Một quốc gia có nền hành chính thông suốt, hiện đại là nền tảng cơ bản góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của đất nước, chính vì vậy, công cuộc cải cách hành chính luôn được các quốc gia trên thế giới quan tâm. Trong thời đại hiện nay, cùng với xu thế phát triển của khu vực và thế giới, công cuộc cải cách hành chính luôn được đảng và nhà nước ta quan tâm hết sức đặc biệt, luôn gắn với công cuộc đổi mới đất nước.
Với ý nghĩa và vai trò của cải cách hành chính nên hiện nay, cải cách hành chính nhà nước được tiếp cận ở nhiều phương diện khác nhau:
Thứ nhất: xét về thẩm quyền hành chính: cải cách hành chính là quá trình cải cách hệ thống các quy định của pháp luật về các trình tự, thủ tục để thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước, cá nhân có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương.
Thứ hai: xét về trình tự thủ tục giải quyết công việc: cải cách hành chính là quá trình cải cách các quy định về các loại thủ tục hành chính; cải cách việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Từ những quan điểm trên có thể khái quát: Cải cách hành chính là quá trình xây dựng một nền hành chính tiên tiến, dân chủ, thống nhất, có đủ năng lực để thực hiện hiệu quả chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhằm bảo đảm tính pháp lý trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc liên quan đến hành chính.
Với ý nghĩa, vai trò của cải cách hành chính nên đảng và nhà nước ta luôn quan tâm và được xem là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cụ thể năm 1994, chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38-CP ngày 04/5/1994 về cải cách một bước về thủ tục hành chính, đây được xem là văn bản đầu tiên cho việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về CCHC. Sau khi Nghị quyết 38 được ban hành với nhu cầu phát triển của xã hội cần có cải cách đồng bộ nền hành chính, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đến nay là Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Từ khi có các nghị quyết, quyết định chỉ đạo công tác cải cách hành chính nhà nước, hàng loạt các bộ thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội được niêm yết công công khai ở công thông tin, trụ sở làm việc của các bộ, ngành trung ương đến ủy ban nhân dân các cấp, bộ thủ tục hành chính đã giúp người dân tiến cận công việc hành chính một cách công khai, minh bạch.
Từ khi có bộ thủ tục hành chính cũng như sự nỗ lực chung tay cải cách hành chính thì thời gian trả kết quả giải quyết công việc theo thủ tục hành chính đã được cải thiện và rút ngắn. Tùy thuộc vào tính chất của mỗi công việc hành chính, thì thời gian giải quyết các công việc hành chính dài hay ngắn, có những công việc được xử lý ngay trong ngày và có những công việc cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan nên thời gian để giải quyết công việc là trong ngày hoặc kéo dài hơn nhưng nhìn chung về thời gian giải quyết thủ tục hành chính được giảm dần qua các năm đã đáp ứng kỳ vọng của người dân và doang nghiệp. Có được kết quả trên là một nỗ lực rất lớn từ các cơ quan Trung ương đến địa phương trong việc cải cách loại bỏ, giảm bớt thủ tục không cần thiết.
Như vậy, gần ba thập kỷ thực hiện chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước về công cuộc cải cách hành chính nhà nước đã bước đầu xây dựng được nền hành chính hoạt động thông suốt, hiệu quả góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Từ thực tiễn giải quyết các công việc hành chính hiện nay, hệ thống hành chính các cấp đã thực hiện xử lý các công việc hành chính đối với những thủ tục hành chính đơn giản đã xử lý ngay trong ngày, còn đối với đại đa số các công việc khác thì thủ tục hành chính do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau khi giải quyết các công việc đối với người dân và doanh nghiệp còn “hẹn dân” về thời gian trả kết quả.
Để khắc phục tình trạng nền hành chính “hẹn dân” thiết nghĩ công cuộc cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để đưa một nền hành chính “hẹn dân” về thời gian giải quyết công việc sang một trạng thới mới “dân hẹn” nhà nước về thời gian khi giải quyết công việc hành chính, thiết nghĩ cơ quan hành chính cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất: các cơ quan hành chính nhà nước cần áp dụng triệt để những thành tựu của khoa học công nghệ thông tin vào quản lý hành chính nhà nước.
Thông tin, tuyên truyền, tổ chức đồng loại các hoạt động để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thao tác sử dụng công nghệ thông tin để ứng dụng vào quy trình giải quyết các công việc hành chính. Người dân, doanh nghiệp không cần đến cơ quan hành chính nhà nước nhưng vẫn thực hiện thao tác xử lý thủ tục hành chính thông qua hệ thống thông tin mạng internet.
Thực tiễn nghiên cứu một vài thủ tục hành chính thấy rằng nhà nước cần đa dạng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý hành chính sẽ góp phần giảm giảm bớt thời gian cũng như giảm tải áp lực công việc khi xử lý thủ tục hành chính, nhà nước không phải tiến hành nhiều thủ tục không cần thiết. Đơn cử trường hợp, khi người dân, doanh nghiệp muốn đi vay vốn ngân hàng thì phải cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất đi thế chấp để bảo đảm khoản vạy. Các thủ tục phải qua nhiều bước, từ việc thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng vay tài sản, đến thủ tục hành chính phải đăng ký với Văn phòng đăng ký đất đai để nhận xác nhận tài sản thế chấp, sau khi có xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai để thế chấp quyền sử dụng đất thì cá nhân, tổ chức mới quay lại ngân hàng để tiến hành vay vốn. Nếu như ứng dụng công nghệ mã vạch cho mỗi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có sự chia sẻ số liệu hồ sơ quản lý đất đai giữa Văn phòng đăng ký đất đai với các ngân hàng hoặc bỏ qua thủ tục đăng ký thế chấp mà ngân hàng chỉ cần có công chứng hợp đồng vay tài sản đồng thời kiểm tra mã vạch thửa đất có đúng với chủ sở hữu (người vay) là đảm bảo cho hoạt động thế chấp tài sản...nếu làm được như vậy nhà nước sẽ giảm bớt rất nhiều thời gian cũng như các khoản phí mà người dân và doanh nghiệp phải chi trả cho các hoạt động thủ tục hành chính.
Thứ hai: cụ thể hóa trách nhiệm và quyền lợi cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giải quyết công việc hành chính
Mỗi cán bộ, công chức khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao luôn có ý thức và trách nhiệm trong công việc nhưng hiện nay cũng chưa có một định lượng cụ thể nào để đánh giá được tốc độ giải quyết công việc hành chính của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Các công việc hành chính thường được xử lý trong giờ hành chính, nhà nước chưa thực sự kiểm soát được tốc độ giải quyết công việc của mỗi cán bộ, công chức. Nên chăng cần có chính sách khoán số lượng công việc cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ để có cơ sở nhận biết năng suất, tần suất giải quyết công việc hành chính mỗi ngày của cán bộ, công chức, viên chức. Khi đã xác định được số lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện, cơ quan chủ quả sẽ có chính sách hỗ trợ đặc biệt về vật chất, tinh thần đối với cán bộ, công chức, viên khi thực hiện tốt các nội dung công việc trên tinh thần phụ cấp tính theo số hồ sơ, công đoạn thủ tục hành chính hoàn thành. Cá nhân, tổ chưc nào được giao quyền xử lý các công việc hành chính được nhiều thì được trích khoản lệ phí nhiều và ngược lại, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm phải đi đôi với nhau.
Thứ ba: về thời gian giải quyết công việc
Về tâm lý chung của cá nhân, tổ chức khi giải quyết công việc hành chính luôn mong muốn giải quyết công việc một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện các công việc hành chính, họ không cần giải quyết ngay, cũng có những người cần thực hiện giải quyết ngay. Cho nên, khi cơ quan hành chính giải quyết các thủ tục hành chính cần xem xét lại nhu cầu mỗi người. Khi cùng thực hiện một thủ tục hành chính có những người cần làm ngay hoặc có những người chưa cần xử lý ngay thì có nhà nước cần xây dựng một khung lệ phí dịch vụ khác nhau. Như vậy, sẽ giải quyết được câu chuyện cần lấy ngay hoặc không cần lấy ngay sẽ giảm áp lực trong thực hiện thủ tục của các công chức, viên chức.. Nếu nhận kết quả thủ tục hành chính chậm thì phải nộp khoản lệ phí ít, người có nhu cầu nhận kết quả ngay thì phải nộp khoản phí nhiều... số tiền phí dịch vụ sẽ được phân bổ lại cho công chức, viên chức khi tham gia giải quyết công việc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Có như vậy mới thực sự giải quyết được công việc cào bằng về thời gian giải quyết công việc hành chính hiện nay đồng thời sẽ tránh trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vì áp lực công việc phải trả kết quản đúng hẹn phải làm việc ngoài giờ, trong khi đó phụ cấp làm việc ngoài giờ chưa tương xứng với công việc bỏ ra, khó thúc đẩy sự hưng phấn trong xử lý công việc của cán bộ, công chức.
Nên chăng nhìn nhận thực tiễn cách thức giải quyết công việc hành chình nhìn từ thực tiễn hoạt động khám chữa bện của ngành y tế, có trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh theo trình tự, thủ tục thông thường thì các khoản phí lệ phí thường rẻ hơn và khám bệnh theo dịch vụ thì thời gian có thể rút ngắn nhưng phải trả các khoản phí và lệ phí cao, việc tổ chức khám bện đối với 2 loại hình dịch vụ trên đã được bệnh nhân hưởng ứng, tạo sự công bằng cũng như nhu cầu của từng người trong khám, chữa bệnh.
Thứ tư: Đa dạng hóa trung tâm hỗ trợ dịch vụ công.
Xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch công là một chủ trương đúng của đảng, từ thực tiễn các lĩnh vực xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế đã tháo gỡ được áp lực cho nhà nước trong việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước, giảm gánh nặng áp lực biên chế nhà nước.
Như trước đây việc thực hiện công chứng, chứng thực do cơ quan nhà nước đảm nhận nhưng khi thực hiện xã hội hóa lĩnh vực này thì việc công chứng, chứng thực giữa công chứng tư (Văn phòng công chứng) và Phòng công chứng (công chức nhà nước), một khi có sự xã hội hóa phá vỡ được tính độc quyền của nhà nước, có sự cạnh tranh thực sự về thời gian giải quyết công việc cũng như cung cách phục vụ của các đơn vị công chứng tư và công chứng công này luôn có sự cạnh tranh về mặt thời gian cũng như cung cấp các dịch vụ đã đem lại sự hài lòng của cá nhân, doanh nghiệp, đã giảm áp lực về ngân sách nhà nước phải chi cho các hoạt động này.
Ở nước ta đã thành lập Trung tâm hành chính công ở các địa phương với mục đích thúc đẩy hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính cấp huyện đều có trung tâm hành chính công để hỗ trợ cá nhân, tổ chức khi tham gia giải quyết công việc hành chính đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp đáp ứng kỳ vọng tiến tới một nền hành chính hoạt động thông suốt hiệu quản.
Ngoài những kết quả đạt được đó là giảm sự phiền hà đi lại giải quyết công việc hành chính cho người dân, doanh nghiệp không phải đi đến nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục hành chính, thì mỗi cơ quan hành chính đều cử người đại diện của cơ quan đơn vị đến Trung tâm hành chính công để tiếp nhận các công việc hành chính của cá nhân, tổ chức đến yêu cầu thực hiện, về thời gian đã giảm đáng kể khi thực hiện thủ tục hành chính nhưng về nguồn nhân lực để phục vụ cho các cơ quan này không giảm. Nhiều trường hợp khi cá nhân, tổ chức đến nộp các giấy tờ để xử lý công việc hành chính nhưng vì không quen thao tác, các bước thực hiện nên rất mất thời gian cho công chức, viên chức phải xử lý lại hồ sơ cũng như thời gian hướng dẫn các thủ tục.
Từ thực tiễn này, nhà nước cần có quy định cho phép tư nhân thành lập các Trung tâm hỗ trợ thủ tục hành chính công. Thông qua dịch vụ này họ sẽ chuyên nghiệp hơn trong việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính tránh trường hợp cá nhân, tổ chức phải thực hiện việc đi lại nhiều lần bởi vì họ không quen các bước trong việc giải quyết thủ tục hàng chính, nhiều người cùng đến Trung tâm hành chính công rất lãng phí về thời gian cũng như bố trí không gian cho người dân đến thực hiện công việc. Nếu xã hội hóa cho phép trung tâm hỗ trợ dịch vụ công hoạt động chỉ cần một người của Trung tâm hỗ trợ dịch vụ công sẽ thay mặt cho nhiều người đến làm việc sẽ giảm tài được không gian, thời gian và đặc biệt đội ngũ này tất nhiên có tính chuyên nghiệp hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Cải cách thủ tục hành chính là một chủ trương, chính sách lớn của đảng và nhà nước ta, cải cách hành chính góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả. Từ thực tiễn của giải quyết thủ tục hành chính hiện nay ở nước ta với những giải pháp đồng bộ trên, thiết nghĩ nền hành chính nước ta là nền hành chính phụ vụ công vụ, để người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực sự là người được phục vụ trong quan hệ hành chính còn cơ quan nhà nước thực sự là người phục vụ.
Vậy không có lý do nào mà người được phục vụ lại phải lệ thuộc về thời gian của người phục vụ, nên chăng để người được phục vụ có quyền hẹn về thời gian khi giải quyết các công việc hành chính. Các thủ tục hành chính khi người dân đến thực hiện có thể yêu cầu nhà nước xử lý ngay trong ngày hoặc 15 ngày hoặc 30 ngày… là tùy thuộc vào nhu cầu công việc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Trên cơ sở quy định chung về thời gian giải quyết công việc hành chính cho mỗi việc được nhà nước đặt ra, nhà nước có thể so sánh với thời gian mà cá nhân, tổ chức yêu cầu để tính phí cho phù hợp. Nếu nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần giải quyết tốt thủ tục hành chính nhanh gọn là mục tiêu của nền công vụ tiên tiến sẽ hướng tới, sẽ giải quyết được nền hành chính “hẹn dân” sang nền hành chính “dân hẹn”./.
GVC.TS. Lê Văn Quyến
Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 38-CP ngày 04/5/1994 về việc cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức do Chính phủ ban hành;
- Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 13/6/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
- Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.