Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, rất nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát quyền lực , công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), như: tham nhũng, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả; nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng ngàn tỉ bị thất thoát, chiếm dụng, nhưng chưa thu hồi được… Đặc biệt, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng nguyên nhân là do còn rất nhiều khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống tham nhũng; kê khai, thu hồi tài sản tham nhũng.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, rất nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Lỗ hổng pháp luật nhìn từ các đại án tham nhũng
Từ thực tế nghiên cứu quá trình tố tụng các đại án tham nhũng những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng trong các vụ án tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết phát luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… do đó, các đối tượng đã sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn nhằm thực hiện các hành vi phạm tội của mình. Nhưng tựu chung lại, có 3 thủ đoạn điển hình mà các đối tượng này thường sử dụng.
Thứ nhất, các đối tượng cố tình bỏ qua quy định về thẩm định giá, không tổ chức đấu giá tài sản và không đấu thầu dự án… hòng biến tài sản công thành tư, làm thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Thứ hai, cố tình làm ngơ để bỏ qua việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có năng lực; dự án được thực hiện khi chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế và báo cáo tiền khả thi; điều chỉnh dự án vượt thẩm quyền. Hoặc cố tình chỉ định thầu trái luật…
Và cuối cùng chính là sự lạm dụng quyền hành trong quản lý công quỹ ngân hàng, không làm tròn được chức trách, nhiệm vụ, thông đồng, cấu kết chỉ đạo thuộc cấp cấp dưới xuất quĩ chi sai nguyên tắc, lập chứng từ thu chi khống hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể nói, xảy ra những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, từ sự tha hóa từ lòng tham của chính những cán bộ, lãnh đạo… còn có nguyên nhân từ chính những kẽ hở của quy định của pháp luật.
Điển hình như lỗ hổng trong quy định về đấu thầu, chỉ định thầu… tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng lợi móc ngoặc cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp với những quan chức có thẩm quyền nhằm gian lận trong đấu thầu, chỉ định thầu phục vụ cho động cơ trục lợi. Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.
Điều này có thể nhận thấy rõ qua hàng loạt các vụ án tham nhũng liên quan đến đầu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y ngành y tế, thiết bị ngành giáo dục… như vụ CDC Hà Nội, vụ thiết bị y tế Bệnh viện Bạch mai, vụ hoá chất xử lý nước thải tại Hà Nội…
Pháp luật không chỉ thiếu những quy định để giám sát cơ quan quản lý đấu thầu mà ngay cả những quy định về giám sát nhà thầu hiện nay còn nhiều bất cập. Bởi thực tế pháp luật đã có những quy định nhằm hạn chế việc nhà thầu “bán thầu”. Nhưng, vẫn tồn tại những quy định chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các đối tượng “ngụy trang” dưới các hình thức thầu chính, thầu phụ, thậm chí thầu phụ của thầu phụ… Điều này có thể thấy rõ qua hành vi chia nhỏ chuyển nhượng bán thầu thu phí trái quy định trong vụ Gang thép Thái Nguyên hay trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi…
Đặc biệt, qua những vụ án tham nhũng liên quan đến quản lý sử dụng đất đai tài sản công chúng tôi cũng đã nhận diện được vô số những bất cập, lỗ hỗng rất lớn của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan đang ngày ngày, giờ giờ tiếp tay cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác.
Như, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.
Hay, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.
Ngoài ra còn những bất cập, thiếu minh bạch, thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá không sát giá thị trường… là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hoá, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công…
Điển hình như Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho DN có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.
Chính những lỗ hỗng nêu trên đã tiếp tay cho hàng loạt lãnh đạo chóp bu của nhiều tỉnh thành và các bộ ngành lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, ký quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… trái quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng mà chúng ta có thể thấy qua loạt đại án đất đai như vụ Sabeco, vụ 8 - 12 Lê Duẩn, TP.HCM; hay vụ 43ha đất Bình Dương…
Hạn chế, bất cập trong cơ chế xử lý tham nhũng
Pháp luật không chỉ đang tồn tại lỗ hổng vô tình tiếp tay cho các nhóm lợi ích lợi dụng để đục khoét công quĩ mà ngay cả cơ chế xử lý tham nhũng cũng đang tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Bởi, thực tế nhiều vụ khi đã phát hiện dấu hiệu rõ ràng tham nhũng nhưng cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong xử lý.
Điển hình như, quy trình phát hiện xử lý tội phạm tham nhũng thông thường là phát hiện qua Thanh tra sau đó chuyển Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát xem xét, khởi tố. Quy trình này hiện có nhiều bất cập.
Theo Luật Tố tụng Hình sự thì khi phát hiện dấu hiệu tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố, điều tra và có quyền áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người bị khởi tố, điều tra. Tuy nhiên theo Luật PCTN thì các Cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra phải làm đến cùng để đưa ra kết luận, họp lên họp xuống rồi mới chuyển cho Cơ quan tiến hành tố tụng để khởi tố, điều tra, truy tố.
Thanh tra và kiểm toán không có thủ tục tố tụng tư pháp độc lập, khách quan. Họ chỉ thực hiện các biện pháp hành chính, nghiệp vụ để đưa ra kết luận thanh tra, kiểm toán. Họ không có quyền áp dụng các biện pháp tư pháp như tạm giữ, tạm giam hay phong tỏa tài sản để tài sản tham nhũng không bị tẩu tán, thất thoát.
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân có chức vụ, quyền hạn, xảy ra trong thời gian dài, qua nhiều thời lãnh đạo... công tác thanh tra, kiểm toán phải kéo dài nhiều đợt, xử lý vi phạm hành chính nhiều lần, kỷ luật cán bộ “nâng lên, đặt xuống” rất phức tạp, gây bức xúc dư luận. Thậm chí, nhiều vụ nếu không có chỉ đạo quyết liệt từ phía Trung ương thì hồ sơ vụ việc chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính…
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đặc biệt là trong lực lượng vũ trang, ngành y tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại có một bộ phận không nhỏ tham nhũng rất nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc, giảm lòng tin với những người mà mình tin tưởng nhất.
Hay như vấn đề xử lý tội phạm đưa nhận hối lộ, thực tế còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu đưa nhận hối lộ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội danh khác. Cá biệt có những vụ chỉ khởi tố được người đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà không khởi tố được người nhận hối lộ… Bên cạnh những nguyên nhân như khó khăn trọng việc truy tìm chứng cứ, chứng minh tội phạm, đối tượng không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội… thì còn một nguyên nhân khác đó là từ những hạn chế trong quy định pháp luật. Điển hình như, thiếu quy định để việc phân biệt giữa quà tặng và của hối lộ. Do đó, sẽ không có cơ sở để xử lý nếu các đối tượng không thừa nhận hành vi đưa, nhận của hối lộ mà khẳng định đó chỉ là tặng, nhận quà.
Hoặc, từ những quy định pháp luật tuỳ nghi cho phép người tiến hành tố tụng có thể áp dụng hay không áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc áp dụng quy định pháp luật tùy nghi chủ yếu do đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng. Ví dụ: khoản 2 Điều 8 BLHS quy định Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác; Điều 29 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự…
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Thời gian qua tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng vẫn còn có những hạn chế, tồn tại…
Khoảng trống pháp lý trong thu hồi tài sản tham nham nhũng
Trong công tác PCTN, việc thu hồi lại được tài sản bị thất thoát, tham nhũng mới là kết quả cao nhất của PCTN. Những năm gần đây, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của nhà nước có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn có những vụ án, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn, nhưng việc thu hồi lại đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí lâm vào bế tắc.
Và từ thực tế nghiên cứu những vụ án chúng tôi thấy rằng, với tội phạm tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết phát luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… do đó, sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp.
Và nguyên nhân của vấn đề này là do vẫn còn nhiều kẽ hở từ khâu phòng ngừa, cho đến ngăn chặn tẩu tán tài sản trong những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác PCTN và công tác thi hành án tham nhũng như: Luật PCTN, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự…
Ngay như Luật PCTN 2018 và Nghị đinh 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là những văn bản pháp luật mới nhất về PCTN, với những quy định được đánh giá là tiến bộ, bổ sung, mở rộng nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng tính minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập… tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít khuyết thiếu, bất cập.
Điển hình như theo quy định, cán bộ chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên là quá hẹp và vô hình trung đã bỏ qua trường hợp con đã thành niên và hai đối tượng thân thích khác là bố và mẹ , anh chị em ruột…. Trên thực tế, rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra và khi điều tra ra mới rõ tài sản mà người phạm tội có được đã đứng tên của chính bố, mẹ đẻ hoặc con đã thành niên, thậm chí có những trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Sào Nam…
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh): Rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng ngàn tỉ bị thất thoát, chiếm dụng, nhưng không được thu hồi. Bởi tài sản này đã bị sang tên cho người khác. Sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp…
Ngoài ra, mặc dù Luật PCTN đã có quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực (Điều 51, Luật PCTN 2018), nhưng lại chưa có điều khoản nào quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
Pháp luật về tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh… vẫn tồn tại nhiều bất cập. Như, quy định phạm vi quá hẹp về các giao dịch phải thông qua tài khoản, các giao dịch hạn chế sử dụng tiền mặt trong nhân dân, quy định về kiểm soát dòng tiền, ngoại tệ chuyển ra nước ngoài vẫn còn nhiều kẽ hở… nên không kiểm soát được dòng tiền chuyển dịch. Điều này là những lỗ hổng rất lớn tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng “tẩu tán” tài sản bất bất hợp pháp.
Không chỉ tồn tại nhiều kẽ hở ngay từ khâu phòng ngừa mà đến các biện pháp ngăn chặn cũng có không ít lỗ hổng. Bởi, nghiên cứu kỹ những quy định pháp luật liên quan đến thi hành án mới thấy ngay cả khi hành vi tham nhũng bị phát hiện, vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử, đương sự vẫn có thể tẩu tán tài sản.
Điển hình như, theo quy định tại Điều 24 Nghị định 62/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án Dân sự được sửa đổi tại khoản 11, Điều 2 33/2020/NĐ-CP gày 17/3/2020 thì: Trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó…
Tức là, kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố cho người khác… thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án.
Tưởng chặt chẽ, nhưng quy định này vẫn tạo “cơ hội” giúp người phải thi hành án “tẩu tán” tài sản vào trước thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo qui định tố tụng hình sự như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Trên thực tế, hiện tượng này diễn ra khá nhiều.
Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng hình sự chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản tham nhũng hay có nguồn gốc từ tham nhũng của bị can, bị cáo để có áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết để đảm bảo thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sau xét xử.
Hơn nữa, để có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, tịch thu tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều trình tự, thủ tục giám định thiệt hại theo quy định pháp luật rất mất thời gian, chi phí ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành tố tụng nên thực tế cơ quan điều tra chưa chú trọng xác minh và áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản trong quá trình điều tra.
Giải trình trước Quốc hội tại kỳ hợp thứ 2 về thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng niêm phong, cũng kê biên được hết, khi mà chúng ta còn phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước nếu chúng ta kê biên, niêm phong không đúng thì người ta có quyền khởi kiện…Cũng theo ông Trí, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che giấu, ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên như xe ô tô, nhà đất... thì cơ quan chức năng cũng rất khó xử lý.
Thay lời kết
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công cuộc PCTN được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cuộc đấu tranh PCTN sẽ đạt hiệu quả và toàn diện hơn nếu chúng ta có vũ sắc bén hơn - đó là quy định pháp luật toàn diện, từ khâu phòng ngừa cho đến ngăn chặn.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu của PCTN trong tình hình mới thì hệ thống pháp luật cần được quan tâm hoàn thiện. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội, cần song hành bít các lỗ hổng trong các qui định, cơ chế PCTN.
Tóm lại, theo chúng tôi cần làm tốt ba nhóm giải pháp: nhóm giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu để không thể tham nhũng; nhóm giải pháp thứ hai là cần xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội để răn đe kẻ có ý định tham nhũng không dám tham nhũng và cuối cùng nhóm giải pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt.