PLQL - Xu thế toàn cầu hóa và hiện đại hóa đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) mở rộng và hội nhập nhanh hơn vào thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên cùng với xu thế này, thì hiện tượng trốn và tránh thuế cũng đã và đang trở thành một vấn nạn vô cùng phức tạp mang tính toàn cầu. Việt Nam cũng không loại trừ.
Nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy hành vi né thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, việc chỉ ra những qui định dễ dãi của pháp luật, giúp các DN né thuế, việc nhận diện các hành vi gian lận thuế để đề ra các giải pháp phòng chống, hạn chế gian lận thuế là hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
3 cách tránh thuế “ kinh điển” của Amazon ….do “ biết cách vận dụng pháp luật” ?
Tận dụng tối đa các khoản khấu trừ, tăng các khoản chi phí hợp lý như đầu tư cho nghiên cứu phát triển… là chiêu thức mà những “ông lớn” trên thế giới thường làm để giảm tối đa số tiền thuế phải nộp nhưng vẫn được cho là hợp pháp.
Điển hình như Amazon, dù năm 2018, công ty này báo lãi 11,2 tỷ USD và 5,6 tỷ USD vào năm 2017, nhưng trong 2 năm này, hầu như Amazon không trả một đồng thuế nào cho chính phủ liên bang Mỹ. Tuy nhiên, Amazon luôn khẳng định hoàn toàn tuân thủ luật thuế của liên bang cũng như quốc gia và khoản thuế tại Mỹ.
Thật bất ngờ, cách mà Amazon làm được điều đó trước mắt cơ quan luật pháp mà không bị tố cáo lại không có gì là cao siêu, phức tạp như mọi người vẫn nghĩ. Tương tự như nhiều công ty trên thế giới, Amazon tận dụng tối đa các khoản khấu trừ để cắt giảm số tiền thuế mình phải trả.
Trong năm 2018, Amazon đã tận dụng rất nhiều khoản khấu trừ, chủ yếu chia làm 3 loại nhằm không phải trả một đồng thuế nào cho chính phủ Mỹ.
Một trong những khoản khấu trừ thuế được Amazon tận dụng là chi phí cho nghiên cứu và phát triển. Hàng năm, khoảng 7% tiền lương và chi phí cho bên cung ứng của Amazon là dành cho bộ phận nghiên cứu và phát triển, bởi vậy đương nhiên hãng có quyền yêu cầu khấu trừ thuế cho các khoản này.
Tuy nhiên đây không phải khoản khấu trừ thuế duy nhất giúp Amazon tăng lợi nhuận khủng khiếp. Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cải cách thuế và một trong những nội dung chính là cho phép các DN khấu hao tài sản 1 lần thay vì rải ra trong nhiều năm. Dù chính sách này chỉ là tạm thời và có hiệu lực đến năm 2022 nhưng cũng giúp những công ty như Amazon thu lãi khổng lồ.
Thông thường các công ty sẽ chỉ được trích khấu hao dần dần nhưng với quyết định của Tổng thống Trump, những hãng như Amazon có thể trích toàn bộ khấu hao trong 1 lần, qua đó gia tăng chi phí để né thuế. Ngay lập tức, chi phí khấu hao của Amazon tăng 40% trong năm 2018 lên tới 12,1 tỷ USD, qua đó tiết kiệm hàng triệu USD tiền thuế cho công ty.
Phương pháp tránh thuế thứ 3 mà Amazon hay sử dụng liên quan đến cổ phiếu. Thông thường Amazon không trả lương nhân viên bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu. Với hình thức này, Amazon có thể tiết kiệm được chi phí bởi họ chỉ cần in thêm cổ phiếu trả cho nhân viên.
Bên cạnh đó, Amazon vừa tiết kiệm được chi phí tiền lương nhưng việc trả cho nhân viên bằng cổ phiếu vẫn được coi là chi phí của công ty, qua đó giảm số tiền thuế phải thanh toán. Năm 2018, Amazon tiết kiệm được đến 1 tỷ USD tiền thuế nhờ khấu trừ các khoản trả cổ phiếu cho nhân viên.
Tránh thuế hợp pháp tại các “thiên đường” thuế
Ngoài việc tận dụng tối đa các khoản ưu đãi, khấu trừ thuế, những “ông lớn” trên thế giới thường đặt chi nhánh tại nhiều nơi và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia nhằm tránh nhiều khoản thuế khổng lồ mà vẫn được cho là hợp pháp.
Chiến lược tránh thuế của họ là thực hiện những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con nhằm chuyển thu nhập đến các quốc gia có mức thuế thấp và chuyển chi phí đến các quốc gia có mức thuế cao. Chiến lược này rất phổ biến trong các công ty như Starbucks, Google, Facebook, Apple, Microsoft, Ikea và Amazon suốt nhiều năm qua.
Một số tài liệu cho thấy Google đã tiết kiệm được 3,6 tỷ USD thuế trên toàn cầu năm 2015 bằng cách chuyển 14,9 tỷ euro (tương đương 15,5 tỷ USD) đến một công ty vỏ bọc ở Bermuda. Năm 2017, Google cũng làm tương tự với số tiền gần 20 tỷ euro (tương đương gần 23 tỷ USD). Facebook chuyển hơn 700 triệu USD tới Cayman Islands. Bermuda và đảo Cayman là những “thiên đường thuế” thường được các hãng công nghệ lớn nhắm tới. Bởi thuế TNDN ở đây thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới.
Chuyển giá và dấu hiệu trốn thuế
Quay trở lại Việt Nam, tình trạng này cũng không tránh khỏi, đặc biệt xảy ra đối với các doanh nghiệp FDI như Coca cola, Heineken… Các doanh nghiệp FDI lợi dụng lỗ hổng trong quy định về hải quan và thuế được để trốn và gian lận thuế. “Chiêu trò” phổ biến là chuyển giá. Có đủ hình thức chuyển giá, thường gặp là các doanh nghiệp FDI lợi dụng góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập DN…
Điển hình nhất là trường hợp Coca cola. Mới đây, Tổng cục Thuế đã ra quyết định truy thu 471 tỉ đồng tiền thuế của Coca-Cola Việt Nam gồm thuế GTGT hơn 60 tỉ đồng, thuế TNDN hơn 359 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.
Kể từ khi bước chân vào Việt Nam từ năm 1995 cho đến nay, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Trong hơn 25 năm hoạt động của mình, DN này báo lỗ tới hơn 20 năm liên tục. Song, đây là lần đầu tiên Coca-Cola Việt Nam bị truy thu thuế.
Theo cơ quan thuế, “bí quyết” để DN này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 – 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 – 85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc chứng minh Coca Cola vi phạm pháp luật là rất khó, bởi không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các DN khác cùng ngành nghề, vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca-Cola Việt Nam độc quyền cung cấp.
Ngoài Coca-Cola, Heineken cũng bị cơ quan thuế của Việt Nam truy thu 916 tỉ đồng. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp FDI như Metro, Pepsi Việt Nam, Adidas, Keangnam Vina… cũng lần lượt được cơ quan thuế Việt Nam phát hiện và truy thu.
Tránh và trốn thuế ở Việt Nam
Tại Việt Nam những hành vi trốn thuế, gian lận thuế diễn biến cũng hết sức phức tạp, tinh vi với nhiều sắc thuế như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí cả với thuế TNCN.
Điển hình là trường hợp của điện máy Nguyễn Kim hồi tháng 6/2018, Cục thuế TP HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tổng số tiền Nguyễn Kim phải nộp ngân sách là gần 150 tỷ đồng. Trong đó, truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền hơn 104 tỷ đồng, phạt hơn 19 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cho thấy, hàng năm nhân viên ủy quyền cho công ty này quyết toán thuế TNCN. Thế nhưng, điện máy Nguyễn Kim đã “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để trốn thuế.
Chẳng hạn, với chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thực nhận khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng nhưng DN này chỉ khai thuế 30 triệu đồng. Trưởng bộ phận thực nhận 50 triệu đồng mỗi tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng. Số tiền chênh lệch, 270 triệu đồng và 38 triệu đồng sẽ được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế).
Tương tự, các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng nghìn nhân viên cũng được DN này chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch. Do vậy, riêng số thuế thu nhập cá nhân mà siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã trốn nộp cho ngân sách là hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, siêu thị điện máy Nguyễn Kim còn trả thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu, được quy đổi là 50.000 đồng mỗi cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) nhưng không khai thuế.
Hay trường hợp Sabeco, Habeco năm 2016 bị cáo buộc trốn hàng trăm tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua hàng loạt các công ty con trong hệ thống phân phối của mình. Theo KTNN, bằng cách thức thành lập các công ty con là cơ sở kinh doanh thương mại, hai “ông lớn” này đã thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con và không thấp hơn 10% so giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế TTĐB phải nộp NSNN. Sau khi phát hiện việc “trốn thuế” của Sabeco và Habeco, KTNN đã kiến nghị Tổng cục Thuế truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco 408,8 tỷ đồng, Habeco là 920 tỷ đồng.
Cố tình khai sai, khai khống để trốn thuế
Một “chiêu trò” khác mà một số DN Việt Nam thường sử dụng là lợi dụng lỗ hổng trong quy định về hải quan và thuế cố tình khai sai các loại hàng hoá nhằm trốn khoản thuế xuất nhập khẩu phải nộp.
Cục Hải quan TPHCM mới đây phát hiện nhiều DN đang cố tình khai sai tên hàng để trốn thuế, trục lợi. Điển hình như Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Lê Vũ. Công ty này mở 2 tờ khai hải quan xuất khẩu hàng hóa. DN khai báo hàng hóa là hơn 52 tấn tấm nhựa EVA, sản xuất tại Việt Nam, mới 100%, thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế phát hiện hàng hóa không phải là tấm nhựa như khai báo của DN mà là 53 tấn than củi được chứa trong gần 2.000 bao nhựa. Thuế suất thuế xuất khẩu của than củi là 10%. Bước đầu, lực lượng hải quan xác định, tổng trị giá hàng hóa vi phạm của 2 tờ khai trên là 570 triệu đồng, gian lận thuế hơn 57 triệu đồng.
Hay, Công ty Đức Minh mở tờ khai hải quan khai báo xuất khẩu 5 container chậu gốm đất nung, mới 100%, thuế suất 0%, trị giá trên 238 triệu đồng. Nhưng kiểm tra thực tế, toàn bộ hàng hoá chứa trong 5 container là nhôm phế liệu, trọng lượng gần 115 tấn, trị giá trên 3,5 tỷ đồng. Cơ quan chức năng xác định Công ty Đức Minh có dấu hiệu trốn thuế hơn 770 triệu đồng.
Không chỉ cố tình khai sai loại hàng hoá , nhiều DN nghiệp còn khai khống giá trị hàng, sau đó sử dụng chứng từ hoá đơn bất hợp pháp hay các giao dịch ảo, công ty “ma” nhằm hợp thức hoá các khoản chi phí khống này. Việc khai khống giá trị hàng hoá, không những DN giảm được khoản thuế TNDN phải nộp, mà còn giảm được thuế GTGT phải nộp, nhờ tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Đó là trường hợp xảy ra tại Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Mai Thị Hoa – Giám đốc về tội “trốn thuế” hôm 18/9 vừa qua. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 8/12/2018, Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty CP The One Việt Nam, giá hơn 2 tỷ đồng (1 bộ có giá hơn 523 triệu đồng đã bao gồm thuế GTGT). Bà Hoa có yêu cầu công ty The One viết hóa đơn theo yêu cầu để nâng khống giá trị máy móc lên nhiều lần, tuy nhiên công ty này không đồng ý. Sau đó bà Hoa đã yêu cầu được thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của giám đốc công ty và không xuất hóa đơn GTGT.
Để nâng khống giá trị và hợp thức đầu vào, Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã ký hợp đồng với Công ty CP thiết bị y tế Bảo Anh (địa chỉ tại hà Nội) mua 4 bộ máy giặt, máy sấy trên với giá trị 10 tỷ đồng (đã tính thuế GTGT). Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh sau đó đã bán lại 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp này cho 4 bệnh viện gồm bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà, bệnh viện Can Lộc, bệnh viện Đức Thọ, bệnh viện Hương Sơn với số tiền 12 tỷ đồng.
Thay lời kết
Thiết nghĩ, dù là trốn hay tránh thuế; bằng cách lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lách luật hay cố tình vi phạm pháp luật để trốn tránh nộp thuế thì cũng gây thất thu rất lớn cho NSNN. Nhìn ở góc độ kinh tế thì khi trốn, tránh thuế đều dẫn đến tình trạng các nguồn lực bị phân bổ không đúng chỗ, không hiệu quả và không công bằng giữa các DN nộp thuế.
Vì thế cần thiết phải hiểu cách thức các DN thực hiện các hành vi trốn và tránh thuế, từ đó đề ra những chính sách phù hợp, giảm thiểu tình trạng trốn, tránh thuế để tăng nguồn thu cho ngân sách là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay.
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa đối với hành vi vi phạm về thuế, các cơ quan chức năng trong đó đặc biệt cơ quan quản lý thuế, công an kinh tế, hải quan… cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế. Hoàn thiện các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài; tránh thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành.
Thứ hai, hoàn thiện phương thức quản lý thu thuế. Thống nhất sử dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế, nối mạng internet trên toàn quốc nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra đối chiếu hoá đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra. Đồng thời, hoàn thiện quy trình quản lý thu thuế theo hướng đơn giản, khoa học và hiệu quả trên cơ sở kết quả rà soát lại các sơ hở trong công tác hoàn thuế.
Thứ ba, tập trung thanh, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế: Đặc biệt, các DN có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh qua mạng, DN giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ…
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với các nước trên thế giới trong lĩnh vực thuế để cải thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý hiệu quả đối các doanh nghiệp FDI chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Điều này góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Xuân Trường