Những chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 3 năm đại dịch COVID-19 (3/2020-5/2023)

Mục đích của Việt Nam cũng như các quốc gia trên toàn thế giới là thích ứng với bối cảnh chung của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho đất nước, người dân và góp phần vào cuộc chiến chống dịch của nhân loại.

1. Bối cảnh của Việt Nam trong 3 năm đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã đe doạ trực tiếp đến tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đồng thời cũng tác động nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực phát triển xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự lây lan và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tác động nghiêm trọng đến những thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa,... của Việt Nam, đồng thời buộc Việt Nam phải tiến hành những cải cách, điều chỉnh chính sách trong các lĩnh vực này. Mục đích của Việt Nam cũng như các quốc gia trên toàn thế giới là thích ứng với bối cảnh chung của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho đất nước, người dân và góp phần vào cuộc chiến chống dịch của nhân loại.

Về mặt chính trị - xã hội:

Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, sự an toàn tính mạng của người dân và sự phát triển ổn định của quốc gia bị đe dọa. Do đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những quyết sách tương ứng, cả về đối nội và đối ngoại. Đồng thời, toàn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã thành lập mặt trận chống dịch thống nhất, lấy phòng chống dịch là phương pháp cơ bản và phấn đấu đẩy lùi dịch bệnh càng sớm càng tốt.

Đảm bảo an toàn tính mạng người dân và thực hiện hàng loạt chính sách phòng chống và cách ly. Kiểm soát dịch bệnh trở thành nhiệm vụ cơ bản trong cuộc chiến chống dịch của Việt Nam. Ở những giai đoạn lây lan khác nhau và dựa vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra và triển khai những đường lối, chính sách khác nhau sao cho phù hợp.

Trong giai đoạn đầu bùng phát, trước hết Việt Nam kiên quyết kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ngay từ truy vết các trường hợp mang vi rút đầu tiên được phát hiện và liên tục nắm bắt tình hình thực tế. Việt Nam đã nỗ lực thực hiện phương châm “Phòng dịch sớm - Phát hiện kịp thời - Cách ly triệt để”[2] nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch và tìm giải pháp tận gốc rễ từ dịch COVID-19. Khi dịch bệnh bùng phát ở một số nơi, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, chế phẩm sinh học... để kịp thời kiểm soát đại dịch. Để chuẩn bị đầy đủ cho việc tiếp nhận và cách ly các bệnh nhân được xác nhận, ngày 26/5/21, Việt Nam bắt đầu triển khai phương châm “bốn tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ [1], nhằm thực hiện điều trị cách ly tại chỗ, sử dụng thiết bị và thuốc hiện có, sử dụng kinh phí của địa phương và huy động các lực lượng địa phương để cải thiện khả năng sơ cứu, điều trị và phục hồi cho bệnh nhân COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Việt Nam đã tập trung nguồn lực trên cả nước để kiểm soát và phòng chống dịch bệnh tại các vùng có ổ dịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở y tế địa phương để thực hiện khử trùng, cách ly, xét nghiệm và điều trị. Các vật tư y tế và sinh hoạt cơ bản, bao gồm phòng cách ly và cơ sở hạ tầng khác cũng được xây dựng và tích hợp chuyên sâu. Đồng thời, đối với những nơi dịch bệnh chưa bùng phát, Chính phủ Việt Nam yêu cầu các địa phương phối hợp với chính phủ và các lực lượng liên quan tiến hành phát hiện, điều tra dịch, nắm bắt kịp thời diễn biến thực tế tình hình dịch tại các địa phương; đồng thời, yêu cầu các địa phương tạm dừng các hoạt động tập trung, dịch vụ không thiết yếu; và đề nghị người dân cố gắng hết sức “không ra ngoài trừ khi cần thiết, không ra khỏi nước nếu không cần thiết”. Các ban ngành liên quan phải thực hiện nghiêm túc chính sách kiểm dịch ra vào, có yêu cầu xét nghiệm axit uric nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ không được “mở cửa”.

Giữa thời điểm dịch bệnh, Việt Nam triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đối phó với sự lây lan của dịch và bản thân virus. Với hiểu biết cơ bản về bản chất và mô hình của virus Corona mới cũng như cập nhật theo thời gian thực về tình hình dịch bệnh trong nước, Việt Nam sử dụng công nghệ kỹ thuật số để phát hiện và theo dõi những người có khả năng nhiễm bệnh, đồng thời thực hiện trước các biện pháp cách ly và bảo vệ họ, từ đó có thể thực hiện hiệu quả kiểm soát dịch bệnh lây lan rộng; và triển khai các loại thuốc thử tự xét nghiệm virus Corona mới, khuyến khích người dân tự xét nghiệm và có ý thức tiến hành cách ly và phòng ngừa; kịp thời triển khai các kho bảo quản vắc xin và huy động hàng nghìn phương tiện vận chuyển vắc xin đến nhiều nơi nhằm đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược tiêm chủng quốc gia, giúp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân.

Trong giai đoạn sau của dịch bệnh, Việt Nam chủ trương khôi phục một số khu vực bị dịch bệnh tàn phá. Việt Nam tổng cộng trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh. Thành công chung của chiến lược vắc xin đã đưa Việt Nam trở thành “một hình mẫu” trong cuộc chiến chống dịch quốc tế, vì có thể kiểm soát được sự lây lan liên tục của dịch bệnh trong thời gian ngắn và bảo vệ được lợi ích của cộng đồng và sức khỏe người dân Việt Nam một cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên, dịch bệnh trong nước vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn tồn tại. Vì vậy, ở giai đoạn này, Việt Nam bám sát kế hoạch “sống chung lâu dài với dịch bệnh” với yêu cầu “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả”[3]. Việt Nam đã từng bước khôi phục quan hệ chính trị đối ngoại thông thường; khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bằng hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; mở cửa các địa điểm công cộng và nối lại một số chuyến bay ra nước ngoài, nỗ lực hết sức để khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân.

Về mặt kinh tế và thương mại:

Dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, thương mại cơ bản tại Việt Nam. Các hoạt động mua bán trong nước tại Việt Nam tạm thời bị dừng lại, các không gian công cộng, cửa hàng không thiết yếu đều đóng cửa. Hoạt động thương mại trong nước và quốc tế giảm sút đã dẫn đến sự suy giảm lưu thông kinh tế của Việt Nam và sức sống kinh tế trong nước thấp. Hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy sản xuất cũng bị chậm lại, thậm chí đình trệ, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế của người lao động mà còn cả tốc độ phát triển kinh tế thương mại của quốc gia. Đồng thời, hầu hết các công ty nhỏ lẻ bị đình chỉ thương mại cũng dẫn đến phá sản và rút lui khỏi thị trường, cũng làm giảm sự phát triển của toàn bộ thị trường kinh tế Việt Nam. Ngoài các công ty và doanh nghiệp thương mại bị tác động, sự lây lan của dịch bệnh cũng khiến tình hình của chuỗi thương mại không khả quan. Chuỗi cung ứng từ thương mại đến các cấp độ thấp hơn như ngành vận tải và buôn bán cũng bị ảnh hưởng lớn. Sự phát triển của hoạt động thương mại bị cắt đứt, không thể tạo thêm động lực mới cho hoạt động thương mại.

Nhờ vị trí địa lý độc đáo và tài nguyên du lịch phong phú, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Khi thế giới nỗ lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam vốn luôn phát triển ổn định và có triển vọng phát triển tốt cũng bị ảnh hưởng. Trong thời kỳ dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam về cơ bản bế tắc, chưa thể đóng góp sức mạnh mới vào cơ cấu kinh tế quốc gia.

Dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng bên ngoài của Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cũng là điều kiện, yếu tố cần thiết cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam kể từ thế kỷ XXI. Ngược lại, chúng cũng khiến nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Nhìn chung, Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu điển hình, trong đó ngoại thương và đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn. Khi dịch bệnh tàn phá thế giới đã cắt đứt dòng chảy ngoại thương của Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng và hoạt động xuất nhập khẩu thông thường. Hơn nữa, với tư cách là cơ sở sản xuất quan trọng toàn cầu, sự lây lan của dịch bệnh tại Việt Nam cũng đã giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng của một số quốc gia trên thế giới. Ví dụ, dịch bệnh đã tác động tiêu cực nhất định đến hợp tác kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Đồng thời, trong bối cảnh đó, kinh tế toàn cầu đi xuống, nhu cầu thị trường ì ạch, cung hàng hóa xuất nhập khẩu ở Việt Nam vượt cầu cũng là khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Việc Việt Nam điều chỉnh cơ cấu, chính sách kinh tế như thế nào để phát huy sức sống của nền kinh tế trong nước và sự phục hồi, phát triển của ngoại thương trước những tác động bất lợi của tình hình, bối cảnh mới cũng là những yếu tố mà doanh nghiệp trong nước và nước ngoài luôn quan tâm.

2. Sơ lược các chính sách lớn trong nước nhằm kiểm soát dịch bệnh

Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn Đảng, toàn quốc và toàn dân, thành lập mặt trận đoàn kết chống dịch. Tinh thần đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước là những đức tính truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, Việt Nam đã nhấn mạnh việc đặt an toàn, sức khỏe của người dân là lợi ích cơ bản, hàng đầu. Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng, cùng suy nghĩ, hành động thống nhất, kiên quyết thực hiện có hiệu quả, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Dưới ngọn cờ tinh thần “đại đoàn kết”, Việt Nam đã thành lập một mặt trận thống nhất chống dịch và đạt được mục tiêu chiến lược là cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Theo đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước triển khai các chính sách và hành động cụ thể để phòng chống dịch bệnh một cách hệ thống và hiệu quả. Người dân đồng lòng thực hiện hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh do Chính phủ công bố, tuân thủ 5K và cố gắng không gây rắc rối cho đất nước. Một số nhân viên có hiểu biết về y tế đã chủ động đến các vùng chống dịch tuyến đầu, góp phần chống dịch trong nước hiệu quả ở Việt Nam.

Lòng yêu nhân dân của Nhà nước Việt Nam còn thể hiện ở việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước an toàn. Các cơ quan liên quan của Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều chuyến bay đặc biệt để đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước, đồng thời áp dụng chính sách cách ly thống nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ một số người Việt ở những nước nghèo thông qua quyên góp, cung cấp cho họ một số lượng lớn khẩu trang, quần áo bảo hộ, thiết bị y tế, thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày. Các chính sách này thể hiện trọn vẹn tinh thần nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Người Việt ở nước ngoài cũng sát cánh cùng người dân trong nước và tích cực giúp Việt Nam chống dịch. Họ không chỉ quyên góp mà còn tặng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho đất nước; hợp tác với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chiến lược ngoại giao vắc xin và vận động cung cấp vắc xin, vật tư y tế cho Việt Nam; thậm chí còn tự nguyện trở về Việt Nam để cống hiến cho công tác chống dịch của Việt Nam. Trong giai đoạn sau của dịch bệnh, người Việt Nam ở nước ngoài cũng có những đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là về kinh tế. Số lượng doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước thành lập ngày càng tăng, điều này đã đóng góp sức sống cho nền kinh tế thị trường đang gặp khó khăn và thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế trong nước. Trong xu thế cách mạng công nghiệp mới, một số trí thức, chuyên gia Việt kiều thường xuyên quay trở về Việt Nam; và tích cực hợp tác với một số viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan liên quan trong nước, đưa ra ý kiến kịp thời, thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam[5].

Trong bối cảnh những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nhiều, tinh thần “đại đoàn kết”, ứng phó linh hoạt và chiến lược vắc xin của Việt Nam cũng góp phần giúp Việt Nam chống dịch thành công và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Quỹ vaccine phòng COVID-19 được Thủ tướng ký thành lập vào ngày 31/5/2021 nhằm huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp của xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước, phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước[6]. Việc thành lập cơ chế này cũng thể hiện đầy đủ sự đại đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ doanh nghiệp đến các cá nhân tự do, từ ban ngành đến người dân đều cùng nỗ lực đóng góp công sức của mình cho cuộc chiến chống dịch. Tinh thần “có tiền thì góp tiền, có sức thì góp sức” và “đại đoàn kết” toàn dân tộc đã thúc đẩy Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh thành công, chứng minh tính đúng đắn của việc phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn Đảng, toàn quốc và toàn dân để thành lập mặt trận đoàn kết chống dịch.

Điều chỉnh cơ cấu kinh tế để khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt, nhằm bảo vệ sự an toàn cho người dân và chống dịch, Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp cách ly, phòng chống dịch bệnh. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm phải thực hiện cách ly xã hội kéo dài, dẫn đến giảm tốc độ phát triển kinh tế. Bên cạnh công tác chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam còn bắt buộc phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Một là, tích cực phát huy sức sống kinh tế trong nước. Môi trường kinh tế suy thoái và tình trạng thất nghiệp của người lao động đã khiến nền kinh tế trong nước của Việt Nam chịu áp lực rất lớn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất phù hợp, hạ lãi suất cho vay tương đối; đồng thời, trợ giúp xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và có chính sách hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phục hồi kinh tế trong nước từ góc độ quốc gia.

Hai là tối ưu hóa việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Nhu cầu toàn cầu sụt giảm tương ứng cũng chứng tỏ nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam “không thực sự cần thiết” trong giai đoạn ngắn hạn này. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Việt Nam tập trung đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu kinh tế, khai thác nhiều hơn nữa lợi thế, tiềm năng của Việt Nam. Qua đó tối ưu hóa chuỗi công nghiệp trong nước và đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời thúc đẩy cải thiện cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam.

Ba là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy phát triển “kinh tế số” và cải thiện môi trường thể chế. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các khu vực trên thế giới đều chao đảo, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ để kết nối với nhau. Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thế giới ở một mức độ nào đó. Việt Nam cũng đã nắm bắt được cơ hội, thích ứng với thời đại và hiểu rõ tầm quan trọng của việc cải cách, chuyển đổi số và phát triển nền “kinh tế số”.

Thi hành các chính sách an sinh xã hội “trọn gói” hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong khi tập trung phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh phải nỗ lực khôi phục cuộc sống bình thường của người dân và hỗ trợ những người gặp khó khăn trong xã hội. Trong lĩnh vực phục hồi kinh tế, Việt Nam đã can thiệp phù hợp vào nền kinh tế thị trường bằng các biện pháp như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lãi suất phù hợp, giảm lãi suất cho vay tương đối; đồng thời hỗ trợ xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; các chính sách hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, thúc đẩy phát triển trong nước.

Về các vấn đề dân sinh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Cần huy động mọi nguồn lực và thực hiện mọi biện pháp để giúp đỡ những đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để không ai rơi vào cảnh đói ăn"[4]. Vì vậy, Việt Nam đã đưa ra gói giải pháp, chính sách an sinh xã hội mang lại lợi ích cho người dân, xác định 6 nhóm đối tượng được hưởng lợi từ nguồn vốn ngân sách trung ương và một nhóm đối tượng được doanh nghiệp hỗ trợ thông qua các khoản vay không lãi suất. Rõ ràng là các khoản trợ cấp thực tế được sử dụng để cải thiện vấn đề sinh sống của người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cố gắng giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách này của các cơ quan liên quan để đảm bảo thực sự có thể cải thiện sinh kế của người dân, phát huy khả năng giám sát và làm việc của các cơ quan liên quan, đồng thời cải thiện hiệu quả của việc ban hành chính sách từ cấp trên và việc thực thi của cấp dưới trong hệ thống hành pháp Việt Nam.

3. Một số chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn đại dịch

Để ứng phó với dịch bệnh, Việt Nam đã bám sát các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của đối ngoại và điều chỉnh các nhiệm vụ, chiến lược tương ứng. Việt Nam vẫn kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân để thực hiện hàng loạt giải pháp phòng chống dịch bệnh. Trọng tâm của công việc đối ngoại chủ yếu là tăng cường trao đổi với các nước khác về kinh nghiệm chống dịch và hỗ trợ quốc tế liên quan đến trang thiết bị y tế và quyên góp.

Tăng cường trao đổi với các nước khác về kinh nghiệm chống dịch. Việt Nam tăng cường trao đổi, hợp tác với các nước trong các giai đoạn lây lan của dịch. Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều thường xuyên trao đổi điện thoại với các đối tác trên thế giới về kinh nghiệm phòng chống dịch. Việt Nam đã chủ động tiếp xúc và trao đổi với các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống như Hoa Kỳ, Lào, Campuchia, Thụy Điển, Ấn Độ..., thể hiện tinh thần “đại đoàn kết” quốc tế. Tinh thần thân thiện, chủ động chia sẻ các biện pháp phòng, chống hiệu quả của Việt Nam đã nhận được sự nhất trí đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời Việt Nam cũng góp phần vào sự nghiệp chống dịch của thế giới.

Việt Nam củng cố quan hệ đối ngoại song phương thông qua các công tác đối ngoại nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Việt Nam đã thúc đẩy trao đổi và hợp tác kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh có liên quan thông qua trao đổi qua điện thoại và hội nghị trực tuyến với nhiều quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Cuba, v.v. và đã đạt được một loạt kết quả tích cực, được các nước có quan hệ song phương đánh giá cao. Đặc biệt là Cuba, một nước có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, sâu sắc với Việt Nam. Hai nước đã giúp đỡ nhau trong nhiều lúc khó khăn. Trong bối cảnh COVID-19, hai nước đã nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm điều trị dịch bệnh, trao đổi thông tin thông qua hội nghị trực tuyến và các phương pháp khác, và hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị và nguồn lực y tế. Ngoài ra, Việt Nam và Cuba đã tìm được phương thức hợp tác mới: cùng nghiên cứu bộ kít test nhanh COVID-19, vắc-xin và thuốc kháng virus.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đề ra chính sách tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối ngoại đa phương, đa dạng, nhằm phát huy sự đoàn kết giữa các khu vực, tổ chức và bày tỏ quyết tâm tham gia tích cực vào cuộc chiến chống dịch chung. Các cơ quan đối ngoại của Việt Nam tích cực tham gia sự nghiệp và nỗ lực chống dịch trong khu vực ASEAN. Tinh thần đoàn kết trong khu vực đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) năm 2020 nhằm chống lại dịch bệnh COVID-19[10], Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, đã tổ chức hội nghị trực tuyến này. Thời điểm đó, Việt Nam ủng hộ trao đổi, hợp tác giữa các nước trên thế giới, tích cực tham gia vào sự nghiệp phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.

Hỗ trợ quốc tế liên quan đến trang thiết bị y tế và quyên góp. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chia sẻ, những nước mà Chính phủ Việt Nam quyết định hỗ trợ lần này là những người bạn truyền thống của Việt Nam, đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ quý báu trong những giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước trước đây và phát triển, hội nhập hiện nay[11]. Dựa trên tư tưởng đối ngoại “hoà bình, hợp tác” lâu dài và tinh thần yêu thương và đoàn kết, Việt Nam đã nỗ lực hết mình để chống dịch cho nhân loại, đồng thời đảm bảo đủ nguồn lực và thiết bị phòng chống dịch bệnh trong nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ các nước và đưa nhiều người nước ngoài ở Việt Nam về nước an toàn. Điều này không chỉ củng cố quan hệ hữu nghị với các nước mà còn thể hiện đầy đủ tinh thần nhân đạo, nhân văn. Vừa đảm bảo công cuộc chống dịch trong nước, Việt Nam vừa không tiếc công sức hỗ trợ vật chất cho các nước bạn bè: tặng vật tư, thiết bị y tế, máy thở, đồng phục kháng khuẩn y tế, găng tay và khẩu trang cho Chính phủ và người dân Trung Quốc. Sau đó, bên Trung Quốc cũng tích cực đáp lại thiện chí của bên Việt Nam, điều này thể hiện đầy đủ tình hữu nghị truyền thống “đồng chí, anh em” giữa hai bên; Việt Nam cũng tặng trang thiết bị y tế cho Lào, Campuchia và một số nước châu Phi; cũng chia sẻ nguồn lực hiện có ở Việt Nam với Nhật Bản, Nga, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và các nước khác, chủ yếu là khẩu trang kháng khuẩn và áo liền quần Dupont... Nhiều biện pháp hỗ trợ hữu nghị quốc tế khác nhau phản ánh sự tham gia tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch và tinh thần đoàn kết quốc tế.

Đặc biệt đối với Cuba, trong việc phòng chống dịch bệnh, Việt Nam chủ động chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh của mình, tăng cường trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa hai nước; đồng thời thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế của hai nước. Cuba cũng đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực y học và công nghệ sinh học, nhằm triển khai hiệu quả hợp tác, trao đổi song phương trong công tác chống dịch. Tình hữu nghị, giúp đỡ và hợp tác giữa hai bên một lần nữa đã phản ánh tình hữu nghị truyền thống và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước; đồng thời chứng minh tính đúng đắn trong việc đa dạng hoá quan hệ đối ngoại song phương của Việt Nam.

Triển khai ngoại giao y tế và ngoại giao vaccine trong thời kỳ mới. Cuộc chiến chống dịch của Việt Nam không thể tách rời việc thành lập mặt trận đoàn kết trong nước, cũng không thể tách rời những thuận lợi do sự hỗ trợ quốc tế và công tác đối ngoại mang lại. Khi dịch bệnh tiếp tục lây lan, Việt Nam đã lên kế hoạch “sống chung với dịch” và áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh trong thời kỳ mới. Thời điểm đó, Việt Nam đã sáng tạo ra chính sách ngoại giao mới trong một bối cảnh đặc biệt: ngoại giao y tế và ngoại giao vaccine.

Ngoại giao y tế của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu nhằm mục đích chuyển đổi trang thiết bị, nguồn lực y tế và thúc đẩy trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực y tế để đạt được thành công lớn cho sự nghiệp chống dịch của Việt Nam và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch và cải thiện sự mất cân bằng nguồn lực y tế của Việt Nam và quốc tế, Việt Nam đã tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực y tế liên quan với một số nước bạn và các tổ chức hợp tác khu vực. Nó không chỉ là việc hỗ trợ các nguồn lực y tế liên quan, chẳng hạn như nước rửa tay, thuốc xịt khử trùng, nước súc miệng, quần áo bảo hộ và khẩu trang kháng khuẩn, mà còn bao gồm việc phát triển và hỗ trợ công nghệ y tế, chẳng hạn như việc sản xuất và cải tiến các thiết bị, dược phẩm sinh học. Những hỗ trợ quốc tế còn bao gồm việc kết hợp với kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng các công nghệ liên quan trong lĩnh vực y tế như: robot khử trùng, xe tiêu tẩy độc ARS 14...

Công tác đối ngoại y tế của Việt Nam vẫn kiên trì hợp tác đa dạng cả song phương và đa phương. Trong giai đoạn đó, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, hỗ trợ nguồn lực y tế hoặc viện trợ quyên góp với nhiều nước trên thế giới: Cuba đã cử đội ngũ y tế có kinh nghiệm chống dịch phong phú tới Việt Nam, hai nước cố gắng giúp đỡ nhau để vượt qua dịch bệnh; Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh, hai nước cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 gắn với lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế và củng cố hợp tác song phương trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19[12]. Về hợp tác đa phương, Việt Nam chủ trương thiết lập một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng[13]”, và tích cực thúc đẩy trao đổi, hợp tác, cung cấp vật tư y tế và chia sẻ kinh nghiệm chống dịch giữa các nước trong ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với WHO, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực: giám sát và đánh giá rủi ro; giải pháp y tế công cộng; quản lý phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm. Chính nhờ sự trao đổi, hợp tác quốc tế linh hoạt và hiệu quả của mình mà Việt Nam được toàn cầu công nhận là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong ứng phó với dịch COVID-19. Điều này cũng chứng minh rằng công tác đối ngoại của Việt Nam đã đạt được thành công lớn nhất trong thời kỳ đại dịch.

Trong khi cùng cộng đồng quốc tế tích cực ứng phó với dịch bệnh, Việt Nam tin tưởng rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chiến lược vắc xin cũng trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan toàn cầu, số lượng và chủng loại vaccine không có đủ cho số người bị nhiễm vi rút, cũng như việc phân bổ vắc xin chưa đồng đều, chỗ thừa chỗ thiếu. Ngoại giao vắc xin là một phần quan trọng của ngoại giao y tế, ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Ngày 13/8/2021, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, nhiệm vụ chính là kêu gọi, vận động viện trợ vaccine và thuốc, chuyển giao công nghệ chống dịch bệnh từ các đối tác song phương và đa phương[14].

Việt Nam đã kết hợp ngoại giao vaccine với quan hệ song phương và đa phương để làm sâu sắc thêm sự phát triển của quan hệ hữu nghị và giải quyết các vấn đề thực tế của dịch bệnh. Việt Nam tận dụng các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua cơ chế COVAX, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Đồng thời, cũng phát huy tinh thần “đại đoàn kết” dân tộc và kêu gọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước quyên góp cho các quỹ vắc xin để hỗ trợ nghiên cứu và mua vắc xin. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiếp cận được vắc xin, thuốc men và các nguồn lực y tế một cách hiệu quả và kịp thời nhất thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine của Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật, thành công này chủ yếu đến từ sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế. Sự hỗ trợ này là thành quả của việc Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, thành công này cũng dựa vào tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam. Chủ trương và chính sách ngoại giao y tế - vaccine của Việt Nam đã góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong nước; ngoài ra, Việt Nam cũng thể hiện được tinh thần trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế. Ở góc độ khác, Việt Nam đã tận dụng tác động của dịch COVID-19 để linh hoạt đổi mới chính sách đối ngoại, và mở rộng hơn nữa phạm vi hợp tác đối ngoại của Việt Nam.

4. Một số thành tựu và hạn chế về đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn đại dịch COVID-19

Thành tựu:

Nhìn chung, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, sự linh hoạt và những thay đổi sáng tạo trong chính sách và quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã được chứng minh; một số kinh nghiệm chống dịch và tinh thần thân thiện của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau và phong cách đặc sắc, hàng loạt chính sách hỗ trợ và hợp tác với nước ngoài của Việt Nam đã làm cho hình ảnh trách nhiệm quốc tế của Việt Nam ngày càng ổn định và tin cậy hơn. Ngoại giao y tế và ngoại giao vaccine trong bối cảnh đặc biệt cũng tạo điều kiện để Việt Nam chống dịch một cách hiệu quả. Đồng thời, Việt Nam đã phát huy tinh thần đại đoàn kết và tham gia tích cực vào sự nghiệp chống dịch của quốc tế. Tất cả thành quả đều thể hiện sự kết hợp linh hoạt và mạnh mẽ của của đường lối đối ngoại cây tre Việt Nam.

Hạn chế:

Về chính trị-ngoại giao, Việt Nam liên tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm dịch bệnh, và trao đổi công nghệ vắc xin với các nước nhưng vai trò còn hạn chế. Phạm vi và chiều sâu hợp tác trong dịch bệnh COVID-19 chưa đủ rõ ràng. Về đối ngoại quốc phòng-an ninh, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và số hóa do dịch bệnh đã dẫn đến sự lan rộng mạnh mẽ của các lực lượng mạng trên toàn thế giới, và Việt Nam cần có đội ngũ chuyên nghiệp có trình độ cao hơn để đối phó với nhiều tình huống gây nguy hiểm cho an ninh của đất nước và người dân. Về đối ngoại văn hoá, trong thời kỳ dịch bệnh, tầm quan trọng của các hoạt động này của Việt Nam đã bị bỏ qua ở một mức độ nhất định, phạm vi và chiều sâu của việc quảng bá văn hóa đặc trưng cũng chưa đầy đủ. Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đã mang lại hàng loạt tác động bất lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó có đối ngoại chính trị, đối ngoại an ninh và đối ngoại văn hóa. Ở giai đoạn này, một số biện pháp linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả mà Việt Nam thực hiện chỉ mang tính tạm thời, làm thế nào để chuyển đổi tạm thời thành phát triển lâu dài và hiệu quả cũng là một bước ngoặt trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Cử nhân. WANG GUO QING (Vương Quốc Khánh)

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Tài liệu tham khảo

...
  • Tags: