Nhượng quyền thương mại – Thực trạng và giải pháp

Những năm qua, phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại (NQTM) đã trở thành một kênh đầu tư được giới kinh doanh vận dụng để đưa các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mở rộng vào thị trường Việt Nam và ngược lại cũng là mô hình chủ đạo để các DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hoạt động NQTM tại Việt Nam vẫn còn mang tính sơ khai và nhiều thách thức cần được tháo gỡ.

Ban biên tập đã có cuộc mạn đàm về vấn đề Nhượng quyền thương mại - thực trạng và giải pháp với 3 đại biểu khách mời là: TS.Đinh Thế Hiển- Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng - IIB; LS - NCSTSLH Trịnh Hữu Thịnh - P.Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Quản trị kinh doanh – EBM và GS.TSKH Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế & Giáo dục Đông Nam Á.

Nhượng quyền thương mại - mô hình kinh doanh hiện đại và thị phần

TS. Đinh Thế Hiển- Viện trưởng- Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng - IIB cho biết:

Dựa trên những số liệu được công bố chính từ các cơ quan hữu quan do Viện IIB chúng tôi thu thập, thống kê, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, có 8.475 chợ, 1.009 siêu thị và 210 trung tâm thương mại nên được các nhà đầu tư ngoại đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động nhượng quyền thương hiệu một hình kinh doanh hiện đại trong thời đại công nghệ 4.0 cho mục tiêu hội nhập sâu, rộng trên trường quốc tế nói chung và thị trường trong nước nói riêng.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong cơ cấu ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay, khối thương mại hiện đại và truyền thống được chia theo tỷ lệ 25% – 75%. Trong đó, các DN FDI chiếm khoảng 30% – 40% của 25% hệ thống thương mại hiện đại. Những năm qua, phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại (NQTM) đã trở thành một kênh đầu tư được giới kinh doanh vận dụng để đưa các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mở rộng vào thị trường “ béo bở” tại  Việt Nam với mật độ dân số cao, sức tiêu thụ mạnh, thu nhập của người dân ngày càng tăng và độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn cũng là những yếu tố thu hút doanh nghiệp ngoại tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường thông qua nhượng quyền thương hiệu và ngược lại cũng là mô hình chủ đạo để các DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hoạt động NQTM tại Việt Nam vẫn còn mang tính sơ khai và nhiều thách thức cần được tháo gỡ.

Trên thực tế, phương thức kinh doanh NQTM xuất hiện tại Việt Nam từ trước năm 1975, thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như: Mobil, Exxon (Esso), Shell. Sau đó, NQTM xuất hiện trở lại vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc dân loại hình kinh doanh NQTM ngày càng được nhiều thương gia, doanh nghiệp triển khai áp dụng bởi các đặc tính hiện đại, thuận lợi của nó. Giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2018, Việt Nam đã cấp phép cho 213 DN nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến các thương hiệu lớn như: McDonalds, Baskin Robbins (Hoa Kỳ), Pizza Hut, Burger King (Singapore), Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensens (Malaysia), Karren Millen, Coast London (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi (Italia)… Lĩnh vực nhận NQTM từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất ở Việt Nam là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng chiếm 41,31%; cửa hàng bán lẻ nội thất, mỹ phẩm, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng khác…chiếm 15,49%; thời trang chiếm 14,08%; giáo dục - đào tạo chiếm 11,47%…   Chỉ tính riêng năm 2018, Việt Nam đã cấp phép nhượng quyền cho 17 DN nước ngoài với các thương hiệu như: JYSK A/S (Đan Mạch - chuyên đồ gia dụng, trang trí); Puma SE (Đức - giày và quần áo thể thao); Factory Japan Group (Nhật Bản- massage)…

Tiêu biểu cho mô hình NQTM của các DN Việt Nam phải kể đến Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery, thời trang Ninomax, Foci, giày dép T&T, kinh doanh cà phê Bobby Brewers … Trong đó, Phở 24, DN tư nhân Đức Triều (kinh doanh sản phẩm giày dép da, túi xách thương hiệu T&T) và Công ty TNHH Vũ Giang (kinh doanh cà phê Bobby Brewers) đã được cấp phép nhượng quyền ra nước ngoài.

Việc phát triển kinh doanh theo phương thức NQTM đã giúp các DN NQTM tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm DN. Nhờ uy tín của các thương hiệu lớn nhượng quyền, sản phẩm của các DN vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Các DN cũng tiết kiệm đáng kể chi phí để tạo dựng thương hiệu cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng. Hoạt động NQTM không chỉ mang lại cơ hội đầu tư kinh doanh lớn cho các chủ đầu tư mà còn là phương cách giúp mở rộng, phát triển thị trường nội địa cạnh tranh lành mạnh. Với việc nhận NQTM từ các DN nước ngoài, các DN Việt Nam được chuyển giao những thương hiệu có uy tín và được học hỏi, tiếp cận cách thức kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới. Hiện, ngày càng nhiều DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua NQTM.

Hiện xu hướng NQTM tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một DN nội địa phát triển hệ thống chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh(gọi là phát triển hệ thống chuỗi). Rất ít thương hiệu quốc tế tại Việt Nam phát triển thị trường qua hình thức nhượng quyền cấp 2(gọi là nhượng quyền thứ cấp), khi đối tác cấp 1 tiếp tục nhượng quyền từng chi nhánh hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo.

Theo Hiệp hội Nhượng quyền Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu được xác định là có giá trị nhất cho việc mở rộng toàn cầu. Các lĩnh vực tiềm năng cho các DN nhượng quyền bao gồm: Thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng được dự báo sẽ là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu khu vực ASEAN.

Mặc dù tiềm năng thị trường NQTM của Việt Nam là rất lớn, nhưng vẫn còn những thách thức do hoạt động NQTM ở Việt Nam còn mang tính tự phát và thiếu chuyên nghiệp. Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Các DN Việt Nam khi nhượng quyền ra nước ngoài không chỉ cạnh tranh quyết liệt với các nhà nhượng quyền hàng đầu tại thị trường quốc tế mà còn đối mặt với không ít khó khăn như: Thiếu vốn, thiếu trình độ quản lý và kiểm soát, chưa chuẩn hoá được quy trình và thương hiệu, chưa hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp nên hầu như chưa thực hiện được mô hình NQTM toàn diện, ít quan tâm đến bảo hộ thương hiệu. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nội địa mạnh và uy tín nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền, làm giảm khả năng nhượng quyền lẫn nhận NQTM của các DN Việt Nam trên trường quốc tế lẩn nội thương trong nước. Ngoài ra, DN NQTM trong nước cũng gặp khó khăn về chi phí khi thuê mặt bằng kinh doanh. Việc gia hạn hợp đồng thuê không thuận lợi, buộc người nhận NQTM phải chuyển địa điểm kinh doanh, làm mất đi lượng khách hàng quen thuộc đã làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của thương gia, DN. Bên cạnh đó các hành vi đó những hành vi hám lợi, bất chấp các qui phạm pháp, đạo đức xã hội trong kinh doanh của không ít doanh nghiệp- bên nhượng quyền đã tạo ra những rào cản, sức ì gây ra tâm lý bất an cho thương gia, doanh nghiệp bỏ vốn kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu.

Cẩn trọng khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại.

LS - NCSTSLH Trịnh Hữu Thịnh - P. Viện trưởng- Viện Nghiên cứu Giáo dục & Quản trị kinh doanh - EBM

Tiếp theo ý kiến của tiến sĩ Đinh Thế Hiển, với tư cách là một người hành nghề luật sư, một giảng viên ngành luật thương mại tại các trường đại học tôi xin đóng góp như sau. Mặc dù không còn mới lạ, nhưng đến nay mô hình kinh doanh nhượng quyền vẫn là một mô hình kinh doanh hiện đại. Đặc thù của loại hình nhượng quyền thương mại phải đáp ứng các điều kiện cần và đủ rất khắt khe. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến tiêu chuẩn tiên quyết là hội đủ điều kiện cần theo qui định pháp luật. Vì đây là mấu chốt của sự thành bại trong giao dịch nhượng quyền thương mại, hay nhượng quyền thương hiệu nào đó.

Theo Luật Thương mại năm 2005 và Văn bản hợp nhất Số: 17/VBHN-VPQH do Văn phòng Quốc hội công bố  ngày 05/7/2019 đã qui định và mô tả rất rõ tại mục 8, từ  Điều 284 - 291. Chính phủ cũng đã ban hành các qui phạm pháp qui điều chỉnh quan hệ, giao dịch và thúc đẩy mô hình kinh doanh nhượng quyền phát triển cụ thể như;

Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;

Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa;

Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;

Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại;

Nghị định 09/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa;

- Thông tư số 04/2016/TT-BCT ngày 6/6/2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, NQTM, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực…

- Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM, Thông tư số 09/2006/TT-BTM, ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại(nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn đăng ký hoạt động NQTM…

Với một hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, pháp qui đồ sộ như vừa liệt kê, tôi cho rằng, đã đủ để điều chỉnh mô hình nhượng quyền thương mại. Vấn đề đáng quan tâm là việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia giao dịch và năng lực quản lý, thái độ và lương tâm chức nghiệp của cán bộ, công chức nhà nước tại các cơ quan có thẩm quyền có thực thi đúng và đủ hay không mà thôi?

Một số giải pháp

GS.TSKH Nguyễn Văn Tài- Viện trưởng- Viện Quản lý kinh tế & Giáo dục Đông Nam Á phát biểu:

Để hạn chế rủi ro, thiệt hại trong trong hoạt động kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại tôi có một vài suy nghĩ như sau: Tôi đồng tình, và ủng hộ quan điểm của anh Hiển, anh Thịnh về thực trạng mô hình nhượng quyền thương hiệu với các giá trị mang lại cho nền kinh tế quốc dân trong nền kinh tế mở hiện nay. Cho nên, tôi xin phát biểu ngắn gọn những nội quan trọng và cần thiết. Đó là:

Một là, DN cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận các kinh nghiệm, kiến thức, pháp luật, các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực NQTM và tuân thủ các quy định của pháp luật về NQTM;

Hai là, DN cần xác định tính khả thi của mô hình nhượng quyền đối với ngành nghề DN đang kinh doanh, tái cấu trúc, củng cố và phát triển nội lực DN trước khi chuyển sang áp dụng mô hình nhượng quyền;

Ba là, chú trọng các chương trình đào tạo về NQTM trong bối cảnh hội nhập cho cộng đồng DN và sinh viên tại các trường đại học. Các DN nhượng quyền cần có chính sách đào tạo cho đối tác nhận quyền để triết lý kinh doanh từ DN nhượng quyền mới chuyển giao cho DN nhận nhượng quyền theo đúng quy chuẩn. Xây dựng khung chương trình đào tạo khoa học về các kiến thức của hoạt động NQTM, trong đó bao gồm cả kiến thức pháp luật về NQTM..

Bốn làsớm thành lập Hiệp hội NQTM Việt Nam để thúc đẩy hoạt động NQTM phát triển có chất lượng cao hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn về tổ chức, điều phối và phát triển có định hướng loại hình NQTM.

Hồ Ngọc Nhân (tổng hợp)

...
  • Tags: