Nêu cao hơn nữa tinh thần thượng tôn Pháp luật

Trong công cuộc đổi mới đất nước, việc đề cao vai trò, tính tối thượng của Hiến pháp, Pháp luật là một yêu cầu tất yếu khách quan. Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII đều khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật vẫn luôn là một yêu cầu bức thiết.

“Thượng tôn pháp luật” đã  trở thành câu nói cửa miệng khá phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về tinh thần thượng tôn pháp luật, cũng như chưa có đủ hiểu biết, đủ tâm thế và tính tự giác để thực hiện pháp luật một cách đầy đủ.  Tinh thần thượng tôn pháp luật là hành lang để mọi cá nhân, tổ chức dựa vào đó mà hành động nhằm bảo đảm tính đúng đắn, tự phát hiện những lệch chuẩn của mình và những người xung quanh để điều chỉnh. Đây là điều rất cần đạt được.

Trước hết, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được thực thi nghiêm túc ngay trong bộ máy nhà nước, nhằm xây dựng được một bộ máy nhà nước lành mạnh, trong đó các quyết sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân nào, dù đó là người lãnh đạo. Đồng thời phải có cơ chế kiểm soát nội bộ một cách hiệu quả, cộng với nhận thức cao của các cá nhân, để ngăn chặn được các hành vi vi phạm ngay từ bên trong. Trong bộ máy ấy, không ai được tự cho mình đứng trên, hay đứng ngoài pháp luật. Mặt khác, khi mà “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, mọi người dân đều biết luật và tôn trọng pháp luật thì sẽ tránh được những hành vi sai trái, người dân sẽ có thể giám sát hoạt động của cơ quan chính quyền, giám sát xã hội, giúp các cơ quan chức năng làm tốt hơn vai trò quản lý của mình…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật ((06/11/2022)

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc đầu tư xây dựng và phổ biến pháp luật trong những năm qua chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn đặt ra cho công tác này. Không ít vụ buôn lậu ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới, rồi tình trạng tảo hôn, hay các vi phạm quy định giao thông... đã xảy ra do thiếu hiểu biết về pháp luật; Thậm chí, vi phạm pháp luật còn xảy ra ngay cả với cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ. Sự yếu kém của bộ máy nhà nước sẽ là mảnh đất tốt cho tiêu cực phát sinh, phát triển và dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể thấy điều đó qua nhiều vụ án lớn xảy ra thời gian qua. Điều đáng buồn nữa là trong hầu hết các vụ án đó, ý muốn của người đứng đầu đã bao trùm lên cả tập thể, lấn át tập thể, dẫn dắt cả nhiều người trong tập thể dưới quyền mình vi phạm pháp luật…

Trong bài phát biểu tại Lễ mít tinh (ngày 06/11/2022) hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận việc nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và đầu tư toàn diện cho xây dựng và phổ biến pháp luật chưa thật sự tương xứng; chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng, tác động lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, kết quả còn hạn chế; có không ít các vụ buôn lậu ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới, tình trạng tảo hôn, vi phạm quy định giao thông, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… dẫn đến những rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; chưa quan tâm đúng mức tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận người dân chưa cao; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, ngay cả trong hoạt động thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành, bảo vệ pháp luật mặc dù đã được quan tâm, nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; nguồn nhân lực còn hạn chế; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao… 

Để mỗi công dân có hiểu biết, nhận thức đầy đủ và có ý thức tuân thủ pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, thì công tác bồi dưỡng, giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trên tinh thần đó, giải pháp căn cơ vẫn là các cơ quan chức năng của Nhà nước, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cùng với đó, chú trọng và tăng cường hơn nữa việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các Luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc đưa ra các giải pháp (thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, các cuộc thi… được đầu tư tổ chức nhiều hơn, đa dạng và thiết thực hơn) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân có thể xem là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. Trong đó, truyền thông chính sách, pháp luật là một yêu cầu quan trọng. Đã có những quy định về vấn đề này, như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,  Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016… Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”. Đây là quyết định có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực hiện mục tiêu lấy người dân làm trung tâm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các quy định nêu trên còn có những hạn chế. Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Công tác PBGDPL chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, mới chỉ thực hiện phổ biến, tuyên truyền đối với các VBQPPL đã được ban hành mà chưa chú trọng truyền thông chính sách trong quá trình soạn thảo VBQPPL.

Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của VBQPPL, cũng như hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành. Một số VBQPPL mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo,  nhưng không được ban hành do chất lượng soạn thảo và sự đồng thuận xã hội còn hạn chế; có VBQPPL do chưa làm tốt việc truyền thông từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều từ cộng đồng xã hội…

Trong một Chính phủ hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, các cán bộ Nhà nước từ cấp lãnh đạo tới cấp thi hành đều lấy lợi ích công, lợi ích của Nhân dân làm lợi ích cao nhất; cơ quan Nhà nước phải nhận biết được nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các chủ trương, chính sách, các biện pháp hành động, quản lý phù hợp. Ở đây, vai trò của tinh thần “Thượng tôn pháp luật” càng cần được nêu cao. Như vậy, “Thượng tôn pháp luật” không chỉ là nội dung cốt lõi hình thành Nhà nước pháp quyền mà còn đóng vai trò là cơ sở để xây dựng thành công Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp như lời cam kết của người đứng đầu Chính phủ.

Để đất nước phát triển vững mạnh, bền vững, nhân dân có cuộc sống yên lành, hạnh phúc, tinh thần thượng tôn pháp luật phải luôn được đặt lên hàng đầu và phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị; trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi người dân. Đó thực sự là Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

      Xuân Phúc

...
  • Tags: