Nền văn hóa mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta hết sức coi trọng vấn đề văn hóa. Ngay từ năm 1943, Đảng đã có bản Đề cương văn hóa Việt Nam, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng về nền văn hóa.

Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta khẳng định: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, “làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”1 là sự tiếp nối tư duy chiến lược đó.

Ảnh minh họa - TL

Văn hóa là sự tổng hợp các hoạt động nhằm phát huy mọi năng lực con người, tạo ra những giá trị cao đẹp, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội và sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Văn hóa có mặt trong mọi hoạt động của con người, cả trong sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần; cả trong lao động sáng tạo và trong đấu tranh chống lại thiên tai, địch họa vì sự sống còn của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”2.

Một dân tộc sáng tạo ra văn hóa của mình và đến lượt nó, văn hóa chứa đựng trong nó sức sống, bản lĩnh, tiềm năng, sức sáng tạo và bản sắc của dân tộc đó. Thông qua văn hóa, từ thế hệ này đến thế hệ khác, mỗi dân tộc tự tạo cho mình những chuẩn mực sống, lao động, đấu tranh, gắn bó với nhau trong quan hệ cộng đồng. Những chuẩn mực đó được truyền bá, chắt lọc, lưu giữ, bổ sung và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử, trở thành hệ thống các giá trị đặc trưng cho dân tộc, tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội.

Nền văn hóa chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nói đến tính tiên tiến của nền văn hóa là nói đến tinh thần yêu nước và tiến bộ, tính nhân văn cách mạng, tinh thần dân chủ và hiện đại của nền văn hóa. Nền văn hóa mới của chúng ta hàm chứa trong nó hai yếu tố cơ bản nhất là: chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền văn hóa đó luôn hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nó không chỉ góp phần giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bất công, mà còn thôi thúc mọi người phấn đấu đi tới cuộc sống đầy đủ về vật chất, dồi dào về tinh thần, ngày càng vươn tới trình độ dân trí, khoa học, công nghệ cao của thế giới; có phẩm chất, đạo đức, lối sống ngày càng hoàn thiện, phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại.

Bản sắc dân tộc của nền văn hóa mới Việt Nam chính là tính đặc thù của những giá trị truyền thống, bản lĩnh, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam được thể hiện, lưu giữ trong văn hóa, định hướng cho văn hóa phát triển. Bản sắc văn hóa Việt Nam đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường, tinh thần cố kết, ý thức cộng đồng dân tộc. Bản sắc đó còn thể hiện ở lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, giản dị, sự tinh tế trong ứng xử... của con người Việt Nam. Bản sắc văn hóa chi phối toàn bộ đời sống dân tộc; nó được biểu hiện rõ rệt nhất trước những thách thức đối với vận mệnh của quốc gia, nó giúp cho dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những âm mưu đồng hóa của kẻ thù, tồn tại và phát triển cùng thời đại.

Đời sống của bất cứ xã hội nào cũng luôn có hai mặt là vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của đời sống xã hội, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội đó. Là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc biểu hiện sức mạnh tiềm tàng của lịch sử và những nét nổi trội trong thời kỳ mới của đất nước; biểu hiện sức sống, trí tuệ, đạo đức, tâm hồn của con người, của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử và trong xu hướng phát triển tiến lên theo thời đại.

Đảng ta khẳng định, văn hóa là mục tiêu của kinh tế-xã hội, đồng thời cũng là nội lực trong xây dựng kinh tế-xã hội của đất nước. Truyền thống văn hóa, sức mạnh văn hóa biểu hiện trong nguồn nhân lực, trong trình độ tổ chức lao động sản xuất và quản lý kinh tế, xã hội; thể hiện trong kinh doanh, trong quan hệ giữa các doanh nghiệp và là động lực bên trong của các quá trình kinh tế. Một nền kinh tế chỉ phát triển ổn định, bền vững khi nó gắn chặt với những giá trị văn hóa, làm giàu  thêm các giá trị văn hóa và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.

Văn hóa có khả năng to lớn trong khơi dậy, nhân lên tiềm năng, sức sáng tạo của con người, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển đời sống xã hội. Tiềm năng, sức sáng tạo của con người không nằm ở đâu khác, mà ở ngay trong văn hóa và do chính văn hóa tạo nên trong trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, tài năng, kỹ năng của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Nếu sản xuất vật chất tạo ra ngày càng nhiều của cải cho xã hội, để trên đó đời sống tinh thần ngày càng phong phú, thì sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị trong nhân cách con người, để từ đó họ không ngừng lao động sáng tạo, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Với ý nghĩa đó, văn hóa luôn có mặt và là một trong những tiêu chuẩn của mọi vật phẩm của xã hội...

Trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, rõ ràng vai trò của khoa học, công nghệ, thương nghiệp rất được coi trọng. Tuy nhiên nếu không có nhận thức đầy đủ về văn hóa, thì dễ dẫn đến tình trạng sùng bái kỹ thuật, coi buôn bán là cách làm giàu nhanh nhất; các giá trị đạo đức, truyền thống sẽ bị bỏ qua, chữ tín bị xem nhẹ... Trong xã hội lúc đó sẽ xuất hiện kiểu kinh doanh bất chấp đạo lý; vì lợi ích kinh tế, người ta sẵn sàng phá bỏ các di tích lịch sử, cảnh quan văn hóa; vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng chà đạp lên mọi phẩm giá của con người... Như vậy, để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, không thể không chú ý đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phải luôn bảo đảm sự phù hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với  phát triển văn hóa, giữa phát triển vật chất và phát triển tinh thần, giữa truyền thống và hiện đại.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã trải qua những bước thăng trầm, có những thời điểm sự sống còn bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng chúng ta đã vượt qua và tiếp tục phát triển, nhờ dân tộc ta luôn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Ngày nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình đó vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển toàn diện, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Trên thực tế, các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; trong đó, mũi tiến công trên mặt trận văn hóa là vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới càng nặng nề và phức tạp hơn; việc phát huy vai trò của văn hóa trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc càng phải được coi trọng đúng mức. Đảng ta nhấn mạnh: nền văn hóa mới mà chúng ta xây dựng phải góp phần vào việc phát triển chủ nghĩa yêu nước, tăng cường ý thức độc lập, tự chủ, tự cường góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Nền văn hóa đó có nội dung quan trọng là đề cao truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; vừa thể hiện được tinh thần thượng võ của cha ông, vừa thể hiện sáng ngời ý chí “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo” của dân tộc. Nền văn hóa mới luôn chứa đựng lòng yêu nước, thương người, ý chí kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo, tình yêu đối với Tổ quốc, nhân dân; đoàn kết, gắn bó cộng đồng, không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng.

Phải thừa nhận một thực tế rằng, những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn mà chúng ta giành được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh... thì đời sống văn hóa có nhiều mặt xuống cấp, bộc lộ nhiều biểu hiện sa sút, suy thoái. Điều đó có nguyên nhân từ sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa...Song, có một nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa lường hết được những tác động tiêu cực do sự biến đổi kinh tế - xã hội và việc mở cửa giao lưu văn hóa quốc tế; và nhất là chưa thấy hết tầm quan trọng của chiến lược phát triển văn hóa phải gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế, chưa xử lý tốt các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội...

Một trong những trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá ta trên lĩnh vực văn hóa là lối sống, nhất là đối với thế hệ trẻ. Chúng tập trung tuyên truyền cho chủ nghĩa tư bản, cho lối sống thực dụng, thói quen hưởng thụ vật chất; tìm mọi cách làm cho giới trẻ xa rời truyền thống, mơ hồ về trách nhiệm, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Chúng đặc biệt coi trọng việc đánh vào trái tim, khối óc, tâm hồn người Việt Nam, nhằm làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao đối với quá trình phát triển văn hóa: là phải xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc cho mọi công dân, dù họ hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hay quốc phòng, an ninh... Làm tốt điều đó, văn hóa đã góp phần vào việc tạo ra tiềm lực to lớn (có ý nghĩa ở bình diện quốc gia), đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa trên đây, văn hóa phải được đặt trong sự tương tác hữu cơ với các lĩnh vực khác của toàn xã hội. Văn hóa có quyền đòi hỏi một cách chính đáng rằng: các hoạt động kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo... của đất nước phải thấm nhuần sâu sắc các giá trị văn hóa, có sự phối hợp chặt chẽ và phải góp phần truyền tải các giá trị văn hóa nói chung, nhất là các giá trị văn hóa quân sự nói riêng. Như vậy, văn hóa mà trực tiếp là văn học nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ đổi mới, không được phép sao nhãng với những đề tài bảo vệ Tổ quốc. Trái lại, nó phải được quan tâm đầy đủ hơn, được đầu tư công phu hơn cho tương xứng với vị trí, vai trò của nó. Ngày nay, tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng các giá trị văn hóa của các cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta - cuộc chiến tranh dùng sức mạnh của Chân, Thiện, Mỹ chống lại cái ác, cái giả dối - vẫn có tính thời sự. Nó xứng đáng có một vị trí to lớn trong nền văn học nghệ thuật nước nhà đương đại... và không chỉ trong văn học nghệ thuật, mà các lĩnh vực khác, như kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ cũng phải hướng tới những giá trị văn hóa; cùng với việc tôn vinh các tấm gương tiêu biểu trong xây dựng kinh tế, hình tượng người chiến sĩ trên tuyến đầu của Tổ quốc luôn xứng đáng được ngợi ca.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời phải chống lại sự xâm thực của những loại hình văn hóa độc hại. Văn hóa mới, với thế mạnh của mình, phải đi đầu trong giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống lại các luận điệu thù địch, sai trái; giáo dục ý thức tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của mọi công dân.

Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung xây dựng. Đặc điểm quan trọng nhất trong xây dựng nền văn hóa mới là chúng ta vừa xây dựng nó vừa sử dụng những thành quả mà nó tạo ra để phát triển. Phát triển văn hóa mới là làm đậm đà thêm và thăng hoa linh hồn của dân tộc. Bởi vậy, nó đòi hỏi phải triển khai một cách đồng bộ, để mỗi người con đất Việt luôn biết ngẩng cao đầu trước mọi biến cố của lịch sử, biết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bảo vệ vững chắc sự nghiệp vẻ vang của dân tộc./.

TS Nguyễn Viết Hiển 

-------

1 - ĐCSVN: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng (tài liệu lưu hành nội bộ), tr. 10.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2009, Tập 3, tr. 431

...
  • Tags: