Nhận diện thủ đoạn của tội phạm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT và kiến nghị giải pháp phòng, chống

Nghiên cứu các vụ án chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) được cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua, có thể thấy các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Đòi hỏi tới đây cần tăng cường phối hợp 3 ngành thuế, hải quan và công an. Đồng thời cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát bít các lỗ hổng trong chính sách về thuế, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế...

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Thuế đã thực hiện được 4.031 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 362,5 tỷ đồng.

Để ngăn chặn hành vi gian lận tiền hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế... Tuy nhiên, các hành vi gian lận tiền hoàn thuế ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Điển hình là 2 trường hợp gian lận hoàn thuế diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Lạng Sơn vừa qua. Bằng các biện pháp nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế Đồng Nai và Cục Thuế Lạng Sơn đã phát hiện, ban hành quyết định truy hoàn với tổng số tiền truy hoàn và chậm nộp lên đến 278,3 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc trên sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa - Internet

Nhận diện thủ đoạn của tội phạm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT

Nghiên cứu các vụ án chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) được cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua, có thể thấy các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt sự kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Đó là các thủ đoạn như: giả mạo hồ sơ vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu khống; ký khống hợp đồng mua, bán hàng hoá, xuất khẩu; quay vòng hàng hóa để xuất khẩu, cấu kết mượn hàng lập khống hồ sơ xuất khẩu; lập công ty “ma”, mua bán sử dụng trái phép hoá đơn…

1. Lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước, áp thuế GTGT 0% đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn thành lập công ty “ma” tạo giao dịch giả mạo; quay vòng hàng hóa để xuất khẩu nhiều lần đối với 1 lô hàng; cấu kết mượn hàng lập khống hồ sơ xuất khẩu để hoàn thuế…  

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt 538 tỉ đồng thuế GTGT của Nhà nước liên quan đến Thuduc House và Công ty Sài Gòn Tây Nam là một điển hình. Theo hồ sơ vụ án, Trịnh Tiến Dũng (đang bị truy nã) là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các đối tượng đồng phạm của mình lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất bằng 0%, tạo dựng hồ sơ mua bán trong nước và xuất khẩu linh kiện điện tử có giá trị chênh lệch rất lớn, móc nối với các đối tượng tại Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt 153.266.234.253 đồng tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh và móc nối với các đối tượng tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt 365.547.441.471 đồng tại Cục Thuế TPHCM.

Cơ quan chức năng xác định, từ 17/2/2017 đến 2/8/2019, Thuduc House ký khống 334 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa linh kiện điện tử cho 8 công ty ở nước ngoài, thu về gần 159 triệu USD (tương đương 3.650 tỷ đồng). Sau đó, Thuduc House lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP HCM đề nghị hoàn thuế GTGT hơn 365 tỷ đồng.

Hay trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế” tại Hà Tĩnh do đối tượng Hoàng Thị Hậu tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cầm đầu được đưa ra xét xử năm 2021 là một ví dụ điển hình về thủ đoạn mượn hàng hóa để lập khống hồ sơ xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Theo kết luật điều tra, Hậu đã lấy hàng mượn của tiểu thương để mở hàng trăm tờ khai hải quan khống ở ba cửa khẩu: Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), La Lay (Quảng Trị), tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu hơn 600 tỷ đồng. Sau đó sử dụng hồ sơ này để làm thủ tục hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu, sau 23 lần nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT cho các lô hàng trị giá hơn 600 tỷ đồng tới Cục Thuế Hà Tĩnh và được hoàn lại 10%, Hoàng Thị Hậu đã chiếm đoạt gần 60 tỷ đồng tiền hoàn thuế.

2. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế kê khai khấu trừ để chiếm đoạt tiền hoàn thuế bằng nhiều thủ đoạn tinh vi không kém như: nâng khống giá trị hàng hoá, tạo lập giao dịch giả mạo mua bán, giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng lòng vòng…  nhằm hợp thức hoá kê khai khống hồ sơ kê khai hoàn thuế.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. Trường hợp lũy kế sau ít nhất 12 tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc sau ít nhất 4 quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. (Điều 18, Thông tư 219/2013/TT-BTC). Lợi dụng quy định này, một số đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Điển hình như trường hợp chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Công ty Junma - Phú Thọ liên quan việc thu mua gỗ đã bị cơ quan quản lý bóc trần. Cơ quan chức năng xác định, giá trị hàng thực mà Công ty TNHH Thương Mại Tài Tiến bán cho Công ty Junma là 91,4 tỷ đồng, còn lại giá trị hàng hóa khống là 74,5 tỷ đồng đã được Công ty Junma sử dụng làm chứng từ kê khai khấu trừ và đề nghị hoàn thuế GTGT.

Hay như trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 29 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT tại Bình Định do Nguyễn Thành Vỹ chủ mưu, cầm đầu bị cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố điều tra hồi năm 2019 trước đó, cũng cho thấy thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng.

Theo đó, Vỹ dùng tiền mặt để mua sim, card điện thoại tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Viễn thông Linh San, trụ sở TP Đà Nẵng. Sau đó, ông Vỹ bán lại số sim, card trên với giá bằng hoặc thấp hơn nhằm xoay vòng nhanh nguồn vốn, nâng doanh số bán hàng lên cao để lấy hóa đơn.

Cơ quan chức năng xác định số hàng Vỹ mua thực tế chỉ có giá trị 55,9 tỉ đồng, thuế GTGT 5,5 tỉ đồng. Giá trị 245,3 tỉ đồng, thuế GTGT 24,5 tỉ đồng là do các đối tượng cấu kết nâng khống bằng thủ đoạn vẽ ra chứng từ, tài liệu mua bán khống, nâng khống giá trị hàng hóa tồn kho; để hợp thức hóa việc mua hàng khống Vỹ chuyển tiền nhiều lần qua ngân hàng cho Công ty Linh San, sau đó Công ty Linh San rút tiền mặt chuyển trả lại cho Vỹ…

3. Sử dụng các công ty “ma” để xuất khống hoặc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn GTGT – đây là thủ đoạn mà tất cả các đối tượng trong các vụ án đều sử dụng để hợp thức hoá thuế GTGT đầu vào làm cơ sở hoàn thuế.

Theo đó, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 538 tỉ đồng thuế GTGT của Nhà nước liên quan đến Thuduc House và Công ty Sài Gòn Tây Nam, Dũng và Lưu Thị Ngát (giám đốc Công ty Khánh Hưng) thành lập và sử dụng 16 công ty ma, xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế GTGT.

Ở vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế do Hoàng Thị Hậu cầm đầu, để được hoàn thuế số lượng hàng hóa mượn từ cá tiểu thương, Hoàng Thị Hậu đã thông qua Trần Thị Sâm để mua hơn 1.000 hóa đơn GTGT của 11 doanh nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, TP HCM... với chi phí 0,20-0,25% mỗi hóa đơn để hợp thức hàng hóa đầu vào…

Truy nguyên nhân

Mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, điều tra xử lý các hành vi phạm pháp luật về thuế. Song, tình trạng này không những không thuyên giảm mà còn gia tăng với quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Theo nhận định của chúng tôi, xảy ra tình trạng như trên một phần là do công tác quản lý thuế còn hạn chế. Đồng thời một phần cũng là do cơ chế, chính sách pháp luật về hoàn thuế còn nhiều lỗ hổng.

Điển hình như, các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi về thủ tục hải quan (kiểm tra thực tế theo mức độ rủi ro) để gian lận thương mại khi xuất khẩu hàng hóa như: Xuất khống hàng hóa; xuất ít hơn so với khai báo; xuất không đúng chủng loại so với khai báo (khai báo một loại, xuất một loại); xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa với trị giá cao bất thường; khai báo hàng có trị giá cao, xuất hàng có trị giá thấp; Khai báo sai tên hàng, mã số hàng hóa để lập khống hồ sơ mở tờ khai xuất khẩu, xác nhận thực xuất, sau đó doanh nghiệp làm việc với doanh nghiệp thành lập công ty để hoàn thuế GTGT. Lập khống hóa đơn, chứng từ, xuất khẩu hàng hóa ít nhưng khai nhiều để tăng số thuế GTGT được hoàn; quay vòng hàng hóa để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT…

chinh-sach-phap-luat-ve-hoan-thue-con-lo-hong-1664440830.png
Chính sách pháp luật về hoàn thuế còn  lỗ hổng.

 

Hay, theo Khoản 4 Điều 132 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính qui định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đối với tiền thuế GTGT được hoàn theo quy định tại khoản 2 Điều này, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai với cơ quan Thuế nơi quản lý doanh nghiệp về số tiền thuế GTGT đã được cơ quan Hải quan hoàn theo quy định của pháp luật. Sau khi ban hành quyết định hoàn thuế, cơ quan Hải quan cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế.

Tuy nhiên, việc thực hiện kê khai này dựa hoàn toàn vào ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, cơ chế thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan sau khi có quyết định hoàn thuế chưa thực sự có độ tin cậy cao, dễ thiếu sót, thất lạc. Điều này dẫn đến khả năng có không ít trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ tiền thuế đối với hàng hoá xuất khẩu rồi nhưng vẫn thực hiện quyền hoàn thuế GTGT tại cơ quan Hải quan.

Thứ hai, quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn cũng đang có lỗ hổng. Theo quy định trước 31/12/2014, hồ sơ khai thuế GTGT phải kèm theo Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào. Tuy nhiên, từ năm 2015, để đơn giản về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp thông lệ quốc tế, Luật số 71/2014/QH13 Luật Thuế sửa đổi đã bỏ quy định doanh nghiệp phải gửi Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào khi lập hồ sơ khai thuế GTGT. Lợi dụng việc này, các đối tượng tự kê những số liệu không có thật vào bảng kê để nộp tờ khai cho cơ quan thuế.

Thứ ba, theo Luật Doanh nghiệp, để đăng ký thành lập doanh nghiệp, các doanh nghiệp tự cung cấp thông tin về vốn, điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh… với thủ tục đơn giản. Lợi dụng điều này một số đối tượng đã nhờ người thân trong gia đình, thuê người hoặc sử dụng CMND/CCCD của người không quen biết đứng tên đại diện pháp luật thành lập công ty “ma” tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn GTGT...

Thứ tư, hiện nay chế tài đối với các hành vi phạm còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Điển hình, chế tài đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, theo quy định  tổ chức, cá nhân bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về khai hải quan chỉ là 40 triệu đồng. Đối với hành vi phạm quy định về khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì mức phạt cao nhất cũng chỉ bằng 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế… (Nghị định 128/2020/NĐ-CP).

Hay đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT, nếu xử phạt hành chính, theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 109/2013/NĐ-CP mức xử phạt chỉ từ 20 - 50 triệu đồng. Còn nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Điều 164 BLHS, cũng chỉ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất là 5 năm, kèm theo hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Việc này khiến các đối tượng “ nhờn luật”, vì lợi ích lớn nên chúng sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm. Thậm chí, nhiều đối tượng sau khi bị xử lý hình sự vẫn tái phạm.

Thứ năm, một điều nữa mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là, dù pháp luật về hoàn thuế còn nhiều lỗ hổng cần phải hoàn thiện nhưng các đối tượng sẽ khó thực hiện trót lọt một loạt những hành vi vi phạm nếu không có sự tiếp tay, thông đồng, móc ngoặc giữa một số cán bộ. Điều này được minh chứng trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 538 tỉ đồng thuế GTGT của Nhà nước liên quan đến Thuduc House và Công ty Sài Gòn Tây Nam. Theo đó, để các công ty "ma" được hoạt động, Ngát đã móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ chi cục thuế quận 1, quận 3 và quận 5 để các công ty "ma" hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

Hay như vụ án lừa đảo chiếm đoạt 29 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT tại Bình Định, cơ quan chức năng cũng kết luận, cán bộ Chi cục Thuế TP Quy Nhơn có dấu hiệu tiếp tay cho Công ty Tân Phát Đạt chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Kiến nghị

Thiết nghĩ, chính sách hoàn thuế GTGT của nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp có được dòng tiền, quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách khuyến khích của Nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra sự mất cân bằng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, biến tướng trong môi trường kinh doanh. Do đó, trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, ngăn ngừa tình trạng gian lận chiếm đoạt thuế GTGT chúng tôi cho rằng cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

1. Các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Đặc biệt, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Cùng với đó phải giám sát chặt chẽ việc thành lập các doanh nghiệp, ngăn chặn việc các đối tượng thành lập công ty ma chỉ để mua bán hoá đơn…

2. Cần khẩn trương rà soát bít các lỗ hổng trong chính sách về thuế và khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế.

3. Đặc biệt, các cục Thuế cần tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức cá nhân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ việc cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xử lý, cập nhật kết quả điều tra, nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm điều tra kết luận, kiến nghị khởi tố xử lý theo đúng quy định của pháp luật và cập nhật kết quả xử lý kịp thời. Ban hành, sửa đổi các văn bản phối hợp để phù hợp với quy định hiện hành.

Đồng thời tăng cường phối hợp với ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng, giao dịch đáng ngờ; tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan để kịp thời trao đổi và cung cấp thông tin về việc ban hành quy chế trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế như: xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu, kiểm tra đột xuất các lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoàn thuế,...

4. Và một giải pháp cũng rất quan trọng - cần phải tăng chế tài phạt tù đối với hành vi gian lận hoàn thuế, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thành lập doanh nghiệp, hoạt động mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT, khai gian, khai khống trong xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm gian lận chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

  • Tags: