Nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật

Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII đều khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn vớ

Trong công cuộc Đổi mới đất nước, việc đề cao vai trò, tính tối thượng của Hiến pháp, Pháp luật là một yêu cầu tất yếu khách quan. Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII đều khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật là một đòi hỏi bức thiết.

Từ lâu, “Thượng tôn pháp luật” đã trở thành câu nói cửa miệng khá phổ biến trong xã hội. Điều đó có thể là một trong những minh chứng về sự cần thiết của việc thực thi pháp luật. Thực thi tốt thì xã hội được trật tự, an toàn và có điều kiện tốt hơn cho phát triển.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về tinh thần thượng tôn pháp luật, cũng như chưa có đủ hiểu biết và tính tự giác để thực hiện pháp luật một cách đầy đủ. Tinh thần thượng tôn pháp luật là hành lang để mọi cá nhân, tổ chức dựa vào đó mà hành động nhằm bảo đảm tính đúng đắn, tự phát hiện những lệch chuẩn của mình và những người xung quanh để điều chỉnh. Đây là điều rất cần đạt được trong một xã hội văn minh.

Thượng tôn pháp luật là không ai có quyền đứng trên luật pháp, nhưng trước hết thượng tôn pháp luật phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm trong các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật.

Sự chính trực, liêm khiết, “vừa hồng, vừa chuyên” của họ là tấm gương soi, là “điểm tựa” công lý tạo niềm tin cho công dân, còn không sẽ có tác dụng ngược lại... Có như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy nhà nước lành mạnh, trong đó các quyết sách phải được thực thi nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân nào, dù đó là người lãnh đạo. Tất nhiên, Bộ máy ấy phải có cơ chế kiểm soát nội bộ được vận hành hiệu quả, cộng với nhận thức cao của mỗi người trog bộ máy để có thể ngăn chặn được các hành vi vi phạm ngay từ bên trong. Trong bộ máy ấy, không ai được tự cho mình đứng trên, hay đứng ngoài pháp luật. Khi “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, mọi người dân đều biết luật và tôn trọng pháp luật thì sẽ tránh được những hành vi sai trái, người dân sẽ có thể giám sát hoạt động của cơ quan chính quyền, giám sát xã hội, giúp các cơ quan chức năng làm tốt hơn vai trò quản lý của mình… Ngược lại, một bộ máy mà yếu kém sẽ là mảnh đất tốt cho tiêu cực phát sinh, phát triển và dễ gây hậu quả nghiêm trọng.

Rất tiếc thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người đang công tác trong các cơ quan thực thi và bảo vệ luật pháp lại không chịu rèn mình, thiếu trách nhiệm trước quyền lợi và đòi hỏi chính đáng của người dân. Họ đã không coi trọng sự nghiêm minh của pháp luật, làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền, vào pháp luật… Các vụ án lớn được đưa ra xét xử trong thời gian qua cho thấy, ý muốn của cá nhân người đứng đầu đã bao trùm lên cả tập thể, lấn át tập thể, dẫn dắt cả tập thể tới vi phạm pháp luật. Phần lớn những người đứng đầu trong các vụ án trên đều biết mình vi phạm pháp luật, nhưng khi ra tòa họ không cho là như vậy. Và cả những người khác trong tập thể ban lãnh đạo của đơn vị đó khi bị kỷ luật Đảng, bị pháp luật xử lý cũng không phải là không biết sự về vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của mình để gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Cho nên dù họ có biện bạch, biện minh thì cũng rất khó chối bỏ trách nhiệm ! Trong bất cứ giai đoạn nào, điều kiện nào thì tinh thần thượng tôn pháp luật cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất sẽ là nền tảng giúp cỗ máy nhà nước vận hành trơn tru, từ đó mới có thể đưa đất nước phát triển. Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, đến cán bộ, đảng viên để ai cũng cũng hiểu, tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cũng như của các cấp chính quyền.

Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cùng với đó, chú trọng và tăng cường hơn nữa việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các Luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần có giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Để đất nước phát triển ngày một vững mạnh, bền vững, văn minh, hùng cường, nhân dân có cuộc sống yên lành, hạnh phúc, tinh thần thượng tôn pháp luật phải luôn được đặt lên hàng đầu và phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị; trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi người dân. Đó thực sự là Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

  • Tags: