Nhìn lại những vụ bỏ rơi học sinh trên xe: Đưa dịch vụ đưa đón vào Luật Giao thông là cần thiết

Dư luận hiện đang xót xa trước thông tin về vụ việc trẻ mầm non ở Thái Bình tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón xảy ra vào ngày 29/5. Trước đó cũng đã có rất nhiều trường hợp đau lòng trên xe đưa đón học sinh ở nhiều địa phương. Bộ GD&ĐT cũng đã có những động thái nhằm khắc phục tình trạng "nhốn nháo" này.

Nhiều vụ bỏ rơi học sinh thương tâm ở nhiều địa phương

Tháng 5/2024 - Vụ việc ở trường mầm non Hồng Nhung, TP.Thái Bình: Sự việc xảy ra tối 29/5 tại cơ sở 2 của trường mầm non Hồng Nhung. Một học sinh 5 tuổi bị bỏ quên trong ô tô đưa đón của trường, sau khi gia đình đến đón con nhưng không thấy. Khi được phát hiện, cháu bé đã không qua khỏi. 

Vụ trẻ mầm non chết do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình đang gây xôn xao dư luận. Ảnh: Mạng xã hội 

Ngay trong tối ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an TP.Thái Bình khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật. 

Tháng 8/2019 - Vụ việc ở trường Gateway, Hà Nội: Sự việc xảy ra vào sáng 6/8/2019, khi một học sinh lớp 1 của trường Gateway tử vong sau khi bị bỏ quên trên ô tô đưa đón. Cụ thể, vào ngày xảy ra vụ việc, ông Doãn Quý Phiến lái ô tô cùng bà Nguyễn Bích Quy đi đón 13 học sinh, nhưng sau khi trả trẻ, cả hai không kiểm tra lần cuối nên không biết cháu L. vẫn ở trong xe. Tại lớp học, giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy cũng không ghi sĩ số lên bảng và không cập nhật vào hệ thống của nhà trường. Chiều cùng ngày, cháu L. được phát hiện bỏ quên trong ô tô và đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Tháng 9/2019 - Vụ việc ở Bắc Ninh: Vào ngày 13/9/2019, một cháu bé 3 tuổi học tại cơ sở mầm non Đồ Rê Mí ở Tiên Du, Bắc Ninh bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. May mắn, do tài xế mở cửa kính ở ghế lái và đỗ xe dưới bóng cây nên cháu bé thoát nạn. Cháu được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốc nhiệt, hoảng loạn, sốt, hạ đường huyết, mất nước. Nguyên nhân là do tài xế (cũng là chồng của chủ cơ sở) đã để quên cháu trên ô tô. Sau sự việc, cơ sở giáo dục này đã bị đóng cửa.

Tháng 9/2020 - Vụ việc ở trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội:  Do cô giáo phụ trách xe và tài xế chủ quan, bỏ qua việc đi xuống cuối xe để kiểm tra, nên đã quên mất một học sinh lớp 3 của trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trên xe đưa đón. May mắn, em học sinh tự mở cửa xe và vào lớp bình thường, trước khi nhà trường phát hiện ra sự việc.

Tháng 6/2020 - Vụ việc ở trường tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội: Một học sinh lớp 4 trường tiểu học Nam Từ Liêm cũng bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh. May mắn, cháu bé tỉnh dậy, đập cửa xe và nhờ người dân trợ giúp đưa ra ngoài.

Bộ GD&ĐT đề xuất đưa quy định đưa - đón học sinh bằng ô tô vào Luật Giao thông đường bộ

Trước tình trạng nhiều vụ việc học sinh bị bỏ quên, thậm chí tử vong trên xe đưa đón ở các địa phương, vào tháng 5/2020, Bộ  GD&ĐT đã có công văn đề nghị Bộ GTVT về việc đưa dịch vụ này vào Luật Giao thông đường bộ.

Theo Bộ GD&ĐT, để khắc phục các bất cập và đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón, Bộ đề xuất đưa một số quy định về hoạt động này vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét vận chuyển HS là một loại hình vận tải đặc biệt, với các quy định chặt chẽ hơn để tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các bên liên quan (đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý HS...). Các tổ chức, cá nhân tham gia phải được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần bố trí điểm dừng đỗ phù hợp để đón và trả HS một cách an toàn. Cần có hướng dẫn tổ chức giao thông phục vụ xe buýt trường học, bao gồm quy định về đường đi bộ, vỉa hè, biển báo, kẻ đường, thềm dốc... và yêu cầu thường xuyên giám sát, bảo trì.

Bộ GD&ĐT cũng cho rằng cần thiết ban hành quy tắc giao thông liên quan đến xe buýt trường học, như tốc độ, nhường đường và các nguyên tắc khi vượt. Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn riêng đối với xe buýt học đường để đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh, vì trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét việc vận chuyển học sinh như một loại hình vận tải đặc biệt, cần có các quy định chặt chẽ hơn để tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các bên liên quan như đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý học sinh. Cùng với đó,  các tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ dịch vụ này phải có quy định trách nhiệm cụ thể và được tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề.

Các chuyên gia trong ngành giáo dục và giao thông vận tải đều nhận định, việc đưa dịch vụ đưa đón học sinh vào Luật Giao thông là cần thiết để tăng cường trách nhiệm và nâng cao an toàn cho các em trong quá trình di chuyển tới trường.

Phan Tùng Anh

  • Tags: