Hiện nay tỉ lệ người dân các vùng nông thôn tiếp cận với các sản phẩm công nghệ cao như smartphone, sử dụng mạng xã hội ngày càng cao. Tuy nhiên việc tiếp cận khi chưa được trang bị những kiến thức cơ bản trong phòng – chống tội phạm công nghệ cao, bị lợi dụng lòng tin nên các đối tượng lừa đảo dễ nắm bắt và xem đây là “miền đất hứa” để thực hiện các hành vi phạm tội.
Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như dựng "màn kịch" trên không gian mạng, các đối tượng hướng tới người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn xa xôi, đều là những nơi người dân hạn chế tiếp cận thông tin… Chỉ vì tin lời hứa “ngon ngọt” của các đối tượng lừa đảo mà trở thành con nợ, không biết bao giờ mới trả được.
Tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao có rất nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có thể kể đến như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp; giả làm nhân viên ngân hàng cung cấp ứng dụng để chiếm đoạt tài sản trong ngân hàng; giả làm doanh nhân nước ngoài gửi quà có giá trị và yêu cầu đóng phí; tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà; gọi điện khủng bố đòi nợ… dụ dỗ, lôi kéo người bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử hưởng mức lãi suất cao.
Ngoài ra, các nhóm lừa đảo còn sử dụng phần mềm công nghệ cao giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho người bị hại; giả mạo khuôn mặt, giọng nói để gọi video call… Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này nếu chủ quan, lơ là mất cảnh giác.
Tại một số địa phương ở Hà Tĩnh, trong đó có huyện Đức Thọ, đặc biệt là tại xã Thanh Bình Thịnh, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi lừa đảo này. Điển hình trong sáng 22/5/2024, Công an xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ đã ngăn chặn kịp thời một nhóm đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công an huyện Đức Thọ.
Nhóm này đã thông báo cho bà Nguyễn Thị Hà sinh năm 1963 tại thôn Gia Thịnh, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ có vay một khoản tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội với số tiền 45.986.000 đồng. Các đối tượng này sau đó lại tiếp tục gọi điện tự xưng là cán bộ điều tra của công an quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội yêu cầu bà Hà trả tiền nếu không sẽ chuyển hồ sơ qua toà án. Nhận thấy bất thường, do được tuyên truyền trên kênh Zalo kết nối bình yên của công an xã, bà Hà đã đến trình báo và được xác minh là lừa đảo.
Bà Nguyễn Thị Hà trình báo tại cơ quan công an (Ảnh: Công an xã Thanh Bình Thịnh)
Đây là một trong những hành vi thường thấy của các đối tượng lừa đảo rất may được cảnh báo và lực lượng công an kịp thời ngăn chặn, nếu như người dân không thường xuyên kết nối qua kênh zalo tuyên truyền cũng như không nắm thông tin hậu quả sẽ khó lường. Trong 5 tháng của năm 2024 tại địa bàn xã Thanh Bình Thịnh nói riêng, huyện Đức Thọ nói chung các hành vi lừa đảo công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên bằng nghiệp vụ cũng như kết hợp với các hình thức tuyên truyền tới người dân nên đã và đang nâng cao ý thức cảnh giác, tránh được nhiều vụ lừa đảo. Tính tới thời điểm hiện tại, công an xã Thanh Bình Thịnh đã ngăn chặn được 5 vụ lừa đảo bằng các hoạt động công nghệ cao.
Trước đó cũng tại thôn Minh Lạng, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh chị L.T.M sinh năm 1972 cũng bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao trên mạng facebook lừa chuyển tiền. Để chiếm lòng tin, các đối tượng đã chiếm đoạt quyền sử dụng facebook cá nhân của con gái đối tượng nhờ mẹ vay tiền chuyển sang Nhật để làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Nhờ thường xuyên kết nối vào kênh Zalo vì bình yên của Công an xã mà chị L.T.M đã liên hệ trực tiếp với cơ quan công an xã Đức Lạng, qua xác minh bằng nghiệp vụ mà chị L.T.M đã không trở thành nạn nhân.
Người dân được công an xã Đức Lạng tuyên truyền đề cao cảnh giác (Ảnh: Công an xã Đức Lạng)
Cần chung tay cùng lực lượng chức năng và đề cao cảnh giác.
Theo nhận định của công an tỉnh Hà Tĩnh, các "ổ nhóm" tội phạm hình thức này sẽ còn diễn biến phức tạp, trong đó lợi dụng đặc tính lan tỏa của thông tin trên không gian mạng, để đưa ra những lời quảng cáo, chào mời hấp dẫn về lãi suất, hoa hồng, hiệu quả đầu tư…nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu tư.
Trong môi trường mạng, các đối tượng lừa đảo dễ dàng xóa dấu vết, tính “ẩn danh” rất cao, nhà đầu tư thậm chí không biết doanh nghiệp đang kêu gọi thu hút vốn ở đâu, kinh doanh cái gì… Chính vì dễ dàng lừa đảo lại khó bị phát hiện, nên trong những năm tiếp theo, lừa đảo trong không gian mạng có xu hướng thay thế cho kiểu truyền thống.
Thế nên người dân cần tập trung nắm vững thông tin, đề cao cảnh giác và liên hệ ngay với đường dây nóng nếu có nghi ngờ lừa đảo. Thực tế các vụ án lừa đảo vừa qua cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ khi nhiều đối tượng chủ mưu ở nước ngoài. Đấu tranh với loại tội phạm này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt không chỉ cơ quan chức năng mà còn cần ý thức chủ động phòng ngừa của mỗi người dân.
Đại uý Lê Văn Tuyến, Trưởng công an xã Thanh Bình Thịnh cho biết lực lượng công an xã nói riêng và công an các xã trong huyện Đức Thọ nói chung luôn luôn trao đổi thông tin, kết hợp nắm bắt các hành vi của các nhóm lừa đảo, tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân dưới mọi hình thức.
"Khi nhận cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại cần đề cao cảnh giác. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó... Đồng thời thường xuyên kết nối kênh thông tin Zalo Vì Bình Yên của Nhân Dân để nắm rõ được tình hình, diễn biến”, đại úy Lê Văn Tuyến chia sẻ.
Trần Minh - Phạm Bình