Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả cung cấp thông tin, giới thiệu về một số lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trong phòng, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; đánh giá thực tiễn hoạt động của các lực lượng này trong thời gian vừa qua; từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ở Việt Nam hiện nay.
Từ khoá: IUU; thẻ vàng; Cảnh sát biển Việt Nam; Kiểm ngư; Biên phòng.
Abstract: Within this article, the author provides information and an introduction of the maritime law enforcement agencies of Vietnam in preventing and combating illegal, unreported and unregulated fishing; an assessment of the practical performance of these agencies in recent times; and accordingly, gives out a number of recommendations for further improvements in the operational efficiency of the maritime law enforcement agencies in preventing and combating illegal, unreported and unregulated fishing in Vietnam.
Keywords: IUU; yellow card; Vietnam Coast Guard, Vietnam Fisheries Resources Surveillance; Vietnam Border Guard.
Ảnh minh họa - TL
Năm 2017, ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” vì không có biện pháp thỏa đáng để ngăn chặn việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing - IUU). Sau 5 năm chịu tác động từ “thẻ vàng” của EC (2017-2021), xuất khẩu hải sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) của Việt Nam giảm khoảng 27,3%, tương đương 404 triệu USD[1]. Xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài đối với những năm tiếp theo khi Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC.
Việc ngành thủy sản Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng” không những ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu thủy sản, mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Nhận thức rõ hậu quả của “thẻ vàng” và tránh nguy cơ “thẻ đỏ”, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển hành động kịp thời nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt hoạt động IUU.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, số lượng tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý trong thời gian qua đã giảm, nhưng chưa vững chắc. Theo thống kê: năm 2017 có 178 vụ/294 tàu/2398 ngư dân; năm 2018 có 184 vụ/275 tàu/2065 ngư dân; năm 2019 có 166 vụ/253 tàu/1205 ngư dân; năm 2020 có 83 vụ/142 tàu/974 ngư dân[2]; năm 2021 có 35 vụ/53 tàu/447 ngư dân[3]; riêng sáu tháng đầu năm 2022 số vụ việc có xu hướng tăng so với năm 2021, đã có 46 vụ/68 tàu/615 ngư dân[4] Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong 46 vụ tàu cá Việt Nam vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022 thì đã có: 34 vụ/51 tàu/553 ngư dân vi phạm ở vùng biển Malaysia; 05 vụ/05 tàu/26 ngư dân vi phạm vùng biển Thái Lan; 05 vụ/08 tàu/37 ngư dân vi phạm vùng biển Campuchia; và 02 vụ 04 tàu/35 ngư dân vi phạm vùng biển Indonesia[5].
Để sớm gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong phòng, chống IUU.
Phòng, chống IUU tại Việt Nam có nhiều lực lượng tham gia, tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới Cảnh sát biển Việt Nam, Biên phòng và Kiểm ngư là 3 lực lượng chính duy trì và thực thi pháp luật trên biển.
1. Một số lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam
1.1. Cảnh sát biển Việt Nam
- Cơ sở pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam trong chống IUU
Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển[6]; có chức năng: “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”[7]. Như vậy, CSBVN là lực lượng chính để duy trì và thực thi pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan “trong vùng biển Việt Nam” theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và “ngoài vùng biển Việt Nam” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật[8].
Trong chống IUU, CSBVN được giao nhiệm vụ[9]: (1) Duy trì lực lượng trực tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước, phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân trên biển và ngăn chặn, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam theo thẩm quyền; (2) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tàu cá không đủ các thủ tục giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định và vi phạm các quy định trong lĩnh vực thủy sản theo thẩm quyền; và (3) Trao đổi, phối hợp với Biên phòng và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan trong điều tra cơ bản đối với tàu cá có dấu hiệu vi phạm các quy định trong lĩnh vực thủy sản.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 54 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hầu hết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản trong vùng biển Việt Nam, CSBVN đều có thẩm quyền xử phạt.
- Thực tiễn hoạt động chống IUU của Cảnh sát biển Việt Nam
CSBVN thường xuyên duy trì 7 - 8 tàu[10] thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU ở vùng biển giáp ranh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Khi có vụ việc tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý, CSBVN phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ vị trí, hành vi, đối tượng vi phạm để phối hợp xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2022, CSBVN đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và lực lượng thực thi pháp luật các nước bắt giữ, xử lý 29 vụ/48 tàu/362 ngư dân[11] vi phạm IUU. Ngăn chặn kịp thời 4 vụ/7 tàu[12] cá Việt Nam bị lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài bắt giữ ở khu vực biển giáp ranh.
Trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, CSBVN còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân gắn với thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” góp phần nâng cao ý thức pháp luật của ngư dân khi khai thác hải sản. Trong 6 tháng đầu năm 2022, CSBVN đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức 11 buổi tuyên truyền tập trung cho 3.277 ngư dân, phát 14.000 tờ rơi, 5.550 cuốn sách pháp luật và 7.040 cờ Tổ quốc[13]. Trên thực địa, các tàu Cảnh sát biển đã tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU cho 1.081 tàu cá Việt Nam, phát 6.718 tờ rơi, 776 cờ Tổ quốc, 25 túi thuốc cứu thương cho ngư dân[14].
Trên cơ sở các văn bản đã ký kết, CSBVN thường xuyên, chủ động duy trì liên lạc với lực lượng thực thi pháp luật các nước trong khu vực (Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan) tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát để phối hợp phòng, chống IUU, đấu tranh với tội phạm, vi phạm trên vùng biển giáp ranh. Đồng thời, CSBVN duy trì kênh liên lạc với Đại sứ quán của các nước để trao đổi, hợp tác nâng cao năng lực cũng như đề nghị chia sẻ thông tin về tàu cá Việt Nam vi phạm IUU. Trong các cuộc gặp và làm việc với cán bộ Đại sứ các nước về các vấn đề có liên quan, CSBVN thường xuyên trao đổi các nội dung phòng, chống khai thác IUU[15], trong đó nhấn mạnh và đề nghị phía đối tác chia sẻ thông tin để phối hợp xử lý và đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam khi bị bắt giữ.
1.2. Biên phòng Việt Nam
- Cơ sở pháp lý của Biên phòng trong chống IUU
Biên phòng là lực lượng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật[16], và hoạt động ở ngoài biên giới theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật[17]. Biên phòng có chức năng chống tội phạm, vi phạm, trong đó có cả lĩnh vực IUU. Hoạt động chính của biên phòng là khu vực biên giới, cửa khẩu, trong đó biên giới quốc gia trên biển là ranh giới ngoài của lãnh hải[18] (12 hải lý tính từ đường cơ sở).
Như vậy, so với CSBVN thì phạm vi hoạt động trên biển của Biên phòng hạn chế hơn, từ ranh giới ngoài lãnh hải trở vào, còn CSBVN được hoạt động trên tất cả các vùng biển Việt Nam.
Trong chống IUU, Biên phòng được giao nhiệm vụ[19]: (1) Chỉ đạo lực lượng chức năng thuộc quyền kiểm soát tàu cá trước khi xuất cảng, bến, cửa sông, lạch… theo đúng quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ lao động tham gia vào hoạt động khai thác thủy sản. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; (2) Tổ chức và phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, vũng, vịnh, cửa sông, lạch, bãi ngang… theo phạm vi được phân công, kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá không đủ các thủ tục giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định và vi phạm các quy định trong lĩnh vực thủy sản; (3) Phối hợp chặt chẽ với thanh tra chuyên ngành thủy sản trực tại các cảng cá để tổ chức kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá và thuyền viên ra, vào cảng cá, cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá Việt Nam (VNFISHBASE); và (4) Chủ trì điều tra cơ bản đối với tàu cá có dấu hiệu vi phạm các quy định trong lĩnh vực thủy sản; phân loại, lập danh sách, trao đổi với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để tổ chức theo dõi, giám sát, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện vi phạm.
Thẩm quyền xử lý của Biên phòng trong lĩnh vực IUU được quy định tại khoản 4 Điều 54 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
- Thực tiễn hoạt động chống IUU của Biên phòng
Bộ đội Biên phòng đã chủ trì phát hiện xử phạt 587 vụ/1.549[20] ngư dân về các hành vi khai thác sai vùng, phương tiện không bảo đảm giấy tờ, ngư cụ khai thác vi phạm các quy định về đánh bắt thủy sản; tham mưu cho địa phương xử phạt vi phạm hành chính 387 vụ/523 ngư dân, tước 25 bằng thuyền trưởng, tước giấy phép khai thác 17 trường hợp về hành vi vi phạm IUU[21].
Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh ven biển đã chỉ đạo các đồn Biên phòng và các trạm Biên phòng làm tốt công tác rà soát, thống kê, phân loại, nắm chắc số lượng tàu thuyền, ngành nghề hoạt động, ngư trường đánh bắt. Đồn Biên phòng chú trọng đến số tàu cá thường xuyên hoạt động ở vùng khơi, số tàu cá di chuyển ngư trường lâu ngày không về địa phương để theo dõi, quản lý hiệu quả hơn.
Đồn Biên phòng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đăng ký xuất, nhập tàu cá ra vào cảng, nhất là chú trọng kiểm tra về số người thực tế đi trên tàu so với danh sách thuyền viên đăng ký trong sổ danh bạ; các loại giấy tờ liên quan đến người, phương tiện. Ngoài ra, các đồn Biên phòng còn yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản.
1.3. Kiểm ngư Việt Nam
- Cơ sở pháp lý của Kiểm ngư trong chống IUU
Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam[22]. Ngoài nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách, Kiểm ngư Việt Nam có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật[23]. Lực lượng này có quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản[24].
Như vậy, giống như CSBVN, phạm vi hoạt động của Kiểm ngư rất rộng, trên toàn bộ vùng biển Việt Nam. Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách nên nhiệm vụ chủ yếu của kiểm ngư là thực thi pháp luật về thủy sản, trong đó có IUU. Trong đấu tranh với IUU thì Kiểm ngư là lực lượng chính, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác là lực lượng phối hợp, hiệp đồng.
Thẩm quyền xử lý của Kiểm ngư trong lĩnh vực IUU được quy định tại khoản 9 Điều 54 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
- Thực tiễn hoạt động chống IUU của Kiểm ngư
Kiểm ngư đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác bảo đảm duy trì trực thường xuyên tại các ngư trường trọng điểm, các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước, ngăn chặn kịp thời các tàu cá Việt Nam khai thác IUU trên vùng biển nước ngoài và phát hiện xua đuổi nhiều lượt tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam[25]. Thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác hải sản trên biển, chống IUU, phát hiện xử lý kịp thời vi phạm của ngư dân Việt Nam về IUU[26]. Ngoài ra, Kiểm ngư còn đồng hành cùng ngư dân, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản như lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của ngư dân về những bất trắc, khó khăn trong quá trình khai thác hải sản trên biển để kịp thời xử lý[27].
Kiểm ngư Việt Nam cũng tăng cường hợp tác đối với cơ quan chức năng các nước để xây dựng nâng cao năng lực và chia sẻ thông tin. Kiểm ngư Việt Nam tranh thủ sự viện trợ, hỗ trợ của Nhật Bản[28], ký kết Quy chế triển khai sử dụng đường dây nóng hoạt động nghề cá trên biển với các nước Trung Quốc, Philippines và đang tiếp tục triển khai đàm phán, ký thỏa thuận với các nước như Thái Lan, Campuchia, Brunei, Palau, Micronesia nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động nghề cá[29].
2. Những thuận lợi và khó khăn của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Namtrong phòng, chống IUU
2.1. Thuận lợi
Lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam có phạm vi hoạt động rộng, được trao thẩm quyền trong chống IUU. Do vậy, nếu phối hợp tốt giữa các lực lượng thì Việt Nam có thể kiểm soát các hoạt động IUU từ trong đất liền, ra đến các vùng biển của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư trang bị tương đối hiện đại cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; đội ngũ nhân viên cơ bản được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn tốt, hiểu biết thực thi và duy trì pháp luật tốt.
2.2. Khó khăn
CSBVN[30] và Kiểm ngư[31] là lực lượng chủ chốt trong thực hiện nhiệm vụ chống IUU trên biển. Tuy nhiên, do mới được thành lập và đang trong giai đoạn phát triển và trưởng thành nên số lượng trang bị, phương tiện cũng như nguồn nhân lực còn hạn chế. Do đó, các lực lượng này còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý một vùng biển rộng lớn và trong tình hình vi phạm IUU đang gia tăng.
CSBVN và Kiểm ngư đều có phạm vi hoạt động trên toàn bộ vùng biển Việt Nam, do vậy nếu công tác phối hợp không tốt sẽ dẫn đến tình trạng có khu vực có nhiều tàu của 2 lực lượng cùng hoạt động chống IUU, trong khi đó có những vùng biển có nguy cơ IUU cao khác lại bị bỏ trống không có lực lượng tuần tra, việc chống IUU sẽ kém hiệu quả.
Hiện nay, giữa Việt Nam và hầu hết các nước xung quanh Biển Đông (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc) đang tồn tại nhiều vùng chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và phát sinh tranh chấp các yêu sách về quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển. Các văn bản pháp lý hiện hành đều không đề cập đến hoạt động nghề cá như: Bản ghi nhớ về khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia; phân định thềm lục địa Việt Nam và Indonesia mới chỉ dừng lại ở các hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí chung tại khu vực chồng lấn thềm lục địa; Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia quy định chưa chi tiết về hoạt động đánh bắt cá: “việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay”[32]; chưa có cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề cá giữa Việt Nam với các nước có liên quan (đặc biệt là Malaysia, Campuchia và Indonesia), gây khó khăn cho các lực lượng thực thi pháp luật khi đấu tranh với các tàu công vụ của nước ngoài và xử lý tàu cá vi phạm.
Khu vực Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, Việt Nam chưa công bố đường cơ sở nên chưa có căn cứ để xác định lãnh hải và các vùng biển. Vì vậy, phạm vi hoạt động của Biên phòng (từ ranh giới ngoài lãnh hải trở vào) ở những khu vực này là không thể xác định được, có thể gây tranh chấp pháp lý nếu xảy ra vụ việc phức tạp cần giải quyết.
Tại điểm g khoản 3 Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, nêu rõ: “Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác báo cáo… và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng”. Thực tế, ngư dân cố tình ngắt kết nối VMS và bật trở lại khi chưa đến 10 ngày; do đó, ngư dân không phải đưa tàu về bờ và trốn tránh sự kiểm soát, theo dõi của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng rất khó chứng minh lỗi cố ý ngắt kết nối VMS để có cơ sở xử lý.
Biên phòng và CSBVN không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi “vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản”[33]. Do vậy, sau khi lập biên bản vi phạm thì các lực lượng này phải tổ chức lực lượng dẫn giải tàu vi phạm từ vùng biển xa về bàn giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo thẩm quyền làm mất nhiều thời gian và tốn kém nhiên liệu khi sử dụng tàu thuyền để dẫn giải.
Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu mà không xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng là chưa bảo đảm tính răn đe đối với cá nhân có trách nhiệm chính trong lỗi vi phạm, vì thuyền trưởng là người đại diện chủ tàu và là người điều hành toàn bộ hoạt động của tàu khi tàu rời bến.
Quy định về xử phạt “đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ tỉnh khác”[34], không thể áp dụng được trong thực tiễn vì chưa có văn bản pháp luật nào quy định về phân chia phạm vi quản lý hành chính vùng biển giữa các tỉnh.
Các tàu từ 6m đến dưới 15m hiện nay không phải lắp thiết bị VMS[35] nên khó khăn trong công tác giám sát quản lý. Qua quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện những tàu này cũng thuộc diện có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Namtrong phòng, chống IUU
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong phòng, chống IUU tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống IUU giúp cho việc thực hiện thẩm quyền trong xử lý IUU của lực lượng thực thi pháp luật trên biển được thuận lợi.
Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Biên phòng và CSBVN đối với các hành vi “vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản” quy định tại Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh việc quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu, cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng tại Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ nhằm bảo đảm tính răn đe đối với cá nhân có trách nhiệm chính trong lỗi vi phạm.
Bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt hệ thống VMS đối với các tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 15m để phục vụ cho việc quản lý, giám sát hoạt động IUU. Bỏ quy định về xử phạt “đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ tỉnh khác” vì thực tiễn không có cơ sở để xử lý hành vi này.
Đối với việc xử lý đối với lỗi kết nối hệ thống VMS cần gắn trách nhiệm của chủ tàu và nhà cung cấp. Nếu chủ tàu cố tình tác động để ngắt kết nối thì cần xử lý như hành vi khai thác IUU. Còn lỗi do thiết bị không đáp ứng được yêu cầu chất lượng nên bị ngắt kết nối thì cần xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà cung cấp với hành vi tiếp tay cho IUU. Đối với trường hợp báo hỏng hệ thống VMS thì cần yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng phải có bằng chứng (hình ảnh, video) cụ thể để chứng minh. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần liệt tàu này vào danh sách nguy cơ cao vi phạm IUU để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời.
Hai là, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để trao đổi thông tin, xác minh vụ việc, phối hợp hành động nhằm xử lý hiệu quả các vụ vi phạm IUU trên thực địa.
Do địa bàn hoạt động của tàu cá thường rộng nên một lực lượng sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát, giám sát các hoạt động của tàu cá. Số lượng tàu thuyền, phương tiện của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển còn hạn chế, nên cần sự phối hợp giữa các lực lượng. Lực lượng Biên phòng kiểm tra tàu, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục, giấy tờ đối với tàu cá ra vào cảng, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm; đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, nhắc nhở, cảnh báo ngư dân khi có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá, nhất là các khu vực thường xuyên có tàu cá khai thác IUU và khu vực giáp ranh để ngăn chặn tàu cá Việt Nam vượt tuyến sang khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài và tàu cá nước ngoài sang khai thác tại vùng biển Việt Nam.
Phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trong xử lý tình huống trên thực địa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có của mỗi lực lượng trong duy trì và thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm các hành vi vi phạm trên biển được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng, chính xác theo quy định của pháp luật.
Phối hợp liên ngành trong việc điều tra, xử lý đối với tàu cá vi phạm IUU; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đại đa số tàu và ngư dân Việt Nam vẫn vi phạm vùng biển nước ngoài do hám lợi và thiếu hiểu biết pháp luật, do vậy chưa nên hình sự hóa hành vi khai thác IUU trong pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, cần xử lý hình sự các vụ việc móc nối, đưa ngư dân Việt Nam trái phép sang nước ngoài khai thác IUU.
Đối với các tàu và ngư dân Việt Nam khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài bị cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý, Việt Nam cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng các nước để bảo hộ công dân và đưa họ về nước. Tuy nhiên, chi phí để đưa tàu và ngư dân về nước thì ngư dân phải thanh toán, hơn nữa khi về Việt Nam vẫn cần xử phạt hành vi khai thác IUU theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với tàu và ngư dân tái phạm thì kiên quyết thu hồi giấy phép và chứng chỉ hành nghề của ngư dân.
Khai thác IUU không thể được giải quyết một cách đơn phương[36], mà cần có sự phối hợp của các quốc gia, trong đó có lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước. Đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong khu vực và quốc tế sẽ không những nâng cao năng lực chấp pháp, nâng cao công tác chia sẻ thông tin, phối hợp hành động trên thực địa mà còn làm giảm căng thẳng về mặt ngoại giao. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vụ việc xảy ra trên biển thì đều có thể giải quyết giữa các lực lượng chấp pháp với nhau, ví dụ khi phát hiện ngư dân nước ngoài vi phạm IUU ở vùng biển thuộc quyền quản lý của quốc gia thì có thể bắt giữ và bàn giao ngay trên biển cho lực lượng chấp pháp của quốc gia có tàu vi phạm. Như vậy, vừa đỡ tốn kém vì phải kéo về bờ để xử lý, vừa đỡ gây căng thẳng vì vụ việc chưa tới mức giải quyết qua đường ngoại giao.
Ba là,nâng caonăng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển thông qua hoạt động đào tạo nghiệp vụ, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm giữa các lực lượng trong nước và quốc tế trong phòng, chống IUU.
Việc xây dựng năng lực được thực hiện thông qua tổ chức các buổi hội thảo, các khoá học, tập huấn trong nước. Các lực lượng có thể tham dự các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chống IUU, từ đó có thể tìm ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng lực lượng trong đấu tranh chống IUU. Thông qua các buổi hội thảo, tập huấn không những nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, hiểu biết quy trình thực hiện nhiệm vụ của từng lực lượng, mà còn tạo sự hiểu biết, tin cậy, xây dựng lòng tin trong quá trình phối hợp, xử lý hiệu quả các vụ việc IUU.
Bên cạnh đó, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam có thể cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, hội thảo, các chương trình đào tạo về phòng chống tội phạm, vi phạm nói chung và IUU nói riêng. Việc tham gia các hoạt động này không những nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của cán bộ mà còn được làm việc trong môi trường quốc tế, hiểu được cách làm, tư duy về vấn đề IUU của các nước, từ đó đề xuất những vấn đề hợp tác thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực, cần đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các lực lượng thực thi pháp luật, phục vụ công tác quản lý, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và duy trì thực thi pháp luật trên biển.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống và loại bỏ IUU tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của các lực lượng này là chưa đủ, mà cần sự hợp tác của chính quyền địa phương ven biển, sự hợp tác của ngư dân và của toàn xã hội, cần coi đây là vấn đề hệ trọng quốc gia để chung tay tháo gỡ. Khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm, tiến tới chấm dứt IUU là việc làm cấp bách cũng như lâu dài, đòi hỏi cần có sự cam kết, hợp tác của cả hệ thống chính trị cũng như của từng người dân Việt Nam./.
ThS. NGUYỄN KHẮC VƯỢT
Phòng Khoa học quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển
[1] Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu: năm 2017 là 1.480,7 triệu USD; năm 2018 là 1.471,8 triệu USD; năm 2019 là 1.297,2 triệu USD; năm 2020 là 958,7 triệu USD; năm 2021 là 1.076,7 triệu USD.
[2] Nguyễn Khắc Vượt (2022), “Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU Fishing): một số vấn đề pháp lý và thực tiễn tại Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao, tr.63.
[3] Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Báo cáo số: 6092/BC-BTL ngày 01/7/2022 về tình hình chống IUU.
[4] Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tlđd.
[5] Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tlđd.
[6] Khoản 1 Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
[7] Khoản 2 Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
[8] Điều 11 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
[9] Theo Quyết định số 377/QĐ-BCĐIUU ngày 28/2/2020 của Bộ Quốc phòng về Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác IUU.
[10] Nam Trung, “Tăng cường phối hợp phòng, chống khai thác IUU và tội phạm, vi phạm trên biển”, https://canhsatbien.vn/portal/hoat-dong-cua-luc-luong/tang-cuong-phoi-hop-phong-chong-khai-thac-iuu-va-toi-pham-vi-pham-tren-bien, truy cập ngày 12/9/2022.
[11] Nam Trung, tlđd.
[12] Nam Trung, tlđd.
[13] Nam Trung, tlđd.
[14] Nam Trung, tlđd.
[15] Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tlđd. (Trong 6 tháng đầu năm 2022, CSBVN đã trao đổi 29 thư, email với cơ quan thực thi pháp luật các nước, phối hợp hoạt động nhanh chóng, kịp thời các vụ việc liên quan đến tàu cá Việt Nam vi phạm IUU).
[16] Khoản 2 Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.
[17] Khoản 2 Điều 16 Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.
[18] Điều 11 Luật Biển Việt Nam năm 2012.
[19] Theo Quyết định số 377/QĐ-BCĐIUU ngày 28/2/2020 của Bộ Quốc phòng về Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác IUU.
[20] Trần Nam Trung, “Bộ đội Biên phòng nâng cao hiệu quả công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”, Tạp chí Khoa học giáo dục Biên phòng, số 86, tháng 5/2022, tr.45.
[21] Trần Nam Trung, tlđd, tr.45.
[22] Điều 3 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 về Tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư.
[23] Điều 88 Luật Thủy sản năm 2017.
[24] Điều 88 Luật Thủy sản năm 2017.
[25] Thanh Thủy, “Cục Kiểm ngư: Sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022”, https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/kiểm-ngư/hoạt-động-kiểm-ngư/doc-tin/017553/2022-06-27/cuc-kiem-ngu-so-ket-thuc-hien-nhiem-vu-6-thang-dau-nam-va-ke-hoach-cong-tac-6-thang-cuoi-nam-2022, truy cập ngày 9/9/2022.
[26] Thanh Thủy, tlđd.
[27] Bích Vân, “Kiểm ngư lập đường dây nóng”, https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/kiem-ngu-lap-duong-day-nong-20140510232416927.htm, truy cập ngày 12/9/2022.
[28] Kiểm ngư đã tiếp nhận 4 tàu của Nhật Bản, https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tiep-nhan-tau-kiem-ngu-hien-dai-yuhzan-maru-do-nhat-tai-tro-20170317152306945.htm, truy cập ngày 10/9/2022.
[29] Tham luận của Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị tập huấn và sơ kết công tác phòng, chống IUU do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/9/2021.
[30] Cảnh sát biển Việt Nam thành lập ngày 28/8/1998 theo Pháp lệnh số 04/1998/PL-UBTVQH10.
[31] Kiểm ngư Việt Nam được thành lập ngày 25/01/2013 theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP.
[32] Điều 3 Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia, ngày 7/7/1982.
[33] Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
[34] Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
[35] Điều 50 Luật Thủy sản năm 2017.
[36] Nguyễn Hồng Thao, “Công ước về Luật Biển năm 1982 và nghề cá ở Đông Nam Á”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 05 (453), tháng 3/2022.