Hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam (15/3/2023) với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động nhằm đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.
LAN TỎA THÔNG ĐIỆP “VÌ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG”
Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2023 nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến.
Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền, được cung cấp thông tin, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Lễ Phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2023 thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm triển khai Quyết định số 1035/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, cũng là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023.
Trong khuôn khổ lễ phát động, các doanh nghiệp đã cùng tham gia, thể hiện tinh thần hưởng ứng kinh doanh có trách nhiệm vì quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc cùng nhau thực hiện "Bộ Quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử".
Ngay sau lễ phát động, ngày 11/3 diễn ra Giải chạy “Vì quyền lợi người tiêu dùng”, thu hút hơn 1000 người tham gia. Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công tác liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Vì vậy, việc tổ chức các sự kiện có quy mô lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều chủ thể là hoạt động cần thiết, cần thường xuyên được thực hiện nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
CẦN CHUYỂN BIẾN THỰC CHẤT, MẠNH MẼ HƠN NỮA
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Riêng trong năm 2022, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010 là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu dùng hiện nay.
Bên cạnh đó, việc triển khai Chỉ thị số 30 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được quan tâm chỉ đạo và đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.
Bộ Công Thương đã mở rộng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (1800.6838), tăng số lượng đầu mối tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử đã được kiểm soát chặt chẽ...
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương thẳng thắn cho rằng vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Giải chạy “Vì quyền lợi người tiêu dùng”.
Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết trong thời gian tới UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thờ, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân để thực thi có hiệu quả Luật bảo vệ quyền người tiêu dùng.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15 tháng 3) là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương làm đầu mối. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đều lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam để các cơ quan, tổ chức tập trung thực hiện với các hoạt động có ý nghĩa.
Các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức thống nhất, với sự tham gia của gần 60 tỉnh, thành trên cả nước vào dịp tháng 3 hàng năm.
Nguồn: Bộ Công thương