khái niệm nhà nước pháp quyền qua khái niệm pháp quyền (therule of law).
Ý tưởng về the rule of law có từ thời Hy Lạp-La Mã cổ đại, thể hiện một số tác phẩm của Aristotle, và sau đó là của một số nhà tư tưởng nổi tiếng của phương Tây thời Khai sáng như Hobbes, Locke, Rousseau, Montesquieu… Hiện tại, mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất về the rule of law,song có thể thấy the rule of law mang ý nghĩa chính là tinh thần thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, nội hàm của the rule of law bao hàm sự bình đẳng trước pháp luật và trước quyền tài phán của tòa án[6], sự hạn chế (hay ngăn cấm) sự tuỳ tiện trong việc sử dụng quyền lực nhà nước[7] và việc bảo vệ cácquyền con người[8].
Liên hợp quốc nêu ra một khái niệm mang tính bao trùm về the rule of law; theo đó, đây là “…một nguyên tắc quản trị mà trong đó tất cả mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế, cả công và tư, kể cả các nhà nước, đều phải tuân thủ pháp luật mà được công bố công khai, được áp dụng bình đẳng và được phán định một cách độc lập, phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”[9]. Không chỉ vậy, theo Liên hợp quốc,“pháp quyền đồng thời đòi hỏi các biện pháp bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, công bằng trong áp dụng pháp luật, phân chia quyền lực, sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định, tính tin cậy pháp lý, phòng chống sự tùy tiện và tính minh bạch của pháp luật và thủ tục”[10].
Ở Việt Nam, thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” lần đầu tiên được đề cập một cách chính thức trong bài phát biểu của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (ngày 29/11/1991)[11] và sau đó tiếp tục được đề cập đến trong Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) của Đảng[12]. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khóa VII) (1995), các quan điểm cơ bản về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã được xác định[13] và sau đó tiếp tục được cụ thể hóa trong các Đại hội Đảng VIII (1996), IX (2002), X (2006), XI (2011), XII (2016), XIII (2021) và Cương lĩnh xây dựng đất nước lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2021).
Phù hợp với quan điểm của Đảng về nhà nước pháp quyền, Hiến pháp năm 1992 trong lần sửa đổi năm 2001, lần đầu tiên nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (Điều 2). Hiến pháp năm 2013 tiếp tục tái khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Đến nay, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về Nhà nước pháp quyền XHCN đã định hình khá rõ ràng, trong đó bao gồm các đặc trưng cơ bản đó là:[14] (1) Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân; (2) Nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp; (3) Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội; (4) Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân; (5) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân thông qua các tổ chức xã hội; (6) Nhà nước và xã hội do một đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Vị trí của quyền con người trong nhà nước pháp quyền
Vị trí của quyền con người trong nhà nước pháp quyền được thể hiện qua mối liên hệ gắn kết giữa nhân quyền và pháp quyền. Mối liên hệ đó thể hiện ngay trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, trong đó nêu rằng: “Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp quyền bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền”[15]. Vấn đề này sau đó tiếp tục được đề cập trong Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000 của Liên hợp quốc, qua cam kết của các quốc gia gồm Việt Nam, về “...thúc đẩy sự tôn trọng pháp quyền trong các quan hệ ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế…”[16] để bảo đảm sự thừa nhận các quyền và tự do cơ bản của con người.
Như đã đề cập ở trên, pháp quyền là một nguyên tắc quản trị mà trong đó, mọi chủ thể, bao gồm nhà nước, đều phải tuân thủ pháp luật, và pháp luật đó phải phù hợp các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế[17]. Như vậy, định nghĩa này phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa hai phạm trù, trong đó quyền con người là trung tâm của khái niệm pháp quyền, vừa là một tiêu chí, vừa là một yêu cầu của chế độ pháp quyền. Tiếp đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới năm 2005, các quốc gia thành viên cũng thừa nhận pháp quyền và nhân quyền là những giá trị và nguyên tắc cốt lõi phổ quát của Liên hợp quốc[18]. Đi sâu hơn về mối quan hệ đó, trong Tuyên bố thông qua tại Cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế đã tái khẳng định: “Quyền con người, pháp quyền vàdân chủ có mối liên kết chặt chẽ, củng cố lẫn nhau và chúng đều thuộc vềcác giá trị và nguyên tắc phổ quát, cốt lõi, không thể chia cắt của Liên hợp quốc”[19]. Tuyên bố cũng nêu rõ: “… sự tiến bộ của pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia là điều cốt yếu cho tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, cho sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo và việc hiện thực hoá đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, bao gồm cả quyền phát triển; và đến lượt nó, sự phát triển của các quyền đó lại củng cố pháp quyền...”[20]. Từ những nhận định như vậy, Tuyên bố khẳng định: “… mối quan hệ tương hỗ [giữa pháp quyền và nhân quyền]cần được xem xét trong chương trình nghị sự phát triển quốc tế sau năm 2015[21]. Trong một văn kiện khác, Liên hợp quốc cũng khẳng định: “Ở cấp độ quốc gia, pháp quyền là trọng tâm của khế ước xã hội giữa Nhà nước và các cá nhân dưới quyền tài phán của mình, có tác dụng đảm bảo rằng công lýthấm vào xã hội ở mọi cấp độ. Pháp quyền đảm bảo việc bảo vệđầy đủ các quyền con người, mang lại cho công dân và cả những người không phải là công dân những cách thức hợp pháp để tìm công lý trong trường hợp là nạn nhân của sự lạm dụng quyền lực và cho phép giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và công bằng”[22].
3. Sự cần thiết nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Ngay từ khi thành lập (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền con người, thông qua các khẩu hiệu đấu tranh cho “Việt Nam tự do”, quyền “tự do tổ chức”; “nam nữ bình quyền”, quyền phổ cập giáo dục, quyền của người công nhân chỉ làm việc 8 giờ/ngày... Trong Luận cương cách mạng Việt Nam thông qua tại Đại hội lần thứ II (1951), Đảng đã khẳng định rõ mục tiêu bảo đảm mọi công dân đều : “...được hưởng quyền con người, dân quyền và tài quyền[23]”. Mặc dù mới chỉ mang tính khái quát, song quan điểm, đường lối của Đảng thời kỳ này hoàn toàn phù hợp với nhận thức tiến bộ về quyền con người của cộng đồng quốc tế khi đó.
Vấn đề bảo đảm quyền con người tiếp tục được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, đặc biệt kể từ khi Đổi mới (1986). Đại hội VI của Đảng (1986) tuy chưa đề cập khái niệm quyền con người nhưng đã khẳng định yêu cầu với các cơ quan nhà nước “…phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định[24]” và “...bảo đảm quyền dân chủ thật sự của Nhân dân lao động[25]”. Đến Đại hội VII (1991), lần đầu tiên khái niệm quyền con người chính thức được ghi nhận trong văn kiện Đảng: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người[26]”. Đại hội lần thứ IX (2001) lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm của nhà nước và nghĩa vụ của quốc gia về quyền con người, cụ thể là: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia[27]”. Đại hội X (2006) nhấn mạnh yêu cầu “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội; Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người[28]”. Đại hội lần thứ XI (2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) trong đó nêu rõ: “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân[29]”. Đại hội lần thứ XII (2016) nhấn mạnh: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013... hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân[30]”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) tiếp tục đặt ra yêu cầu “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân[31]”.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, chỉ đạo mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội trong bảo đảm quyền con người trong thực tế ở Việt Nam.
Trên cơ sở đường lối của Đảng, khái niệm “quyền con người” lần đầu tiên được hiến định tại Điều 50 Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001. Trong Hiến pháp năm 2013, chế định về quyền con người, quyền công dân được sửa đổi một cách cơ bản theo hướng tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhìn chung, khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện và củng cố từ năm 1986, trong đó những thành tựu có tính bước ngoặt được thể hiện tập trung qua hai bản Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013. Cho đến nay, khung khổ pháp luật về quyền con người của Việt Nam đã khá toàn diện và cơ bản tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong thực tế, kể từ khi Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn không thể phủ nhận trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Mặc dù vậy, cũng cần thấy rằng, pháp luật của Việt Nam về quyền con người hiện vẫn còn một khoảng cách nhất định với luật nhân quyền quốc tế. Những khác biệt đó tạo ra những thách thức nhất định đối với việc bảo đảm quyền con người, mà cũng là những thách thức với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng việc tiếp tục thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo đảm tốt hơn các quyền con người là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay. Đó là bởi cả pháp quyền và nhân quyền đều được xem là những giá trị mang tính cốt lõi của Liên hợp quốc, mà đã, đang và sẽ tiếp tục chi phối các mối quan hệ quốc tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Vì vậy, Việt Nam sẽ không thể hội nhập quốc tế hiệu quả nếu không thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo đảm các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế, mà được xem là những tiêu chuẩn tối thiểu với các quốc gia. Ở trong nước, cùng với việc mức sống ngày càng được nâng cao, những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở đã được đáp ứng và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin thì những yêu cầu và khả năng thể hiện yêu cầu của người dân về việc bảo đảm các quyền con người, cũng như bảo đảm các giá trị pháp quyền, cụ thể như công lý, công bằng, công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình… của bộ máy nhà nước sẽ ngày càng cao và thường xuyên hơn. Kinh nghiệm của nhiều nước đã cho thấy, cùng với sự cải thiện về mức sống, nhu cầu của người dân về dân chủ, pháp quyền, nhân quyền sẽ tăng lên, và nếu như những yêu cầu đó không được đáp ứng một cách tương xứng thì có thể gây ra những bất ổn về mặt chính trị và xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin về sự tương xứng trong mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Ở đây, khi cơ sở hạ tầng là quan hệ sản xuất và đời sống xã hội đã thay đổi, thì kiến trúc thượng tầng là Nhà nước và pháp luật cũng cần phải thay đổi tương ứng.
4. Phương hướng nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Những phân tích ở trên cho thấy, cần nhận thức rõ và sâu sắc hơn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo đảm quyền con người trong giai đoạn tới, xem đó như là những nội dung cốt lõi trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nói chung của đất nước, ít nhất là cân bằng với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng cần nhận thức rõ rằng, việc bảo đảm quyền con người không chỉ như là một yêu cầu trọng tâm trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn là một yếu tố cốt lõi để bảo đảm sự ổn định chính trị dựa trên sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, cần xem những hạn chế trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng là một nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ, giống như tình trạng tham nhũng hay là sự chậm phát triển về mặt kinh tế.
Trên cơ sở đổi mới về nhận thức như trên, Nhà nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về quyền con người để phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, không chỉ là phù hợp với các quy định chung trong các điều ước, mà còn với các khuyến nghị, quy tắc, tiêu chuẩn… về quyền con người do các cơ quan nhân quyền quốc tế ban hành. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện, giám sát thực hiện và xử lý các vi phạm quyền con người, để bảo đảm tất cả các quyền con người đều được tôn trọng, bảo vệ trong thực tế.
Trong việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người, cần tiếp tục củng cố hệ thống các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định theo hướng bảo đảm sự tương thích với các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền con người. Điều này bao gồm việc bổ sung một số quyền hiến định là những quyền con người cơ bản mà đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia; sửa đổi quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về việc hạn chế quyền con người để phù hợp với tinh thần của luật nhân quyền quốc tế, và củng cố các quy định về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương theo khuyến nghị trong lần Kiểm điểm định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 3 năm 2019, bao gồm các nhóm phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, lao động di trú, …
Để hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện, giám sát thực hiện và xử lý các vi phạm quyền con người, cần cụ thể hoá và bổ sung các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người của các cơ quan nhà nước trung ương và ở địa phương, bao gồm việc nghiên cứu xây dựng các bộ tiêu chí tương ứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của từng chủ thể công quyền để sử dụng làm cơ sở cho hoạt động giám sát, đánh giá việc tuân thủ, thực hiện quyền con người của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xúc tiến thành lập các thiết chế giám sát nhân quyền bậc cao – bao gồm cơ quan nhân quyền quốc gia (như đã cam kết với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc), và xây dựng cơ chế bảo vệ hiến pháp (theo quy định của khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013). Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu khả năng chấp nhận thẩm quyền của Uỷ ban giám sát một số công ước quốc tế về quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… để nâng cao uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và tăng cường ý thức trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
5. Kết luận
Mối liên hệ giữa quyền con người và pháp quyền đã được chứng minh không chỉ bởi các học giả, mà đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Liên hợp quốc. Theo đó, quyền con người và pháp quyền có mối liên kết chặt chẽ, củng cố lẫn nhau. Pháp quyền là điều kiện để bảo đảm các quyền con người, bởi chỉ trong nhà nước pháp quyền thì xã hội mới thịnh vượng, trật tự và có công lý, vì thế mới có thể bảo đảm các quyền con người. Trong khi đó, quyền con người là yếu tố trung tâm, vừa là một tiêu chí, vừa là một yêu cầu của nhà nước pháp quyền. Chỉ khi các quyền con người được bảo đảm đầy đủ thì nhà nước pháp quyền mới được hiện thực hoá. Cả quyền con người và pháp quyền đều có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt trên thế giới hiện nay, bởi đều được xem những giá trị và nguyên tắc cốt lõi, phổ quát của nhân loại, chi phối mọi quan hệ quốc tế.
Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay, và đã được củng cố, bổ sung rất nhiều kể từ Đổi mới năm 1986. Trên cơ sở những quan điểm, đường lối của Đảng, khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam cũng liên tục được hoàn thiện, củng cố, mà những thành tựu có tính bước ngoặt được thể hiện tập trung qua hai bản Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013. Cho đến nay, khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam đã khá toàn diện và cơ bản tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong thực tế, kể từ khi Đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, không thể phủ nhận trong việc bảo đảm các quyền con người kinh tế, xã hội, văn hoá, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Mặc dù vậy, cần thấy rằng, pháp luật về quyền con người của Việt Nam hiện vẫn còn có những khoảng cách nhất định với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nhận thức, hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo đảm nhân quyền theo các chuẩn mực mà Liên hợp quốc đã xác định. Đây cũng chính là hoạt động quan trọng bậc nhất để đạt được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới./.
PGS.TS Vũ Công Giao
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
[1] UNODC (2018), Derogation in times of public emergency, Reference link: https://www.unodc.org/e4j/en/terrorism/module-7/key-issues/derogation-during-public-emergency.html.
[2] OHCHR (2006), Frequently Asked Questions on the Human Rights-based Approach in Development Cooperation (50pp), Reference link: https://www.ohchr.org/Documents/Publications/FAQen.pdf.
[3] Universal Declaration of Human Rights 1948, Preamble. Cũng xem Gudmundur Alfredsson (1999), The Universal Declaration of Human Rights:A Common Standard of Achievement Springer; 1st edition (March 31, 1999).
[4] Kofi Annan (1988), “Human rights: Common language of humanity”https://www.un.org/press/en/1998/19980130.SGSM6450.html.
[5] OHCHR (2006), Frequently Asked Questions on the Human Rights-based Approach in Development Cooperation, Tlđd.
[6] Xem: A.V. Dicey (1979 [1885]), Introduction to the Study of Law of the Constitution (A.V. Dicey With an Introduction by E.C.S. Wade), The MacMillan Press, London, p.193
[7] Xem: A. V. Dicey (1979), Tlđd, tr.188.
[8] Xem: A. V. Dicey (1979), Tlđd, tr.195-196.
[9] Xem: UN Security Council (2004), The rule of law and transitional justice in conflict and post-conflict societies: report of the Secretary-General, http://www.refworld.org/docid/45069c434.html.
[10] Xem: UN Security Council (2004), Tlđd.
[11] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.462-468.
[12] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Tlđd, tr.329.
[13] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (1995), Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.23-27.
[14] Xem: Đào Trí Úc (chủ biên) (2006), Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.233-315. Cũng xem: Đào Trí Úc (2015), Giáo trình Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.123.
[15] The Universal Declaration of Human Rights, 1948, Preamble.
[16] United Nations Millennium Declaration, General Assembly resolution 55/2 of 8 September 2000, section 8.
[17] Xem: UN Security Council (2004), Tlđd, đoạn 6.
[18] 2005 World Summit Outcome. Resolution adopted by the General Assembly on 16 September 2005. A/RES/60/1.
[19] United Nations (2012), Declaration of the High-level Meeting of the GeneralAssembly on the Rule of Law at the National andInternational Levels. Resolution adopted by the General Assembly, A/RES/67/1, 30 November 2012, https://www.un.org/ruleoflaw/files/A-RES-67-1.pdf.
[20] Tlđd, đoạn 7.
[21] Tlđd, đoạn 7.
[22] United Nations (2012), Delivering justice: programme of action to strengthenthe rule of law at the national and international levels: Report of the Secretary-General, A/66/749, đoạn 4, tại https://undocs.org/en/A/66/749
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, t.12, tr.105.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.1987, tr.112.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Tlđd, tr.117.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, H.1991, tr.19.
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2001, tr.134.
[28] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Tlđd, tr.72.
[29] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Tlđd, tr.76.
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tr.169.
[31]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.173.