Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977) đến nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động phê chuẩn, gia nhập hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người. So với nhiều nước trên thế giới và khu vực, kể cả các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các điều ước quốc tế về quyền con người. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.
Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế, Việt Nam đã chủ động đề xuất Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nhiều nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền của các nhóm yếu thế như quyền trẻ em, quyền phụ nữ hay quyền cho các nhóm yếu thế về sức khỏe, quyền có lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu...
Việt Nam cũng tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Hoa Kỳ, Úc, Thụy Sỹ, EU... nhằm trao đổi quan điểm, kinh nghiệm, hướng tới sự tôn trọng, hiểu biết, hợp tác nâng cao hơn sự thụ hưởng quyền của người dân ở mỗi quốc gia.
Các điều ước quốc tế nói chung và về quyền con người nói riêng mà Việt Nam là thành viên, đều được cam kết thực hiện, coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước và được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013: “Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (Điều 12) và Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (Điều 6), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Điều 156): “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.
Điều này, cũng được bà Pauline Tamesis (Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam) ghi nhận: “Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người” thể hiện trong bài viết “Nhân phẩm, tự do và công lý cho tất cả”. Điều đó đã chứng minh, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, không ai có thể phủ nhận điều này.
Việt Nam đã chủ động, tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người
Trong lời nói đầu của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 nêu rõ: “Điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền”.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định bản chất quyền lực của Nhà nước Việt Nam là: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân… Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 1, Điều 2, Điều 3).
Quyền con người, quyền công dân được ghi nhận từ rất sớm, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và tiếp tục được kế thừa, phát triển trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã dành trọn một chương với 36 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và là chương có số điều quy định nhiều nhất trong bản Hiến pháp. Cùng với đó là các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đây cũng chính là sự khẳng định cam kết của Việt Nam trước Nhân dân, trước cộng đồng quốc tế và quan trọng hơn là cam kết của chế độ, phản ánh bản chất của chế độ trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, ghi nhận, đánh giá cao
Việt Nam nhận được tín nhiệm cao, nhiều lần trúng cử vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Hai lần trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009, trúng cử với số phiếu ủng hộ 183/192 phiếu và nhiệm kỳ 2020 – 2021, trúng cử với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu). Hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, lần đầu (nhiệm kỳ 2014 - 2016, trúng cử với số phiếu 184/193, cao nhất trong số 14 nước trúng cử) và lần thứ hai (nhiệm kỳ 2023 – 2025, trúng cử với số phiếu 145/189) thể hiện sự tín nhiệm, coi trọng của các quốc gia đối với Việt Nam về những nỗ lực thúc đẩy, bảo đảm quyền con người không chỉ ở trong nước mà trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam cử lực lượng tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; cũng như việc Việt Nam được Hoa Kỳ và Triều Tiên tin cậy chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Qua đó, chứng minh sự chủ động đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới. Những đóng góp tích cực của Việt Nam được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ghi nhận: "Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới".
Quyền làm chủ của người dân Việt Nam còn được thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực, nhiều mặt, đặc biệt là quyền bầu cử và ứng cử. Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã cho thấy điều này. Theo số liệu thống kê được công bố chính thức, cả nước có 69.523.133 cử tri, trong đó số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.604 người (đạt tỷ lệ 99,60% cử tri đi bầu). Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử lần này rất cao, hơn 0,25% so với nhiệm kỳ trước. Với tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao như trên là minh chứng rõ nét thể hiện quyền làm chủ của người dân được tôn trọng, bảo đảm. Ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt từng đánh giá rằng: "Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận".
Thời gian qua, một số trang mạng xã hội ở nước ngoài đã đưa tin sai lệch, xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền hòng gây tổn hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc. Tuy nhiên, mỗi lá phiếu nêu trên của các quốc gia bầu chọn Việt Nam vào thành viên của Hội đồng Nhân quyền và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như những nỗ lực, thực tiễn đời sống của Việt Nam và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, sự tin tưởng của Nhân dân đã trực tiếp bác bỏ các quan điểm sai trái của các lực lượng thù địch phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.
ĐÌNH VƯƠNG-NGỌC MẠNH