Nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Ngày 27/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc cho biết để xây dựng dự thảo Đề án, Bộ Tư pháp đã triển khai lấy ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành; tổ chức khảo sát ở địa phương về thực trạng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác PBGDPL ở miền núi. Vì vậy, Ban Tổ chức mong muốn nhận được các ý kiến góp cụ thể của đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương.

Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống, đại diện Sở Tư pháp Thái Nguyên cho biết công tác PBGDPL có vai trò quan trọng trong việc ổn định tư tưởng, giữ vững khối đoàn kết toàn dân và chống các biểu hiện, tư tưởng thù địch. 

Toàn tỉnh hiện có 67 báo cáo viên cấp tỉnh, hơn 200 báo cáo viên cấp huyện, tuy nhiên đội ngũ này hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong đợi do một số nguyên nhân như thiếu kinh phí, trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; khoảng cách giữa các địa bàn xa xôi cũng khiến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gặp khó khăn...

Về phạm vi áp dụng Đề án, Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho rằng Đề án cần mở rộng phạm vi bao quát cả vùng biên giới hải đảo, nhất là với các đảo xa. 

Nhấn mạnh nhân dân là các “cột mốc sống” trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, Đại tá Nguyễn Thanh Hải cho rằng công tác PBGDPL được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, là trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Hiện nay lực lượng Bộ đội Biên phòng có hơn 2.000 báo cáo viên pháp luật các cấp, trong đó có nhiều báo cáo viên là người dân tộc thiểu số, sinh sống trên địa bàn nên có nhiều thuận lợi trong công tác PBGDPL. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thu hút người dân tham gia các cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn rất hạn chế.

Góp ý dự thảo Đề án, đại diện Bộ Công an đề nghị cần phân cấp, phân chia rõ các giai đoạn trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên. Trong đó, Bộ Tư pháp cần thống nhất về tài liệu tập huấn để làm căn cứ hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, cần lồng ghép công tác PBGDPL thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh… để  đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp cận.

Cơ bản nhất trí với các ý kiến đã nêu tại hội thảo, đại diện Ủy ban Dân tộc cho rằng muốn xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chất lượng thì phải phân chia, tách biệt thành từng nhóm đối tượng để có cách thức đào tạo cụ thể. 

Ví dụ, với đối tượng già làng, trưởng thôn - những người đã có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng thì cần tập trung tập huấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức pháp luật cho nhóm này. Còn với đối tượng đã am hiểu về pháp luật, cần nâng cao kỹ năng phổ biến, tuyên truyền, trong đó có chương trình đào tạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả công tác của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tại chỗ...

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu Cục PBGDPL nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để tạo đồng thuận trong cách tiếp cận và nhận thức. 

Tổ biên tập cần gắn kết nội dung Đề án với các chương trình, dự án đang được triển khai trong lĩnh vực này, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1658 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, những khó khăn, vướng mắc được nêu tại hội thảo chỉ có thể giải quyết được khi kết hợp các nguồn lực khác nhau. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo Đề án đánh giá kỹ lưỡng hơn về thực tiễn, nhu cầu cần nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; làm rõ khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác này, từ đó định hướng các giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí như các địa phương đã nêu, trong đó, giải pháp căn cơ là tận dụng nguồn lực từ chính Đề án này; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phải xử lý thông tin bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số để báo cáo viên, tuyên truyền viên sử dụng được.

Cục PBGDPL cũng cần lưu ý một số vấn đề về đối tượng, phạm vi Đề án; về việc phân chia giai đoạn, phân cấp trong thực hiện các nội dung tại Đề án; phối hợp với các ngành chủ lực trong PBGDPL,…

PV
  • Tags: