Nhà báo khoa học: Thẩm thấu và tâm huyết

Nhà báo - truyền thông - khoa học những cụm từ đó không còn xa lạ với độc giả, với giới chuyên môn, nhất là trong những năm gần đây khi mà xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó là những mối tương quan có tác động mạnh mẽ đến đời s

Nhà báo - truyền thông - khoa học những cụm từ đó không còn xa lạ với độc giả, với giới chuyên môn, nhất là trong những năm gần đây khi mà xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó là những mối tương quan có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đến sự phát triển của đất nước, nhất là khi chúng ta đang hướng tới phát triển nền kinh tế tri thức vốn rất cần những thành tựu, những phát minh khoa học gắn với cuộc sống. 

Chủ thể của tri thức không ai khác là con người, là đội ngũ trí thức và đại diện tiêu biểu là các nhà khoa học. Nhưng, khoa học đã thực sự đến với công chúng? Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thực sự đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, công chúng đã thực sự yêu mến, hiểu biết về những thành tựu của KH&CN chưa? Đó vẫn là những câu hỏi và cũng là sự trăn trở của những nhà báo, của những nhà khoa học, của giới truyền thông trong cả nước. 

Ảnh minh họa (Internet)

Từng có một câu nói đại ý rằng: bất kỳ thành tựu khoa học nào dù vĩ đại đến đâu nếu không đến được với cuộc sống thì giá trị của nó cũng chỉ bằng “Không”! Để khoa học đi vào đời sống, nếu chỉ là sự vận động của riêng ngành khoa học thì chưa đủ mà còn phải là sự vào cuộc của giới truyền thông. Khẳng định sức mạnh của truyền thông về KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã từng phát biểu: Thời gian qua báo chí đã liên tục đưa tin về những thành tựu khoa học công nghệ, góp phần không nhỏ đưa cơ chế, chính sách KH&CN tới công chúng. Và mới đây, người đứng đầu ngành KH&CN tiếp tục khẳng định vai trò của lực lượng truyền thông trong phát triển KH&CN: “Truyền thông KH&CN đã được đưa vào các Chiến lược phát triển KH&CN và đã được đầu tư đáng kể”. 

NHÀ BÁO KHOA HỌC PHẢI LÀ… CHUYÊN GIA CỦA CÁC CHUYÊN GIA

Thực tế đã chứng minh, báo chí khoa học giúp công chúng tiếp cận được với những kiến thức về các vấn đề của xã hội. Và về mặt nhà nước, báo chí khoa học là “công cụ” kết nối có hiệu quả giữa nhà nước với nhân dân. Song, để một tác phẩm báo chí tiếp cận được độc giả đã khó; để tác phẩm báo chí khoa học được độc giả đón nhận lại càng khó hơn nhiều. Bởi, trong môi trường truyền thông hiện nay, với những nhà báo viết về khoa học, đó sẽ là thách thức không nhỏ. 

Nghiên cứu khoa học liên tục phát triển song hành cùng các thông tin mới, cách thức mới nhìn nhận về các sự vật, hiện tượng, sự vận động của xã hội. Vì vậy, yêu cầu nhà báo khoa học phải luôn có tầm nhìn rộng, có sự cập nhật kịp thời, nghiên cứu kỹ các thông tin về khoa học và luôn đặt ra câu hỏi trước những gì mà các nhà khoa học, các chuyên gia công bố, đặc biệt đối với những nghiên cứu còn gây ngạc nhiên, tranh cãi. Ngoài ra, nhà báo khoa học cũng cần đơn giản hóa những thông tin phức tạp, cung cấp cho độc giả thấy ý nghĩa của sự phát triển khoa học đối với cuộc sống thường nhật. 

Khoa học - một lĩnh vực thuộc về chuyên sâu, đặc thù thường gắn với những con số, những giải pháp, những phát hiện mới. Nó đòi hỏi nhà báo khoa học cũng cần được trang bị lượng kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức nền tảng ở nhiều lĩnh vực khoa học. Bởi, khi bài báo khoa học đến với độc giả để đủ sức thuyết phục, rất cần những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành. Việc xác định được chuyên gia nào là đáng tin cậy, có tiếng nói trong giới, đòi hỏi nhà báo khoa học phải có nhiều kinh nghiệm. Từ đó, nhà báo khoa học có thể giúp độc giả tìm được lời giải đáp đối với các luận điểm trái chiều. Vì vậy mà có những ý kiến cho rằng, nhà báo khoa học phải là…  chuyên gia của các chuyên gia.

Như vậy, bên cạnh tính đặc trưng của một bài báo thông thường, với một bài báo khoa học cần có thêm những nét riêng biệt. Khoa học vốn được cho là những vấn đề khô khan. Nhưng độc giả lại là đại chúng, nhà báo cần phải giải thích cặn kẽ những thuật ngữ liên quan đến chuyên ngành, biến những điều trừu tượng trở nên dễ hiểu và đại chúng hóa… Và thay vì đi vào những vấn đề chung chung, nhà báo khoa học nên tập trung vào các vấn đề có tác động lớn hoặc các vấn đề đang gây tranh cãi, những gì công chúng muốn biết, có thể ứng dụng trong cuộc sống,… 

MUỐN VẬY… PHẢI CÓ NHÀ BÁO CHUYÊN VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Cùng với Giáo dục - Đào tạo, Khoa học và Công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu. Báo chí đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Trên mặt trận kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh - khoa học, báo chí cũng phải là một lực lượng xung kích. Lực lượng ấy có đủ mạnh hay không phụ thuộc vào những nhà báo chắc tay, những nhà báo giỏi. Một nhà báo khoa học muốn viết giỏi thì trước hết nhà báo đó phải chuyên về KH&CN. Mà muốn vậy phải có sự kết hợp giữa nhà báo và nhà khoa học, giữa truyền thông và khoa học… 

Trong thời gian qua, có thể nói, báo chí và truyền thông đã phần nào thực hiện tốt vai trò của mình, là cầu nối giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý với hoạt động KH&CN và công chúng. Báo chí trở thành diễn đàn tranh luận sôi nổi giữa các nhà khoa học, là cầu nối tương tác giữa người dân và nhà khoa học. Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, khi truyền thông về KH&CN, báo chí vẫn chưa lột tả hết được các hoạt động KH&CN… Điều dễ nhận thấy, do những đòi hỏi về lĩnh vực chuyên sâu, chúng ta hiện chưa có một đội ngũ báo chí có kiến thức sâu, có kỹ năng về KH&CN và cơ bản mới đơn thuần là những nhà báo phụ trách mảng khoa học. Một nguyên nhân nữa là, mối quan hệ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và giới báo chí vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nhanh nhạy. Điều này giải thích tại sao, thời gian qua việc cung cấp thông tin cho báo chí trong lĩnh vực này chưa thường xuyên, kịp thời…
Vấn đề đặt ra, cần thiết phải xây dựng một đội ngũ làm báo chuyên ngành, được trang bị đầy đủ kiến thức báo chí cũng như kiến thức chuyên sâu về KH&CN. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí nhưng cũng rất cần sự phối hợp với ngành KH&CN và các cơ quan liên quan.

Những năm qua chúng ta đã có Tuần lễ truyền thông về KH&CN và từ năm 2014 cũng là năm đầu tiên chúng ta có Ngày KH&CN Việt Nam… Các sự kiện này không nằm ngoài mục đích truyền thông KH&CN đến với công chúng, kết nối lan tỏa và sâu đậm hơn mối quan hệ nhà báo - nhà khoa học, giữa truyền thông với khoa học.

Nói về vấn đề báo chí đồng hành cùng các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ đã từng bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ cùng đồng hành với các nhà khoa học để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp xã hội đến các cơ quan lãnh đạo quản lý cùng thống nhất ý chí và cùng hành động để KH&CN là quốc sách hàng đầu không chỉ trên Nghị quyết, Hiến pháp, mà trong hành động của mọi người, để tất cả mọi người cùng quan tâm đến sự phát triển của KH&CN.

Nhà báo ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý
Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập  

  • Tags: