Nâng cao hiệu quả thực hiện Chính sách quản lý phát triển xã hội

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm phát triển xã hội như một trong ba trụ cột cho sự phát triển bền vững, đó là Kinh tế - Xã hội – Môi trường. Đồng thời sự phát triển xã hội hướng đến mục tiêu rõ ràng và nhất quán là tiến bộ và công bằng xã hội. Các thành quả của phát triển xã hội phải được đảm bảo vững chắc bằng các thành quả về phát triển kinh tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cháu thiếu nhi. Ảnh: TL

Chính sách vì con người

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm hìn đến năm 2045; trong đó khẳng định: Chính sách phát triển xã hội là sự thể hiện tập trung nhất của chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Theo đó, chính sách phát triển xã hội là phần nội dung cốt lõi của quản lý phát triển xã hội. Và, để quản lý phát triển xã hội thật sự có hiệu quả thì không thể thiếu việc đổi mới phương thức hoạch định, tổ chức thực thi, giám sát đánh giá chính sách cũng như hoàn thiện thể chế quản trị chung của đất nước.

Đảng ta khẳng định quản lý phát triển xã hội là phải hướng tới phát triển xã hội bền vững. Yêu cầu đặt ra trong các chính sách phát triển là phải gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. 

Thực tế cho thấy, quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam cần dựa trên các nguyên tắc, cấp độ và công cụ quản lý xã hội hiện đại. Thực hiện tốt quản lý xã hội tức là góp phần đảm bảo tính định hướng và sự thành công của mục tiêu xây dựng phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân ta đã xác định: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986), Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, nỗ lực thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội góp phần quan trọng bảo đảm ổn định xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, của những vấn đề mới nảy sinh của kinh tế thị trường, của sự đối đầu giữa các nước lớn... cùng những hạn chế, khiếm khuyết vốn có của nền kinh tế, những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề… Hơn nữa, Việt Nam cũng đang đứng trước những vấn đề phức tạp như chênh lệch về mức sống gia tăng, nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo đô thị và di cư tự do, chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế và việc bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển mới của đất nước. Điều đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đặt vấn đề về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là nội dung tất yếu của quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước trong tình hình mới.

Mặt khác, năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật của mọi chủ thể xã hội còn có hạn chế; bộ máy quản lý nhà nước chưa thật tinh gọn, có nơi có chỗ còn cồng kềnh, quan liêu, thiếu hiệu quả; cải cách tư pháp còn chậm, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; phân cấp chức năng, nhiệm vụ chưa rành mạch giữa các cơ quan đảng với chính quyền và doanh nghiệp, giữa Trung ương và địa phương... Vì vậy, có những vấn đề biến đổi xã hội, phát triển xã hội chưa được nhận diện và đưa vào đối tượng quản lý xã hội. Đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về quản lý xã hội chưa thực sự “quán triệt” trong một bộ phận tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các giai tầng xã hội. Các vấn đề xã hội bức xúc vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng.

Trong quá trình tổ chức quản lý, 2 khái niệm là phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội luôn có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình phát triển và quản lý phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa nhằm tạo nên sự phát triển bền vững. Từ thực tế đó, quản lý phát triển xã hội được thực hiện theo những nguyên tắc riêng; bao gồm:

1. Cần nâng cao tính chuyên môn hóa trong quản lý xã hội, theo hướng tinh gọn, quản lý có chọn lọc các lĩnh vực của đời sống xã hội, phân cấp, trao quyền, xã hội hóa nhiều lĩnh vực quản lý và cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy dân chủ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý và các dịch vụ hành chính công.

2. Quản lý phát triển xã hội được thực hiện với trọng tâm là phục vụ nhân dân, có tính năng động cao, nhạy bén, thích nghi tốt với hoàn cảnh, đáp ứng nhanh với nhu cầu của người dân và các đối tượng được quản lý, tạo điều kiện giúp mọi công dân và tổ chức tuân thủ pháp luật, kỷ cương, quy định của nhà nước có liên quan.

3. Quản lý xã hội dựa trên quyền lực xã hội và có sự điều chỉnh bởi thể chế chính thức và phi chính thức.

4. Quản lý phát triển xã hội đề cao sự tôn trọng lợi ích cá nhân, các nhóm xã hội - đối tượng trực tiếp của quản lý xã hội. Đề cao tính vận động, thuyết phục, tạo điều kiện để người dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp làm theo pháp luật hơn là sự theo dõi sai phạm và áp dụng các biện pháp trừng phạt; tăng cường  phản biện xã hội.

5. Thực hiện ổn định các chính sách lớn giúp quản lý xã hội hiệu quả, đồng thời cần linh hoạt trước những diễn biến của thực tiễn, gắn tính kỷ luật với những biện pháp cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn.

6. Đề cao việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý xã hội, đặc biệt là áp dụng tin học vào quản lý. Thực hiện dân chủ hóa, quản lý xã hội trên cơ sở các quy định của pháp luật…

Để quản lý phát triển xã hội hiệu quả gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, quản lý phát triển xã hội theo hướng lấy con người làm trung tâm, xem phát triển con người - cả cá nhân và cộng đồng - vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước; trên cơ sở quản lý hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Hai là, quản lý phát triển xã hội phải theo hướng bền vững, xây dựng một cơ cấu xã hội thống nhất trong đa dạng dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các lứa tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, dân cư (vùng, miền), nghề nghiệp… Đi đôi với đó là chú trọng phát triển kinh tế hiệu quả; xóa đói, giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm các điều kiện làm việc trong môi trường an toàn…

Ba là, quản lý phát triển xã hội cần đi theo sự chấn chỉnh các hiện tượng quá coi trọng tăng trưởng kinh tế mà chưa thực sự quan tâm tới các vấn đề xã hội, có nguy cơ dẫn tới những bất ổn, xung đột xã hội, sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, hủy hoại môi trường; chú trọng phòng ngừa và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội, tệ nạn xã hội và những dịch bệnh, rủi ro.

Bốn là, tiếp tục cải cách hệ thống chính sách tiền lương theo hướng tiền lương cơ sở, tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng được nhu cầu sống của người lao động; gắn điều chỉnh tiền lương tối thiểu với tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Phát triển bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”; phòng, chống tệ nạn xã hội; bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Năm là, hoàn thiện chính sách phân phối và phân phối lại nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp. Mở rộng chính sách phúc lợi xã hội thành hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng.

Sáu là, Tổ chức tốt việc cung cấp các dịch vụ cơ bản về nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công./.

Ths. Lê Xuân Khuyến

...
  • Tags: