Trên cơ sở đó, để góp phần lan tỏa tính tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực khôn lường của không gian mạng đối với sự phát triển bền vững của xã hội.
YÊU CẦU SỬ DỤNG KHÔNG GIAN MẠNG THÔNG THÁI VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thẳng thắn nhìn nhận: Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Do đó, cần phải: Tăng cường quản lý, phát triển các loại hình thông tin, truyền thông trên internet. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục(1). Cũng như: không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,…chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ(2).
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu như vừa nêu, một trong những giải pháp là cần phải nâng cao ý thức, năng lực và phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình tham gia không gian mạng. Bởi đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là nhóm xã hội có trình độ học vấn khá cao, được thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, làm việc trong môi trường có tính kỷ luật cao và trách nhiệm xã hội… Do đó, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên là phải trở thành lực lượng tiên phong, gương mẫu, sử dụng không gian mạng có trách nhiệm, hiệu quả nhất. Chính vị thế xã hội đặc biệt đã đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn có ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; các nội quy của cơ quan, quy tắc ứng xử của tổ chức và đơn vị… khi tham gia không gian mạng. Không những thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng tiếp nhận, phân tích, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, quốc gia, dân tộc trên không gian mạng.
Một trong những yêu cầu đặt đối với mỗi cán bộ, đảng viên là phải trở thành “người thông thái” khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng xã hội. Với việc tự đặt ra và trả lời hàng loạt câu hỏi trước khi, tiếp nhận, bình luận, chia sẻ các thông tin như: thông tin này đến từ đâu, ai có thể là người đã tán phát thông tin, thông tin này có dụng ý gì, thông tin đó có thể gây hại cho ai, ai có thể được hưởng lợi từ thông tin này… Khi trả lời được một cách rõ ràng các câu hỏi này sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên có khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin phù hợp và thông thái trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện được trách nhiệm xã hội khi tham gia không gian mạng. Đó là, phải xác định tính chính danh, độ uy tín, tin cậy của trang mạng, tài khoản mạng xã hội và nội dung được đăng tải trước khi thực hiện việc chia sẻ, phát ngôn, trích dẫn, bình luận… Tham gia không gian mạng có trách nhiệm chính là cách để thể hiện yếu tố văn hóa, văn minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của một cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Tinh thần trách nhiệm của người đảng viên luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên… thể hiện đúng vị trí, vai trò của mình, dù ở bất cứ môi trường hay bối cảnh xã hội nào. Khi đưa một status tiêu cực lên không gian mạng, thì người cán bộ, đảng viên không thể bao biện rằng mình đang đóng vai trò một quần chúng; trong khi không có quy định nào cho phép một cán bộ, đảng viên “tạm thời làm quần chúng” vì bất kỳ lý do gì, trừ khi họ bị một hình thức kỷ luật dẫn đến không còn là cán bộ, đảng viên nữa.
Mỗi cán bộ, đảng viên tham gia không gian mạng “thông thái” và có trách nhiệm xã hội chính là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, khẳng định cán bộ, đảng viên… đã thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định của tổ chức mà mình là thành viên. Đặc biệt, đối với các vấn đề mang tính lập trường, nền tảng tư tưởng, lý luận…, thì mỗi cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các quy định, các nguyên tắc, yêu cầu về tính đảng. Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các biểu hiện tiêu cực khác.
Sử dụng không gian mạng “thông thái” và có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên chính là góp phần thiết thực bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Bởi hiện nay, các phần tử xấu đang tận dụng không gian mạng để chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, nếu tất cả cán bộ, đảng viên sử dụng không gian mạng không tin theo, không phát tán, không tùy tiện chia sẻ và thực hiện việc đấu tranh, phản bác trong điều kiện của mình thì nhất định các thông tin xấu, độc không còn môi trường để tồn tại. Mặt khác, khi mỗi cán bộ, đảng viên chủ động lan tỏa các thông tin thật và sự kiện tích cực…sẽ góp phần định hướng tư tưởng, tình cảm, nhận thức và hành động của nhiều người khác. Đồng thời, “làm loãng” các thông tin, sự việc tiêu cực đi, qua đó, thúc đẩy không gian mạng trong lành tích cực hơn.
Sử dụng không gian mạng “thông thái” và có trách nhiệm còn là cơ sở để các cơ quan, tổ chức đảng giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử, của cán bộ, đảng viên không chỉ thể hiện qua việc tham gia không gian mạng còn trong sinh hoạt, nhận thức, lối sống… của họ trong đời thực. Bởi một status dù ngắn, một bức ảnh dù nhỏ, một thông tin dù sơ sài… cũng ít nhiều bộc lộ tâm tư, tình cảm, tính cách, trạng thái tâm lý của con người đó. Ví dụ, một cán bộ, đảng viên đưa một status mang hàm ý “giễu cợt, hậm hực, nói bóng gió” về một vấn đề gì đó mà bản thân không hài lòng ở cơ quan, cá nhân đồng nghiệp thì ít nhiều nó phản ánh chính bản thân con người đó trong đời sống thật của họ; và có thể sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của cá nhân và tổ chức có liên quan, có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng…
MỘT SỐ HẠN CHẾ, BẤT CẬP
Thời gian qua, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của mạng internet, nhiều cán bộ, đảng viên đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội… để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện sinh động của việc phát huy quyền tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở Việt Nam. Cùng với những nhóm xã hội khác, các cán bộ, đảng viên đã bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ có trách nhiệm của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp có tính khả thi nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, của đất nước, cũng như của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không gian mạng thường có xu hướng “không đóng vai trò tích cực” như sự kỳ vọng của xã hội. Không gian mạng xã hội “như con dao hai lưỡi”, lằn ranh giới tác động tích cực và tiêu cực rất “mong manh”; nguy cơ về sự “tha hóa con người” từ không gian mạng xã hội ngày càng hiện hữu. Vấn đề này đang thực sự ngày càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh phần lớn công chúng chưa được trang bị kỹ năng và thẩm thấu trách nhiệm xã hội khi tham gia không gian mạng xã hội. Trong khi đó, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về không gian mạng còn nhiều bất cập. Do đó, không ít cá nhân, nhóm xã hội có ý đồ xấu và các thế lực thù địch đang có xu hướng “tối đa hóa lợi dụng không gian mạng xã hội” để hiện thực mưu đồ đen tối. Như chúng ta đã biết trong thời gian qua, đã có một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Đây thực, sự là những lời cảnh báo, những bài học cảnh tỉnh cho những ai có nhận thức lệch lạc, sai lầm khi dùng mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết không đúng quy định của pháp luật, vi phạm kỷ luật của đảng.
Có một số cán bộ, đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, nhất là liên quan đến cán bộ đảng viên lãnh đạo, quản lý; các cơ quan thuộc hệ thống chính trị các cấp. Bởi vì không ít cán bộ, đảng viên tham gia không gian mạng nhưng chưa được trang bị ý thức trách nhiệm, những kỹ năng cần thiết để có thể tự hiểu biết, nhận thức, tự xác định thông tin nào là đúng, thông tin nào là bịa đặt, xuyên tạc. Trên thực tế, thông tin trên không gian mạng như “chợ trời, thượng vàng hạ cám”. Rõ ràng, nếu cán bộ đảng viên không nắm rõ đúng sai, hay dở mà đã vội vàng dẫn lại, phát tán… thì đó là thái độ sai lệch, thiếu trách nhiệm xã hội và vi phạm các quy định hiện hành của cán bộ, đảng viên.
Có cán bộ, đảng viên nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nhưng đã cắt xén ý kiến, bài viết của người khác, nhất là của các đồng chí lãnh đạo, rồi công kích, phản bác, thậm chí “thách thức” vị lãnh đạo đó có ý kiến phản hồi. Thoạt nhìn, điều này tưởng như là một thái độ và hành động dũng cảm, tích cực của cán bộ, đảng viên đó, thể hiện sự thẳng thắn và hiểu biết khi mạnh dạn phản biện ý kiến của lãnh đạo, nhưng thực chất trong nhiều trường hợp, các ý kiến này chỉ là những luận điểm vụn vặt, mang nặng “chủ nghĩa dân túy”; thiếu cả kiến thức lẫn tư duy lý luận chính trị và trách nhiệm chính trị ở chiều sâu. Do đó, những cán bộ, đảng viên này hoặc là “thích chơi nổi”, làm những việc cho những người thiếu hiểu biết thấy là mình giỏi giang, dũng cảm, để rồi được tung hô, người hùng trên mạng xã hội; hoặc là kiểu người “điếc không sợ súng”, nói lấy được, bất kể đúng sai…
Có cán bộ, đảng viên vì thiếu thông tin, hoặc cố tình cắt xén thông tin, đã chộp được một số thông tin, ý kiến nào đó rồi suy diễn một cách phi lý hoặc có dụng ý xấu. Từ đó, thực hiện việc công kích đến tổ chức, cá nhân một cách vô tội vạ, vô nguyên tắc và kỷ luật. Có trường hợp, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện những công việc nào đó theo yêu cầu, một đảng viên đọc được, không hiểu vấn đề và hay suy luận, cứ cho là đang nhắm đến mình (kiểu vĩ cuồng rằng bản thân là một thực thể rất quan trọng nên được nhiều người để ý đến, cả hướng tích cực lẫn tiêu cực!) rồi lên trên trang của mình bình luận, chửi đổng…
Có cán bộ, đảng viên thể hiện sự vô trách nhiệm khi đăng những thông tin chưa được kiểm chứng rồi để người khác vào bình luận những ý kiến sai trái, suy diễn, mang thái độ hằn học, xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Thậm chí, có trường hợp cán bộ, đảng viên cố tình đăng ý kiến úp mở để “dẫn dụ” người xem bình luận những lời mà có lẽ chính người đăng muốn nói, để nhắm vào những cá nhân nào đó. Đây là kiểu “mượn gió bẻ măng” của không ít người, khi bản thân không tiện nói điều mà ai cũng thấy là không có căn cứ, nhưng lại “khéo khêu gợi” người khác nói thay, để nếu có ai thắc mắc thì “phủi tay” là do “người khác nói chứ không phải tôi!”.
Có cán bộ, đảng viên đặt câu hỏi: “Tôi đăng tải trên trang cá nhân của tôi những điều pháp luật không cấm, sao lại nói tôi vi phạm?”. Có thể, trong nhiều trường hợp chưa có dấu hiệu cụ thể của vi phạm pháp luật và pháp luật cũng không có quy định cấm nhưng trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải chấp hành nghiêm kỷ luật của cơ quan, của tổ chức, trong đó có tổ chức đảng, không phải chỉ làm những điều pháp luật không cấm mà buộc phải làm những điều pháp luật cho phép và không trái với các quy định của tổ chức mà mình là thành viên. Như trường hợp đưa văn bản nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội rõ ràng là vi phạm nội quy cơ quan, hay đưa thông tin có tính chất suy diễn về các cán bộ, đảng viên khác khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì không thể nói là không có vi phạm về tư cách đảng viên…
Cán bộ, đảng viên không được “làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”. Điều này rất rõ ràng, khi đăng tải, dẫn lại, chia sẻ các thông tin mập mờ, có thể không vi phạm rõ ràng vào một điều khoản nào của các luật, nhưng từ đó, làm người đọc có cái nhận sai lệch về bản chất của sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, nếu cán bộ, đảng viên nào đó chỉ đăng các vụ tiêu cực trong xã hội từ báo chí, dù không có lời bình luận nào, thì người đọc cũng hiểu rằng người đăng đã có một dụng ý nhất định, nhằm phê phán sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trong khi trên thực tế, các việc tốt và chưa tốt đan xen nhau chứ không phải chỉ có việc xấu.…
Cán bộ, đảng viên không được “cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước, những việc chưa được phép công bố ra ngoài phạm vi (nội dung, đối tượng) cho phép”. Một trong những loại thông tin đó là “bí mật của Đảng, Nhà nước bao gồm: thông tin, tài liệu được quy định là thông tin, tài liệu mật, có đóng dấu “MẬT”, “TỐI MẬT”, “TUYỆT MẬT” hoặc quy định chỉ lưu hành nội bộ (kể cả bản sao chép, sao chụp hoặc trích các loại thông tin, tài liệu đó). Danh mục bí mật của Đảng và Nhà nước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành. Trong phần lớn các trường hợp, các loại tài liệu mật ít khi được công bố do việc bảo quản khá nghiêm túc, nhiều tài liệu nội bộ cơ quan, tổ chức lại được tung ra với dụng ý trục lợi, sai trái, tiêu cực. Có tài liệu thuộc về sinh hoạt trong tổ chức đảng, có tài liệu liên quan đến lý lịch cán bộ, đảng viên, có tài liệu trao đổi công tác trong nội bộ cơ quan, tổ chức… nhưng vẫn có một số cán bộ, đảng viên vô tình hoặc cố ý đưa ra công khai trên không gian mạng cho nhiều người biết.
Cán bộ, đảng viên không được “Viết bài, cho đăng tải tin, ảnh, bài không đúng như xảy ra trong thực tế”. Tức là bịa đặt, tin đồn, tin giả hoặc dẫn lại từ thông tin không có thật hoặc nêu các thông tin không được kiểm chứng, hoặc thông tin đã bị cắt cúp làm cho sai lệch bản chất vốn có. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc đưa các thông tin này cũng không nên, kể cả có dụng ý tốt, bởi nó sẽ làm người đọc hiểu sai vấn đề, nhận thức lệch lạc so với thực tế, từ đó, có thể có hành động không phù hợp. Nếu có dụng ý sai trái, thì các thông tin không đúng đó sẽ dẫn dắt người khác đi đến hành động sai lầm, gây ra hậu quả tai hại…
ĐÒI HỎI QUAN TRỌNG CÓ TÍNH BẮT BUỘC ĐỐI VỚI MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Tất cả những trường hợp cán bộ, đảng viên đăng tải thông tin, hình ảnh có biểu hiện không lành mạnh có thể không cần phải bị ai đó khởi kiện vì vi phạm pháp luật, nhưng nếu tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhận thấy chưa phù hợp với tư cách của người đảng viên, cán bộ công chức… thì có thể nhắc nhở, uốn nắn. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, người lãnh đạo của cá nhân đó trong việc nhìn nhận, theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Chẳng hạn, khi có những bài viết hay chia sẻ đầu tiên chưa lành mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Nếu vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì cần đưa ra các sinh hoạt tập thể, như họp cơ quan, họp chi bộ… để uốn nắn. Trường hợp cần thiết, dùng tập thể để tác động, phê bình, vạch ra cái sai mà sửa chữa, khắc phục. Nếu vẫn không sửa chữa, phải cần đến nội quy của cơ quan, kỷ luật của tổ chức để xử lý. Trường hợp nghiêm trọng (như có thư tố cáo hoặc gây ra hậu quả lớn) thì phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Với một số đảng viên như đã nêu ở trên, sau nhiều lần giáo dục không thành công, biện pháp cuối cùng là phải đưa ra khỏi tổ chức, bởi sự suy thoái đã đến mức nghiêm trọng. Việc sử dụng không gian mạng thông thái, có trách nhiệm là một đòi hỏi quan trọng và có tính bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng sự “thông thái và có trách nhiệm” vẫn là một yêu cầu còn chưa cụ thể. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị có thể đề ra một bộ quy chuẩn để cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị của mình lấy làm căn cứ để thực hiện, đồng thời là cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện của cán bộ, đảng viên.
Để góp phần lan tỏa tính tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực khôn lường của không gian mạng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần lưu ý một số nội dung như sau:
Một là, có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh… khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn.
Hai là, sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân của mình để chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho xã hội và đất nước.
Ba là, đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét có văn hóa, có trách nhiệm và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm. Nhất là với các vụ việc đang “nóng”, cần tránh tạo tâm lý kích động hoặc dẫn dắt dư luận một cách sai lệch; khi cần có ý kiến thì phải hợp lý, thể hiện bằng văn phong đúng mực, tránh để bị quy chụp, xuyên tạc về thái độ, tư cách của người cán bộ, đảng viên nói chung.
Bốn là, tuyên truyền, động viên để nhiều người khác, nhất là với người thân, những người xung quanh mình, hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội.
Năm là, trên trang mạng internet và địa chỉ mạng xã hội của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau…
Sáu là, tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước…; làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng.
Bảy là, chủ động phản ánh với các cơ quan có chức năng hoặc với cấp ủy khi phát hiện, đồng thời tích cực đấu tranh phản bác những trang, những thông tin sai trái, xuyên tạc, tiêu cực… Hình thức dễ thực hiện và có ý nghĩa thiết thực là nên trao đổi, chia sẻ về các thông tin sai trái, xấu độc trong các cuộc sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là sinh hoạt chi bộ.
Tám là, luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin…trên mạng internet và mạng xã hội; không đưa những thông tin, hình ảnh, tư liệu nội bộ cơ quan, đơn vị; không đưa thông tin một cách lập lờ để dẫn dắt dư luận nhằm mục đích công kích cá nhân hoặc tổ chức với dụng ý không tốt.
Chín là, đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, bên cạnh việc thực hiện các yêu cầu chung về việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội, còn quan tâm việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội của cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mình phụ trách để kịp thời góp ý, nhắc nhở, chấn chỉnh các biểu hiện chưa lành mạnh; đồng thời tích cực lắng nghe các ý kiến phản hồi về bản thân, về cơ quan, đơn vị, về cán bộ, nhân viên ở cơ quan của mình… để có biện pháp ứng xử phù hợp…
Mười là, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng 2018, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội 2021 phù hợp và kịp thời cho các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó và trước hết là đội ngũ cán bộ đảng viên. Trên cơ sở đó nhằm giúp mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến tham gia không gian mạng chính là phải giữ nghiêm kỷ luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng không gian mạng sao cho tích cực không chỉ bản thân mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội. Tức là, bên cạnh sử dụng không gian mạng đúng quy định của pháp luật còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, tính Đảng. Đây phải là điều được quán triệt thường trực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
TS. Đỗ Văn Quân
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
__
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 146.
(2) Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI ngày 25/12/2013 về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet”.