Người trí thức trong hành trình lịch sử đất nước

Mấy mươi thế kỷ song hành toả sáng cùng lịch sử dân tộc, người trí thức đã khẳng định được tâm thế của mình trong hành trình dựng xây và phát triển của đất nước. Khẳng khái, bản lĩnh và luôn luôn tôn thờ lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ; độc lập tư duy; tự do s

Mấy mươi thế kỷ song hành toả sáng cùng lịch sử dân tộc, người trí thức đã khẳng định được tâm thế của mình trong hành trình dựng xây và phát triển của đất nước. Khẳng khái, bản lĩnh và luôn luôn tôn thờ lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ; độc lập tư duy; tự do sáng tạo… Theo tháng, theo năm, mang tâm tư thế hệ, những trí thức tinh hoa ấy hội tụ dựng xây nên trí tuệ Việt Nam.

Lịch sử có thể không ai điểm hết mặt, kể hết tên, nhưng trong mạch nguồn ấm nóng của dòng chảy dân tộc, người trí thức - não trạng của dân tộc mãi là những hiền tài, những nguyên khí quốc gia, nhân tố quyết định sự hưng thịnh của nước nhà. Còn đây những sĩ phu Bắc Hà, còn đây những trí thức Nho gia một thời rường cột của quốc gia dân tộc, còn đây hình ảnh người trí thức cộng sản, người chí sĩ yêu nước và bây giờ là hình ảnh người trí thức của thế kỷ XX, XXI hiện đại… Có thể một quốc gia vẫn phát triển mạnh mẽ khi không có tài nguyên thiên nhiên nhưng quốc gia ấy sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tài nguyên chất xám. Trí thức thời nào cũng vậy - sự kết tinh tinh hoa dân tộc, nguồn chất xám lĩnh hội tri thức dân tộc và thế giới.

Ảnh minh họa (Internet)

Lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới đã minh chứng, số phận của một đất nước hay một nền khoa học, một hành trình văn hoá luôn có mặt và sự đóng góp quan trọng của giới trí thức. Và ở Việt Nam, đi qua hàng ngàn năm lịch sử, trong sự tồn vong - hưng thịnh thì tuỳ vào thời cuộc, sự nhập thế, dấn thân của trí thức mỗi lúc một khác. Âu đấy cũng là cách nhìn, là ý thức hệ tư tưởng đại diện một thời đại nhất định. 

Trí thức - Tinh hoa dân tộc! Trong bao định nghĩa, trong bao cách gọi khác nhau, có thể mỗi thời, mỗi gian đoạn một cách nhìn nhận, một cách soi chiếu nhưng người trí thức luôn là người mang tâm thế thời cuộc, mang cái nhìn thời đại sâu sắc nhất. Trí thức không phải là một danh phận. Hai chữ trí thức hàm chứa tinh thần triết lý sâu - cao - rộng. Họ là sĩ phu - thời phong kiến và là trí thức - thời hiện đại. Đi theo dọc hành trình phát triển, tuỳ thuộc vào từng điều kiện lịch sử tạo dựng hình tượng người trí thức. Một thời ta có thế hệ “trí thức cổ điển”, một thời ta có thế hệ “trí thức của hai Thế giới”, một thời của thế hệ “trí thức Âu hóa”… 

Trong lịch sử Việt Nam cho đến tận đầu thế kỷ XX, mẫu hình trí thức tồn tại lâu dài nhất, có tác động lớn nhất đến đời sống tinh thần xã hội là nhà Nho. Và rồi giữa những biến thiên của thời cuộc, lịch sử lại có dịp tạo dựng chân dung một thế hệ tinh hoa - trưởng thành trong thời điểm giao thời. Người trí thức vừa ra sức chắt lọc và lưu giữ những tinh hoa của nền cựu học huy hoàng tồn tại hàng nghìn năm trong đời sống tinh thần dân tộc, vừa hồ hởi mở lòng đón nhận ngọn gió văn minh từ phương Tây du nhập. Kết quả của cuộc giao thoa Đông - Tây, tân - cựu, cùng với lòng yêu nước nồng nàn và sâu sắc, đã tạo ra những con người đáng trân trọng về cả tầm vóc trí tuệ, tư tưởng, lẫn sức mạnh khí phách, tâm hồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh và học trò của Người (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… cùng nhiều những người học trò xuất sắc khác) tiêu biểu cho một thế hệ “vàng” những con người ưu tú sáng ngời tinh thần người trí thức dân tộc, mang bản lĩnh trí thức thời đại… Những người trí thức ấy không chỉ đại diện cho một thế hệ mà còn đại diện cho ý thức dân tộc, thắp lên ngọn lửa duy tân - khai sáng, góp phần soi đường cho cả dân tộc trong hành trình đấu tranh gian khổ mà vĩ đại...

Sự đóng góp của trí thức vào sứ mạng chung của dân tộc thực sự không nhỏ, như nhà sử học Trần Huy Liệu đã từng khẳng khái: “Không có những cuộc khởi nghĩa của các nhà văn thân thì cũng không thể có được Tổng khởi nghĩa tháng Tám; không có những người dân cày tham gia cách mạng từ cuối thế kỷ XIX, những thanh niên tiểu tư sản và tư sản, sau cuộc thế giới đại chiến thứ nhất (mà một bộ phận họ lúc này được coi là “trí thức”) thì giai cấp vô sản cũng chưa làm được sứ mạng lịch sử ngày nay”. Ở vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi - một chí sĩ yêu nước khi nói về điều này cũng đã nhấn mạnh “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có”. Người Anh hùng dân tộc ấy đã không chỉ đúng vào thời đại của ông, mà đúng với mọi thời đại. Những tên tuổi trí thức tiêu biểu đã từng đi dọc hành trình lịch sử dân tộc là minh chứng, là bia sống muôn đời cho con cháu mai sau. 

Đứng ở vị thế dân tộc, người trí thức tận trung với nước; đứng ở vị thế một nhà văn hoá, một nhà khoa học, một nhà nghệ thuật, một nhà xã hội, họ lại là những nhà chuyên môn giỏi, những chuyên gia đầu ngành, những nhà phản biện… Không ở đâu xa, thế kỷ XX, những cái tên như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hòe... (xuất thân từ các sĩ phu Nho học); Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên.... (xuất thân từ tầng lớp trí thức Tây học) đã và sẽ luôn là tấm guơng mẫu mực về phẩm tính cao quý của người trí thức. Đi qua những cam go của đất nước, lịch sử dân tộc đã chứng minh “vị thế của đội ngũ chất xám”. Hôm nay trong sự phát triển nền kinh tế tri thức, càng cần hơn sức mạnh của nguồn tri thức. Yêu cầu lịch sử đòi hỏi hơn bao giờ hết phải hình thành một giới trí thức tinh hoa. Cái ta cần hôm nay là nguồn tài nguyên tri thức, là tầm trí tuệ cao và tất yếu cần sự can dự của tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc. Trên thế giới, quốc gia nào cũng khát khao làm chủ nền kinh tế tri thức mới. Việt Nam chúng ta càng không ngoại lệ. Bước vào thế kỷ XXI, trí thức Việt Nam với tư duy hội nhập đã và đang có những đóng góp to lớn và quan trọng vào sự phát triển chung của quốc gia dân tộc. 

Đất nước đang có gần 3 triệu trí thức (những người có bằng đại học, cao đẳng trở lên). Làm gì để phát huy tối đa nguồn chất xám trí thức ấy? Khi mà thực tế đang có một bộ phận trí thức của chúng ta đã không khẳng định được vị trí của mình trong sự phát triển khoa học của đất nước, trong đó có nhiều người bàng quan,  như chủ ý đứng bên lề sự vận động của khoa học và số phận của đất nước. Không phải chỉ trong xã hội hiện đại, chúng ta mới phải đối mặt với kiểu dạng “trí thức nửa mùa”, sống hời hợt với sự thịnh vong của đất nước, sự no ấm của nhân dân. Điều cảm thán “Ôi thương sao những thế kỷ vắng anh hùng” của Chế Lan Viên phải chăng cũng bắt nguồn từ những điều không vui đó. May thay “cái sự đáng buồn” này chỉ là một con số rất nhỏ trong con số mấy triệu kia. Cái ta nói ở đây là giới trí thức tinh hoa trong lịch sử dân tộc - giới trí thức đã và đang từng đau đáu, trăn trở trước vận mệnh quốc gia dân tộc, tận trung với nước, tận hiếu với dân… 

Một dân tộc đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Đã qua rồi cuộc trường chinh vệ quốc, trận chiến hôm nay, với người trí thức, đối diện với bên kia chiến tuyến không phải là kẻ thù xâm lược mà là sức nặng “trí tuệ” của tri thức. Trí tuệ để đưa đất nước phát triển, hội nhập vững bền. Ai làm chủ tri thức người đó sẽ chiến thắng. Đất nước nào làm chủ công nghệ đất nước ấy sẽ phát triển. Trên vai người trí thức thế kỷ XXI có vận hội và cả thách thức lớn lao của thời cuộc. Như bao thế hệ trí thức trong hàng nghìn năm lịch sử, giới trí thức của đất nước hôm nay sẽ mãi tiếp đồng hành cùng dân tộc viết tiếp trang sử mới mang hai chữ Việt Nam với tất cả tâm huyết và trí tuệ cùng với tất cả lòng tự trọng của mình. 

Nhà báo ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý
Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập      

  • Tags: