Ngày của nghề và đôi điều tâm sự của người làm báo

Một dịp 21/6 nữa lại về - Ngày mà bất cứ người làm báo nào cũng luôn mong đợi và thường gọi là “Tết” của mình; là dịp những đồng nghiệp làm báo tâm sự, sẻ chia những vui buồn của nghề, cùng suy ngẫm về những chặng đường gian khó đã qua, những thách thức đang chờ phía trước, và cả niềm vinh quang vốn có của Nghề …
Ảnh minh họa 

Nghề báo, không chỉ có những hào quang, niềm vinh hạnh; mà còn bao sự nhọc nhằn trong những năm tháng làm nghề; bao trở trăn trong từng câu chữ, từng bài viết mà mình tâm huyết... Nghề ấy luôn rèn cho người làm nghề sự cẩn trọng, chỉn chu. Với một nhà báo yêu nghề thì trách nhiệm xã hội và lòng say mê nghề nghiệp luôn gắn bó với nhau suốt cả đời người làm báo. Để có lượng thông tin đủ đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, người làm báo phải lao động vất vả ngày đêm, năng động sáng tạo và cao hơn cả là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trước thông tin mà mình thu thập và đưa ra. 

Chưa hết, Nghề báo thực sự luôn đòi hỏi những nỗ lực, sự hy sinh. Bởi để có được những tác phẩm báo chí hay, chất lượng tốt, có tác động nhiều đối với xã hội và rung động lòng người, nhiều đồng nghiệp của chúng ta đã phải dấn thân vào nơi nguy hiểm, trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả bằng máu. Không những vậy, mỗi bài báo đến được với độc giả, hoàn toàn không chỉ có công sức của riêng phóng viên; mà là công sức, sự đầu tư của cả tòa soạn với nhiều bộ phận khác nhau.

Nói điều này không nên nghĩ là lý thuyết, mà là thực tế - Nghề báo và người làm báo, chỉ có thể thành công trong sự nghiệp khi ngọn lửa đam mê và trách nhiệm nghề nghiệp luôn cháy bỏng. Một nhà báo sẽ không thể sống nổi với nghề nếu không có niềm đam mê. Tình yêu nghề, nếu chỉ hiểu một cách đơn thuần, hoặc nếu chỉ dừng ở mức độ “thích”, hay chỉ làm để cho vui... thì không thể đủ nhiệt huyết vượt khó và không thể thành công được. Đó là chưa kể, khi đã làm nghề thực sự thì không chỉ đòi hỏi sự hy sinh của chính nhà báo, mà người thân của họ cũng phải biết hy sinh, cảm thông và sẻ chia với họ. Thiếu điều đó, nhà báo cũng không dễ vượt qua thách thức của chính mình để làm nghề.

Trong thực tế, không ít những nhà báo trải bao vất vả và không kể thời gian bám sát thực tiễn cuộc sống để theo đuổi nghề viết của mình, với không ít những trăn trở, lo toan… Sự khắc khe của nghề đôi lúc khiến người làm báo thấy quá nhiều áp lực. Nhưng rồi không biết từ lúc nào, sự «say nghề» đã ăn sâu vào máu thịt và những lời động viên của anh chị em đồng nghiệp, của gia đình đã giúp mỗi người quên đi tất cả, để phấn đấu cho nghề.

Khó khăn là vậy, cực khổ là vậy nhưng nhiều nhà báo vẫn cần mẫn với nghề, với đồng lương ít ỏi và chịu khó viết thật nhiều cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng họ vẫn bám nghề, vẫn đam mê viết mặc kệ cho nghịch cảnh có khó khăn như thế nào. Điều đó vừa rất đáng phải trăn trở về nghề, vừa rất đáng trân trọng người thực sự yêu nghề.

Ngày nay, làm báo dễ ít, khó nhiều. Sự cạnh tranh cũng không đơn thuần chỉ là nội dung (mặc dù đây là yếu tố hàng đầu), mà còn đầy rẫy những mánh lới, kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, đôi khi khiến người đọc khó rạch ròi đúng - sai ngay từ đầu. Bên cạnh đó, những mặt trái của mạng xã hội, như nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… tạo hiệu ứng tuyên truyền xấu gây hoang mang trong dư luận và phần nào cũng ảnh hưởng đến báo chí chính thống. Nhưng, nhìn từ một góc độ khác, mạng xã hội cũng có thể coi như mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí đến với người đọc, người xem, người nghe nhanh nhất (trong đó có báo chí chính thống). Quan trọng là cơ quan báo chí phải khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện, với cách diễn giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời. Được như vậy, người đọc ắt sẽ tìm đến và báo chí chính thống sẽ có thêm độc giả, có thêm điều kiện phát triển. Dĩ nhiên, để làm được điều này, nhà báo phải rèn luyện nghiêm túc, cả về chuyên môn nghiệp vụ, cả về tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống và sự hiểu biết của mình. Nói chính xác hơn, dù công nghệ gì đi nữa thì cái tâm và năng lực của người làm báo mới là cái căn bản nhất để người làm báo có được sự thành công.

Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, cổ vũ, đề cao những gương sáng việc hay, đấu tranh bảo vệ cái mới, cái tốt, báo chí cũng dành một “thời lượng” nhất định để thực hiện vai trò, chức năng quan trọng của mình là đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên. Với tinh thần vì nghĩa cả, cùng cái tâm trong sáng của những người cầm bút, các nhà báo đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đôi khi cả sự hiểm nguy, thâm nhập thực tế để có được những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao. Đó là tố chất đáng quý của người cầm bút. Nhưng, trong lúc này, vẫn còn nhiều tố chất đáng quý ấy, do những điều kiện khách quan nhất định, vẫn chưa được phát huy…

Để có những tác phẩm báo chí hay, cần nhiều yếu tố, nhưng quan trọng hơn cả là sự chân thật, tính khách quan trong bài viết. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn người làm báo: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, cho nên người làm báo phải luôn viết rõ sự thật: Việc đó ai làm, ở đâu? Ngày, tháng, năm nào...? Nếu chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chớ nói, chớ viết”.

Báo chí là phương tiện để phản ánh sự thật, phản ánh cuộc sống và thông qua sự thật đó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Một sự thật trong bài báo được nêu rõ bản chất, có chi tiết cụ thể, có tên người và địa chỉ rõ ràng (trừ bài viết chống tiêu cực có thể phải giữ kín tên người có đơn thư tố cáo), giúp người đọc có thể tìm đến được tận nơi để được “tai nghe, mắt thấy”, để học hỏi, để chia sẻ, chiêm nghiệm… sẽ làm nên giá trị lớn của báo chí nói chung, của bài báo đó nói riêng. Cho nên tính trung thực và sự chừng mực rất cần đối với một nhà báo. Trung thực là có thế nào nói thế ấy, không vì yêu ghét, lợi ích riêng mà viết sai sự thật, mà bẻ cong ngòi bút; Trung thực chính là Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Còn chừng mực là phải đảm bảo sự đúng đắn, có mức độ trong việc khen, chê, không lộng ngôn trong câu chữ…Đạt được 2 yếu tố đó, tác phẩm báo chí sẽ tiệm cận tới thành công. 

Độ tin cậy, tính thuyết phục, tính định hướng và giáo dục, chính là con đường sống của báo chí chính thống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thách thức của mạng xã hội. Trong quá trình xây dựng và giữ gìn những yếu tố ấy, bên cạnh cái Tâm và cái Tầm của người lãnh đạo cơ quan báo chí, mỗi phóng viên, nhà báo, bằng chính tình yêu nghề cháy bỏng của mình, sẽ góp phần quan trọng cho hành trình phát triển của cơ quan báo chí. 

ĐẶNG ĐÌNH CHẤN

...
  • Tags: