'Nhà khoa học tham gia xây dựng để chính sách gần hơn với cuộc sống'

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ kêu gọi các nhà khoa học đóng góp để xây dựng chính sách có tính đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ kêu gọi các nhà khoa học đóng góp để xây dựng chính sách có tính đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mong muốn của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đưa ra tại hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực, tổ chức tại Vĩnh Phúc hôm 11/12. Hội nghị sẽ được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2021. Hội nghị có sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý khoa học tại hai viện nghiên cứu, trường đại học lớn, nên Bộ trưởng Đạt mong muốn đây là nơi chia sẻ, bàn bạc thử nghiệm các chính sách khoa học và công nghệ có tính đột phá.

Ông cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu, các chính sách cần xây dựng theo hướng tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển thị trường, thương mại hoá kết quả nghiên cứu.

Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ này Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Quốc hội 5 luật: Khoa học và Công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Năng lượng nguyên tử. Chính phủ cũng "đặt hàng" Bộ nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng Luật vũ trụ quốc gia trong thời gian tới.

"Quá trình xây dựng văn bản pháp luật này rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học tại hai Viện Hàn lâm, hai Đại học Quốc gia - đầu mối lớn nhất của đất nước", Bộ trưởng nói và cho rằng sự tham gia từ sớm của các nhà khoa học, nhà quản lý chắc chắn sẽ cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp các chính sách này gần gũi hơn với cuộc sống, mang lại hiệu quả chung cho ngành, cũng như cho sự phát triển KT-XH.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2022 tại hội nghị. Ảnh: TTTT

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn.

PGS Trung cho biết, thời gian tới Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn gắn khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội. Viện cũng đổi mới căn bản hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học theo hướng điện tử hóa, số hóa; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Đại diện Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học, công nghệ nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ.

Ông Lâm Quang Vinh, Đại học Quốc gia TP HCM nêu về việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của các sản phẩm mới, công nghệ mới. Thương mại hóa sáng chế khó khăn dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế.

Ông Vinh cho rằng, hiện chưa có các mô hình tổ chức khoa học và công nghệ mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt. "Cần triển khai thí điểm mô hình hợp tác Doanh nghiệp – Nhà Khoa học – Nhà nước, từ đó hình thành vườn ươm, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, chú trọng nhiều đến sản phẩm tài sản sở hữu trí tuệ theo mô hình hợp tác doanh nghiệp", ông kiến nghị. Các trường đại học cần xây dựng lộ trình công nghệ nhất định để có chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm nghiên cứu khoa học cao. Cùng nhau giải quyết bài toán đặt hàng của nhà nước và doanh nghiệp.

Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đề xuất thí điểm các cơ chế chính sách về phát triển hợp tác giữa khối Academy – Doanh nghiệp, thí điểm thu hút nhân tài đổi mới sáng tạo, thí điểm về khoán chi khoa học công nghệ đến sản phẩm cuối cùng.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân, giai đoạn tới các bên liên quan cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hướng đến hợp tác công tư trong khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. "Thời gian tới, Đại học Quốc gia sẽ đặt hàng nghiên cứu theo hướng kinh doanh", ông Quân nói.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng đề xuất gắn các mục tiêu chiến lược với đào tạo, tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu khoa học công nghệ công lập và tư nhân; hình thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo đầy đủ các lực lượng như viện/trường/doanh nghiệp...

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại hội nghị nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp bằng những hành động thiết thực, khẳng định vai trò động lực quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.

  • Tags: