Nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý

Tóm tắt: Nâng cao năng lực quản trị truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết ở các cấp, các ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Từ khóa: công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực; truyền thông chính sách.

Abstract: Improving the policy communication management capacity of officers and executives is an essential task at all levels, sectors and localities to meet the requirements of modern and effective national governance innovation in order to develop the country quickly and sustainably, to become a developed country with high income toward socialism by 2045. This paper analyzes the current situation, requirements and contents that need attention to improve the policy communication capacity of officers and executives.

Keywords: officers and executives; capacity; policy communication.

Ảnh minh họa: Internet

1. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đánh giá: Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng nhận định: công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định, có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã xác định mục tiêu cải cách chế độ công vụ là: Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Để thực hiện mục tiêu này, cần hướng tới xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ngày 06/3/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, theo đó cùng với các quy định về tiêu chuẩn chung thì yêu cầu về năng lực và uy tín cần được đảm bảo thực hiện như là một tiêu chí để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đó đòi hỏi phải: 1) Có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo; 2) Nắm vững các nội dung về quản lý nhà nước, quy định của pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực; có khả năng phát hiện hạn chế, bất cập trong thực tiễn và đề xuất giải pháp tháo gỡ; 3) Có năng lực triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật; 4) Có khả năng quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm; 5) Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác chuyên môn.

Những yêu cầu nêu trên là cơ sở, điều kiện để hình thành đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý chuyên nghiệp, có tư duy đổi mới, sáng tạo. Tư duy của người lãnh đạo, quản lý là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Cùng với tư duy khoa học, tư duy hệ thống và tính sáng tạo... đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần phải nâng cao năng lực tư duy chiến lược nhằm đáp ứng các yêu cầu trong thực thi công vụ. Năng lực tư duy chiến lược không chỉ yêu cầu người lãnh đạo, quản lý hoạch định chiến lược, mà còn phải có năng lực truyền thông chính sách để tổ chức thực thi hiệu quả chính sách.

2. Năng lực truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý được biểu hiện qua 06 nội dung sau:

Thứ nhất, trong quản trị quốc gia theo xu hướng dân chủ hóa, cần nhận thức được rõ các mục tiêu và các giải pháp mà Nhà nước sử dụng để đạt tới các mục tiêu đó. Ý thức được truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, công tác truyền thông chính sách phải được công chức lãnh đạo, quản lý quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng thực thi và hoàn thiện chính sách. Đặc biệt, cần có đội ngũ lãnh đạo, quản lý làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; phải thấy được tầm quan trọng của việc bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí). Để công tác truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao, phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo, quản lý năng động, có tính chuyên nghiệp cao.

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với vị trí, vai trò của công tác truyền thông chính sách; chủ động, làm tốt công tác truyền thông chính sách trong lĩnh vực mình quản lý. Khuyến khích đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách, bảo đảm đủ chất liệu, số liệu thực tế, linh hoạt, sáng tạo, chủ động, kịp thời, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận. Quan tâm nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử, hướng dẫn quy trình thực hiện truyền thông chính sách.

Thứ ba, công chức lãnh đạo, quản lý cần chủ động tạo sự tác động, ảnh hưởng tích cực đến công chúng; các cơ quan nhà nước phải thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, mở rộng kênh công khai thông tin, nhất là về việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách đến toàn xã hội và người dân… Trong đó phải bảo đảm tốt sự tham gia và giám sát của xã hội, cũng như của các tổ chức tư vấn chính sách.

Thứ tư, đối với các chủ trương, chính sách quan trọng, công chức lãnh đạo, quản lý (nhất là các cơ quan có chức năng xây dựng thể chế) cần tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và ý kiến tư vấn, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (thông qua các hình thức như: hội nghị tham vấn, tọa đàm, hội nghị phản biện...). Các cơ quan nhà nước phải giúp cho người dân hiểu rõ được vị trí, quyền hạn của các chủ thể quản trị nhà nước để người dân tích cực tham gia và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Thứ năm, công chức lãnh đạo, quản lý phải phản ánh ý chí và thái độ của các cơ quan nhà nước trong truyền thông chính sách thông qua sự phản hồi của những đối tượng mà chính sách hướng tới, để tăng cường sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể hưởng lợi là các tổ chức xã hội và công dân.

Thứ sáu, công chức lãnh đạo, quản lý phải duy trì và thực hiện một cách thực chất việc công bố, cung cấp thông tin chính thức qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về nội dung và yêu cầu của chính sách ở nhiều thời điểm, khu vực một cách đầy đủ, rõ ràng và kịp thời. Bên cạnh đó, cần tổ chức giải trình những hoạt động quản trị trước Nhân dân khi được yêu cầu.

3. Để nâng cao năng lực truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý trong quản trị quốc gia, cần thực hiện các nội dung sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật. Các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tăng cường rà soát, hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ quan truyền thông, báo chí, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, vừa phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý…

Hai là, tính chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực truyền thông, công chức lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như: tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền; được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và quản lý nhà nước. Mặt khác, đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý phải tự giác thực hiện bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, với Đảng và với Nhân dân, đảm bảo tính minh bạch trong thực thi công vụ.

Ba là, công chức lãnh đạo, quản lý cần chủ động đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành với cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.

Bốn là, công chức lãnh đạo, quản lý cần chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quy định để huy động được đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học và Nhân dân tham gia vào hoạch định chính sách và hoạt động quản trị nhà nước trên cơ sở lấy người dân là trung tâm theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Năm là, công chức lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên tự học tập để nâng cao năng lực truyền thông chính sách; phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả, tiếp nhận và vận dụng thành quả khoa học, công nghệ của nhân loại vào công tác chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Sáu là, cần quan tâm đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương tiện truyền thông mới. Công chức lãnh đạo, quản lý phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ công tác truyền thông chính sách; xây dựng công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả truyền thông chính sách của cơ quan./.

------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Thanh Thủy, Vai trò và các yêu cầu đối với truyền thông chính sách, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/01/05/vai-tro-va-cac-yeu-cau-doi-voi-truyen-thong-chinh-sach/, cập nhật ngày 05/01/2021.

2. Nguyễn Quang Vinh, Báo chí với công tác tuyên truyền, quảng bá về văn hóa Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 1/2022.

3. Vũ Phương Nhi, Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, https://baochinhphu.vn/day-manh-truyen-thong-chinh-sach-tren-cac-phuong-thuc-truyen-thong-moi-102221222164245804.htm

4. Lưu Hoài Nga, Năng lực truyền thông chính sách trong quản trị nhà nước, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 4 (339)/2024, trang 55-60.

5. Nguyễn Thị Ngọc Hoa (2022), Vai trò của truyền thông chính sách trong bối cảnh mới, https://kinhtevadubao.vn/vai-tro-cua-truyen-thong-chinh-sach-trong-boi-canh-moi-23042.html.

Lưu Hoài Nga, Tạp chí Tổ chức nhà nước

...
  • Tags: