Nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013

Qua một thời gian thực hiện và tổng kết thực tiễn, yêu cầu đó được thể chế hoá thành nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp năm 2013 “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Yêu cầu đó càng mang tính thời sự cấp bách trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa - Internet

Tóm tắt: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp” là yêu cầu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Qua một thời gian thực hiện và tổng kết thực tiễn, yêu cầu đó được thể chế hoá thành nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp năm 2013 “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Yêu cầu đó càng mang tính thời sự cấp bách trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: tranh tụng, tố tụng kinh tế, tố tụng dân sự.

Abstract: “Improving the quality of judicial agencies’ operation, as well as the quality of litigation at all trial sessions, considered as the breakthrough in judicial agencies’ operation” is an important objective set forth for under the Resolution No. 49-NQ/TW of the Politburo on the Judicial Reform Strategy to 2020, dated June 2nd, 2005. Following a period of implementation and review, that objective can be formalized in the Constitution 2013, “The adversarial principle in trial is guaranteed.” This objecive is even an urgent requirement in our country’s current conditions of building and perfecting the socialist rule-of-law State of Vietnam.

Key words: litigation, economic procedure, civil procedure.

1. Sự cần thiết của việc hiến định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử

Theo từ điển Luật học thì tranh tụng là các hoạt động tố tụng được thực hiện bởi các bên tham gia tố tụng có quyền bình đẳng với nhau trong việc thu thập, đưa ra chứng để bảo vệ các quan điểm và lợi ích của mình, phản bác lại các quan điểm và lợi ích của phái đối lập. Tranh tụng tại phiên tòa là những hoạt động tố tụng được tiến hành tại phiên tòa xét xử bởi hai bên tham gia tố tụng, nhằm bảo vệ ý kiến, luận điểm của mỗi bên và bác bỏ ý kiến, luận điểm của bên kia dưới sự điều khiển, quyết định của Tòa với vai trò trung gian, trọng tài[1]. Bản chất của tranh tụng là quá trình điều tra công khai và tranh luận giữa các bên dưới sự điều khiển của Hội đồng xét xử để phân tích, thẩm định, đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp Tòa án giải quyết vụ án khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Yêu cầu bảo đảm tranh tụng trong xét xử được quy định thành nguyên tắc trong Hiến pháp năm 2013 xuất phát từ các lý do sau đây:

- Chỉ có tranh tụng mới bảo đảm tính khách quan, công bằng, dân chủ trong xét xử;

- Một bản án, phán quyết của Toà án chỉ có thể đúng đắn, khách quan khi bản án, phán quyết đó là kết quả của quá trình tranh tụng tại phiên toà;

- Yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích của các bên, quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng với nhau và với cơ quan nhà nước trong tranh tụng.

Cũng cần nói thêm rằng: Trong quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp năm 2013, khi bàn luận về tranh tụng, một số ý kiến cho rằng: Tranh tụng chỉ được thực hiện trong tố tụng hình sự đối với các vụ án hình sự. Họ khẳng định: Tranh tụng không thể thực hiện trong tố tụng dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, quan điểm này không đủ cơ sở thuyết phục. Theo quy định của Hiến pháp thì tranh tụng không chỉ trong tố tụng hình sự mà cả trong tố tụng phi hình sự (tố tụng dân sự, tố tụng hành chính).

2. Nội dung và yêu cầu của nguyên tắc trong tố tụng dân sự, kinh tế

Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự được hiểu là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật để giải quyết vụ án dân sự. Theo đó, các bên đương sự có quyền xuất trình, trao đổi chứng cứ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận theo yêu cầu của mình, phản bác yêu cầu đối lập trước tòa án và tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra quyết định, phán quyết đối với tranh chấp, vụ việc.

Tranh tụng có thể diễn giải như sau: Tranh tụng trong tố tụng dân sự là một quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định có hiệu pháp luật theo đó các chủ thể tham gia tố tụng được đưa ra chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định.Tranh tụng là quá trình tranh luận, chứng minh để xác định sự thật khách quan về vụ án. Không những thể hiện bản chất dân chủ và nhân đạo của tố tụng mà tranh tụng còn là cơ sở để xác định địa vị tố tụng, vị trí, vai trò và chức năng của các chủ thể tiến hành tố tụng cũng như các chủ thể tham gia tố tụng.

Tranh tụng là một nguyên tắc của tố tụng, là phương pháp thực hiện mục đích xác định sự thật khách quan, là một quá trình được bắt đầu từ khi nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 24), thì nội dung của nguyên tắc bảo đảm tranh tụng bao gồm:

1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật tố tụng dân sự

Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng trong tố tụng dân sự, kinh tế

- Hoàn thiện quy định của pháp luật về tranh tụng trong xét xử các vụ án dân sự, kinh tế;

- Bảo đảm bình đẳng trong tranh tụng giữa các chủ thể tham gia tố tụng dân sự, kinh tế;

- Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng tranh tụng trong xét xử các vụ án dân sự, kinh tế.

Trên đây là một số vấn đề về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013. Mong các nhà khoa học và đồng nghiệp cùng trao đổi./.

GS.TS. Phan Trung Lý

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo SIU

[1] Từ điển Luật học, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Nxb Từ điển bách khoa, Nxb Tư pháp; Chủ tich Hội đồng biên soạn: TS. Nguyễn Đình Lộc; Hà Nội, 2006, tr.808

 

...
  • Tags: