Ngăn chặn tin đồn hại doanh nghiệp, hại nền kinh tế

Thời gian qua, dư luận không ít lần xôn xao bởi thông tin thất thiệt, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Mới đây nhất là tin đồn vô căn cứ về Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup bị cấm xuất cảnh.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: TTXVN

Là tin sai sự thật, nhưng với tốc độ lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội, 3 cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn Vingroup (VIC, VHM, VRE) đều có phiên giao dịch chao đảo, có lúc giảm hơn 5%, phần nào đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Trong sự việc này, tốc độ và cách thức phản ứng của các cơ quan chức năng trước thông tin thất thiệt là nhanh chóng, kịp thời. Ngay khi xuất hiện thông tin, Người phát ngôn của Bộ Công an đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định tin đồn về ông Phạm Nhật Vượng là không chính xác. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã điều tra và ngày 11-7, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tô Vĩ Hoàn (sinh năm 1984, trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) vì hành vi tung tin đồn nói trên. Ngoài ra, 9 người khác ở 7 tỉnh cũng bị xử lý vì hành vi tương tự. Thị trường chứng khoán có phản ứng tích cực ngay sau đó, cổ phiếu “họ Vin” từng bước “hồi sinh” về trạng thái vốn có...

Qua sự việc trên cho thấy, “đất sống” cho những thông tin thất thiệt vẫn còn lớn, nhất là trên môi trường mạng. Nghịch lý ở chỗ, tin đồn có thể làm thiệt hại tiền tỷ, nhưng người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính vài triệu đồng, như trường hợp Tô Vĩ Hoàn nêu trên là 7,5 triệu đồng. Quan trọng hơn, chỉ là một tin đồn nhưng hệ quả là thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính, xa hơn là tạo môi trường kinh doanh thiếu công bằng, tác động xấu đến cả nền kinh tế.

Để kiểm soát, ngăn chặn triệt để thông tin thất thiệt, điều trước tiên là các cơ quan chức năng cần có phản ứng nhanh chóng, đưa ra giải pháp kịp thời khi có thông tin thất thiệt trên môi trường mạng. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến việc thực hiện pháp luật, để người dân hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành, không có các hành vi tung tin thiếu kiểm chứng; nếu xảy ra vi phạm phải kịp thời, chủ động, tích cực cải chính, khắc phục.

Về lâu dài, giải pháp quan trọng là xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Trong đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu quản lý không gian mạng; thường xuyên kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, đăng tin không đúng sự thật.

Đặc biệt, với tính chất cũng như mục đích đăng thông tin thất thiệt ngày càng tinh vi hơn, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý có sức răn đe cao hơn; kiên quyết xử lý theo quy định về hành chính và hình sự đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, đưa tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh…

Một không gian mạng lành mạnh cũng rất cần ý thức, trách nhiệm của người dùng. Nói không với thông tin thất thiệt phải là một trong những yêu cầu quan trọng khi dùng mạng xã hội của mỗi người. Bên cạnh đó, người dân cần trang bị những kỹ năng sàng lọc, chỉ tiếp nhận những thông tin chính thống đã được kiểm chứng và kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn thông tin thất thiệt.

Ngăn chặn, loại bỏ thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng không chỉ làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, mà hơn thế, còn làm cho xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

PV Theo hanoimoi.com.vn
  • Tags: